vendredi 21 octobre 2011

Kadhafi : Nút chặn Cách mạng Hoa Lài đã bị bật nắp

Những tấm ảnh xác chết Kadhafi và con trai Moatassem quả thật rùng rợn. Biết rằng gieo gió thì gặt bão, nhưng mình vẫn thấy bất nhẫn trước những cú đá vào cái xác bất động của vị bạo chúa mất ngôi…nếu là người Việt thì có lẽ đã không xử sự như thế, « nghĩa tử là nghĩa tận » cơ mà.

Hiện có nhiều giả thiết khác nhau về cái chết của Kadhafi. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã đòi mở điều tra về vấn đề này, Amnesty International, rồi bà vợ góa của ông Mouammar Kadhafi cũng thế. Nhưng có thể thấy rõ trong ảnh những vết trầy xước khắp người, cả dấu giày đinh, chứng tỏ ông đã bị đánh đập trước khi chết. Dù không hề chuộng những tấm ảnh loại này, nhưng cũng xin kèm theo một tấm ở cuối bài để minh họa (dù sao thì blog cũng ít người đọc hơn nhiều so với báo chí nên mạn phép một lần này vậy).

Ngày tàn của Mouammar Kadhafi sao giống Saddam Hussein đến thế. Chiếc cống nơi dẫn vào chỗ ẩn nấp của Kadhafi có « sang » hơn chiếc hố của Saddam một tí, nhưng số phận của Saddam bị tử hình và Kadhafi bị đánh đập rồi bắn chết đều thê thảm như nhau. Độc tài quả là một cái nghề nguy hiểm !

Nhưng nếu trước làn sóng Cách mạng Hoa Lài, Tổng thống Tunisia Ben Ali phải chạy trốn ra nước ngoài, Tổng thống Ai Cập Mubarak cầm cự được một thời gian rồi phải từ chức, thì Mouammar Kadhafi lại quyết liệt chống trả, không từ một biện pháp nào kể cả cực đoan nhất, cho dù đã nắm quyền suốt 42 năm. Làn sóng phấn khởi của Mùa xuân Ả Rập đã bị khựng lại phải nói là quá lâu ở Libya, khiến cho các chế độ độc tài khác trong khu vực như Syria, Yemen bỗng tỏ ra cứng rắn hơn. Người theo đạo Thiên Chúa ở Ai Cập đang bị áp bức, phe Hồi giáo có cơ thắng thế trong cuộc bầu cử sắp tới tại Tunisia, đàn áp đẫm máu ở Syria...

Các nhà phân tích cho rằng, cái chết của Mouammar Kadhafi sẽ tạo ra một đà tiến mới cho phong trào cách mạng trong thế giới Ả Rập, đặc biệt là ở Syria. Ông Kadhafi đã xa rời thực tế. Ông cho rằng, Libya không phải là Ai Cập, cũng không giống Tunisia. Nhưng cuối cùng, ông đã lầm !

Một vài ghi nhận :

Tháng 12 năm 2007…Từ métro Concorde đi ngang qua khu vực điện Elysée (Dinh Tổng thống Pháp) dầy đặc cảnh sát. Chỉ một con đường nhỏ chạy song song theo con đường bên hông Dinh, đã có đến ba xe CRS (đơn vị cảnh sát có nhiệm vụ giữ trật tự công cộng, đặc biệt là khi có các sự kiện lớn). Báo động khủng bố chăng ? Hỏi thăm một người qua đường : À không, Kadhafi đến thăm Sarkozy ! Hóa ra là thế.

Vị khách gây nhiều phiền toái này không trú ngụ trong Hôtel Matigny dành riêng cho các nguyên thủ khách mời, mà cho dựng hẳn lều bạt bên ngoài vườn, với đầy đủ bầu đoàn thê tử. Chiều hôm đó mình còn thấy cả đội nữ binh xinh đẹp của Kadhafi với nhiều màu sắc sặc sỡ, tiếng nhạc vang lừng…nói chung vui ơi là vui.

Nhưng chủ nhà Sarkozy thì có lẽ « trong héo ngoài tươi » vì chưa có vị quốc khách nào ở lì lâu như thế. Năm ngày trôi qua, báo chí Pháp sốt ruột chửi um lên. Cho đến khi « gánh hát » của Kadhafi nhổ neo, các báo thở phào nhẹ nhõm, có tờ chạy tít trang nhất đại loại « Ouf, rốt cuộc thì ông ta cũng chịu cuốn gói đi cho ! »

… Tháng 2 năm 2011. Cơn gió Cách mạng Hoa Lài thổi đến Libya, mở đầu là thành phố Benghazi, nhưng bị trấn áp tàn bạo. Kadhafi cho máy bay thả bom xuống người biểu tình, và mướn lính đánh thuê châu Phi tàn sát dân. Không ai có thể tưởng tượng nổi !

…Tháng 3 năm 2011. Ngày 17, Hội đồng Bảo an cho phép sử dụng biện pháp quân sự ở Libya để bảo vệ thường dân. Một nghị quyết mà đến giờ chót vẫn gây nhiều hồi hộp sẽ không được thông qua. Chỉ có Anh nhiệt tình hỗ trợ Pháp, một số nước châu Âu không muốn tham gia, Mỹ do dự gần như đến ngày cuối…rồi nỗi lo Nga và Trung Quốc phủ quyết. Rốt cuộc, hai nước này vắng mặt. 

