Nga bắt đầu cuộc thử nghiệm kiểm duyệt internet được nói là mang tính "cách mạng", mà ngay cả các mạng cá nhân ảo (VPN) dùng để vượt tường lửa cũng không còn có thể hoạt động được.
Cụ thể, phương thức kiểm duyệt internet mới sẽ cắt hẳn quyền truy cập vào web toàn cầu, và chuyển qua hoạt động với hệ thống mạng của nhà nước lập nên, mô phỏng internet thế giới, và chỉ phát đi nội dung đã được kiểm soát.
Theo báo cáo từ đồng loạt các hãng tin châu Âu và Nga, được chia sẻ lại bởi Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Hoa Kỳ (Institute for the Study of War - ISW) và các tổ chức nghiên cứu của phương Tây, đã có chứng cứ Nga đang tiến hành hoạt động thử nghiệm bước cuối cùng trên diện rộng, cắt hoàn toàn internet một số khu vực của đất nước khỏi hệ thống Internet chung trên thế giới trong một ngày.
Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, tự do internet là một trong những điều bất lợi mà chính quyền của Putin phải đối phó hàng ngày, thậm chí phải ra các đạo luật bắt giam công dân, khi họ đưa những tin tức bất lợi về quân đội Nga ở Ukraine.
ISW cho biết cơ quan truyền thông của Nga, Roskomnadzor, đã xác nhận việc chận internet ra thế giới của cư dân ở Dagestan, Chechnya và Ingushetia, những nơi có dân số đa số theo đạo Hồi.
Ba khu vực này nằm ở phía tây nam nước Nga, gần biên giới với Georgia và Azerbaijan. Theo một trang tin tức địa phương của Nga, người dân ở những khu vực đó cho biết họ không thể truy cập Google, YouTube, Telegram, WhatsApp hoặc các trang web hoặc ứng dụng nước ngoài khác, ngay cả khi họ sử dụng VPN.
Việc chận internet một phần mới nhất này là do Nga đang thử nghiệm thay thế bằng mạng internet riêng, được kiểm duyệt hoàn toàn bởi chính quyền. Trước đó, Nga đã nghiệm việc chận hoặc điều tiết các trang web như YouTube trong năm nay, bằng cách làm chậm tốc độ đường truyền, đến mức các trang web hầu như không thể sử dụng được. Khoản đầu tư trị giá 648 triệu USD được nói là một phần kinh phí dự án, được Nga xây dựng mạng internet quốc gia, cũng như công nghệ hạn chế tùy ý muốn, từ năm 2019.
ISW cho biết trong tương lai, Nga cũng có thể chận Amazon Web Services (AWS), HostGator và các máy chủ web nước ngoài khác. Nước này cũng có thể buộc người dân và các công ty Nga ngừng sử dụng các dịch vụ như vậy và chuyển sang các dịch vụ do Nga sở hữu để chính phủ có thể thực thi các quy định của riêng mình.
Những diễn biến cộng thêm được coi là bất lợi cho Nga trên internet là vào tháng Chín, nền tảng Wix và Notion đã yêu cầu người dùng ở Nga ngừng sử dụng trang web của họ do lệnh trừng phạt của Mỹ. Và trở lại năm 2022 khi Nga xâm chiếm Ukraine, công ty đăng ký tên miền phương Tây GoDaddy đã lên án cuộc chiến này là "khủng khiếp", cũng ngừng hỗ trợ các tên miền của Nga, loại bỏ việc thanh toán bằng tiền của Nga, cũng như tuyên bố quyên góp 500.000 USD để hỗ trợ Ukraine.
Nga và Trung Quốc được coi là liên kết chặt chẽ với nhau trong việc nghiên cứu để kiểm duyệt internet. Hầu hết các kết quả đều được chia sẻ im lặng cho các quốc gia cộng sản thân hữu trong việc ngăn chận người dân tiếp cận tin tức tự do. Việc thay đổi nội dung và thao túng người dân hàng ngày, bẻ cong mọi thứ, được coi là phương thức sống còn để bảo đảm sự tồn tại của chế độ.
Bắc Kinh cũng nổi tiếng với tham vọng kiểm duyệt internet bằng nhiều hình thức, từ nhiều thập niên. Quốc gia cộng sản này từ lâu đã hình thành một vòng rào ngăn chận internet từ bên ngoài, được mệnh danh là 'Tường lửa vĩ đại' - ý mô tả công trình Vạn Lý Trường Thành lịch sử của Trung Quốc. Với sự hợp tác và phát minh mới của Nga, việc kiểm duyệt đã được hai quốc gia này hoàn toàn nâng lên một “tầm cao” mới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã kiểm duyệt ngay cả những từ khóa, với cả các chữ cái đơn lẻ mà họ không thể chấp nhận được trên Internet. Các trang web phát video và nền tảng hội họp như Zoom cũng đã bị kiểm duyệt, cùng với hàng loạt ứng dụng nước ngoài khác. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ mức độ kiểm duyệt internet của Nga có thể phản ánh những chính sách này cao hơn ở mức độ nào.
VPN (virtual private network), một hình thức mạng riêng ảo, có thể cho phép người dùng vượt qua một số hạn chế bằng cách giả định vị người dùng ở một quốc gia khác, được coi là khá phổ biến ở các quốc gia có khuynh hướng ngăn chặn tin tức trên internet.
Việc sử dụng VPN trong lịch sử đã tăng vọt khi kiểm duyệt internet của khối độc tài và cộng sản xuất hiện. Một số quốc gia được nêu tên như Iran, Cuba, Myanmar, Việt Nam và Ả Rập Saudi cũng có hệ thống kiểm duyệt internet riêng. Hầu hết các nước đi đầu như Nga, Trung Quốc, thường được yêu cầu chia sẻ các công nghệ đặc biệt trong việc ngày càng giám sát chặt chẽ hơn nữa những luồng thông tin trên internet.
TUẦN KHANH 11.12.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.