Bài báo mở đầu bằng trường hợp bé Đỗ Hoàng Anh, 4 tuổi, bị lao màng não, đang nằm ở khoa Nhi bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Cha mẹ của bé nhập cư vào Sài Gòn lúc bé mới hai tuổi, không biết rằng lúc đó hai mẹ con đã bị nhiễm HIV từ người chồng - thường sử dụng ma túy và quan hệ với gái mại dâm – truyền sang. Bác sĩ trưởng khoa tỏ ra bi quan về cơ hội sống sót của em.
Le Monde cho biết, đó không phải do thiếu phương tiện vật chất và nhân sự, vì bệnh viện sạch sẽ này có được các trang thiết bị hiện đại, phần lớn do quốc tế giúp đỡ để đấu tranh chống lại bệnh lao. Trong đó có cả các trường hợp đa kháng thuốc, khi mà vi khuẩn lao không bị tác động bởi hai loại thuốc kháng sinh chính.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hiện có 800 giường, và riêng về lao thì có 8 khoa điều trị, trong đó có một khoa dành riêng cho dạng lao đa kháng thuốc. Trong năm 2010, bệnh viện đã khám cho 23.500 bệnh nhân, và tiếp nhận 20.000 người nằm điều trị. Mỗi ngày, có 800 ca phân tích đàm và 100 trường hợp nuôi cấy khuẩn để tìm ra các dấu hiệu của bệnh lao. Bác sĩ Nguyễn Huy Dũng, giám đốc bệnh viện cho biết : « Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận từ 400 đến 500 bệnh nhân mắc đủ loại bệnh đường hô hấp, và phát hiện ra 30% đến 40% trong số họ bị lao ».
Lao đa kháng thuốc hầu hết xuất hiện nơi các bệnh nhân đã từng chữa trị lao nhưng không đúng cách hoặc không đến nơi đến chốn. Thường thì phải điều trị từ 6 đến 8 tháng, ban đầu là 4 viên thuốc/ ngày, sau đó giảm còn 2 viên. Nhưng dạng lao đa kháng thuốc thì cần thời gian điều trị từ 18 đến 24 tháng, phối hợp 5 đến 6 loại thuốc, trong đó có một loại phải chích đều đặn mỗi ngày trong nhiều tháng.
Với trên 100.000 ca bệnh mới một năm, Việt Nam hiện xếp thứ 12 trong số các nước trên thế giới chịu ảnh hưởng của bệnh lao nhiều nhất. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất nước với trên 7 triệu dân, đồng thời là trung tâm kinh tế, là nơi bệnh lao hoành hành nhiều nhất. Những người lao động nhập cư từ các tỉnh sống trong các điều kiện tạm bợ, là nguồn cung rất lớn cho bệnh lao. Có đến 20/24 quận huyện có người nhiễm lao, trong đó bệnh viện ghi nhận có 101 trường hợp kháng thuốc.
Chương trình chống lao toàn quốc dựa vào một mạng lưới gồm 800 đơn vị phòng khám khu vực. Nếu đi theo đúng tuyến, thì các xét nghiệm và thuốc men được miễn phí, nhưng nếu vượt tuyến đến thẳng bệnh viện thì bệnh nhân phải trả một phần. Tại các phòng khám khu vực, nếu một bệnh nhân không đến nhận liều thuốc hàng tháng thì sẽ có người đến nhà để tìm hiểu.
Le Monde nhấn mạnh, tất cả các phòng khám lao trên toàn quốc đều ghi nhận có những ca đa kháng thuốc. Chẳng hạn tại Củ Chi, có 17/627 bệnh nhân lao là thuộc diện này. Còn đối với Tổ chức Y tế Thế giới OMS, thì con số chính thức 100.000 ca bệnh lao mới hàng năm, vẫn còn xa so với thực tế. Tuy vậy, tỉ lệ phát hiện bệnh và đưa vào điều trị ở Việt Nam hiện vượt xa mục tiêu của OMS, chỉ có điều là số lượng các ca nhiễm bệnh mới không hề giảm.
Trung Quốc : Thí điểm một gia đình có hai con cho kết quả tích cực
Còn tại Trung Quốc, trên lãnh vực xã hội, Le Monde cho biết : « Tại huyện Dực Thành, người dân có thể có hai con ». Đặc phái viên của tờ báo tại Thiểm Tây cho biết, được chọn làm thí điểm từ năm 1985, chính sách kế hoạch hóa gia đình linh hoạt hơn tại đây đã giúp cải thiện việc kiểm soát sinh sản.
