dimanche 30 octobre 2011

Những giờ phút cuối cùng của Kadhafi


(Dịch từ Paris Match)

Chỉ đến lúc những cơn mưa đạn trút xối xả lên các bức tường nhà, Kadhafi mới quyết định chạy trốn. Đến phút chót, ông vẫn còn muốn kháng cự. Trong « Khu số 2 » nằm ở trung tâm thành phố Syrte điêu tàn vì bom đạn, gần như không còn thức ăn và rất ít nước uống, trong nhiều tuần vị lãnh chúa thất thế vẫn tin là có thể tổ chức phản công. Nhưng giờ đây quân nổi dậy đã tiến sát bên. Phe Kadhafi chỉ còn lại có ba dãy nhà, và sống trong nỗi ám ảnh bị NATO không kích.

Được Moatassem - người con trai hăng hái nhất của Kadhafi - chỉ huy, họ chỉ còn lại chừng hơn trăm người, hợp nên vòng cố thủ cuối cùng. Đóng rải rác trong những đống đổ nát, núp trên mái những ngôi nhà còn đứng vững, họ là vòng đai bảo vệ trung thành cuối, chống lại  cơn say trả thù của người Libya.

Tối thứ Tư, Moatassem cho chất lên các xe tải nhẹ vũ khí và xăng nhớt để cố phá vòng vây. Mỗi chiếc xe được cho đậu trong sân hay giấu trong các đống gạch vụn. Sáng sớm thứ Năm 20/10, đoàn xe khoảng 40 chiếc bắt đầu chạy trốn. Trang bị vũ khí đến tận răng, các chiến binh hy vọng sẽ lách qua được các phòng tuyến, trong lúc quân nổi dậy còn say ngủ.

Mansour Daw, cánh tay phải của nhà độc tài và là một trong những người hiếm hoi còn sống sót trong đoàn xe, cho biết : « Chiếc xe mà tôi cùng với ông Kadhafi leo lên chạy ở phía cuối của đoàn xe. Chiếc Toyota Land Cruiser này không có gì đặc biệt, ngoài lớp vỏ chống đạn nhẹ ». Gần như là không phải nổ súng, đoàn xe thoát được ra khỏi khu trung tâm thành phố.

Nhưng nếu những tuyến đầu tiên của quân nổi dậy - mệt mỏi sau nhiều tuần lễ chiến đấu - không trông thấy, thì một chiếc máy bay không người lái của Mỹ đã phát hiện được đoàn xe đang chạy trốn. Đoàn người hy vọng đến được ngôi làng quê hương của Kadhafi, mà theo truyền tụng, thì ông đã sinh ra trong một căn lều của người Bédouin, ở rìa sa mạc, cách đây 69 năm. 

Tuy nhiên, tại vùng ngoại ô Syrte, chiếc máy bay không người lái Predator đã bắn một hỏa tiễn xuống, trúng vào ba chiếc xe trong đoàn. NATO chưa biết đây là đoàn xe của Kadhafi, và hỏa tiễn không rơi trúng xe ông ta. Nhưng sức ép đã làm bung các túi khí trong xe, và Mansour Daw bị dính đạn trái phá.

Không phải vì số người chết quá nhiều mà đoàn xe dừng lại – họ để lại phía sau hàng dãy xác chết, mà là báo động đã lan đi. Lúc này là 9 giờ sáng, quân nổi dậy đã thức giấc. Xui xẻo hơn nữa, đoàn xe của Kadhafi đã chọn con đường phía tây, hy vọng đến được sa mạc để phóng thẳng về phía nam, chỗ các bộ lạc Touareg. 

Nhưng mặt trận phía tây do quân nổi dậy từ Misrata trấn giữ. Đây là thành phố duyên hải đã bị quân Kadhafi tấn công trong nhiều tháng liền. Những người sống sót trở thành các chiến binh hăng máu nhất trong phe nổi dậy. Chính họ đã làm đảo lộn tình thế cuộc chiến ở Tripoli, khiến Kadhafi phải chạy ra khỏi thủ đô hồi tháng 8. Thay cho tên gọi « Thành phố tử đạo », họ thích gọi là « Misrata : cơ xưởng làm nên những người đàn ông ».

Cũng tại Misrata, người chỉ huy cao cấp của phe nổi dậy đang giữ Mansour Daw ở một địa điểm bí mật được canh gác cẩn thận, để tránh bị đám đông hành quyết như Moatassem. Bị bắt sống hôm thứ Năm, nay xác Moatassem đang nằm cạnh người cha. Một trong các chỉ huy mà chúng tôi đã tiếp xúc hồi tháng 4 trong lúc Misrata còn đang bị bao vây, đã chấp nhận cho chúng tôi gặp Mansour. 

