lundi 10 octobre 2011

Pháp và Đức hứa hẹn hành động nhanh để giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro


Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua 9/10 đã hứa hẹn sẽ nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, tuy vẫn chưa cho biết chi tiết. Còn hôm nay các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định dời lại vài ngày cuộc họp dự trù ngày 17/10 tại Bruxelles để chuẩn bị kỹ càng hơn.

Trong cuộc họp báo chung tại Berlin, Tổng thống Sarkozy loan báo sẽ đưa ra « Những lời đáp lâu dài, mang tính toàn cầu và nhanh chóng vào trước cuối tháng », ngõ hầu « Châu Âu đến với hội nghị G20 một cách thống nhất, với các vấn đề đã được giải quyết xong ».

Nước Pháp hiện là chủ tịch G20, tập hợp các nước giàu nhất và các quốc gia đang trỗi dậy chủ chốt, sẽ họp hội nghị thượng đỉnh ngày 3 và 4/11 tại Cannes, Pháp. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trước đó cũng đã đòi hỏi châu Âu cần có kế hoạch hành động nhân hội nghị này.

Vấn đề đầu tiên phải giải quyết là củng cố các ngân hàng châu Âu đang chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng nợ. Paris và Berlin đã thống nhất sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng, theo cùng một tiêu chuẩn. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thì cần phải rót vào khoảng 200 tỉ euro.

Hồ sơ thứ hai là cải cách các hiệp ước châu Âu. Pháp và Đức đề nghị các sửa đổi quan trọng, nhằm giúp hội nhập nhiều hơn vào khu vực đồng euro, với sự hợp tác chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó cần tăng cường Quỹ hỗ trợ châu Âu (FESF) nhằm cứu vãn các nước có nguy cơ bị vỡ nợ.

Về hồ sơ Hy Lạp, tâm chấn của cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Đức nhấn mạnh cần có một giải pháp bền vững để duy trì quốc gia này trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên cả Paris và Berlin đều không đề cập cụ thể các chủ nợ sẽ phải xóa nợ theo tỉ lệ nào, ngoài con số 21% đã đưa ra hồi tháng 7.

Hôm nay Chủ tịch Liên hiệp châu Âu đã thông báo dời lại cuộc họp nguyên thủ các nước khu vực đồng euro về cuộc khủng hoảng nợ. Được dự trù vào ngày 17/10 tại Bruxelles, hội nghị thượng đỉnh này sẽ diễn ra ngày 23/10, nhằm mục đích đạt được một chiến lược tổng thể, tránh khủng hoảng lây lan. 

Tình hình nguy ngập trong lãnh vực ngân hàng, được minh chứng bằng việc giải thể ngân hàng Dexia - ngân hàng châu Âu là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ - đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu phải xắn tay hành động.

Bài đăng : Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 
tags: Châu Âu - Kinh tế - Pháp - Quốc tế - Theo dòng thời sự
 

Hai người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế 2011


Giải Nobel kinh tế 2011 hôm nay 10/10 đã được trao cho hai nhà kinh tế Mỹ, Thomas J.Sargent và Christopher A.Sims, do « các công trình nghiên cứu thực tiễn về nguyên nhân và tác dụng  trong kinh tế vĩ mô ».

Ủy ban Nobel nhận xét, hai nhà kinh tế trên đã “Triển khai các phương pháp để trả lời rất nhiều câu hỏi, liên quan đến quan hệ nhân quả giữa chính sách kinh tế và nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô đa dạng khác như tổng sản phẩm nội địa, lạm phát, việc làm và đầu tư ».

Ủy ban giải thích thêm, nền kinh tế thường bị ảnh hưởng bởi các sự kiện ngoài dự kiến, như giá dầu hỏa tăng, ngân hàng trung ương bất ngờ ấn định lãi suất mới, hay tiêu dùng của các hộ gia đình đột ngột giảm xuống. Các sự kiện này thường được gọi dưới tên các cú sốc. Kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các biến đổi dài hạn, như việc thay đổi chính sách tiền tệ nhằm thiết lập các biện pháp chống lạm phát chặt chẽ hơn, hay chính sách thuế khóa nghiêm ngặt hơn.

Theo Ủy ban Nobel, thì « Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của việc nghiên cứu kinh tế vĩ mô là hiểu được làm thế nào các cú sốc và những thay đổi về chính sách ảnh hưởng lên các chỉ số vĩ mô trong ngắn hạn và dài hạn. Các nghiên cứu được tưởng thưởng của hai ông Sargent và Sims là rất cần thiết cho công việc này ».

Ông Thomas Sargent sinh năm 1943 tại California, là giáo sư trường đại học New York, « đã giúp hiểu được tác dụng của việc thay đổi chính sách », còn nghiên cứu của ông Christopher Sims, sinh năm 1942 tại Washington « tập trung vào phương cách mà các cú sốc đã tác động lên toàn bộ nền kinh tế ».

Bài đăng : Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 
tags: Kinh tế - Nobel - Quốc tế - Theo dòng thời sự

Bầu cử Quốc hội Ba Lan : Đảng cầm quyền về đầu


Đảng Cương lĩnh Công dân của Thủ tướng mãn nhiệm Donald Tusk đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Ba Lan ngày hôm qua 9/10, với gần 39% số phiếu, qua mặt đảng đối lập của ông Jaroslaw Kaczynski, được khoảng 30%. Như vậy, ông Tusk sẽ đứng ra lập chính phủ mới, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ba Lan một Thủ tướng giữ được chức vụ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Tuy trước cuộc bầu cử, ông Donald Tusk hứa hẹn sẽ thay đổi nhiều bộ trưởng, nhưng chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính vẫn được giữ nguyên. Điều này làm an tâm các đối tác châu Âu, vì Ba Lan hiện là chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu cho đến cuối năm nay.

