mardi 1 avril 2025

Nguyễn Ngọc Chu - Động đất Miến Điện và động đất Việt Nam

 

“Mất bò mới lo làm chuồng” là câu thành ngữ nổi tiếng, hầu như ai cũng nhớ, nhưng trên thực tế, thì chẳng mấy ai để ý khi vấn đề liên quan đến tài sản công hay vận mệnh chung.

Nhưng “mất bò” còn là nhẹ. Vì nhiều trường hợp liên quan đến tính mạng, không chỉ một cá nhân, mà của nhiều người, của nhiều đời nhưng cũng không mảy may lo lắng. Không phải “Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng” của bậc kẻ sĩ, mà bởi vì “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, liều hơn là “Điếc không sợ súng”.

Thảm họa động đất 7,7 độ richter kinh hoàng ở Miến Điện ngày 28/03/2025 sẽ còn tác động dài lâu. Không chỉ đối với Miến Điện, mà cả toàn bộ Đông Nam Á. Tác động nguy hại không phải chỉ nằm ở phục hồi tổn thất to lớn, mà lo lắng hơn, sợ hãi hơn - là sẽ tiếp tục xuất hiện các trận động đất mới.

“Vô lực hồi thiên”. Đã không có lực xoay chuyển được số trời trước tai họa, thì bất hạnh thay, con người lại tích cực tham gia vào quá trình thúc đẩy xẩy ra tai họa. Như làm nóng lên trái đất. Làm thủng tầng ozone. Làm ô nhiễm môi trường sống. Làm lũ quét, sạt lở. Làm gãy vỏ trái đất, thúc đẩy gia tăng địa chấn.

ĐỘNG ĐẤT GIA TĂNG

Rạng sáng ngày 31/03/2025, liên tiếp có 3 trận động đất xẩy ra tại huyện Kon Plông thuộc tỉnh Kon Tum, từ 4 giờ 8 phút tới 4 giờ 46 phút, với cường độ từ 2,6-3,1 độ Richter [1].

Ngày 09/10/2024 tại Quảng Nam cũng có 3 trận động đất liên tiếp xảy ra trong 8 phút, với cường độ 2,9, 2,6, 2,6 độ Richter [2].

Ngày 23/09/2024, một trận động đất 3,3 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), sau đó, một trận động đất khác mạnh 3,7 độ Richter xảy ra ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) [3].

Theo thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu, trong năm 2024, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 482 trận động đất, với độ lớn từ 2,5 đến 5 độ Richter. Đặc biệt, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khi có tới hơn 440 trận động đất xảy ra tại đây trong năm 2024.

Trong năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 353 trận động đất, tăng đáng kể so với các năm trước đó. Cụ thể, năm 2022 có 293 trận và năm 2021 có 183 trận. Sự gia tăng này chủ yếu tập trung tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi xảy ra khoảng 95 % số trận động đất trên cả nước trong năm 2023 [4].

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu thì “Quá trình tích nước ở các hồ thủy điện đã tác động mạnh đến các đứt gãy địa chất, gây ra hàng loạt trận động đất tại huyện Kon Plông, Kon Tum. Các yếu tố như mực nước, tốc độ tích nước và tổng lượng nước trong hồ chứa có thể gây ra động đất kích thích nhưng hiệu ứng này thường xuất hiện sau một khoảng thời gian nhất định, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, khi nước ngấm sâu vào lòng đất” [5]. Tiến sĩ Xuân Anh gọi là "động đất kích thích", tức là do họat động của con người.

ĐỨT GÃY TRƯỜNG SƠN, ĐỨT GÃY SÔNG HỒNG

Dãy núi Trường Sơn và vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam được hình thành do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo lớn trong quá trình vận động của vỏ trái đất, là sự va chạm của Mảng Ấn Độ với mảng Á-Âu và Mảng Đông Dương với Mảng Mã Lai.

Vùng dãy Trường Sơn và Tây Bắc Việt Nam nằm trên khu vực có họat động kiến tạo mạnh mẽ, chủ yếu là do sự tương tác giữa các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu. Trong khu vực này, có một số đứt gãy vỏ trái đất đáng chú ý:

1. Vết đứt gãy sông Hồng:

Đứt gãy Sông Hồng kéo dài từ khu vực miền Bắc Việt Nam, đi qua Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, và tiếp tục mở rộng sang phía Bắc, vào Trung Quốc.

