Đăng ngày:
Assad phải đợi 36 giờ mới được Putin cho tị nạn
Hai tuần sau khi Bachar Al Assad bị phe nổi dậy lật đổ trong một chiến dịch chớp nhoáng 11 ngày, những bí mật đã lộ dần về vụ chạy trốn thảm hại của nhà độc tài. Nhiều nguồn tin ẩn danh cho Le Figaro biết Bachar Al Assad đã rời Damas tối thứ Bảy 07/12 vào khoảng 22 giờ 30 cùng với con trai Hafez và chánh văn phòng Mansour Azzam. Họ chạy vào một đường hầm nối Dinh tổng thống với phi trường quân sự Mezzeh do một công ty Pháp xây dựng vào lúc phong trào phản kháng mới bắt đầu. Sau đó Assad bay đến căn cứ quân sự Nga Hmeimim ở duyên hải Syria.
Đến 2 giờ sáng Chủ nhật, Maher, em trai tổng thống và là chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 4 dùng trực thăng từ Mezzeh bay đến Hmeimim rồi đến Matxcơva. Nhưng theo một người thân cận với Assad, đến sáng thứ Hai Vladimir Putin mới cho phép « di tản nhân đạo » sang Nga. Bachar Al Assad đã phải đợi 36 tiếng đồng hồ ở căn cứ quân sự Nga mới được trùng phùng với gia đình ở Matxcơva - con trai Karim, con gái Zein và vợ, bà Asma đang chữa trị ung thư máu. Trước đó rất lâu, Assad đã gởi trung tá Majed Al-Ali và một số cận vệ sang để bảo vệ họ, chứng tỏ ông ta cũng đã tính kế lâu dài tại Nga.
Bị bỏ rơi, những người thân cận tức giận vì sự phản bội
Trước khi chạy trốn, tên bạo chúa vẫn giữ bí mật đến cả những người thân, chẳng hạn như vẫn tiếp hai người cháu Bassel và Boushra Shawkat tại nhà, hay ra lệnh cho cố vấn chính trị Bouthaina Shaaban chuẩn bị cho cuộc nói chuyện trên truyền hình hôm sau. Chiều Chủ nhật, quân nổi dậy miền nam là những tay súng đầu tiên tiến vào thủ đô, tiếp đến là các chiến binh của Mohammad Al-Joulani, nhân vật quyền lực mới của Damas.
Bộ trưởng nội vụ Syria biến mất, gia đình ông ta trong đêm chạy sang Liban. Cố vấn Bouthaina Shaaban vượt qua được biên giới, bay sang Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, trong khi quá cảnh đã nhận ra thân nhân của Ali Mamlouk, chỉ huy lực lượng an ninh đầy quyền lực. Bị chính quyền mới truy lùng gắt gao, ông ta trốn kỹ ở Matxcơva. Hai người cháu Bassel và Boushra cũng sang Liban rồi đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ; Manal Al-Jaadan, vợ của Maher cũng vậy. Một viên chức đã nói chuyện qua điện thoại cho biết cô em dâu không ngừng nguyền rủa cựu tổng thống.
Khi hừng đông bừng lên trên Damas hôm Chủ nhật, chẳng còn ai thuộc phe Al Assad, gia tộc đã trị vì Syria trong 54 năm. Mạnh ai nấy chạy. Người thì sang Liban, hay dùng tàu sang Chypre và từ đó đến Rumani. Người khác trốn vào đại sứ quán Nga ở Damas, rồi được công-voa đưa sang căn cứ Hmeimim, nhất là các quan chức tình báo. Số khác tự chạy đến Hmeimim ẩn náu.
Đó là trường hợp của ông chú ruột già nua Rifaat Al Assad, 86 tuổi, cũng không được nhà độc tài báo trước. Sau hơn 12 tiếng đồng hồ rong ruổi trên đường, rốt cuộc ông đến được Hmeimim vào nửa đêm, nhưng bị lính gác Nga - không nói được tiếng Ả Rập lẫn tiếng Anh - đuổi đi. Tội phạm chiến tranh từng đàn áp thành phố Hama năm 1982 rốt cuộc được một viên chức cao cấp ở Matxcơva cứu vớt, thương lượng với nhiều nhân tố để phi cơ riêng chở ông ta di tản không bị bắn hạ.
Nỗi sợ cùng chung số phận với Kadhafi hay Saddam
Vladimir Putin đã bỏ rơi đồng minh Bachar Al Assad như thế nào ? Tại Aleppo, Nga chỉ yểm trợ trên không một cách tối thiểu. Assad yêu cầu gởi quân tiếp viện, nhưng ngoại trưởng Serguei Lavrov từ chối vì đang rất thiếu quân cho chiến trường Ukraina. Người Nga khuyến cáo nên « chuẩn bị ra đi ».
Assad cũng không thể kêu gọi viện binh từ Iran, vì trước đó đã yêu cầu Teheran rút bớt quân, vả lại sẽ bị Israel oanh kích. Libération dẫn nguồn từ New York Times cho biết thêm, quân nổi dậy tiến quá nhanh, Iran hiểu rằng có giúp cũng vô ích. Nhật báo Mỹ đã tham khảo được một thông cáo nội bộ của Vệ binh Cách mạng : « Không có kế hoạch tác chiến. Dân và quân Syria không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh mới. Đã hết rồi ».
Thế nhưng, khi quay lại Damas, Assad vẫn che giấu thất bại với quân đội và cả với ông em Maher. