Chủ nhật tuần rồi tại Benghazi, nơi khởi đầu cuộc nổi dậy, trước hàng chục ngàn người trong một rừng cờ ba màu xanh, đen, đỏ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (CNT), Mahmoud Abdeljalil đã tuyên bố đất nước Libya hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui đó, ông nói về dân chủ, bình đẳng, nam nữ bình quyền…chăng ? Không. Ông loan báo : « Là một đất nước Hồi giáo, chúng ta áp dụng luật Hồi giáo (charia) là bộ luật cơ bản ». Bài diễn văn của ông được nhấn bằng những câu « Allah akbar ! » (Thượng đế vĩ đại).
Phải nói rằng, cái chết thảm khốc của ông Mouammar Kadhafi và bộ luật Hồi giáo là những bóng mây đen của cuộc cách mạng Libya.
Thật ra việc này không có gì mới, vì hồi giữa tháng 9, ông Abdeljalil cũng đã từng khẳng định như trên. Nhưng đáng chú ý là lần này, trong không khí hồ hởi của chiến thắng, chính quyền mới chưa chính thức được hình thành, Quốc hội chưa có để định ra Hiến pháp, mà ông đã tự ra tuyên bố áp dụng luật charia ! Ông Mahmoud Abdeljalil còn lấy ví dụ cụ thể là đạo luật thời ông Kadhafi hạn chế đa thê và cho phép ly dị, sẽ không còn hiệu lực nữa. Chủ tịch CNT cũng thông báo sẽ cho mở các ngân hàng Hồi giáo, vốn cấm cho vay nặng lãi.
Tuyên bố áp dụng luật Hồi giáo đã làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại, và có phản ứng ngay lập tức. Người đứng đầu ngành ngoại giao của châu Âu, bà Catherine Ashton nói rằng : « Chúng tôi chờ đợi một nước Libya mới dựa trên việc tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ ». Còn Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cho biết : « Chúng tôi sẽ cảnh giác ngõ hầu các giá trị mà chúng tôi đã đấu tranh bên cạnh nhân dân Libya để bảo vệ phải được tôn trọng. Đó là dân chủ, tôn trọng con người, bình đẳng nam nữ ».Chủ tịch Liên hiệp quốc tế các liên đoàn nhân quyền (FIDH), bà Souhayr Benhassen nhấn mạnh : « Hàng ngàn người đã chết đi không phải để ngày nay thụt lùi trở lại như kiểu Iran ».
Có lẽ vì vậy nên hôm sau đó ông Mahmoud Abdeljalil đã « chữa cháy » bằng cách cam đoan : « Libya là những người Hồi giáo ôn hòa ». Ông vụng về giải thích rằng, hôm trước ông chỉ muốn đưa ra một ví dụ mà thôi, vì luật hiện hành chỉ cho phép đa thê với một số điều kiện, còn theo luật charia thì không đặt ra điều kiện nào cả.
Charia là bộ luật Hồi giáo quy định các quyền lợi và nghĩa vụ của các tín đồ đạo này, những điều cấm đoán và trừng phạt trong charia dựa theo truyền thống và các án lệ. Luật charia được áp dụng linh hoạt theo từng quốc gia Hồi giáo. Trong số các khung hình phạt có tử hình dành cho tội cố sát, đánh 100 gậy cho tội ngoại tình, chặt bàn tay phải nếu trộm cắp.
Luật Hồi giáo cho phép đa thê và chấp nhận ba hình thức chấm dứt cuộc sống vợ chồng. Hoặc được một giáo sĩ Hồi giáo cho phép, hoặc thuận tình ly dị, hoặc đơn phương bỏ người phối ngẫu nếu trước đó có ghi trong hợp đồng hôn nhân. Quyền ly dị trước hết thuộc về người chồng, và một vụ ly dị dân sự chỉ có giá trị theo luật Hồi giáo nếu do chính người chồng yêu cầu, hoặc được sự đồng ý từ phía người chồng.
