mercredi 12 octobre 2011

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (3)


LND : Đây là phần cuối của bài tóm lược Hồi ký Triệu Tử Dương trên báo Le Monde. Từ ngày mai, xin mời quý vị theo dõi bản dịch chi tiết chương đầu mang tên « Vụ thảm sát Thiên An Môn » của cuốn hồi ký bí mật này.

Hồi ký Triệu Tử Dương được phát hiện sau khi ông qua đời, nhờ con trai ông Bào Đồng tìm ra 30 cuốn băng cassette nằm lẫn lộn trong đống đồ chơi trẻ em, và ông Bào Đồng xác nhận đúng là của cựu Tổng bí thư Trung Quốc. 

Bản tiếng Anh được xuất bản lần đầu tiên năm 2009 với tên « Tù nhân của nhà nước – Hồi ký bí mật của Triệu Tử Dương ». Bản tiếng Hoa tại Hồng Kông mang tên « Cải cách lịch trình ». Chúng tôi dịch theo bản tiếng Pháp vừa ra mắt ngày 06/10/2011 tại Paris, có giữ lại một số chú thích của bản tiếng Anh.

Cuốn sách gồm lời đề tựa dài 23 trang của ông Bào Đồng, lời bạt dài 11 trang của ông Roderick MacFarquhar, giáo sư đại học Havard chuyên về Trung Quốc, và các chương sau :

             I.      Vụ thảm sát Thiên An Môn
           II.      Bị quản thúc tại gia một cách bất hợp pháp
        III.      Cội nguồn của sự bành trướng kinh tế Trung Quốc
       IV.      Năm 1987, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 13: Sự ganh đua trong Bộ Chính trị
         V.      1988: Năm của mọi hiểm nguy
       VI.      Trung Quốc phải thay đổi như thế nào

Do bận công việc “tay phải”, nên bản dịch nếu có ít nhiều sai sót, xin vui lòng thông cảm cho. Đa tạ.

4) Khởi đầu của chính sách mở cửa:

Về việc mở cửa ra thể giới bên ngoài, Trần Vân đã gây ra nhiều quan ngại nhất, và sự khác biệt quan điểm giữa ông và Đặng Tiểu Bình là đương nhiên. Sự bất đồng giữa hai người này về cải cách, chủ yếu trên vấn đề hệ thống kinh tế kế hoạch hóa.

(…) Trần Vân không chống đối rõ nét việc tăng tính tự chủ cho các đại công ty, về quyền sa thải, tổ chức hợp lý hóa và phân quyền, chế độ ký kết hợp đồng nông nghiệp. Nhưng ông lo ngại nhiều nhất về việc mở cửa cho nước ngoài, nhất là tại các đặc khu kinh tế. Đây là đề nghị của Đặng Tiểu Bình, người trước hết đã cho phép mở các đặc khu Thẩm Quyến và Chu Hải ở Quảng Đông, Hạ Môn ở Phúc Kiến, rồi sau đó tại các địa phương khác nữa. Trần Vân tỏ ra thận trọng với các đặc khu này.

Ít lâu sau khi thành lập các đặc khu kinh tế, trong cuộc họp toàn quốc các Bí thư tỉnh thành vào tháng 12/1981 (…), cũng như nhân các lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến thăm vào dịp Tết, Trần Vân đã nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải rút ra được kinh nghiệm từ các đặc khu kinh tế. Ông cho rằng không nên mở rộng thêm nữa, và cần phải đo lường được tất cả các tác động tiêu cực. 

Ban đầu có dự định lập các đặc khu kinh tế dọc theo miền duyên hải, như Thượng Hải và Chiết Giang, nhưng Trần Vân phản đối. Theo ông, vùng này tập trung nhiều kẻ cơ hội, sẽ lợi dụng mọi dịp may để vượt thoát. Bộ phận nghiên cứu của ban thư ký Trung ương Đảng do Đặng Lập Quần đứng đầu, đã làm ra các tài liệu cố chứng tỏ các đặc khu kinh tế cũng từa tựa như các « tô giới » thời xưa. Lý thuyết này khá thông dụng trong một thời gian, do ảnh hưởng của Trần Vân và Đặng Lập Quần.