Việc một Thủ tướng mãn nhiệm lại được tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai là chưa có tiền lệ tại Ba Lan, kể từ khi chế độ cộng sản bị sụp đổ năm 1989 tại quốc gia có 38 triệu dân này. Từ Vácxava, thông tín viên RFI Damien Simonart mô tả lại không khí hoan hỉ tại tổng hành dinh của đảng Cương lĩnh Công dân :

« Đứng giữa những thành viên chính phủ, trước mặt hàng trăm cảm tình viên hết sức nhiệt thành, ông Donald Tusk chờ đợi kết quả được loan báo. Các kết quả đầu tiên từ các phòng phiếu được công bố và niềm vui bùng vỡ cả khán phòng : tên của Thủ tướng đã được xướng lên.

Ông Donald Tusk là Thủ tướng Ba Lan đầu tiên tái đắc cử vào cuối nhiệm kỳ. Đánh giá quy mô của nhiệm vụ, ông tuyên bố: « Bốn năm sắp tới sẽ còn quan trọng hơn nữa, vì phải làm việc gấp bội và phản ứng nhanh hơn gấp đôi. Người dân Ba Lan có quyền sống tốt hơn và có được một nền chính trị tốt đẹp hơn ».

Đảng Cương lĩnh Công dân chủ trương tự do có thể vượt gần 10 điểm so với đối thủ chính là đảng bảo thủ Luật pháp và Công lý của ông Jaroslaw Kaczynski. Đây là một kết quả mà Ngoại trưởng mãn nhiệm, ông Radoslaw Sikorski khó thể tin nổi. Ông nói : « Điều này nói lên rằng chúng ta đã thành công trong việc giữ được gần như toàn bộ các cử tri ủng hộ, một sự kiện tầm cỡ châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng ».

Với tỉ lệ phiếu thu được, đảng Cương lĩnh Công dân không đạt được đa số tuyệt đối để tự đứng ra lập chính phủ. Trong những ngày tới, phải tìm được một đối tác để liên minh, nhưng hiện giờ thì những người chiến thắng muốn tận hưởng niềm vui trước đã ».

Theo tin từ AFP, đảng Cương lĩnh Công dân sẽ liên minh với đảng PSL vốn được 8,55%, để chiếm 236/460 ghế trong Quốc hội sắp tới.

Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 10 Tháng Mười 2011  

Đài Loan kiên quyết bác bỏ đề nghị thống nhất của Bắc Kinh


Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hôm nay 10/10 đã thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi thống nhất với Trung Quốc, được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra vào hôm qua. Ông Mã Anh Cửu chủ trương giữ nguyên trạng Đài Loan, và dân chủ hóa Trung Hoa lục địa.

« Chúng tôi duy trì nguyên trạng như hiện nay, không thống nhất với Trung Quốc, không tuyên bố độc lập và không sử dụng vũ lực ». Người đứng đầu Đài Loan đã phát biểu như trên nhân dịp lễ Song Thập, tức ngày Quốc khánh của Trung Hoa Dân Quốc - quốc hiệu của Đài Loan. Ông nói thêm, việc giữ nguyên tình trạng hiện nay đã « góp phần rất lớn trong việc làm giảm căng thẳng ở đôi bờ eo biển Đài Loan, và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế ».

Hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cho rằng : « Thống nhất lãnh thổ bằng biện pháp ôn hòa là giải pháp tối ưu cho quyền lợi cơ bản của nhân dân Trung Hoa, kể cả các đồng bào Đài Loan ». Còn Tổng thống Mã Anh Cửu hôm nay nhắc lại, tinh thần của các nhà lập quốc Đài Loan là « Thiết lập một quốc gia tự do dân chủ, phân phối công bằng các nguồn lực ». Ông nói thêm : « Trung Hoa lục địa cần phải can đảm đi theo con đường này ».

Đúng một trăm năm trước, cuộc Cách mạng Tân Hợi ngày 10/10/1911 do Quốc dân đảng lãnh đạo nổ ra tại Vũ Xương, đã làm sụp đổ hoàn toàn chế độ phong kiến nhà Thanh, khai sinh ra nước cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc. Đến năm 1949 do bị thua trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng, phe Quốc dân đảng và khoảng hai triệu người quốc gia phải chạy ra đảo Đài Loan, còn Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đài Loan trên thực tế vốn là một quốc gia độc lập từ 62 năm qua, nhưng vẫn bị Bắc Kinh coi là một hòn đảo ly khai, và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để sáp nhập đảo quốc này vào Trung Quốc. Từ khi ông Mã Anh Cửu đắc cử Tổng thống năm 2008, quan hệ đôi bên đã trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết, vì đương kim Tổng thống Đài Loan chủ trương cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Bài đăng : Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 
tags: Châu Á - Trung Quốc - Đài Loan

Việt Nam giảm giá diesel và dầu hỏa để kìm bớt lạm phát


Việt Nam đã cho giảm giá dầu diesel và dầu hỏa xuống khoảng 1,9% bắt đầu từ 11 giờ trưa hôm nay 10/10, giờ Việt Nam. Hãng tin Bloomberg nhận định, đây là nỗ lực nhằm kìm hãm nạn lạm phát vốn đang ở mức cao nhất châu Á.