Vốn là thủ lãnh đội cận vệ trong nhiều năm, được xem là nhân vật số ba của chế độ Tripoli, Mansour Daw là một trong những người từng gieo rắc kinh hoàng. Những người chỉ huy phe nổi dậy khi nói chuyện với ông ta vẫn còn một chút e dè, một ít tôn trọng đối với một kẻ thù đã không chịu bỏ cuộc. Sau bấy nhiêu căm ghét, nay họ chăm sóc ông già và đảm bảo rằng ông sẽ được xét xử công tâm.

Người trợ thủ trung thành kể lại những mẩu chuyện về những tuần lễ cuối cùng của vị bạo chúa. Mansour nói : « Người ta nói tôi đã chạy sang Niger sau khi Tripoli thất thủ, điều đó là sai. Tôi luôn luôn ở bên cạnh ông Kadhafi ». Ngược với những điều được đồn đãi, cả nhóm không còn tiền mặt lẫn vàng thỏi. Mansour khẳng định : « Chúng tôi đã rời Tripoli vội vã cho đến nỗi chỉ kịp mang theo những gì mang được mà thôi ».

Rút về Beni Oulid, cách thủ đô 170 km về phía nam, Kadhafi đã chào vĩnh biệt gia đình vào cuối tháng 8. Một đoàn xe đã đưa vợ, con gái của ông, và hai người con trai khác không cần thiết cho cuộc chiến đấu, lẻn đi về phương nam để đến biên giới Algérie. Saïf al-Islam, người con trai đóng vai trò quan trọng nhất, vẫn ở lại để cố tổ chức phản công. Còn Kadhafi đi thẳng về Syrte, được Moatassem và đám vệ binh hộ tống. « Đã nhiều tháng qua, chúng tôi nói ông nên từ chức và rời Libya. Nhưng không một giây phút nào ông muốn ra đi ».

Trốn trong những căn nhà bình thường ở Syrte « vì không còn có bunker nào », nhóm Kadhafi không có được tin tức nào từ bên ngoài. Quân của Moatassem tổ chức đánh trả ở khu vực chung quanh, nhưng không bao giờ đến gần Kadhafi. « Tuy chúng tôi có một chiếc điện thoại vệ tinh thật đấy, nhưng không mở máy để người Mỹ không dò ra được ».

Trong ngôi nhà cuối cùng, chỉ còn khoảng hơn chục người xung quanh vị lãnh tụ. Khi người đầu bếp bị thương vì đạn rốc-kết, họ thay phiên nhau nấu nướng : cơm và mì được chia thành khẩu phần dè sẻn. Thực phẩm cạn đi nhanh chóng. « Ông Kadhafi vẫn là lãnh tụ, nhưng trong nhà thì chúng tôi đều bình đẳng » - Mansour kể rằng cuối cùng cả nhóm chỉ còn chia nhau bánh mì và nước có pha đường. « Lãnh tụ đọc kinh Coran, và hầu như không còn nói gì nữa ».

Trong nhiều tuần lễ, Kadhafi vẫn tin rằng có thể huy động được những người trong bộ lạc của mình là Kadhafa, và lại nắm quyền được. Tại Syrte, họ có khoảng 400 người, kiểm soát khu trung tâm. Nhưng mỗi ngày lại có một số tử thương. Mỗi đêm, hai hoặc ba người bỏ trốn. Mansour nhớ lại : « Những người Kadhafa đã bỏ rơi chúng tôi. Họ dùng xe hơi trốn đi với các phụ nữ, giả dạng làm thường dân ».

Chỉ đến đầu tháng 10, khi quân nổi dậy tràn đến được vào khu trung tâm Syrte, thì Kadhafi mới ý thức được là thất bại sắp đến. Thế là hết, và từ đó ông chờ đợi tử thần ! Nhưng Moatassem từ chối xuôi tay chịu chết. Chính anh ta hôm thứ Năm đã thuyết phục cha leo lên chiếc xe cuối cùng. Giữa tiếng súng càng lúc càng dày đặc, sau khi bị chiếc máy bay bắn vào, đoàn xe chạy được vài trăm mét nữa. Cả đoàn ngoặt về phía đường lớn, băng qua một cánh đồng đầy cát.