Chiều dài: Khoảng 300 - 400 km.

Đặc điểm: Đây là một đứt gãy sâu và họat động, có đặc điểm chính là trượt ngang (strike-slip fault) hoặc đứt gãy chéo (oblique-slip fault). Nó đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển động của các mảng kiến tạo ở khu vực này, ảnh hưởng đến sự biến dạng địa chất của vùng đồng bằng Bắc Bộ và các khu vực xung quanh.

2. Vết đứt gãy Lào Cai

Đứt gãy Lào Cai nằm ở khu vực Tây Bắc Việt Nam, kéo dài qua các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, đến gần biên giới Trung Quốc.

Chiều dài: Khoảng 100 - 200 km, chủ yếu nằm trong khu vực Tây Bắc.

Đặc điểm: Đây là một đứt gãy lớn với các họat động trượt nghiêng (thrust fault) hoặc trượt chéo, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến địa hình và địa chất của khu vực Tây Bắc. Đứt gãy này có thể gây ra động đất trong các trường hợp có sự thay đổi về áp suất địa chất hoặc do tác động của các họat động khai thác.

3. Vết đứt gãy sông Cả

Vết đứt gãy này kéo dài từ Nghệ An đến Hà Tĩnh và là một trong những vết đứt gãy quan trọng ở khu vực miền Trung Việt Nam.

Vết đứt gãy sông Cả nằm chủ yếu ở vùng miền núi của Nghệ An và Hà Tĩnh, được hình thành bởi các tác động của sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo.

Đây là một vết đứt gãy nghiêng, có thể gây ra sự dịch chuyển địa chất rõ rệt, nhưng tác động của nó chủ yếu ở mức độ thấp đến trung bình.

4. Vết đứt gãy Mã Lai

Vết đứt gãy này ảnh hưởng đến khu vực phía Nam của dãy Trường Sơn, liên quan đến sự tương tác giữa mảng Đông Dương và mảng Mã Lai. Đây cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến các họat động địa chất trong khu vực.

Ngoài những vết đứt gãy lớn trên, khu vực Trường Sơn còn có rất nhiều các vết đứt gãy nhỏ khác, hình thành trong suốt quá trình di chuyển của các mảng kiến tạo, tạo ra các biến dạng, nứt nẻ và sự dịch chuyển của các khối đất đá.

Hiện tại các mảng kiến tạo lớn đang di chuyển (Mảng Thái Bình Dương Mảng Ấn Độ, Mảng Á-Âu, Mảng Bắc Mỹ, Mảng Nam Mỹ, Mảng Phi, Mảng Úc). Các dãy núi lớn vẫn thay đổi, như Himalaya vẫn tiếp tục gia tăng độ cao do va chạm của mảng Ấn Độ với mảng Á-Âu. Dãy Trường Sơn cũng không thể tránh khỏi tác động của sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo [6,7,8,9].

Sự xuất hiện động đất gia tăng ở Việt Nam những năm gân đây có sự tham gia tích cực của con người. Những hồ chứa nước thủy điện, hồ chứa nước thủy lợi, những công trình bạt núi, xuyên núi, ngăn sông, những khu nhà cao tầng ở xung quanh hồ chứa nước cùng với bạt núi làm đường, phá rừng, đều dẫn đến địa chấn, làm gia tăng vết đứt gãy, dẫn đến động đất.

UY LỰC CỦA CÁC HỒ CHỨA NƯỚC THỦY ĐIỆN

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 372 thủy điện. Trong đó 41 thủy điện lớn (từ 100 MW trở lên), và 331 thủy điện vừa và nhỏ (5 MW – 99 MW) [10].

Lưu vực sông Hồng, theo thống kê chưa đầy đủ, có 124 thủy điện. Trong đó sông Đà – 50, sông Lô – 17, sông Gâm – 16, sông Chảy – 14, các sông khác 27.

