samedi 15 octobre 2011

Trung Quốc kiểm duyệt vô tội vạ


Vào lúc Bắc Kinh quyết định tăng cường kiểm soát internet và lãnh vực văn hóa nghệ thuật, Thụy My xin giới thiệu điều tra của thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, về hệ thống kiểm duyệt bao trùm lên lãnh vực văn hóa tại Trung Quốc, đặc biệt là đối với các văn nghệ sĩ có khuynh hướng phản kháng. (Tạm thời xin phép được khất loại bài Hồi ký Triệu Tử Dương lại một kỳ).

Bằng Tiểu Cương là một nhà điện ảnh gặt hái nhiều thành công tại Trung Quốc : các phim hài mang tính lãng mạn cũng như các bộ phim hành động của ông đều dẫn đầu danh sách những phim có đông đảo người xem nhất. Dù vậy, ông cũng đã phải nổi dóa. Vào cuối tháng 8, đang lúc có một hội nghị về cải cách văn hóa do Hội đồng Tham vấn Nhân dân tổ chức – một loại Thượng viện nhưng không có quyền hành thực tế, ông đã phải trút cạn nỗi lòng. Báo chí Trung Quốc thuật lại, theo ông Bành Tiểu Cương, thì cơ quan kiểm duyệt điện ảnh « Diễn dịch sai lệch tất cả, mọi thứ đều trở thành vấn đề nguyên tắc ! Số lần chỉnh sửa đã đạt đến giới hạn đáng nực cười ! Tiêu chí duy nhất để đánh giá một bộ phim là xem xét coi nó tiêu cực hay là tích cực ! »

Rất hiếm khi được biểu lộ ra, những bất mãn vì bị kiểm duyệt được đông đảo người chia sẻ, vào thời điểm mà Bắc Kinh khoe khoang « quyền lực mềm ». Năm 2010, blogger kiêm nhà văn Hàn Hàn đã công kích sự bảo thủ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Bài nói chuyện của anh trước các sinh viên, đã được lan truyền rộng rãi trên internet : « Làm thế nào có được một nền văn hóa, trong một không khí sáng tạo như thế ? Quý vị đã hoạn đi các tác phẩm nghệ thuật cho đến khi chúng trở nên giống như chương trình tin tức lúc 19 giờ, rồi quý vị muốn đem xuất khẩu ? Xin đừng coi người nước ngoài như người ngoài hành tinh như vậy ! »

Việc kiểm duyệt ở Trung Quốc rất vô chừng. Nó đụng chạm đến tất cả các ngành văn hóa, đặc biệt là điện ảnh vì bộ môn nghệ thuật này có ảnh hưởng đến đông đảo quần chúng. Nổi tiếng không có nghĩa là được yên thân. Bằng chứng là vụ bắt giữ nghệ sĩ, kiến trúc sư Ngải Vị Vị hôm 3 tháng Tư, trong lúc ông chuẩn bị lên máy bay đi Hồng Kông. Hoạt động rất tích cực, nhà nghệ sĩ bậc thầy có ảnh hưởng ngày càng lớn lao lên các cư dân mạng trẻ tuổi. Công an đã cho ông « đi nghỉ mát » trong tù - đây là trường hợp khá hiếm đối với một nghệ sĩ danh tiếng – vào thời điểm đang có những lời kêu gọi một « cuộc cách mạng hoa lài » tại Trung Quốc.

Một số chủ đề khá là nhạy cảm. Các tác phẩm lịch sử về đất nước được soi kỹ qua kính lúp. Những điều cấm kỵ : không được đụng chạm đến đảng Cộng sản, không được nhắc đến vụ thảm sát Thiên An Môn, đến phong trào Pháp Luân Công…Các đề tài đương đại cũng không phải là ít bị săm soi hơn. Lô-gic của việc kiểm duyệt là gì ? Đối với Sebastian Veg, chuyên gia về văn chương Trung Quốc, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp (CEFC) đặt tại Hồng Kông, thì việc kiểm duyệt có nguồn gốc từ « ý thức hệ phức tạp ở trung tâm chế độ. Trong đó có một ít tinh thần tự hào cách mạng – không bao giờ nói gì xấu về những người tiền nhiệm đầy hào quang, một ít liều lượng về sự hòa hợp xã hội – tránh nhấn mạnh các mặt xấu, như bất bình đẳng giàu nghèo, các vụ nổi dậy của công nhân và nông dân…Thêm vào đó là một nhúm đạo đức lành mạnh, và đừng quên mô tả phương Tây là đang lúc suy tàn… »