Về việc sử dụng vốn nước ngoài, quan điểm của Trần Vân hoàn toàn khác với Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng cổ vũ việc huy động rộng rãi vốn đầu tư ngoại quốc, cho rằng nếu không thì một nước đang phát triển như Trung Quốc khó thể cất cánh. Đương nhiên là ông chỉ đưa ra quan điểm chung chứ không thực sự quan tâm đến phương thức thực hiện cụ thể. Ông hoàn toàn ủng hộ dù ở bất cứ dạng nào - cho vay với tỉ lệ ưu đãi hay không, hoặc lập các công ty có vốn hỗn hợp.

5) Quá độ lên dân chủ :

(…) Trong bối cảnh hiện nay của Trung Quốc, cần ưu tiên khẳng định mục tiêu tối hậu của việc cải cách chính trị, cụ thể là việc áp dụng hệ thống chính trị tiên tiến này. Nếu chúng ta không đi theo hướng đó, thì những bất bình thường của nền kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc, khía cạnh không lành mạnh của nó – cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng trầm trọng và khoảng cách bất bình đẳng bị đào sâu – sẽ không thể bị tiêu trừ, và không thể nào thiết lập được Nhà nước pháp quyền. Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này, chúng ta cần kiên quyết thực hiện cải tổ hệ thống chính trị, hướng đến mục tiêu trên.

Mặt khác, trước tình hình hiện nay tại Trung Quốc, chúng ta cần một thời kỳ quá độ tương đối dài. Kinh nghiệm từ nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á xứng đáng được chú ý. Chẳng hạn Đài Loan hay Hàn Quốc đã tiến triển từ hệ thống chính trị truyền thống sang một chế độ dân chủ đại nghị, chúng ta sẽ có lợi khi rút kinh nghiệm từ phía họ. Với thực tế Trung Quốc, để có thể thực hiện bước chuyển đổi một cách thích hợp, thì cần duy trì vị trí thống trị của Đảng Cộng sản trong một thời kỳ nhất định, trong khi thay đổi cung cách điều hành của Đảng. Giải pháp này theo tôi là tốt nhất.

Tôi cho rằng đây là một điểm tốt để khởi đầu. Trước hết, sự thay đổi này thích hợp cho việc duy trì sự ổn định của Nhà nước và xã hội, tạo các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Thứ đến, nhờ có các tiến triển trong những lãnh vực trên, có thể chuyển đổi nhẹ nhàng sang một hệ thống chính trị khác chín muồi hơn, văn minh hơn và dân chủ hơn. Nói một cách khác, thứ nhất, không phải là không có khả năng thúc đẩy nhanh tiến trình và áp dụng kinh nghiệm bên ngoài cùng một lúc, thứ hai, chúng ta phải tiến về hướng này, tuyệt đối tránh đi ngược lại.

Về độ dài của thời kỳ quá độ, thì còn tùy thuộc vào tổng thể phát triển xã hội. Điều quan trọng là Đảng Cộng sản phải quan tâm đến, để phân biệt với những cái thứ yếu, khẩn cấp trong trung hạn, và tiến hành cải cách theo từng bước.

Đảng cầm quyền phải bước qua hai bước quyết định. Đầu tiên là dỡ bỏ việc cấm cản các đảng dân chủ và  báo chí độc lập. Chắc chắn là phải làm từ từ, nhưng điều này là cần thiết. Bước thứ hai là dân chủ hóa trong nội bộ Đảng : Đảng phải tự mình cải cách theo con đường dân chủ.

Trong quá khứ, vào thời kỳ cuộc chiến tranh giải phóng và giai đoạn khởi đầu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì nhất thiết phải đặt trọng tâm vào chế độ tập quyền và kỷ luật. Nhưng sự chuyển đổi từ một đảng đấu tranh cách mạng sang một đảng điều hành nhà nước, việc quá độ sang một chế độ đại nghị không thể thực hiện được, nếu không có dân chủ hóa ngay trong nội bộ đảng. Nói cách khác, đó là việc duy trì sự hiện diện hợp pháp các thành phần có những ý tưởng khác nhau trong đảng.

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (1)
Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (2)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.