samedi 8 octobre 2011

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (2)


2)    Quyết định sử dụng quân đội để trấn áp: 

Tôi không còn cách nào khác hơn là phải đến gặp Đặng Tiểu Bình để giải bày quan điểm của tôi về việc chỉnh lại bài xã luận ngày 26/4. Tôi gọi cho ông ấy hôm 17/5 để xin hẹn gặp. Không lâu sau đó, thư ký của ông cho tôi biết sẽ có một cuộc họp ở chỗ ông ấy ngay trong buổi chiều, với sự hiện diện của Dương Thượng Côn và Ban Thường vụ (...). Tôi đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ tay đôi, và sự kiện thay vào đó là một buổi họp cho thấy đây là điềm xấu.

Mở đầu cuộc họp, tôi trình bày quan điểm của mình. Một cách tổng quát, tôi nhấn mạnh những điều sau đây. Phong trào sinh viên không ngừng lớn rộng, tình hình xấu đi và trở nên hết sức nghiêm trọng, sinh viên, giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu và ngay cả các cán bộ hành chính cũng xuống đường. Số lượng người biểu tình nay được ước tính  khoảng ba trăm, bốn trăm ngàn người, có nhiều công nhân và nông dân có thiện cảm với phong trào. 

Hơn nữa, ngoài các yêu sách liên quan đến nạn tham nhũng và tính minh bạch, tất cả những người này phê phán chính quyền và Đảng là đã vô cảm trước việc tuyệt thực của các sinh viên, có vẻ như là chúng ta sẵn sàng để cho họ chết đi mà chẳng làm gì cả.

Cuộc đối thoại với các sinh viên đã vấp phải vấn đề bài xã luận ngày 26/4. Bài viết này khiến người ta không thể hiểu nổi, làm dấy lên sự chống đối…Hiện nay, phương cách hiệu quả duy nhất là trước mắt nhượng bộ đôi chút về cách đánh giá các cuộc biểu tình trong bài xã luận này. Đó là chìa khóa để giành được cảm tình của xã hội. Nếu gỡ bỏ cái nhãn mà bài xã luận trên đã gán cho sinh viên, chúng ta sẽ lại chủ động được. Ngược lại, nếu việc tuyệt thực lại tiếp diễn, nếu có những người chết, thì sẽ đổ dầu vào lửa. Một khi chúng ta sử dụng các biện pháp đối đầu với quần chúng, ta sẽ có nguy cơ mất kiểm soát toàn bộ tình hình.

Trong khi phân tích như trên, tôi đọc được trên gương mặt ông Đặng các dấu hiệu biểu lộ sự mất kiên nhẫn và bất đồng.

Ngay sau khi tôi trình bày xong, Lý Bình và Diêu Y Lâm liền đứng dậy chỉ trích tôi, quy cho tôi cái trách nhiệm là đã làm cho phong trào sinh viên dâng cao, qua bài diễn văn của tôi ngày 4/5 tại Ngân hàng Phát triển Á châu. Đây là lần đầu tiên tôi nghe họ phê bình tôi về bài diễn văn này. Họ phản đối trong thực tế, nhưng chưa bao giờ phát biểu công khai cả, và sự tấn công thô bạo của họ khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Việc họ đổ tội cho tôi không một chút đắn đo, chứng tỏ Đặng Tiểu Bình đã ngầm cho phép.

Vào cuối buổi họp, Đặng Tiểu Bình quyết : diễn tiến tình hình cho thấy bài xã luận ngày 26/4 đúng đắn hơn bao giờ hết. Và nếu phong trào sinh viên không lùi bước, thì phải đi tìm nguyên nhân ngay trong nội bộ Đảng, và nhất là trong bài diễn văn của Triệu Tử Dương ngày 4/5 trước Ngân hàng Phát triển Á châu. Không còn có thể lùi lại được nữa, nếu không thì không thể tái lập được trật tự. Cần phải triển khai quân đội tại Bắc Kinh, và ban hành lệnh thiết quân luật.