Ông Mouammar Kadhafi đã đè bẹp tự do của đất nước Libya trong suốt 42 năm. Bốn mươi hai năm, thời gian đủ dài để một đứa trẻ lớn lên, trở thành cha mẹ và sinh con đẻ cái. Hậu quả của một thời kỳ độc tài quá dài lâu, không chỉ ở việc trấn áp, bỏ tù, tra tấn, tử hình, mất tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, nọc độc của nó còn tồn tại ngay chính trong các nạn nhân. Suốt quãng đời đi học, học sinh phải tụng cuốn « Sách xanh » - giáo điều của Kadhafi. Cả một lớp tuổi trẻ đành phải vùi đầu vào cuốn sách duy nhất được tự do đọc, đó là kinh Coran. Dân chủ ? Họ không hề biết đến. Ảnh hưởng có thể cảm nhận được trong suốt tám tháng đấu tranh vừa qua, trong lời tuyên bố và thái độ của các chiến binh, trận chiến cuối cùng ở Syrte, việc sát hại ông Kadhafi, và nhất là tuyên bố về luật Hồi giáo.
Đối với nhiều nhà quan sát tại chỗ thì không có mấy ngạc nhiên. Đứng trước đội ngũ cảnh sát của chế độ Kadhafi, những người biểu tình can đảm nhất chỉ hô mỗi một câu khẩu hiệu. Quân nổi dậy có mỗi một khẩu lệnh trong chiến đấu. Để chào nhau khi gặp mặt, lúc ra đi, cổ vũ, chúc mừng, xung phong, bày tỏ niềm hân hoan hay sự đau khổ, bắt đầu và kết thúc phát biểu, đều chỉ có mỗi một câu : « Allah akbar ! »
Tất cả các phóng viên nước ngoài từng xuôi ngược trên các con đường đất nước Libya đều có một nhận xét chung. Đó là, một nước Libya dù có cách mạng hay không, đều là thế giới của đàn ông. Phụ nữ tất nhiên không hề có mặt trong đội ngũ vũ trang, nhưng cũng không hiện diện trong số các nhân viên y tế, hậu cần, căng-tin, thậm chí trong văn phòng. Khi tiến gần những chiếc xe của thường dân đang trên đường đi sơ tán khỏi các thành phố đang bị bao vây như Beni Walid hay Syrte, các nhà báo thường bị chặn lại, để tránh hỏi chuyện những phụ nữ trong xe. Và cuối cùng, những người phụ nữ đến tham dự buổi mít-tinh mừng chiến thắng ở Benghazi được nghe thông báo là chấm dứt quyền ly dị, trở lại chế độ đa thê !
Đây chỉ mới là một vệt xám, còn nhiều những vệt xám khác.
Những ai đã xem các video clip về cái chết của Kadhafi có lẽ khó quên hình ảnh hàng chục người kéo nhà cựu độc tài quẳng xuống đất, gào thét « Allah akbar ! », những cú đánh, cú đá, máu chảy và hai phát súng…Cái xác đẫm máu mang đầy vết bầm, vết xước kể cả dấu giày đinh, được trưng bày như chiến lợi phẩm trong một kho lạnh chứa thịt gia súc cho hàng ngàn người đến xem, sỉ vả và chụp ảnh. Người con trai Mouatassim bị bắt sống cũng cùng chung số phận. Người ta tự hỏi, thế thì có bao nhiêu quân lính phe Kadhafi cũng bị bắt sống và giết chết như thế ? Nói chung là không ai quan tâm đến khái niệm tù binh chiến tranh cả.
Đất nước Libya cũng đang bị chia rẽ, trước hết là các vùng miền. Thành phố Misrata đương cự với quân Kadhafi suốt sáu tháng, cứ mười người đàn ông thì có một người đã hy sinh. Nhưng sau đó quân nổi dậy ở Misrata đã lên tàu đến thẳng thủ đô, tiến vào dinh Kadhafi, và họ cũng có mặt ở nơi cố thủ cuối cùng của nhà độc tài là Syrte. Công trạng của đội quân từ Benghazi cũng rất lớn, tuy nhiên hai nhóm quân này không chia sẻ thông tin và nghi kỵ lẫn nhau, bên cạnh đó còn có các nhóm quân khác. Vũ khí đang được lưu chuyển tự do tại Libya, và người ta có thói quen « nói chuyện » với khẩu kalachnikov trên tay.
Misrata chống lại Benghazi, địa phương không phục trung ương, thủ lĩnh quân đội đối chọi với chính khách, khuynh hướng tự do với chủ nghĩa Hồi giáo, chuyên chế chống lại dân chủ…Kadhafi đã gục ngã, nhưng như mọi nhà độc tài khác, ông ta để lại đằng sau một đất nước bị xâu xé. Và rất nhiều áng mây đen trên nền trời sa mạc Libya.
(Bài viết có tham khảo Le Nouvel Observateur)
(Bài viết có tham khảo Le Nouvel Observateur)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.