Thông cáo của Bộ Tài chính cho biết, giá dầu diesel từ 20.800 đồng/lít xuống còn 20.400 đồng/lít, giá dầu hỏa từ 20.500 đồng/lít còn 20.200 đồng/lít, còn giá bán lẻ xăng và dầu ma-zút vẫn được giữ nguyên. Việc giảm giá này căn cứ trên diễn biến giá xăng dầu thế giới, và sau khi Bộ Tài chính đã kiểm tra lại giá đăng ký của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, có sự đồng ý của Bộ Công thương.

Bloomberg trích lời ông Nguyễn Duy Phong, một nhà phân tích của công ty chứng khoán ACB nhận xét, việc giảm giá này sẽ góp phần làm giảm đi áp lực của lạm phát, vì giúp giá thành vận chuyển giảm đi, và như vậy giá thực phẩm cũng như hàng hóa nói chung cũng sẽ hạ bớt. Dầu diesel thường được các công ty vận tải Việt Nam sử dụng, trong khi dầu hỏa hầu hết được dùng trong các nhà máy và hộ gia đình.

Hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã cho rằng tình trạng vật giá gia tăng ở Việt Nam là « không thể chịu đựng nổi », và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách duy trì các biện pháp siết chặt tiền tệ cho đến khi lạm phát xuống dưới mức 10%. Giá tiêu dùng trong tháng 9 đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, và tỉ lệ lạm phát của Việt Nam hiện thuộc loại nhanh nhất trong số 17 nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương được Bloomberg ghi nhận.

Hôm qua, Trung Quốc đã cho giảm giá nhiên liệu lần đầu tiên kể từ đầu năm nay. Còn Việt Nam hồi tháng 8 cũng đã cho giảm giá các sản phẩm xăng dầu khoảng 2,3%.

Bài đăng : Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 
tags: Kinh tế - Nhiên liệu - Việt Nam

Fitch : Các ngân hàng Việt Nam cần tiếp tục tăng vốn


Các ngân hàng lớn của Việt Nam đang có nguy cơ bị lỗ nặng, và nhất thiết phải tiếp tục nỗ lực tăng vốn. Trên đây là nhận định của cơ quan thẩm định tài chính Fitch được đưa ra hôm nay 10/10.

Trong bản thông báo, Fitch cho là « Các nỗ lực hiện nay nhằm tăng vốn của các ngân hàng chủ chốt ở Việt Nam là tích cực, vì hiện nay vốn của các ngân hàng này chưa đạt yêu cầu » so với tỉ lệ trong khu vực. Tuy vậy theo Mikho Irawady, một nhà phân tích của Fitch, thì cho dù tăng trưởng tín dụng năm 2010 đã chậm lại, và đã được bơm thêm vốn, nhưng « Một lượng vốn dự phòng cao hơn là hết sức cần thiết, trước khả năng bị thất thoát vốn, và các kế hoạch phát triển trong tương lai ».

Tổng lượng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam hiện nay tương đương 120% tổng sản phẩm nội địa, tính đến cuối năm 2010. Đây là tỉ lệ cao đối với một nước đang phát triển. Nhà phân tích trên nói thêm : « Điều này sẽ làm chất lượng cổ phiếu của các ngân hàng có nguy cơ bị sa sút và nếu tình hình chung đang khó khăn, thì sẽ tồi tệ hơn ».

Hồi cuối tháng 9, Ngân hàng Nhật Mizuho Corporate Bank đã loan báo mua lại 15% vốn của Vietcombank, tức Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, ngân hàng lớn nhất trên thị trường chứng khoán trong nước. Nhiều định chế tài chính ngoại quốc khác cũng đang nắm các cổ phần của các ngân hàng trong nước, vốn nằm trong số các ngân hàng có điểm tín nhiệm thấp trong khu vực. Các chuyên gia lo ngại rằng số nợ xấu của các ngân hàng có thể cao hơn con số chính thức.


Phải đối mặt với nạn lạm phát hiện ở mức 22%, cộng với thâm hụt thương mại 12,4 tỉ đô la năm ngoái, và đồng tiền quốc gia liên tục mất giá, chính quyền Việt Nam đành từ bỏ mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng, và áp đặt các biện pháp thuế khóa, tiền tệ chặt chẽ hơn.

Các nhà phân tích cho rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam không thể trở lại mức ổn định trước cuối năm 2012.



Bài đăng : Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 10 Tháng Mười 2011 
tags: Kinh tế - Tài chính - Việt Nam

samedi 8 octobre 2011

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (2)


2)    Quyết định sử dụng quân đội để trấn áp: 

Tôi không còn cách nào khác hơn là phải đến gặp Đặng Tiểu Bình để giải bày quan điểm của tôi về việc chỉnh lại bài xã luận ngày 26/4. Tôi gọi cho ông ấy hôm 17/5 để xin hẹn gặp. Không lâu sau đó, thư ký của ông cho tôi biết sẽ có một cuộc họp ở chỗ ông ấy ngay trong buổi chiều, với sự hiện diện của Dương Thượng Côn và Ban Thường vụ (...). Tôi đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ tay đôi, và sự kiện thay vào đó là một buổi họp cho thấy đây là điềm xấu.

Mở đầu cuộc họp, tôi trình bày quan điểm của mình. Một cách tổng quát, tôi nhấn mạnh những điều sau đây. Phong trào sinh viên không ngừng lớn rộng, tình hình xấu đi và trở nên hết sức nghiêm trọng, sinh viên, giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu và ngay cả các cán bộ hành chính cũng xuống đường. Số lượng người biểu tình nay được ước tính  khoảng ba trăm, bốn trăm ngàn người, có nhiều công nhân và nông dân có thiện cảm với phong trào. 