Phía Tây Bắc Hà Nội, chỉ tính riêng 6 thủy điện lớn, đã có lượng nước khổng lồ nặng 26, 53 tỉ tấn (Hòa Bình - 9,45 tỉ m³, Sơn La - 9,26 tỉ m³, Thác Bà - 2,49 tỉ m³, Bản Chát - 2,13 tỉ m3, Tuyên Quang -  2,0 tỉ m³, Lai Châu - 1,2 tỉ m³).

Thống kê 11 hồ chứa nước thủy điện lớn nhất trên toàn quốc cho một khối lượng nước nặng khoảng 35, 335 tỉ tấn (thêm 5 thủy điện: Trị An - 2,765 tỉ m³, Bản Vẽ - 1,8 tỉ m³, Đồng Nai 3 - 1,69 tỉ m³, Cửa Đạt - 1,5 tỉ m³, Yaly -  1,05 tỉ m³).

Hàng tỉ mét khối nước được tích tụ trong hồ chưa nước sẽ tạo ra một sự thay đổi đáng kể về sức ép đối với các đứt gãy và cấu trúc địa chất xung quanh. Sự thay đổi áp suất này có thể kích họat các chuyển động của vỏ trái đất, đặc biệt là nếu khu vực đó đã có sự tích tụ năng lượng hoặc đã tồn tại các đứt gãy họat động.

BIỆN PHÁP

Động đất là thảm họa “Vô lực hồi thiên”. Điều tối thiểu là họat động của con người không làm gia tăng khả năng xẩy ra các thảm họa này.

1. Không xây thêm các công trình thủy điện và các công trình làm gia tăng “Động đất kích thích”.

2. Tại các vùng hồ thủy điện - không tiến hành xây các công trình lớn, dẫn đến bạt núi, xuyên núi, các công trình tải trọng nặng, các công trình làm mất rừng, gây lũ quét, gây chấn động lòng đất.

3. Tăng cường các biện pháp quyết liệt bảo vệ môi trường. Để tránh các thiên tai bão lụt, lũ quét, sạt lở dẫn đến thay đổi địa hình, thay đổi lòng đất.

4. Thiết lập các bộ tiêu chuẩn yêu cầu về chống động đất cho các công trình xây dựng mới.

5. Kiểm tra các công trình đã xây, nhất là các khu nhà tập thể cao tầng, về độ an toàn đối với động đất, để có biện pháp đối phó thích hợp.

6. Có chương trình nghiên cứu quốc gia đối phó với động đất.

KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG

Chúng ta thường xuyên nói đến “Không đánh đổi môi trường…”. Nhưng trên thực tế thì không được như vậy. Thống kê ghi lại, nhiều hành động hoặc quá tả hoặc quá hữu.

Sau khi giành chính quyền, đề cao vô thần, ồ ạt đập phá chùa chiền. Giờ thì khắp nơi đổ xô xây dựng chùa chiền. Chùa chiền trước đây chỉ chiếm vài sào vài héc ta đất, giờ chiếm cả trăm héc ta đất. Trước khi giành chính quyền thì đề cao “dân cày có ruộng”. Sau khi có chính quyền thì quốc hữu hóa tuốt tuồn tuột. Giờ thì cấp dự án khắp mọi nơi, mỗi dự án từ dăm chục cho đến dăm ngàn héc ta đất. Tiêu chí môi trường, luôn nhắc đến, luôn được thông qua.

Tây Bắc từng ghi nhận động đất 6,7 – 6,8 độ Richter. Sau ba năm số lần động đất tăng từ 183 (2021) lên 482 (2024) với tốc độ kinh hoàng 263 %.  Không nghi ngờ gì nữa, số lần động đất tăng đột biến là do tác động không nhỏ của con người. Đó là đóng góp của “Động đất kích thích”.

Ủng hộ cho sự phát triển mạnh mẽ. Nhưng là một sự phát triển khoa học, sự phát triển để lại cho muôn đời sau một môi trường sống an toàn.

NGUYỄN NGỌC CHU 01.04.2025

Tài liệu dẫn :

[6] "Geology of Vietnam", V. M. Kossovskaya (1974)

[7] "Tectonics of the Indo-Asian Collision" (A. R. M. Jones, 1996)

[8] "Tectonic evolution of the Red River Fault Zone and its seismic activity", Tectonophysics và Journal of Asian Earth Sciences.

[9] "Geodynamics of Southeast Asia" (2007):

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.