jeudi 13 mars 2025

Lưu Nhi Dũ - Nghĩ về nhập, tách tỉnh thành

Cho đến nay việc sáp nhập tỉnh thành là chắc chắn. Đảng ủy Chính phủ vừa thống nhất trình cấp có thẩm quyền phương án sáp nhập giảm 50 % đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm 60-70 % đơn vị cấp cơ sở so với hiện nay.

Vậy là đã rõ, rõ từ các kết luận của Bộ Chính trị, chính phủ và quốc hội chỉ hợp thức hóa và thực hiện. Như vậy nhiều khả năng cả nước chỉ còn hơn 30 tỉnh thành.

Tui biết, có những dư luận khác nhau về chuyện này. Trên mạng xã hội nhiều bạn hài hước tự sáp nhập tỉnh này với tỉnh kia, đặt ra những cái tên rất vui, kiểu như tỉnh Lắk - Kon - Ku! Tất nhiên cũng có cán bộ này nọ không muốn sáp nhập nhưng không dám ho he, chỉ “nói thầm” với nhau với “tinh thần” cực kỳ cục bộ địa phương!

Chuyện này cũng bình thường, vì hậu quả của những lần tách-nhập trước đó đầy rẫy bi hài kịch. Như Phú Yên - Khánh Hòa giành nhau cái Vũng Rô, cuối cùng thuộc về Phú Yên, nhưng cả Phú Yên và Khánh Hòa hàng thập kỷ qua có làm được gì khi mà lớp lớp cán bộ thi nhau vào tù, cả bí thư lẫn chủ tịch!

Bình Định - Quảng Ngãi cũng vậy, nhập - tách cũng đầy rẫy bi kịch, đặc biệt là “chia tài sản” sau khi tách tỉnh. Nghĩ cũng hài hước, chia tất, trừ những bài hát về Nghĩa Bình, như bài “Về Nghĩa Bình” của nhạc sĩ Trần Chung, “Nghĩa Bình quê hương tôi” của nhạc sĩ Vĩnh An là đếch chia được!

Thực ra, chuyện mâu thuẫn tách nhập tỉnh là chuyện của các quan, giành ghế nhau là chính, chớ người dân chả dính líu chi, miễn yên ổn để làm ăn là được. 

Thử tính, cả nước chỉ còn 30 tỉnh thành, giảm được ít nhất 30 ủy viên trung ương đảng, giảm hàng ngàn ban bệ cấp tỉnh ủy, ủy ban, giảm biết bao nhiêu xe công, và còn nhiều chuyện khác, tính ra bớt đi 1 tỉnh, có ngàn tỉ lo cho dân.

Cấp huyện, xã cũng vậy. Hiện nay cả nước có 696 đơn vị cấp quận, huyện, 10.035 đơn vị cấp xã. Toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện bị bỏ, cũng gần như cấp tỉnh, tiết kiệm biết bao nhiêu ngân sách. Với cấp xã, sẽ có khoảng 70 % xã được sáp nhập, ngân sách tiết kiệm cực lớn.

Bạn nào tính toán giỏi, xin cho một câu trả lời, cả nước sẽ tiết kiêm bao nhiêu nếu thực hiện tốt các phương án trên. Chắc chắn là con số rất lớn. Vậy sao không làm và đã đến lúc phải làm. Tất nhiên chuyện nhập tỉnh phải căn cứ nhiều tiêu chí, như thời điểm, kể cả vấn đề văn hóa, truyền thống. Mười chín tổ công tác của trung ương đang về các địa phương làm công tác này và hy vọng sẽ có đồng thuận.

Tui biết một số tỉnh đang cố “vận động”, chứng minh tỉnh mình đủ tiêu chuẩn “đứng một mình”. Tư tưởng này rất quái lạ, khi mà con cháu chúng ta hiện nay muốn trở thành công dân toàn cầu, còn mình chỉ muốn trở thành công dân của tỉnh mình không sáp nhập, dù năm nào cũng ngửa tay xin gạo cứu đói của trung ương!

Việc sáp nhập các bộ ngành cũng vậy. Một chính phủ có quá nhiều bộ, quản lý rất khó khăn. Nhớ nội các của ông thủ tướng nổi tiếng trước đây, gần như các bộ trưởng đều bị kỷ luật, thậm chí ra tòa. Giờ các bộ sáp nhập, tự sàng lọc thôi cũng thấy rõ sự tinh giản có lợi cho dân, như Bộ Nông nghiệp và Môi trường có gần 1.000 nhân sự xin nghỉ việc, chuyện bình thường.

Còn về quản lý các tỉnh thành, giờ thời đại số hóa, từ 30-6-2025 tất cả dịch vụ công phải thực hiện qua mạng, có gì phải lo. Lo, cái lo nhất là trình độ cán bộ cấp tỉnh, xã mới có theo kịp sự thay đổi cơ cấu mới hay không.

Và còn rất nhiều chuyện nữa...

LƯU NHI DŨ 13.03.2025

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.