Hơn nữa, ngoài các yêu sách liên quan đến nạn tham nhũng và tính minh bạch, tất cả những người này phê phán chính quyền và Đảng là đã vô cảm trước việc tuyệt thực của các sinh viên, có vẻ như là chúng ta sẵn sàng để cho họ chết đi mà chẳng làm gì cả.

Hàng ngàn người Belarus biểu tình chống đàn áp và vật giá gia tăng


Hôm nay 8/10 hàng ngàn người đã biểu tình ở thủ đô Minsk của Belarus theo lời kêu gọi của phe đối lập. Họ phản đối lại nạn tăng giá, và tình trạng đàn áp tại đất nước thuộc Liên Xô cũ này, đang bị Tổng thống Alexandre Loukachenko điều hành với bàn tay sắt.

Thông tín viên của AFP cho biết, những người đối lập đòi hỏi chính phủ Loukachenko phải chấm dứt việc vật giá không ngừng gia tăng, trả tự do cho các tù nhân chính trị, và tổ chức bầu cử tự do. Lực lượng cảnh sát hiện diện rất đông đảo, có ít nhất bảy người biểu tình đã bị câu lưu.

Đất nước có nền kinh tế chỉ huy này đang phải đối đầu với thâm hụt thương mại khổng lồ, thiếu hụt tiền mặt và lạm phát phi mã. Chính quyền Belarus vào tháng 9 đã dỡ bỏ những hạn chế về giá thực phẩm, khiến giá cả tăng một cách chóng mặt sau khi đồng rúp của Belarus đã bị mất giá gần 40%. Trước đó, vật giá đã tăng đến trên 50% từ đầu năm nay.

Tổng thống Loukachenko, cầm quyền từ 17 năm qua, đã tái đắc cử hôm 19/12/2010 với 80% số phiếu. Kết quả này bị phe đối lập cũng như các quan sát viên quốc tế phản bác, và sau cuộc bầu cử tổng thống, đã diễn ra một đợt sóng trấn áp. Có hai ứng cử viên tổng thống vẫn đang bị giam cầm vì tội « tổ chức gây rối hàng loạt ».

Bài đăng : Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 
tags: Belarus - Quốc tế


Tây Ban Nha và Ý bị hạ điểm tín nhiệm


Hôm qua 7/10 cơ quan thẩm định tài chính Fitch đã hạ điểm tín nhiệm của Tây Ban Nha xuống hai nấc, và Ý xuống một nấc. Lý do đưa ra là khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro đã trầm trọng hơn, và nguy cơ thiếu hụt ngân sách của hai quốc gia này.

Điểm tín nhiệm của Ý từ AA- nay thành A+, còn Tây Ban Nha từ AA+ còn AA-. Đây là hai nước bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Theo nhận định của Fitch, thì việc áp dụng một giải pháp tổng thể và đáng tin cậy cho cuộc khủng hoảng này là khá nhạy cảm trên phương diện chính trị cũng như kỹ thuật, và cần có thời gian.

Trước đó Ý cũng đã bị hai cơ quan thẩm định tài chính quan trọng khác đánh sụt điểm. Moody’s xếp nước Ý ở hạng A2 (giảm ba nấc) và Standard & Poor’s xếp hạng A (giảm một nấc). Fitch cho biết có thể hạ tiếp trong trung hạn, tuy nhìn nhận Ý là một trong những thành viên chủ chổt của khu vực euro, và vẫn có khả năng thanh toán.

Còn tại Tây Ban Nha, tuy chính phủ đã áp dụng một loạt các biện pháp khắc khổ để làm giảm thâm hụt, nhưng nợ công chủ yếu là của các địa phương. Theo cơ quan thẩm định tài chính Fitch, thì nợ của Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất thế giới, chiếm đến 91% tổng sản phẩm nội địa.

Thông tín viên RFI tại Madrid, François Musseau nhận định :

« Đây là một tin xấu cho chính phủ Zapatero, vốn vừa mới đưa ra quy định cấm mọi thâm hụt ngân sách, được ghi vào Hiến pháp và có hiệu lực từ năm 2020.
Chính quyền cho rằng biện pháp gương mẫu này sẽ giúp Tây Ban Nha tránh được những cơn bão tài chính mới. Thế nhưng cơ quan Fitch lại ít tín nhiệm hơn, và như vậy nước này đã sụt mất hai mức, từ AA+ còn AA-. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro nói chung và trong trường hợp của Tây Ban Nha, còn do tỉ lệ thất nghiệp quá cao, khoảng 20%. Fitch cũng nêu ra nguy cơ thâm hụt ngân sách, liên quan đến việc chính quyền các địa phương nước này có quyền tự trị rất lớn.

Sự kiện tăng trưởng năm tới chắc chắn sẽ ít hơn tỉ lệ đã loan báo cũng đã ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan thẩm định tài chính trên. Madrid cho là có thể đạt tỉ lệ tăng trưởng 1,3%, trong khi các cơ quan khác như Golman Sachs lại dự đoán Tây Ban Nha sẽ bị suy thoái.

Cụ thể hơn, thị trường cho rằng Tây Ban Nha sẽ không giảm được thâm thủng ngân sách như đã hứa, và cũng không thể tái cấp vốn cho các ngân hàng. Đã có 17 tỉ euro được bơm vào, nhưng còn cần thêm đến 30 tỉ euro nữa. Và với việc bị đánh sụt hạng tín nhiệm, từ nay những ngờ vực về khả năng Tây Ban Nha giữ được những cam kết của mình có thể còn tăng cao ».

Bài đăng : Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 
tags: Châu Âu - Kinh tế - Quốc tế - Tây Ban Nha

Bangkok đang có nguy cơ bị ngập lụt


Hôm qua 7/10 Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã tuyên bố, Bangkok đang có nguy cơ bị trận lụt lịch sử đang hoành hành từ hai tháng qua tại nước này làm cho ngập lụt, dù chính quyền đang có nhiều cố gắng để bảo vệ thủ đô.