Nhất là, việc kiểm duyệt ở Trung Quốc hết sức vô chừng. Đó là một cơ chế ngầm, trong đó các quyết định thường là bí mật. Chẳng hạn đối với văn chương, các nhà xuất bản vẫn tự kiểm duyệt. Chịu trách nhiệm về các tác phẩm do mình xuất bản, họ áp đặt cho tác giả phải chỉnh sửa – dù không nhất thiết phải đem tất cả các bản thảo trình cho cơ quan quản lý báo chí xuất bản duyệt xét. Cơ quan này vốn đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Hội đồng Nhà nước. Sebastian Veg nhấn mạnh : « Nỗi lo sợ bị trừng phạt khiến người ta phải tự kiểm duyệt trước. Các nhà xuất bản có nguy cơ phải thu hồi sách, hay nhiều loại áp lực khác nữa… ». Cơ quan tối cao về kiểm duyệt là Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, được lãnh đạo bởi Lý Trường Xuân, một trong chín thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Đây là nơi xuất phát các mệnh lệnh về những chủ đề cần phải tránh, hay các giới hạn không được vượt qua.

Về nghệ thuật đương đại, cần phải chuẩn bị kỹ càng cho cuộc triển lãm.  Davide Quadrio, chuyên gia người Ý làm việc tại Thượng Hải giải thích : « Tất cả tùy thuộc vào phương cách thông tin. Cần phải biết giải thích các tác phẩm nghệ thuật, làm giảm bớt những e ngại. Tiếp đó, không khí chính trị cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu cuộc triển lãm diễn ra cận kề một thời điểm nhạy cảm, thì có thể thay đổi hoàn toàn khả năng thực hiện ».


Các nhà điện ảnh và nhà sản xuất phải đem trình duyệt kịch bản, rồi bản phim hoàn tất, và kể cả những lời mời tham dự các liên hoan phim nước ngoài cho SARFT, cơ quan quản lý nhà nước về truyền thanh, truyền hình và điện ảnh. Cơ quan này có thể cấm chiếu phim trong vòng nhiều tháng. Chẳng hạn như phim Vô nhân khu tức Vùng phi quân sự của nhà đạo diễn tài ba Trữ Hạo, đã bị treo từ một năm qua. Bộ phim loại viễn tây nhiều bạo lực này có « quá nhiều người chết » và « nhiều nhân vật tiêu cực », theo như những người duyệt phim.


Việc trừng phạt đôi khi còn mang tính « hồi tố », áp dụng cho cả những phim đã được phát hành, nhưng gây ra nhiều tranh luận hơn dự kiến, và như vậy SARTF sẽ gây áp lực lên các rạp. Phim Sắc giới của Lý An, đoạt giải Sư tử vàng ở Venise năm 2007, tuy đã được phép trình chiếu, nhưng sau đó đã phải trả giá. Nữ diễn viên Thang Duy đóng vai một người yêu nước ngủ với kẻ thù, sau đó đã bị cấm xuất hiện trên màn ảnh một thời gian…Việc « kiểm duyệt bằng biện pháp kinh tế » này hết sức lợi hại : rất nhiều nghệ sĩ lo sợ bị loại ra khỏi thị trường Trung Quốc béo bở.

Tệ hại nhất là khi kiểm duyệt trở thành trấn áp. Cơ quan an ninh đã truy bức nhà văn Liêu Diệc Vũ, nay sống lưu vong tại Đức, hay Lưu Hiểu Ba, giải Nobel văn chương 2010, đang bị bản án 11 năm tù. « Tội ác » của họ là « có xu hướng lật đổ ». Một số đạo diễn phim tài liệu đã trở thành những kẻ bị tình nghi từ khi kỹ thuật số và internet giúp cho họ trở thành những chứng nhân phiền nhiễu về thực tế tại Trung Quốc, vì theo rất sát thời sự và gây nhiều ảnh hưởng. Có thể kể nữ đạo diễn Ngải Hiểu Minh, người thường xuyên tường thuật những cuộc đấu tranh cho các quyền dân sự ở Trung Quốc. Hoặc nhà làm phim video người Tây Tạng Dongdup Wangchen, bị bản án sáu năm tù vì âm mưu lật đổ : ông đã tập hợp được các chứng cứ từ hàng trăm người dânTây Tạng ngay trước khi diễn ra cuộc nổi dậy tháng Ba năm 2008.

(còn tiếp)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.