dimanche 23 octobre 2011

Kadhafi : Gia tài để lại


Hai chữ « gia tài » khiến chúng ta nghĩ ngay đến tài sản, thôi thì trước hết xin bàn về gia tài vật chất vậy.

Sau 42 năm điều hành bằng bàn tay sắt một đất nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Phi, Kadhafi và gia đình, họ hàng đã vơ vét được bao nhiêu ? Đây là một ẩn số mà có lẽ không ai có thể trả lời được cho dù là ước đoán, nhưng chắc chắn phải là một con số khổng lồ.

Nhiều tỉ đô la đã được gia đình Kadhafi tẩu tán ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu dưới dạng bất động sản và cổ phần trong các công ty đa quốc gia. Chỉ riêng trong năm 2009, đầu tư trực tiếp của Libya ra nước ngoài, được ước tính lên đến 15 tỉ đô la. Và việc phân biệt rõ tài sản cá nhân với tài sản nhà nước Libya đã hầu như là nhiệm vụ bất khả thi vì ranh giới hết sức là mập mờ. Nhiều người cho rằng tài sản của nhà độc tài Libya tích tụ được trong vòng ba mươi năm nay chỉ sơ sơ khoảng…120 tỉ đô la thôi.

Những món tiền nhiều triệu đô la đã được đem đầu tư vào các công ty danh giá như các tập đoàn Total, EDF, Alsthom (Pháp), Fiat (Ý) ; trong ngành báo chí như tờ Financial Times, ngay cả thể thao như đội bóng nổi tiếng Juventus của Torino, Ý. Kadhafi cũng đổ tiền vào hầu như tất cả các ngân hàng lớn phương Tây, nhất là tại Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Pháp.

Riêng tại Pháp, một tòa nhà rộng đến 15.000 mét vuông ở đại lộ Ternes quận 17, nơi có cửa hàng FNAC chuyên bán sách, đĩa nhạc, hàng điện tử…quen thuộc với người dân Paris, cũng là của Kadhafi. Đây là một ngạc nhiên đối với những người làm công tác điều tra về tài sản chế độ Kadhafi ở Pháp. Họ phát hiện ra rằng tòa nhà này là tài sản của Compagnie des Exploitations Réunies (CER), trong đó có Lafico (Libyan Arab Foreign Investment Company), một trong những quỹ đầu tư lớn nhất của Libya. Để cái tên Libya không xuất hiện chính thức, việc quản lý tòa nhà được giao cho Tour Eiffel Asset Management, một công ty chuyên quản lý các tòa nhà văn phòng ở Paris và vùng phụ cận.

Theo tờ báo Mỹ Los Angeles Times, thì số tiền mà Mouammar Kadhafi đã bí mật chuyển ra nước ngoài lên đến 200 tỉ đô la, gấp ba lần tổng sản phẩm nội địa của Libya ! Cũng xin nhắc lại, gia tài của một nhà độc tài khác là vợ chồng cựu Tổng thống Tunisia - Ben Ali - được ước tính chiếm khoảng một phần tư nền kinh tế của đất nước Tunisia.

Khi tuyên bố độc lập vào năm 1951, Libya là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nền kinh tế chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp. Việc khám phá được các mỏ dầu khổng lồ năm 1958 đã làm thay đổi hoàn toàn, và trong thập niên 70, thu nhập quốc dân của Libya vọt lên cao nhất châu Phi. Một phần rất lớn nguồn lợi từ dầu mỏ bên cạnh việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố trên toàn cầu, đã chảy vào túi riêng của gia đình Kadhafi.

Cũng theo tờ báo Mỹ, thì chính quyền Hoa Kỳ đã phát hiện được chế độ Kadhafi có khoảng 37 tỉ đô la ký gởi trong các tài khoản ngân hàng ở Mỹ, và các khoản đầu tư khác. Sau đó Mỹ đã nhanh chóng phong tỏa để tránh nguồn tiền này bị chuyển sang nước khác. Các chính phủ Pháp, Ý, Anh và Đức cũng đã tịch biên khoảng 30 tỉ đô la của Libya. Trước đó, các nhà điều tra ước tính Kadhafi đã biển thủ tổng cộng khoảng 100 tỉ đô la.

Các cuộc điều tra mở rộng của chính quyền Mỹ, châu Âu và CNT cho thấy trong nhiều năm qua, Kadhafi đã bí mật chuyển hàng chục tỉ đô la ra nước ngoài để đầu tư vào các mục tiêu sinh lợi cao. Số tiền này được đưa vào hầu như tất cả các nước lớn tại Trung Đông và Đông Nam Á (ở Việt Nam có vốn đầu tư của Kadhafi không nhỉ ???).

Đa số tiền vốn được đặt dưới tên các định chế của chính phủ Libya, chẳng hạn Ngân hàng Trung ương, Công ty Dầu khí, Ngân hàng Ngoại thương, và các công ty đầu tư như Libya African Investment Portfolio, nhưng gia đình Kadhafi có thể sử dụng bất cứ lúc nào thấy cần thiết.

Bây giờ xin được phép đề cập đến gia sản tinh thần mà nhà độc tài quái đản này đã để lại cho đất nước Libya.

Trong suốt bốn thập kỷ dài dằng dặc, người dân Libya đã quen với tình trạng hỗn loạn của những hành động độc đoán và tàn bạo. Chỉ xin lấy một ví dụ : có lần đội bóng của một trong số các « ông » con của Kadhafi đá với đội của chính anh mình. Trong cơn tức giận, ông trời con này đã ra lệnh cho các vệ sĩ xả súng vào đội bóng đối thủ. Kết quả : ba người chết, trong đó có trọng tài !

Cũng chính thói quen tùy tiện và man dã này đã dẫn đường cho hành động của những người phe Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (CNT). Kết thúc bi thảm, đẫm máu của « lãnh tụ vĩ đại » cũng là di sản đáng lo ngại mà Kadhafi đã để lại phía sau. Xin nói thêm, « quân » CNT thực chất chính là dân sự được trang bị vũ khí mà thôi, hầu hết chưa hề được huấn luyện quân sự. Những hình ảnh tàn bạo đó cho thấy tầm vóc của trách nhiệm đối với các nhà lãnh đạo mới hết sức nặng nề.

Một di sản đen tối nữa là cuộc nội chiến, đã kết thúc tại thành phố Syrte hoang tàn đổ nát, mà nếu không có quân đồng minh thì không thể nào CNT giành được chiến thắng. Giai đoạn chuyển sang chiến đấu của phong trào nổi dậy đã làm nổi rõ các dị biệt giữa các vùng miền, giữa các khuynh hướng chính trị khác nhau.

Để tránh được nguy cơ loạn lạc của một Irak hậu Saddam Hussein, CNT có được lợi thế là nguồn lợi dồi dào từ dầu lửa sẽ giúp Libya vượt được những khó khăn xã hội thường vấp phải sau mọi cuộc cách mạng. Bên cạnh đó, hồi cáo chung của chế độ Kadhafi không phải là một hiện tượng dị biệt. Phong trào nổi dậy ở Libya nằm trong một xu hướng chung, đó là làn gió Cách mạng Hoa Lài, của Mùa xuân đang thổi qua các quốc gia Ả Rập.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.