Trong buổi nói chuyện trên truyền hình, bà Yingluck cảnh báo: « Lũ lụt nay đã rất trầm trọng, và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Bangkok ». Còn Bộ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật Plodprasop Suraswadi nhận định : « Tình hình không thể tồi tệ hơn được nữa, nhưng quan trọng nhất là phải ngăn chận cho Bangkok và hai khu công nghiệp ở Ayutthaya khỏi bị ngập lụt ».

Nhiều nhà cửa, đường sá và nhà máy ở phía bắc Bangkok đã bị ngập, trong khi đại đô thị có 12 triệu dân này lâu nay không bị ảnh hưởng lũ lụt. Chính quyền cố gắng dựng lên những bức tường chống lụt dọc theo các con kênh và dòng sông ở vùng ngoại ô phía bắc thủ đô. Thời điểm giữa tháng 10 này rất quan trọng, khi một lượng lớn nước từ phương bắc tràn xuống Bangkok, cộng hưởng với các đợt thủy triều lớn làm cho việc thoát nước ra biển bị chậm lại.

Thống đốc Sukhumbhand Paribatra cho biết : « Tất cả các con kênh trong thành phố đều đã tràn đầy, và ngay cả nếu không có mưa nữa, Bangkok vẫn có thể bị ngập ». Ông nói thêm, thành phố đang chuẩn bị để các trường học có thể trở thành trung tâm sơ tán, và dự trữ lương thực, nước uống. Tập đoàn Honda Automobile đã cho ngưng sản xuất trong vòng 5 ngày kể từ thứ Tư.

Bà Yingluck đã bị chỉ trích trong những ngày gần đây vì cung cách điều hành đất nước trong tình huống khó khăn. Hôm qua bà loan báo đã thành lập một trung tâm cứu trợ tại sân bay nội địa Don Mueang. Bà nói thêm : « Trên nguyên tắc thì khi bị lụt ngập, người dân sẽ phải sơ tán đến các trung tâm cứu trợ để chính quyền dễ giúp đỡ hơn, nhưng trên thực tế thì người ta thường lo cứu tài sản của mình ».

Bộ trưởng Quốc phòng Yuthasak Sasiprapa cho biết sẽ huy động trên 8.400 quân nhân để cứu hộ cho bốn tỉnh miền bắc bị thiệt hại nhiều nhất là Ayutthaya, Lop Buri, Chainat và Nakhon Sawan. Quân đội cũng sẽ huy động 676 xe, 200 tàu và 5 chiếc trực thăng.

Đợt lũ lụt tệ hại nhất từ nhiều thập kỷ qua ở Thái Lan đã làm cho 252 người chết. Trong hai tháng gần đây, ba phần tư các tỉnh của vương quốc Thái đã bị ngập lụt, nhiều triệu người bị ảnh hưởng. Một trường đại học thuộc Phòng Thương mại Thái Lan ước tính từ cuối tháng 7 đến nay thiệt hại lên đến 104 tỉ baht, tương đương 2,5 tỉ euro, tức khoảng 0,8 đến 1% tổng sản phẩm nội địa của Thái Lan.

Bài đăng : Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 
tags: Châu Á - Thái Lan

Mỹ phá vỡ một đường dây quốc tế lấy cắp dữ liệu thẻ tín dụng


Chính quyền New York hôm qua 7/10 cho biết, hơn 100 người đã bị truy tố sau khi phá hủy được một mạng lưới quốc tế chuyên lấy cắp các dữ liệu thẻ tín dụng. Đây là mạng lưới quy mô nhất chưa từng được phát hiện tại Hoa Kỳ.

Trong 16 tháng qua, mạng lưới được chia thành 5 phân nhánh tại quận Queens, thành phố New York, đã lấy cắp được dữ liệu thẻ tín dụng của hàng ngàn người Mỹ và du khách, làm thiệt hại 13 triệu đô la. Công tố viên Queens cho biết có 111 người bị truy tố trong đó 86 người đã bị tống giam, còn 25 người khác vẫn đang bị truy lùng.

Với các dữ liệu lấy trộm được, bọn bất lương đã làm ra các thẻ tín dụng giả và thẻ căn cước giả. Sau đó chúng sử dụng để trả tiền vé máy bay, tiền phòng tại các khách sạn 5 sao, mua hàng điện tử, nữ trang…thậm chí có kẻ còn dùng để thuê một chiếc máy bay riêng. Các món hàng sang trọng sau đó đã được bán lại.

Mạng lưới này có chi nhánh ở châu Âu, châu Á, châu Phi và Cận Đông. Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 10/2009 đã phát hiện được mỗi nhánh đều được một ông trùm điều hành, được xác định danh tính là Imran Khan, Ali Khweiss, Anthony Martin, Sanjay Deowsarran và Amar Singh.

Các ông trùm này nhận các dữ liệu thẻ tín dụng đánh cắp được và các thẻ « trắng » sản xuất từ Nga, Libya, Liban, Trung Quốc. Họ cũng nhận cả các dữ liệu từ internet hay các kẻ tòng phạm làm việc tại các cửa hàng, nhà hàng đã sao chép lại thẻ của khách. Dữ liệu tập hợp được gởi đến các « nhà sản xuất » thẻ tín dụng giả, sau đó giao cho các nhóm trưởng, phân phối cho các đàn em chuyên đi mua hàng.

