mercredi 12 octobre 2011

Vụ thảm sát Thiên An Môn - Hồi ký Triệu Tử Dương (1)


CHƯƠNG I

VỤ THẢM SÁT THIÊN AN MÔN

1)    Khởi đầu các cuộc biểu tình của sinh viên

Bảy năm trước đây (1), do sợ quên mất một số điều, tôi đã ghi chép về sự cố “ngày 4/6”, một kiểu biên niên. Ngày nay tôi muốn nói trên cơ sở những ghi chép này, gồm một số điều tôi đã nói trước đại hội toàn thể lần thứ tư của Hội nghị trung ương 13 (2), cũng như một số điều chưa nói.

Ai đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình sinh viên đó? Bắt đầu là từ các sự kiện kỷ niệm Hồ Diệu Bang (3) ngày 15/04/1989. Ngay buổi tối hôm cái chết của ông được loan báo, các sinh viên Bắc Kinh đã có sáng kiến tổ chức các hoạt động tưởng niệm ông. Họ xuống đường, càng lúc càng thêm đông đảo. Một số vì quá xúc động đã phát biểu hơi quá trớn, nhưng nói chung là mọi việc diễn ra trong trật tự, không có gì là quá khích.

Ngày 19 và 19/4, hàng trăm người đã tụ tập trước Trung Hoa Môn (4). Tôi đã xem các băng ghi hình của bên công an: các sinh viên ở hàng đầu liên tục hô lên: “Hãy giữ trật tự! Đừng có quá lố!”.Đằng sau họ là một đám đông vô số những người hiếu kỳ. Các sinh viên đòi hỏi được ai đó tiếp, đằng sau thì đám đông xô đẩy, và rồi đã lớn chuyện hơn. Sinh viên bèn cử ra một đội trật tự để kìm lại đám đông.

Ngày 22/4, khi các lễ nghi tưởng niệm chính thức (5) tiến hành, tại quảng trường Thiên An Môn có hơn một chục ngàn sinh viên, họ được phép hiện diện tại đó. Chúng tôi đã cho gắn các loa phóng thanh để có thể theo dõi buổi lễ đang diễn ra. Tình hình là như thế, trước khi xuất hiện bài xã luận của Nhân dân Nhật báo ngày 26/4.

Tại sao sinh viên lại nhiệt tình đến như thế trong lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang ? Nguyên nhân khá phức tạp.

Trước hết, ông Hồ Diệu Bang có được hình ảnh rất tốt đẹp. Ông đã phục hồi danh dự cho rất nhiều nạn nhân bị oan ức, xưng tụng việc cải cách và mở cửa, nhất là ông không hề ăn hối lộ. Người dân ngày càng ta thán về nạn tham nhũng, và dịp kỷ niệm này là cơ hội để bày tỏ nỗi bất bình đó. Thứ đến, nhiều người đã bất mãn, thậm chí phẫn nộ về cách thức mà ông bị truất phế (khỏi chức vụ Tổng bí thư) năm 1987. Một mặt, họ phản đối lại chiến dịch chống mở rộng tự do vào lúc đó, mặt khác, họ không chấp nhận được cái cách thay đổi lãnh đạo như thế, thấy rằng ông Hồ Diệu Bang đã bị đối xử bất công. Lý do thứ ba, vào mùa thu năm 1988 với chủ trương đưa vào khuôn khổ (6) mang tên “tái tổ chức”, chính sách cải cách và mở cửa đã bị chậm lại. Việc cải cách chính trị bị bế tắc, cải cách kinh tế không tiến triển, thậm chí còn thụt lùi.

Giới sinh viên, bất mãn trước thực trạng, đã lợi dụng các lễ kỷ niệm để bày tỏ sự mong đợi của họ trong việc cải cách sâu sắc hơn. Những người xuống đường có thể chia làm ba loại : đại đa số như đã mô tả như trên, một bộ phận khác bất mãn với chính sách và nhân dịp này muốn được lắng nghe, cuối cùng có một thiểu số chống lại Đảng và chủ nghĩa xã hội, muốn khai thác cơ hội.

Trong một cuộc họp Bộ Chính trị, tôi đã nói rằng chúng ta không thể ngăn cấm các sinh viên tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, trong khi chính chúng ta tổ chức tang lễ : điều đó thật vô nghĩa. Đó là lý do khiến tôi dự kiến chỉ trừng phạt năm loại vi phạm sau đây : bạo lực, đập phá, cướp bóc, phóng hỏa và xâm nhập bất hợp pháp. Còn lại thì tôi chỉ đề nghị các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng.

Sau buổi lễ kỷ niệm, tôi đề nghị ba hướng :

- Quay lại tình trạng bình thường. Sinh viên cần phải ngưng biểu tình và đi học lại.
- Mở ra một cuộc đối thoại đa dạng và chân thành với sinh viên, ở tất cả mọi cấp độ, bằng tất cả các kênh. Sinh viên, giáo viên và giới trí thức cần phải được tự do bày tỏ ý kiến.
- Tránh một cuộc tắm máu bằng mọi giá, trong khi vẫn nghiêm khắc đối với năm loại vi phạm kể trên.