Vì sao Trung Quốc không sử dụng quyền phủ quyết, trong khi đang có nhiều quyền lợi ở Libya ? Một lý do có lẽ ít người biết, đó là do Ả rập Xê út gây áp lực, đe dọa sẽ không cung cấp dầu lửa cho Bắc Kinh nữa. Cần nhớ là nguồn dầu từ Libya chỉ chiếm có 3% nhu cầu của Trung Quốc thôi, Ả rập Xê út mới là nguồn cung quan trọng nhất.

Nhưng vì sao Ả rập Xê út lại can thiệp ?

Nguyên nhân có lẽ càng ít người biết hơn. Đó là vì trước đây Kadhafi đã mấy lần… chửi nhau với vua Ả rập Xê út !

Năm 2003, phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập tại Charm el-Cheikh, Kadhafi khẳng định hồi năm 1990, sau khi Irak xâm lấn Koweit và Mỹ chuẩn bị can thiệp, vua Fahd nói rằng « sẵn sàng liên minh với quỷ sứ ». Thái tử Ả rập Xê út Abdallah rất tức giận và đã phản ứng. Truyền hình Ai Cập đành phải ngưng phát hình trực tiếp, nhưng Kadhafi tiếp tục thóa mạ, khiến Thái tử Abdallah đành phải bỏ ra khỏi phòng họp.

Đến năm 2009, tại hội nghị thượng đỉnh Ả Rập ở Doha, ngay sau diễn văn khai mạc của quốc vương nước chủ nhà Qatar, Kadhafi lại bất ngờ mắng quốc vương Fahd của Ả rập Xê út trước khoảng mười lăm nguyên thủ các nước Ả Rập. Kadhafi xưng mình là « vua của các vua châu Phi », bảo vua Fahd nói dối, đe dọa ông là đang đối mặt với cái chết. Và lần này truyền hình Qatar cũng đành phải cắt cái « xen » ấy đi.

« La vengeance est un plat qui se mange froid ». Thế mới biết, « trả thù là miếng bánh có thể ăn nguội ». Hi hi.

Ngày 18, lực lượng Kadhafi tấn công vào thành phố nổi dậy Benghazi. Dân thành phố này hồn vía lên mây, vì ông con Saif al-Islam Kadhafi đã dọa : « Chúng mày tới số rồi. Tối nay bọn tao đến làm cỏ tất cả ! ». Tất nhiên là không hề dọa suông, hôm 19, các xe tăng của quân Kadhafi đã tiến sát Benghazi.

19h tối 19/3. Bốn chiếc Rafale của Không quân Pháp cất cánh mở màn chiến dịch Libya, phá hủy bốn chiếc xe tăng của phe Kadhafi ở tây nam Benghazi. Sau đó là Anh, rồi một loạt hỏa tiễn Tomahawk của Mỹ. Nếu mình nhớ không lầm, thì cả Pháp và Anh chỉ sử dụng chừng một chục quả, còn Mỹ ngày hôm sau xài đến cả trăm hỏa tiễn Tomahawk. Cứ tính giá tối thiểu là 600.000 đô la một quả, trung bình phải trên 900.000 đô la. Bắn đi một hỏa tiễn là thấy bay cả triệu đô, hic, anh nhà giàu Mỹ quả là xài sang.

Bản tin AFP nhảy ra vào tối thứ Bảy, lúc đã kết thúc một ngày làm việc, mọi người đều đã ra về. Ngồi lại viết tin xong, chỉ tìm thấy toàn hình cũ, mình đợi mãi, cuối cùng mới thấy Reuters đưa những tấm ảnh đầu tiên. Thế là thay ngay tin vedette, với ảnh anh phi công Pháp đẹp chai trong buồng lái chiếc Rafale màu xanh da trời hy vọng. Lúc rời Đài, đã mười giờ tối.

…Mouammar Kadhafi đã chết, có điều không ai nghĩ là tình hình Libya sẽ ổn, vì nội bộ CNT không hề là một khối thống nhất. Nhưng thôi, đó sẽ là một đề tài khác. Một điều khiến mình « hơi tiếc tiếc » cho nhân vật lập dị hơi giống danh hài này, đó là, chỉ có mình ông ta dám mắng mỏ Bắc Kinh.

Kadhafi nổi điên vì Trung Quốc đổ tiền vào mua chuộc châu Phi, trong khi ông ta vẫn mơ làm vua châu lục này. Bắc Kinh cũng chả khoái cái vị « phát ngôn bừa bãi » ấy. Kadhafi đã dọa sẽ tàn sát dân thành phổ nổi loạn Benghazi, « bằng cái kiểu y như Bắc Kinh đã nghiền nát các sinh viên ở Thiên An Môn ». Mà chúng ta đều biết ở Trung Quốc từ Thiên An Môn bị cấm, không tài nào tìm được trên mạng. Ngứa tai các vị ở Trung Nam Hải thế chứ. Grrrrrrrrrrrr !
Xác của nhà độc tài Kadhafi được trưng bày.
http://www.dailymotion.com/video/x8sdrs_kadhafi-cuisine-le-roi-d-arabie-sao_news


1 commentaire:

  1. Rất thú vị khi biết blog của Thụy My. Là một kẻ nghiện RFI, ngày nào mà không được nghe Thụy My là soi gương thấy mặt mũi khó coi đấy.
    Chuyện TQ bị Ả rập xê út làm áp lực với tôi là một điều mới lạ.
    Cám ơn ABS và Thông tấn xã vỉa hè đã đưa link dẫn đến blog này

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.