Dực Thành vốn là một huyện có 300.000 dân của tỉnh Thiểm Tây, từ 26 năm qua đã được bí mật chọn lựa làm thí điểm. Các cặp vợ chồng sinh sống ở đây được phép sinh hai đứa con, trong khi trên toàn quốc kể từ năm 1980 đến nay, trừ các dân tộc thiểu số, thì mỗi gia đình chỉ được phép có một con. Tại một xã điểm, người phụ trách kế hoạch hóa gia đình cho biết, công việc đã dễ dàng hơn sau khi có chủ trương thể nghiệm này. Người dân không còn lén lút nữa, mà tỏ ra hợp tác hơn.
Được ưu tiên cho mỗi gia đình có hai con, nhưng họ được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Các cặp vợ chồng phải đợi đến năm 24 tuổi mới được sinh con đầu lòng, và sáu năm sau mới đến đứa thứ hai, trong khi tại các địa phương khác giới hạn này là 21 tuổi. Ngay sau khi có đứa con đầu, người phụ nữ sẽ được đặt vòng tránh thai, và sau khi có đứa con thứ hai thì sẽ bị buộc vòi trứng để triệt sản. Các thủ thuật này được các « đơn vị dịch vụ kỹ thuật » đến tận nơi để thực hiện, và cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu.
Tại huyện Dực Thành, mỗi xã đều có người phụ trách kế hoạch hóa gia đình, thường là bác sĩ hay nữ hộ sinh. Người này chịu trách nhiệm về kết quả, có các chế độ thưởng phạt. Trong thập niên 80, ủy ban xã còn cho cán bộ chuyên trách này cả quyền cấp đất canh tác, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn.
Kết quả là tỉ lệ sinh con ở Dực Thành đạt loại thấp nhất trên toàn quốc, và tỉ lệ nam nữ khá cân đối là 105 nam/100 nữ, so với cả nước là 117 nam/100 nữ. Các chuyên gia nhận định, kinh nghiệm từ Dực Thành cho thấy, một chính sách kế hoạch hóa gia đình linh hoạt sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Trung Quốc.
Tây Tạng : Ngọn lửa tự thiêu tố cáo sự đàn áp của Trung Quốc
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Libération đề cập đến hiện tượng « Người Tây Tạng phó mình cho ngọn lửa », khi liên tục xảy ra nhiều vụ tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng để đấu tranh chống lại sự đàn áp của Bắc Kinh.
Tờ báo ghi nhận, hầu như tất cả những người tự thiêu đều hô to các khẩu hiệu như « Tự do cho Tây Tạng », và « Đức Đạt Lai Lạt Ma phải được quay về ». Bắc Kinh lên án hình thức đấu tranh bất bạo động này là « khủng bố trá hình », nhằm xúi giục các nhà sư phải hy sinh với mục đích « làm chia rẽ đất mẹ Tổ quốc ». Nhưng Lobsang Sangay, Thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong hôm qua đã đánh giá tình hình là « khẩn cấp », và kêu gọi Bắc Kinh đối thoại. Ông cho biết đã tác động đến 20 nguyên thủ quốc gia để họ cố thuyết phục chính quyền Bắc Kinh tiến hành thương thảo. Ông Sangay nói thêm : « Nếu bạn biểu tình ở Tây Tạng, thì trong đa số trường hợp bạn sẽ bị bắt, bị đánh đập, đôi khi tra tấn, và có khi bạn mất tích luôn hoặc bị giết chết ».
Libération nói thêm, tuy báo chí chính thức của Trung Quốc không hề nhắc đến các vụ tự thiêu này, nhưng hôm qua trên 200 nhà văn, nghệ sĩ và các nhân vật tên tuổi Trung Quốc đang lưu vong đã gởi một lá thư ngỏ, tố cáo chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với người Tây Tạng. Một số phong trào dân chủ khác của người Trung Quốc lưu vong cũng đã lên án các vụ đàn áp đẫm máu. Còn những người Tây Tạng ở nước ngoài cũng hết sức bức xúc. Hàng chục người Tây Tạng hôm qua đã cố đột nhập vào đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, một cuộc tuyệt thực đã được tổ chức trước đại sứ quán Trung Quốc ở Úc. Tại Népal, nơi có một cộng đồng 20.000 Tây Tạng, một ni sư đã toan tự thiêu, nhưng bị cảnh sát ngăn trở.