Cảnh sát trưởng New York nhận định, tuy đây không phải là cướp, nhưng tác động cũng tương tự và nhấn mạnh trong thời đại internet, việc lấy cắp dữ liệu riêng tư của cá nhân và dữ liệu ngân hàng có thể làm cho rất nhiều người trở thành nạn nhân.

Bài đăng : Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 
tags: Hoa Kỳ - Quốc tế

Thủ tướng Đức ủng hộ ký kết hiệp định tự do mậu dịch giữa Việt Nam và châu Âu


Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel ủng hộ mạnh mẽ việc ký kết hiệp định  tự do mậu dịch giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu, và mong muốn củng cố quan hệ kinh tế Đức – Việt, nhân chuyến thăm Việt Nam hai ngày bắt đầu từ thứ Hai tuần tới. Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn tin chính phủ Berlin hôm nay (7/10) đã cho biết như trên.

Trong chuyến viếng thăm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 và 11/10, bà Angela Merkel sẽ bày tỏ sự ủng hộ việc ký kết một hiệp định tự do mậu dịch giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu. Nguồn tin trên cũng nhận định, quan hệ đôi bên hiện « rất tốt ».

Thông tin từ phía chính phủ Đức nhấn mạnh : « Việt Nam đang có mức độ tăng trưởng rất năng động, điều này cũng có lợi cho ngành công nghiệp Đức », nhưng không quên nhắc nhở về nạn lạm phát tại Việt Nam, cũng như tình trạng kinh tế quốc doanh vẫn đang đóng vai trò chủ đạo.

Thủ tướng Đức, được một phái đoàn chủ doanh nghiệp tháp tùng, sẽ có các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam, các đại diện cho xã hội công dân hay cộng đồng tôn giáo gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Tin Lành.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, được xem là thủ đô kinh tế của Việt Nam, bà Angela Merkel sẽ đọc diễn văn trước Diễn đàn Kinh tế Đức – Việt. Nữ Thủ tướng Đức cũng sẽ nêu lên những khiếm khuyết về nhân quyền, như bà cũng đã từng phê phán Trung Quốc.
Hai nước Đức và Việt Nam vốn có mối quan hệ lâu đời, nhất là từ thời Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, đã từng tiếp nhận nhiều thanh niên Việt Nam đến học tập và lao động. Hiện nay có khoảng 100.000 người Việt đang sinh sống tại Đức. Nguồn tin từ chính phủ Đức cũng nhận xét : « Lợi ích của Đức tại Việt Nam rõ ràng lớn hơn nhiều so với tại các quốc gia khác trong khu vực ».

Bài đăng : Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 
tags: Kinh tế - Việt Nam - Đức


Hai thanh niên Tây Tạng tự thiêu


Các tổ chức bảo vệ nhân quyền hôm nay 7/10 cho biết, hai thanh thiếu niên đã tự thiêu vào sáng nay gần một tu viện Tây Tạng ở A Bá, thuộc miền tây nam Trung Quốc, đưa tổng số người tự thiêu đến nay lên 7 người. Sự kiện này xảy ra trong lúc đang có tin đồn là hàng chục nhà sư sẵn sàng hy sinh mạng sống để đấu tranh.

Theo tổ chức Free Tibet có trụ sở tại Luân Đôn, thì hai thanh niên trên là Choepel, 19 tuổi và Khayang, 18 tuổi, trước đây là tu sĩ tại tu viện Tây Tạng Kirti ở Tứ Xuyên, nơi đã từng diễn ra các vụ tự thiêu phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh. Free Tibet dẫn một thông tin chưa được xác nhận nói rằng, Choepel đã chết, còn tình trạng của Khayang vẫn chưa rõ.

Tổ chức này cho biết thêm, đang có tin đồn là hàng chục nhà sư khác cũng đang sẵn sàng hy sinh. Nhiều tài liệu được phân phát xung quanh tu viện và khu vực chợ huyện A Bá cảnh báo, sẽ có thêm nhiều vụ tự thiêu nữa, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục các chính sách hiện nay đối với tu viện và trong thành phố. Chính quyền và công an A Bá không trả lời điện thoại của hãng tin Pháp AFP.

Nhiều người Tây Tạng phẫn nộ trước sự thống trị ngày càng tăng của những người Hán tộc, nay đã thành chủng tộc chiếm đa số trên quê hương họ. Còn chính quyền Bắc Kinh nói là đời sống người dân Tây Tạng đã được nâng lên nhờ hàng tỉ đô la đầu tư của Trung Quốc.

Bài đăng : Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 
tags: Châu Á - Phật giáo - Tây Tạng - Theo dòng thời sự



Tổng thống Mỹ Obama tố cáo Trung Quốc thao túng hối suất đồng nhân dân tệ, và kêu gọi châu Âu phản ứng nhanh trước khủng hoảng nợ


Hôm qua 6/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc thao túng thị trường hối đoái để làm hạ giá trị đồng nhân tệ. Ông Obama cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu nên phản ứng nhanh, trước cuộc khủng hoảng nợ có thể làm ảnh hưởng đến Hoa Kỳ.

Trong một cuộc họp báo tại Washington hôm qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố: “ Trung Quốc rất nhiệt thành thao túng hệ thống trao đổi thương mại để thu lợi cho mình, gây thiệt hại cho các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ. Và việc gian lận hối suất là một ví dụ, hay ít nhất là đã can thiệp vào thị trường hối đoái làm cho đồng tiền của họ có giá thấp hơn so với quy luật thị trường».

Ông nói thêm : « Điều đó khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, hàng của chúng tôi xuất qua nước họ thành đắt hơn. Đồng nhân dân tệ tuy có tăng nhẹ trong một năm qua, nhưng vẫn chưa đủ ».