Sau đó ông ta ra lệnh cho Lý Bằng, Dương Thượng Côn và Kiều Thạch lập ra một nhóm phụ trách thực hiện quyết định trên. Khi ông ta nói xong, tôi lại phát biểu tiếp : Đương nhiên là cần phải có quyết sách, còn hơn là không có gì cả, nhưng tôi rất lo lắng về những hậu quả nặng nề sẽ xảy ra. Với vai trò Tổng bí thư, sẽ rất khó cho tôi trong việc tổ chức thực hiện quyết định này. Đặng Tiểu Bình nói là, nếu quyết định tỏ ra tệ hại, thì tất cả chúng tôi sẽ cùng chịu trách nhiệm (…)

Tôi hết sức buồn bực và nghĩ rằng, dù gì đi nữa, tôi sẽ không là người Tổng bí thư cho triển khai quân đội để càn quét sinh viên. Khi về nhà, tôi yêu cầu Bào Đồng soạn thảo một lá thư từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản để gởi cho Ban Thường vụ (…)

3) Triệu Tử Dương duy trì quan điểm

Ban chấp hành Trung ương họp hội nghị toàn thể ngày 23 và 24/6 để thông qua các biện pháp chính trị và hành chính do Bộ Chính trị mở rộng đưa ra. Tôi được thông báo về cuộc họp này, và tham gia vào một nhóm nhỏ (người ta phân cho tôi một chỗ trong nhóm miền bắc).

Tôi lắng nghe những lời chỉ trích mình, và chỉ trả lời ngắn gọn. Tôi cám ơn từng người về sự giúp đỡ của họ, ngoài ra còn nói rõ là tôi đã chuẩn bị một văn bản về vụ việc của mình (đó là lá thư mà tôi đã soạn để gởi cho Bộ Chính trị mở rộng, với thành phần có một ít thay đổi). Tôi hy vọng là thư sẽ được phân phát cho tất cả các đại biểu hiện diện. Vương Nhẫn Chi, nằm trong nhóm của tôi, tuyên bố là Ban chấp hành Trung ương đã đồng ý cho phổ biến. Nhưng thực ra văn bản này chỉ được cho in khi hội nghị đã kết thúc và bị thu hồi ngay sau đó.

Ngược lại, tài liệu phản bác lại bài tuyên bố của tôi, đồng ký tên Trần Hy Đồng (Thị trưởng Bắc Kinh) và Lý Thiết Ánh (Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Nhà nước) đã được phổ biến rộng rãi trước đó. Thật là kỳ lạ : các thành viên đọc văn bản đả kích bài viết của tôi…mà lại không thể biết được tôi đã viết những gì.

Trong hội nghị còn phổ biến một tài liệu khác bóp méo bối cảnh sự cố ngày 4/6, dưới cái tên văn phòng trung ương Đảng, tập hợp nhiều tư liệu trong và ngoài nước. Tài liệu này nói bóng gió tôi là một kẻ mưu phản, làm tay sai cho bọn phản cách mạng tại Trung Quốc và ở nước ngoài, nhằm mục đích lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Đặng Tiểu Bình. 

Tài liệu khẳng định - tuy không hề có cơ sở nào - là những người cộng tác của tôi đã trực tiếp nhúng tay vào phong trào sinh viên, họ liên lạc với các lãnh tụ sinh viên, và đã làm lộ bí mật quốc phòng về việc ban hành lệnh thiết quân luật. Hiển nhiên là việc phân phát tài liệu này có mục đích thuyết phục các đại biểu rằng tôi đã phạm các tội ác tệ hại nhất, nhằm bôi bẩn và triệt hạ tôi.

Một số bài diễn văn đọc trong hội nghị khiến tôi không thể nào không nhớ lại thời kỳ cách mạng văn hóa. Đổi trắng thay đen, lộng giả thành chân, phóng đại một sự việc, trích dẫn những lời ở ngoài ngữ cảnh của nó, vu cáo…Ngay cả từ vựng cũng chẳng thay đổi. Tôi nghĩ rằng, nếu các tài liệu này không được in tiêu đề kỳ họp toàn thể lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương 13, người ta có thể cho là chúng có từ thời cách mạng văn hóa.

4) Khởi đầu của chính sách mở cửa : (còn tiếp)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.