Gần như là đã ra khỏi Syrte, tại vùng ngoại ô Mazrat Zafaran cách trung tâm 5 km, họ đụng nhằm cứ điểm của Khatibat Nimr, « Biệt đội Hổ». Đây là một trong những đơn vị thiện chiến nhất của Misrata, và « đội quân Hổ » đã chặn đoàn xe lại dưới một làn mưa đạn. Cả đoàn xe bèn quây lại thành một vòng tròn để bảo vệ cho thủ lãnh. 

Cuộc chiến đấu vô cùng dữ dội, kéo dài cho đến trưa. Những hàng cây khuynh diệp quanh đó đều bị xén đứt ngang. Phe nổi dậy gần hết đạn, phải cầu viện đến một đội khác là Khatibat al-Khirane, gồm các tân binh đến từ một ngôi làng nghèo khó của Misrata. Trang bị thiếu thốn, gần như không có đồng phục, đơn vị thứ hai này có nhiệm vụ bao vây và sau đó lùng sục trong khu vực.

Khi những chiếc phi cơ phản lực Pháp thuộc lực lượng NATO bay đến can thiệp, lúc đó là gần 11 giờ sáng. Mansour Daw kể : « Họ đã thả xuống hai quả bom vào ngay giữa đoàn của chúng tôi. Đúng là một cuộc thảm sát !». Nằm trên một tấm nệm bẩn thỉu, trong một ngôi nhà ở Misrata được dùng làm nhà giam, người tay chân trung thành nhất trong số những người trung thành với Kadhafi, có khuôn mặt sưng phù vì đạn trái phá, và nhiều miểng nhỏ ở lưng và cánh tay. Ông ta giải thích : « Do các xe đều chở đầy xăng và đạn dược, nên tất cả đều bốc cháy ».

Tại Mazrat Zafaran, có thể trông thấy một chiếc hố rộng như miệng núi lửa trên nền cát, do một hỏa tiễn Pháp gây ra. Khoảng hai chục xác xe cháy đen, lật ngửa, nằm chồng chất xung quanh. Vẫn còn những xác người trong một số chiếc xe, bị cháy đen trong các tư thế kinh hoàng, khi họ toan chạy trốn. Một người bị đứt rời một chân, đã để lại một vệt máu dài, khi nhảy ra khỏi vùng lửa đỏ và các két đạn sắp nổ. Anh ta ngã quỵ cách đó vài mét, đôi mắt giương to đau đớn.

Ở phía trung tâm, quân nổi dậy đã thu nhặt 40 xác, cho vào các bao vải dù lớn màu trắng. Mặc cho mùi hôi thối và những đàn ruồi, Ali el-Ozli, một chiến binh người Benghazi, lần lượt mở từng bao để nhìn từng khuôn mặt đã bị giòi bâu. Anh nói : « Tôi làm việc này không phải để giải trí, mà để tìm người anh họ. Anh ấy là bác sĩ, phe Kadhafi đã bắt theo làm bia đỡ đạn khi rút lui ».

Bị thương ở đầu sau vụ nổ, Kadhafi chảy máu nhiều. Ông vẫn còn đứng được nhưng không chạy nổi. Người con trai Moatassem và những người còn lành lặn bỏ rơi ông để lo chạy trốn, bị « Biệt đội Hổ » đuổi theo sát nút. Mansour Daw ở lại với chủ. « Tôi đỡ lấy vai ông, chúng tôi cố đi bộ qua những hàng cây ». Xung quanh nhà cựu độc tài, chỉ còn lại có Abou Bakr Younis Jabr – người chỉ huy đội bảo vệ an ninh cho ông, và một nhúm cận vệ.

Đi được khoảng 140 bước về hướng bắc, họ đến gần một con đường rộng chạy lên cao. « Trông thấy những người phe nổi dậy vừa tiến gần vừa bắn, tôi bèn đẩy ông Kadhafi vào trong đường ống để trú ẩn ». Thật ra đây là hai ống thoát nước lớn chạy xuyên qua dưới mặt đường. Bakr Younis Jabr chui vào ống bên trái, Mansour và Kadhafi đường ống bên phải. « Nhưng hai người cùng vào thì quá chật, nên tôi đành quay lại trong khi ông Kadhafi lom khom bò đến phía đầu đường ống bên kia ».

Sau bốn mươi hai năm nắm giữ quyền hành tuyệt đối, nay thì nhà độc tài Libya hoàn toàn cô độc. Bò bốn chân như một con chuột trong ống cống, mà mới cách đây vài tháng ông còn dọa sẽ tống quân nổi dậy vào đấy. Trên mặt đường, những chiến binh của toán quân thứ hai, Khatibat al-Khirane, tiếp tục trừ khử những người còn lại của phe Kadhafi.

