Tôi tự hỏi, mình có thích xem một hoa hậu quảng cáo một món đồ mà tính năng sản phẩm mới nghe qua có thể mình quan tâm?
Câu trả lời là có! Rất đơn giản vì tôi yêu cái đẹp (hoa hậu thì dĩ nhiên đẹp rồi, hihi).
Nhưng hỏi tiếp rằng tôi có thích xem “chiến thần livestream” quảng cáo sản phẩm hay không thì đáp ngay rằng không! (Người hoạt ngôn hay có ngoại hình đẹp, có duyên bán hàng không có nghĩa là món hàng sẽ tốt. Lối bán hàng này bắt chước Trung Quốc và nó không bền. Cách livestream ồn ào không hợp với tôi!)
Lại hỏi tiếp rằng nếu có một người của công chúng quảng cáo sản phẩm thì sao? Tôi có cân nhắc một chút. Vì tiêu chí người của công chúng của của tôi có lẽ khác số đông. Nếu đó là người tôi quen biết đủ lâu hay có chuyên môn đủ cao liên quan đến sản phẩm thì có khả năng tôi sẽ xem kỹ hơn.
Đó chỉ mới là xem quảng cáo! Mua hàng là một việc hoàn toàn khác!
Mua hàng cần nhìn vào kiểm định!
Vụ kẹo rau quảng cáo không đúng sự thật là một trong vô số ví dụ về việc mua hàng không nhìn vào kiểm định. Đến khi kiểm định mới thấy…
Tại các quốc gia phát triển, chúng ta có thể tìm ví dụ rất dễ về việc không có thứ quảng cáo nào tên là… rau sạch. Sạch là một tính từ không có định lượng và sạch ở bên ngoài sau khi rửa khác với “sạch” trong sản phẩm không có tồn dư chất cấm. Với các nước phát triển, an toàn mới là thứ họ quan tâm và an toàn là qua kiểm định căn cứ vào các quy chuẩn cụ thể về hàm lượng.
Hàm lượng trong viên kẹo rau của hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục được kiểm định khác với nội dung quảng cáo là ví dụ về việc “quảng cáo chỉ là quảng cáo”.
Nhưng tôi có một sự “cảm thông” cho các bạn ấy! Thực sự về kiểm định, dù các bạn ấy là đối tác chiến lược hay cổ đông trong công ty sản xuất kẹo rau thì đó vẫn là một lĩnh vực cần có trình độ chuyên môn. Thật khó để yêu cầu các bạn ấy phải học chuyên môn để quảng cáo cho đúng.
Nhưng có sự tư vấn về hàm lượng sau kiểm định không khó. Thuê một đơn vị độc lập về kiểm định, hay chỉ nói đúng theo thành phần kiểm định trên bao bì và các chứng nhận sau kiểm định là được. Nhưng tôi có niềm tin nội tâm rằng các bạn ấy không hiểu vấn đề này nên không thể thực hiện được.
Và khủng hoảng truyền thông xảy ra là tất yếu!
Nhưng người tiêu dùng có lỗi không? Theo tôi là có! Một lỗi rất khách quan thuộc về căn tính dân tộc thích hình ảnh hơn khái niệm, thích tính từ hơn số liệu, thích mua hàng qua quảng cáo hơn nhìn vào kiểm định. Và nhìn rộng hơn, tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay đang thấp hơn thế giới và những sự vụ như việc kẹo rau không đủ hàm lượng như quảng cáo bị phát hiện rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc chậm là điều phổ biến.
Từ việc quảng cáo kẹo rau hôm nay có thể nhìn một góc độ khác, sâu hơn là dân trí. Đây mới thực sự là một vấn đề cả xã hội nên quan tâm!
MAI QUỐC ẤN 07.03.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.