Các đề nghị trên đây được Lý Bằng và các thành viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị thông qua (7), văn bản được phổ biến đến tất cả các cấp. Đó là ba hướng tôi đã đề nghị trước khi đi thăm Bắc Triều Tiên. Tôi đã gợi ý với các lãnh đạo Trung ương Đảng trong thang máy, sau buổi lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, rồi sau đó mới nêu lên chính thức. Chiều ngày 23/4 khi tôi lên đường đi Bắc Triều Tiên, Lý Bằng đến nhà ga chào tôi và hỏi tôi có muốn đề nghị gì thêm không. Tôi trả lời rằng vẫn giữ nguyên ba điểm trên. Sau này tôi mới biết, Lý Bằng đã thông báo cho Đặng Tiểu Bình và ông Đặng đã thuận tình.

Như vậy, không có sự khác biệt ý kiến trong Thường vụ, và dù sao nếu có thì đã không có ai công khai phát biểu. Tôi nhớ lại một điều : tối 19/4, Lý Bằng gọi điện khẩn cho tôi : « Các sinh viên đang muốn tiến công vào Trung Hoa Môn, sao chúng ta lại không có biện pháp ? ». Tôi trả lời là Kiều Thạch phụ trách an ninh, và ông ấy có thể xử lý theo như kế hoạch đã định. Sau đó tôi cho Kiều Thạch biết về cuộc trao đổi này. Trên thực tế, sáng 20/4 sinh viên đã bị giải tán, một thiểu số còn ở lại đã bị công an áp tải lên xe buýt và đưa đến trường đại học.

Đó là tình hình của phong trào sinh viên và chủ trương của Thường vụ trước khi tôi đi Bắc Triều Tiên.

Chú thích :
(1)       Phân tích nội dung các cuộn băng cassette thì thấy chúng được ghi âm vào khoảng năm 2000, như vậy « cách đây 7 năm » có nghĩa là vào khoảng 1992 hay 1993.
(2)       Hội nghị này diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 23 và 24/06/1989, có mục đích hợp pháp hóa vụ đàn áp ngày 4/6, khi cho xe tăng tiến vào Thiên An Môn.
(3)       Hồ Diệu Bang (1915 -1989), Tổng bí thư ĐCSTQ từ 1980 đến 1987, lãnh tụ chủ trương cải cách, bị buộc từ chức ngày 01/01/1987.
(4)       Cổng vào trụ sở ĐCSTQ ở Trung Nam Hải, phía tây đại lộ Tràng An.
(5)       Ngày 22/04/1989, tang lễ Hồ Diệu Bang được ĐCSTQ tổ chức tại Nhân dân Đại hội đường ở quảng trường Thiên An Môn. Chủ tịch nước Dương Thượng Côn chủ trì, Tổng bí thư Triệu Tử Dương đọc điếu văn.
(6)       Tháng 9/1988, đại hội toàn thể lần thứ ba của Hội nghị 13 quyết định « Cải thiện môi trường kinh tế, tái lập trật tự và cải cách sâu rộng trên mọi lãnh vực ».
(7)       Thường vụ Bộ Chính trị thời điểm đó gồm có 5 người : Triệu Tử Dương, Lý Bằng, Kiều Thạch, Hồ Khải Lập và Diêu Y Lâm.

2)    Bài xã luận ngày 26/4 đổ dầu vào lửa :

Các đòi hỏi của sinh viên cuối cùng luôn được bộc lộ, nếu không ngay lập tức thì cũng sau đó. Họ luôn sẵn sàng phản kháng ! Nhưng nếu các cuộc biểu tình của sinh viên đạt đến tầm cỡ quy mô như vậy, đó là do bài xã luận ngày 26/4. Tình hình đã hoàn toàn thay đổi, trước và sau khi đăng bài này. Nếu các biện pháp thích hợp được áp dụng đúng lúc, làm những gì phải làm, thì đã không trầm trọng đến thế.

Ngày 19/4, tôi đến gặp Đặng Tiểu Bình để bàn về chuyến đi Bắc Triều Tiên sắp tới, cũng như tình hình phong trào sinh viên, và cách thức mong muốn để giải quyết vấn đề. Đặng bày tỏ sự ủng hộ tôi. Nhưng thật kỳ lạ, buổi tối tôi rời Bắc Kinh, Lý Tích Minh (Bí thư Thành ủy) và Trần Hy Đồng (Thị trưởng Bắc Kinh) (1) đã đi gặp Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Vạn Lý (2), yêu cầu họp Thường vụ Bộ Chính trị để nghe họ báo cáo tình hình. Vạn Lý đã rơi vào bẫy của họ. Ngay từ đầu, ông cũng có cùng nhận định với tôi về phong trào sinh viên. Tuy vậy ông đã chuyển lại yêu cầu cho Lý Bằng, người phụ trách Thường vụ khi tôi đi vắng. Ông này không để mất thời gian : triệu tập hội nghị ngay tối hôm sau. Dưới sự chủ tọa của Lý Bằng, Lý Tích Minh và Trần Hy Đồng cố sức mô tả tình hình là vô cùng nghiêm trọng, mà không lưu tâm đến thực tế vốn đang bắt đầu lắng dịu.