Omar Shebani, 37 tuổi, chỉ huy toán quân nổi dậy này – vốn là kỹ sư dầu hỏa – kể lại : « Lúc đó đạn nổ rất dữ ». Các cận vệ của Kadhafi mặc đồ dân sự, và Omar không biết mặt họ. « Một trong số những người này treo chiếc khăn choàng đầu lên khẩu kalachnikov để đầu hàng. Nhưng khi chúng tôi đến gần, thì những người khác đã bắn hạ anh ta và bắn vào chúng tôi »

Sau vài phút, một trong số các kẻ thù cũng giao nộp vũ khí. Để cứu mạng mình, anh ta chọn lựa sự phản bội. « Anh ta nói với chúng tôi : Saïdi, Saïdi (thưa các ngài), ông ấy ở trong đường cống ». Lúc ấy Omar vẫn chưa hiểu, nghĩ chắc đây là một sĩ quan của Kadhafi. « Trong một trận đánh như thế, chúng tôi không thể kiểm tra được hết mọi thứ. Nhưng tôi đã quyết định gởi một toán lính đến để xem xét dưới ấy có gì ».


Sáu chiến binh tiến gần đầu bên kia đường ống. Nabil Darwish, 24 tuổi, thợ cơ khí trong đời thường, kể lại: “Thành thật mà nói, lúc ấy tôi sợ gần chết ! ». Khi đến sát đường ống bên trái, họ bị Bakr Younis Jabr vãi đạn ra như mưa, và sau đó đã bắn hạ hắn ta. Omrane Shaabane, sinh viên ngành điện 21 tuổi, cho biết : « Tiếp theo, tôi thấy có ai đó trong đường ống bên phải nhưng không thấy đạn bắn, nên tôi đến xem ».

Ahmed Ghazal, 21 tuổi, trước đây chuyên bán món thịt nướng kể tiếp : « Chúng tôi nghe tiếng la : Đó là Muammar, đó là Muammar ! Tôi không tin!». Trong lúc tranh sáng tranh tối, Omrane Shaabane ngay lập tức tước lấy khẩu súng mà Kadhafi đang cầm bằng tay phải, nhưng không bắn. “Tôi nắm lấy cổ áo ông ta lôi ra ngoài”. Khẩu súng nhỏ hiệu Smith & Wesson của Kadhafi - một khẩu súng lục Magnum 357 - vẫn còn ba viên đạn trong ổ.

Lúc đã đưa ra bên ngoài, toán quân vẫn còn hoang mang, khám xét người tù mới. Nay thì tại trụ sở ở Misrata, họ trưng ra những gì đã lục soát lấy được: một khẩu Browning bằng vàng chạm trổ tinh xảo vốn được Kadhafi đeo bên hông, một khẩu kalachnikov, một khẩu súng trường FN Fal tìm thấy trong đường cống, và chiếc giày bốt ngắn mang bên chân trái của nhà độc tài. Cũng như Mansour Daw, họ cho biết lúc đó Kadhafi chỉ có một vết thương nặng nhất ở thái dương trái do mảnh đạn mà thôi. Mohamed Lahwek, đội trưởng của toán sáu người lính trên, nhớ lại: “Ông ta chảy máu nhiều, và có vẻ không được tỉnh táo lắm”. Toán lính kéo Kadhafi đến chiếc xe để đưa đi nơi khác.

Nếu các đoạn video quay bằng điện thoại di động nhanh chóng được đưa lên internet sau đó cho thấy những cảnh hành hạ Kadhafi, Mohamed Lahwek và những người còn lại khẳng định không phải do họ. Xem hình, có thể đoán là Kadhafi van nài xin tha. Nhưng cả sáu người cùng khẳng định, những lời nói rõ ràng nhất của ông Kadhafi khi bị bắt, được nói ra lúc vừa ra khỏi đường ống. Omrane Shaabane kể: “Ông ta chớp mắt và nhìn chúng tôi, với vẻ rất bối rối và chỉ nói: “Kheir, kheir. Chenou fi? Những lời nói cuối cùng này của nhà độc tài có nghĩa : “Nào, thôi mà, các anh muốn gì ở tôi?”

Đoạn tiếp theo khá nhập nhằng. Viên chỉ huy Omar Shebani khẳng định: “Đến lúc đó thì hầu như không có phát đạn nào nữa”. Cho dù chính quyền Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp sau đó tuyên bố nhà cựu độc tài đã chết vì đạn lạc trong những giây phút cuối cùng của trận chiến. Mohamed Lahwek - mà trong nhiều đoạn video cho thấy đã cố bảo vệ Muammar Kadhafi trước đám đông phẫn nộ - cho biết Kadhafi vẫn còn nửa tỉnh nửa mê khi được đưa lên xe. Cả Lahwek lẫn những người lính của anh đều không muốn giải thích về hai viên đạn đã găm vào lá phổi bên phải của nhà cựu độc tài.