Trung Quốc đặt bước chân vào vũ trụ
« Bước chân của hai người Trung Quốc vào không gian », đó là tựa đề bài báo trên Libération. Tờ báo nhận định, với thành công trong việc lắp ráp tàu vũ trụ Thần Châu 8 và mô-đun Thiên Cung 1 trên quỹ đạo, Trung Quốc đang tiến đến việc xây dựng một trạm không gian hoàn chỉnh.
Bắc Kinh cũng đã khẳng định ý đồ trở thành một đại cường không gian, có khả năng sản xuất và phóng đi các vệ tinh đủ loại, từ dân sự, quân sự cho đến khoa học, quan sát Trái Đất, thời tiết, hàng hải và địa tĩnh…cũng như cung cấp cơ sở hạ tầng cho các phi hành gia. Trung Quốc nói rằng đây là kỹ thuật của chính họ, tuy bắt chước theo Nga. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, thì sang năm Bắc Kinh sẽ tiếp tục phóng thêm các phi thuyền không gian khác.
Libération nhận định, Hoa Kỳ dường như không thể kìm lại được việc Trung Quốc thu thập kỹ thuật vũ trụ dân sự và quân sự. Khía cạnh chính trị của thành công kỹ thuật này có thể thấy rõ, với sự hiện diện của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại trung tâm kiểm soát ở Bắc Kinh, khi con tàu vũ trụ được phóng đi. Còn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, có mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Cannes, Pháp đã không bỏ lỡ cơ hội khoe khoang sức mạnh cường quốc không gian của nước mình. Theo tờ báo, do cơ quan NASA của Mỹ đã ngưng chương trình tàu con thoi, nay chỉ còn có hai nước là có khả năng gởi phi hành gia vào quỹ đạo, đó là Nga và Trung Quốc.
Thái Lan : Dân ngoại ô phẫn nộ vì bị hy sinh quyền lợi trong lũ lụt
Còn về nạn lụt tại Thái Lan, Le Figaro đề cập đến « Sự nổi loạn của những nạn nhân bị lũ lụt tại Bangkok ». Bực tức vì đã phải hy sinh để bảo vệ khu vực trung tâm thủ đô, nhiều người dân đã phá một số đoạn đê bảo hộ đắp bằng bao cát ngăn nước tràn vào thủ đô nước Thái.
Phải chịu đựng nước tù đọng hôi thối, tại một số nơi người dân đã công khai xách búa và cuốc xẻng ra phá các đoạn đê bảo hộ mới đắp. Hồi tuần trước, các phi đạo của phi trường Don Muang cũng đã bị ngập nước do bức tường đắp bằng bao cát bao quanh « tự dưng » bị sụp đổ. Nhiều người dân không giấu được cảm giác cay đắng khi phải gánh chịu lũ lụt, tài sản bị thiệt hại, trong khi khu vực tài chính và kinh doanh ở trung tâm thủ đô thì vẫn người ta vẫn ung dung tự tại.
Hy Lạp và hội nghị G20 : Tựa chính báo Pháp
Hồ sơ Hy Lạp và hội nghị thượng đỉnh G20 tiếp tục là đề tài được các báo Paris quan tâm nhất. Le Monde chạy tựa : « G20 : Bi kịch Hy Lạp tại Cannes ». Nhật báo công giáo La Croix nhận định: « Hy Lạp đang ở chân tường », còn theo tờ báo cánh tả Libération thì: « Khủng hoảng Hy Lạp : Châu Âu chệch hướng ». Nhật báo cánh hữu Le Figaro cho biết : « Sau tối hậu thư cho Papandréou, châu Âu đặt Berlusconi trong vòng giám sát ». Còn tờ báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc « Chủ tịch Ngân hàng châu Âu Mario Draghi kích hoạt vũ khí chống suy thoái ». Vừa nhậm chức, thì vị chủ tịch người Ý đã làm một động tác bất ngờ, đó là hạ lãi suất chỉ đạo xuống còn 1,25%. Chỉ riêng nhật báo cộng sản L’Humanité chú ý đến đề tài chính trị nước Pháp, với hàng tựa « Mặt trận cánh tả là mặt trận của nhân dân ».