Thực ra thì trong sinh viên lúc đó bắt đầu có chia rẽ. Một số muốn đi học lại và đã quay trở về trường, một thiểu số chống lại. Tại một số trường còn có những va chạm, các sinh viên cực đoan nhất phong tỏa lối vào lớp học. Nhiều sinh viên vẫn còn cảm thấy cay đắng và muốn tỏ bày, chỉ có thế, không hơn. Trong lúc này, nếu muốn thuyết phục và tỏ ra quan tâm để tiến hành đối thoại, với việc cho phép sinh viên đưa ra các yêu sách hợp lý, thì vẫn còn thời gian.

Tuy vậy trong báo cáo, Lý Tích Minh và Trần Hy Đồng lại dựng lên là « Một phong trào tầm cỡ quốc gia gồm giới sinh viên và công nhân đang được tổ chức ». Họ nói rằng các sinh viên Bắc Kinh đã gởi các đại diện đi khắp cả nước để liên lạc, gây quỹ nhằm tăng cường quy mô của phong trào. Họ đặc biệt nhấn mạnh các phát biểu của một vài cá nhân cực đoan – nhất là về Đặng Tiểu Bình, và quy cho phong trào sinh viên là nhắm vào việc đả kích cá nhân ông Đặng, cũng như Đảng Cộng sản.

Từ khi có chính sách mở cửa, sinh viên ngày càng tiếp xúc nhiều với văn minh phương Tây. Đối với họ thì bình phẩm về lãnh đạo cũng vô hại thôi, khác hẳn với không khí căng thẳng trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Một số lời chỉ trích cũng nhắm vào tôi nữa, nói về con cái tôi, hay câu chuyện đồn đãi về các toa tàu chở phân bón đến quê tôi.

Với con số hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người tham gia, thì không thể nào tránh được việc có những hành động chệch hướng, những phát biểu quá lời. Nếu bạn tập hợp lại khoảng một chục câu nói cực đoan nhất, thì có lẽ nghe cũng kinh khủng lắm. Tôi không hiểu Lý Tích Minh và Trần Hy Đồng hành động như thế là do quan điểm cổ lỗ sỉ về đấu tranh giai cấp, hay là có hậu ý gì khác. Hội nghị Trung ương ngày 24/4 đã đánh giá phong trào sinh viên là « Đấu tranh chính trị có tổ chức, có kế hoạch và dự mưu nhằm chống Đảng và chủ nghĩa xã hội », và ghi vào biên bản. Lý Bằng, Lý Tích Minh và Trần Hy Đồng là tác giả của cách đánh giá đó.

Ngày 25/4, Lý Bằng và Dương Thượng Côn (Chủ tịch nước) (3) báo cáo cho Đặng Tiểu Bình về hội nghị trên. Ông Đặng vẫn luôn chủ trương cứng rắn đối với các cuộc biểu tình sinh viên, cho là gây mất ổn định chế độ. Đặng Tiểu Bình lắng nghe họ, và thuận tình với việc đánh giá phong trào sinh viên là « nổi dậy chống Đảng và chống chủ nghĩa xã hội », đề nghị « thẳng tay trấn áp » để giải quyết tình hình.

Ngày 19/4 lúc tôi gặp ông Đặng, ông đã hoàn toàn đồng ý với tôi. Ngày 25/4, sau khi nghe Lý Bằng và Dương Thượng Côn, ông ta đã thuận theo họ, vì hợp với quan điểm lâu nay của ông. Cuộc trao đổi với Lý Bằng và phe đảng của ông ta là trong nội bộ, nhưng ngay tối hôm ấy, Lý Bằng quyết định phổ biến các nhận xét của Đặng Tiểu Bình đến tất cả các cấp bộ đảng. Và hôm sau, 26/4, chuyển thành bài xã luận đăng trên Nhân dân Nhật báo, công khai hóa cách đánh giá về phong trào sinh viên.
Trước khi tôi lên đường đi Bắc Triều Tiên, Lý Bằng và các lãnh đạo thành phố Bắc Kinh chưa bao giờ nói với tôi về quan điểm của họ. Tôi vừa rời khỏi Bắc Kinh, họ đã triệu tập ngay cái hội nghị trung ương đó, và trực tiếp tìm kiếm sự hỗ trợ của ông Đặng Tiểu Bình. Việc này đã làm thay đổi cách nhận định ban đầu của Thường vụ Bộ Chính trị, và các biện pháp sẽ áp dụng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.