Khi lịch sử trở mình : Sự mỉa mai trong quan điểm của một bộ phận người Việt ủng hộ Nga
Trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine, một bộ phận người Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng cộng sản và ủng hộ chính quyền Putin thường lên án Ukraine.
Họ cho rằng Ukraine chỉ là “con rối” của NATO, chiến đấu vì lợi ích của phương Tây thay vì vì đất nước của chính mình. Một số thậm chí chê bai Ukraine là “ngu ngốc” khi “lao đầu vào cuộc chiến thay cho Mỹ và châu Âu.”
Tuy nhiên, lịch sử luôn có những bài học quý giá, nhưng không phải ai cũng chịu học từ đó. Trước khi chỉ trích Ukraine, có lẽ những người Việt ủng hộ Nga nên nhìn lại chính lịch sử nước mình. Bởi lẽ, chính Việt Nam – đặc biệt là miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh – cũng từng tham gia một cuộc chiến dưới sự chi phối của các cường quốc cộng sản như Liên Xô và Trung Quốc. Nếu Ukraine “ngu ngốc” vì chiến đấu bảo vệ chủ quyền thì liệu Việt Nam có “khôn ngoan” khi lao vào một cuộc chiến mang đậm màu sắc ý thức hệ ?
Việt Nam và cuộc chiến không chỉ vì độc lập dân tộc
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cuộc chiến tại Việt Nam có ít nhất ba chiều kích chính :
- Độc lập dân tộc
- Ý thức hệ
- Nội chiến
Đây là một vấn đề phức tạp, nhưng có một điểm không thể chối cãi : Chiến tranh Việt Nam không đơn thuần chỉ là một cuộc chiến giành độc lập khỏi ngoại xâm.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai hệ thống chính trị đối lập :
- Miền Bắc theo chế độ cộng sản, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Liên Xô và Trung Quốc.
- Miền Nam theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa, là đồng minh của Mỹ và phương Tây.
Miền Bắc không chỉ chiến đấu để thống nhất đất nước mà còn để áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên toàn bộ Việt Nam, thực hiện mục tiêu của Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh lạnh. Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam, từng thừa nhận thẳng thắn :
“Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.”
Câu nói này phản ánh rõ ràng rằng Việt Nam không chỉ chiến đấu vì mình, mà còn vì lợi ích ý thức hệ của khối cộng sản quốc tế. Viện trợ quân sự, kinh tế và chính trị từ Liên Xô và Trung Quốc đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến, cho thấy mức độ phụ thuộc sâu sắc của miền Bắc Việt Nam vào các cường quốc bên ngoài. Thế mạnh duy nhất về vũ khí của Việt Nam là cây tre để làm gậy và cũng để làm ngoại giao, thậm chí cho đến tận bây giờ.
Ukraine và Việt Nam : Hai cuộc chiến, một nghịch lý
Điều trớ trêu là, những người Việt ủng hộ Nga ngày nay chỉ trích Ukraine là “con rối” của phương Tây, nhưng lại không nhận ra rằng miền Bắc Việt Nam trước đây cũng từng là “con rối” của Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh lạnh.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai cuộc chiến ?
- Mỹ không xâm lược miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, Nga đã ngang nhiên vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, tiến hành xâm lược và chiếm đất của Ukraine.
- Ukraine chiến đấu không vì bất kỳ hệ tư tưởng nào, mà vì chủ quyền và sự tồn vong của chính mình.
- Miền Bắc Việt Nam chiến đấu vì một ý thức hệ ngoại lai, phục vụ tham vọng lan rộng chủ nghĩa cộng sản của các cường quốc bên ngoài.
Những ký ức bị lãng quên
Những người Việt Nam ủng hộ Nga ngày nay dường như mắc chứng “quên có chọn lọc.”
Họ dễ dàng gọi Ukraine là “con rối” vì nước này nhận viện trợ từ phương Tây nhưng lại không chịu thừa nhận rằng miền Bắc Việt Nam cũng từng sống nhờ viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc – từ vũ khí, quân trang, lương thực đến từng cái kim, sợi chỉ.
Nếu miền Bắc Việt Nam có thể được ca ngợi là “anh hùng” khi chiến đấu chống Mỹ bằng nguồn viện trợ khổng lồ từ Liên Xô và Trung Quốc, thì tại sao lại phủ nhận quyền của Ukraine trong việc nhận hỗ trợ quốc tế để tự vệ ?
Lịch sử và bài học
Trước khi chỉ trích Ukraine là “ngây thơ” hay “con rối” của phương Tây, hãy tự hỏi : Cuộc chiến của miền Bắc Việt Nam có “khôn ngoan” không?
- Lượng bom đạn được sử dụng ở Việt Nam nhiều hơn cả Thế chiến II.
- Hàng triệu người chết.
- Đất nước bị tàn phá, nghèo đói, tụt hậu, chia rẽ.
- Hậu quả tâm lý, tư duy, thói quen hành xử lạc hậu kéo dài hàng trăm năm.
Chiến đấu vì lợi ích của kẻ khác, vì một ý thức hệ hoàn toàn vô bổ, để rồi đất nước tan hoang, hàng triệu người chết – vẫn tự hào.
Ngược lại, Ukraine chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của mình – lại bị dè bỉu.
Phải "anh hùng" đến mức nào mới có thể có tư duy như vậy ? Chỉ có những ai biết nghĩ, sẵn sàng đối mặt với sự thật lịch sử mới có thể học được những bài học đó… và không vô tình chửi bố mình.
Đừng chửi Ukraine nữa. Chửi nó chính là đang chửi bố mình đấy. Có não không ?
HOÀNG QUỐC DŨNG 04.04.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.