Với cái nhìn có đôi chút tránh né, họ khẳng định không nhớ gì về những cú đấm, cú đá trút xuống người Kadhafi, trong một băng video được lén lút chuyền tay ở Misrata. Không nhớ những bàn tay kéo từng chùm tóc trên đầu tóc đẫm máu của nhà cựu độc tài đang trong tư thế quỳ, hộc ra từng búng máu. Hoặc về một chiến binh nổi dậy trẻ tuổi, trong một băng video khác đã khẳng định mình đã nhắm bắn thẳng vào Kadhafi. Mohamed Lahweh, vốn đã chuyển giao Kadhafi vẫn còn sống cho chiếc xe cấp cứu đầu tiên, giải thích: “Cần phải hiểu rằng, đã bốn mươi hai năm qua, ông ta xử sự còn tệ hại hơn cả quỷ sứ. Đối với chúng tôi, ông ta không còn  là con người nữa”.

Khoảng 12g30, gần lối ra khỏi Syrte, Holly Pickett, nữ phóng viên ảnh tự do người Mỹ, trông thấy một chiếc xe cứu thương ken đặc người chạy qua. Cô cho biết: “Quân nổi dậy chen chúc bên trong xe, một số ngồi lên người Kadhafi. Họ nói rằng ông ta đã chết, nhưng tôi không thể kiểm chứng được”. Cô thấy chiếc xe dừng lại trước bệnh viện công gần nhất. Thay vì đưa Kadhafi ra khỏi xe, các nhân viên cứu thương phe nổi dậy lại lái xe diễu vòng vòng trong sân, rồi lại chạy đến bệnh viện thứ hai, cách đó đến 50 km, trên đường đến Misrata.

Họ dừng lại ở bìa thành phố duyên hải này, trước ngôi chợ rộng lớn của Souk al-Arab. Nơi đây, xác của Kadhafi được đặt trong một kho lạnh chứa thịt gia súc. Hàng trăm người Libya xếp hàng để diễu qua xem cái xác đã vàng ệch. Ông Kadhafi được đặt trên một tấm nệm, thân trên để trần, đầy những đường rạch và vết bầm tím, bên cạnh là xác của người con trai Moatassem và thủ lĩnh cận vệ của ông, Abou Bakr, hai cái xác này trông còn thê thảm hơn.

CNT khẳng định muốn giao trả xác của nhà cựu độc tài cho gia đình, nhưng hầu như mọi người đều nghĩ là ông ta sẽ bị đem chôn vội vã trong sa mạc. Chủ nhật, chính quyền lâm thời chính thức tuyên bố Libya hoàn toàn giải phóng, và tốt nhất là cái xác của Kadhafi nên biến đi…

Trước đường ống cống nơi nhà cựu độc tài đã sống qua những giây phút cuối cùng, những chiến binh quân nổi dậy vội chen chúc đến chụp ảnh kỷ niệm. Ahmed Amari, một cậu thợ hớt tóc trẻ tuổi quê ở Benghazi, đứng tạo dáng trước đường ống, một tay cầm khẩu kalachnikov, tay kia cầm điện thoại di động, trong khi các bạn anh quay phim. Ahmed nhắn nhủ với Bachar el-Assad - Tổng thống Syria - từ nhiều tháng qua cũng đã nhấn chìm làn sóng nổi dậy tại nước mình trong biển máu. “Hãy nhìn cái lỗ cống này, ông Bachar: đó là nơi chốn tận cùng của các nhà độc tài. Và người sắp tới chính là ông đó!”.


(Ảnh: Ống cống nơi Kadhafi ẩn nấp)

4 commentaires:

  1. Ước gì người sắp tới là Nguyễn Phú Trọng

    RépondreSupprimer
  2. Không biết cái tin nhắn của anh chàng Ahmed có gửi lộn số ai nữa không nhỉ?

    RépondreSupprimer
  3. Dung noi no la "Phu trong" vi su quy goi cua no lam gi con co chu " Trong". Ma hay goi no la thang cho deu ban nuoc LU , no lu lan vi bay gio no con lam nham bai Max-le da bi quang cho CHO gam.

    RépondreSupprimer
  4. Lôi cổ thằng họ Nông ra trước, xếp hàng theo sau là thằng Lú và thằng Y tá.
    Tạm thời như thế đã!

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.