Xin nhắc lại, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc hồi tháng 6/2010 đã quyết định thả nổi hối suất đồng nhân dân tệ so với đô la, sau khi đã giữ giá cố định suốt hai năm, và từ đó đến nay chỉ tăng khoảng 7%.

Tổng thống Hoa Kỳ cũng cho rằng các nước châu Âu phải hành động nhanh chóng, trước nguy cơ lây lan của cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Ông tỏ ý hy vọng, từ nay cho đến khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tại Pháp, châu Âu sẽ có một kế hoạch hành động thật rõ ràng và cụ thể, xứng tầm. Ông Obama cảnh báo : « Các vấn đề mà châu Âu đang phải đối phó hiện nay có thể gây ảnh hưởng thực sự cho nền kinh tế Mỹ, vào lúc mà Hoa Kỳ đang gặp khó khăn ».

Những lời tuyên bố trên được đưa ra, trong bối cảnh tình hình kinh tế đóng vai trò quan trọng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012. Vào tuần tới, Thượng viện Mỹ sẽ biểu quyết về kế hoạch dành 447 tỉ đô la để tạo công ăn việc làm, được ông Obama đưa ra hồi đầu tháng Chín, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch này dự trù đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Bài đăng : Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 
tags: Hoa Kỳ - Kinh tế - Quốc tế - Trung Quốc

Mười tám người thiệt mạng do lũ lụt tại Việt Nam


Trận lũ lụt nặng nề nhất kể từ một thập kỷ qua tại đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho 18 người chết, trong đó có 16 trẻ em ; và nguy cơ từ lũ vẫn còn tiếp tục trong những ngày tới. Hãng tin Pháp AFP hôm nay 7/10 dẫn nguồn tin chính thức từ Việt Nam đã cho biết như trên.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, thì đã có khoảng 56.000 căn nhà bị ngập, trên 6.500 hecta lúa bị phá hủy do trận lụt bắt đầu từ giữa tháng 9. Sắp tới, lũ vẫn tiếp tục lên chậm và duy trì ở mức cao. Do vậy, lũ lớn, ngập lụt sâu có thể còn tiếp diễn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên cho đến cuối tháng 10.

Hãng AFP nhắc lại, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới, và vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm phân nửa sản lượng lúa gạo toàn quốc.

Đợt mưa lũ bất thường này cũng đã làm cho 252 người chết tại Thái Lan, 172 người chết ở Cam Bốt, và làm ngập úng một diện tích lớn các ruộng lúa trong khu vực.

Bài đăng : Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 
tags: Theo dòng thời sự - Thiên tai - Việt Nam

Việt Nam lại tăng lãi suất chỉ đạo để chống lạm phát



Hôm qua 6/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng lãi suất chỉ đạo. Đây là lần tăng lãi suất thứ năm kể từ đầu năm nay, nhằm kìm hãm nạn lạm phát đang ở mức cao nhất châu Á, và củng cố giá trị của đồng bạc Việt Nam đang chịu áp lực nặng nề.

Lãi suất tái cấp vốn, một trong các công cụ tài chính thường được chính quyền Hà Nội sử dụng, sẽ được nâng từ 14% lên 15%/ năm kể từ tuần tới. Hãng tin AFP ghi nhận, kể từ giữa tháng Hai, lãi suất tái cấp vốn từ 9%/ năm đã được nâng dần lên cho đến nay. Còn lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng vừa được nâng từ 14% lên 16%/ năm.

Theo AFP, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí của các ngân hàng thương mại, khi vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước để tăng thêm nguồn vốn. Hãng tin Pháp trích lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhận định rằng động thái này sẽ giúp chính phủ Việt Nam đấu tranh chống lại nạn lạm phát vốn đã tăng 22% vào tháng Chín so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời quyết định trên cũng buộc các ngân hàng nhỏ phải thận trọng hơn khi vay vốn.

Các nhà phân tích cũng lo ngại là số nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam có thể cao hơn con số chính thức. Theo các chuyên gia kinh tế, đồng bạc Việt Nam còn phải chịu thêm áp lực, khi các món nợ vay bằng đô la đến hạn phải trả vào cuối năm. Giá trị đồng tiền quốc gia Việt Nam hiện tương đối ổn định, sau khi bị phá giá 9,3% hồi tháng Hai. Với hối suất chính thức ngày hôm nay, thì một đô la đổi được 20.653 đồng Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, mục đích của việc điều chỉnh lãi suất như trên là nhằm « Nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và điều tiết lãi suất thị trường ». Các nhà kinh tế cho rằng, việc siết lại chính sách tiền tệ sẽ giúp làm giảm lạm phát, nhưng ông Lê Đăng Doanh cũng kêu gọi chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn chi tiêu công.

Trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 5,76%, so với cùng kỳ năm ngoái là 6,54%, theo thống kê chính thức. Chính quyền hy vọng duy trì được mức tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2011, và tỉ lệ lạm phát ở mức 18%.

Bài đăng : Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 07 Tháng Mười 2011 
tags: Kinh tế - Ngân hàng - Việt Nam

jeudi 6 octobre 2011

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (1)


Ông Triệu Tử Dương cố gắng thuyết phục sinh viên ở Thiên An Môn.
Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) vốn là lãnh đạo số một Trung Quốc vào thời điểm cuộc nổi dậy của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông chống lại việc đàn áp sinh viên, và sau đó đã bị thanh trừng. Cuốn hồi ký riêng của ông là một bằng chứng lịch sử quý giá. Nhân ngày ra mắt bản dịch tiếng Pháp cuốn sách này tại Paris hôm nay (06/10/2011), tờ Le Monde đã giới thiệu tác phẩm trên trong bài viết mang tựa đề “Tháng 5/1989: Các xe tăng cày nát Thiên An Môn”.

Tại Trung Quốc, báo chí và sách sử luôn tránh nêu tên ông Triệu Tử Dương, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã từ chối áp dụng lệnh thiết quân luật để đàn áp các sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào tháng 5/1989. Và vì vậy mà ông đã bị phe chủ trương cứng rắn của đảng thanh trừng, qua bàn tay của Đặng Tiểu Bình, người đã từng cất nhắc ông và là cha đẻ của đổi mới kinh tế. 

Hội đồng điều hành Unesco ủng hộ việc kết nạp Palestine làm thành viên chính thức


Hôm nay 6/10 Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi châu Âu ủng hộ “Mùa xuân Palestine”, sau khi đã giành được chiến thắng ngoại giao đầu tiên vào hôm qua. Hội đồng điều hành Unesco họp hôm thứ Tư đã thông qua khuyến cáo kết nạp Palestine làm thành viên chính thức của tổ chức này.

Trong diễn văn đọc trước đại hội Hội đồng Toàn châu Âu, ông Abbas nói: “Quý vị đã ủng hộ cho phong trào Mùa xuân Ả Rập tìm kiếm tự do dân chủ. Nay thì Mùa xuân Palestine đã đến, đòi hỏi tự do và chấm dứt việc chiếm đóng”.

Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Unesco, tức tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc cho biết, Hội đồng điều hành của tổ chức này hôm qua đã thông qua với 40/58 phiếu, lời khuyến cáo kết nạp Palestine làm thành viên thực thụ, thay cho tư cách quan sát viên lâu nay. Có bốn nước bỏ phiếu chống trong đó có Hoa Kỳ, và 14 nước vắng mặt. Các nước châu Âu không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Đây là chiến thắng ý nghĩa đầu tiên về mặt ngoại giao của Palestine, trong cuộc đấu tranh đòi kết nạp Palestine làm quốc gia thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc. Xin nhắc lại, Hoa Kỳ cảnh báo sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, còn Pháp đề nghị trao cho Palestine tư cách quan sát viên thông qua việc bỏ phiếu trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Khuyến cáo trên đây từ sáng kiến của nhóm các nước Ả Rập, sẽ được đại hội đồng Unesco họp vào cuối tháng này tại Paris xét duyệt. Để được thông qua tư cách thành viên thực thụ của Unesco, cần phải có hai phần ba trên tổng số 193 nước thành viên đồng ý. Hoa Kỳ tối qua đã kêu gọi tất cả các đoàn đại biểu bỏ phiếu chống khuyến cáo trên. Còn Pháp cho rằng hãy còn quá sớm để Palestine trở thành thành viên thực thụ, cần phải ưu tiên cho việc tái lập thương thảo với Israel trước đã.

Hội đồng điều hành Unesco là một tổ chức tương tự như Hội đồng Bảo an, nhưng không có chế độ quyền phủ quyết. Còn đại hội đồng Unesco có thể so sánh với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nếu trở thành thành viên thực thụ, Palestine sẽ có quyền yêu cầu công nhận Di sản nhân loại đối với các di tích nằm trên lãnh thổ Palestine hiện đang bị Israel chiếm đóng. Có thể kể: thánh địa Bêlem, nơi Chúa Giêsu sinh ra, hay đền thờ Ibrahim, là thánh địa của cả Do Thái giáo và Hồi giáo.

Làng chài vịnh Hạ Long nằm trong danh sách gần 70 thắng cảnh đang bị đe dọa của World Monument Fund


Tổ chức World Monument Fund hôm qua 5/10 đã công bố danh sách 67 thắng cảnh và di tích thuộc 41 nước đang bị đe dọa, trong đó có làng chài trên biển thuộc vịnh Hạ Long của Việt Nam.

Bản báo cáo nhận xét: “Tại Việt Nam, các làng chài trên biển dọc theo vịnh Hạ Long vẫn được xem là thắng cảnh thiên nhiên ngoạn mục cũng như rất ý nghĩa về mặt văn hóa. Ngày nay người ta phải cố gắng thích ứng với điều kiện môi trường thay đổi và áp lực ngày càng tăng của du lịch. Đây cũng là thử thách cho sự trường tồn trong cả hai khía cạnh thiên nhiên và văn hóa của khu vực. Sự dấn thân của các cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và quản lý thắng cảnh mang ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo tương lai của vịnh và của người dân tại chỗ”.

Cứ mỗi hai năm, tổ chức World Monument Fund (tạm dịch Quỹ Di tích Thế giới), một hiệp hội có trụ sở tại New York, lại chuyên đấu tranh bảo vệ các di sản, lại nỗ lực gây chú ý đến các thắng cảnh thiên nhiên và di tích đang có nguy cơ bị xâm hại. Bản thân hiệp hội cũng hỗ trợ cho các nước bảo vệ các di tích này, bằng quỹ của chính World Monument Fund, hoặc bằng phương thức hợp tác.

Để chọn ra danh sách năm nay, có 266 thắng cảnh và di tích đã được các chính phủ, chuyên gia hoặc các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường đề nghị cho World Monument Fund. Trong danh sách được công bố của năm 2011, có 22 địa điểm thuộc châu Mỹ la-tinh và vùng vịnh Caribê, châu Á có 14 điểm, châu Âu 11 điểm, Trung Đông và Bắc Phi có 7 địa điểm. 

Kể từ năm 1996 đến nay, World Monument Fund đã đưa vào danh sách 686 thắng cảnh và di tích đang bị đe dọa trên thế giới, và đã hỗ trợ 90 triệu đô la dùng vào việc bảo tồn các di sản.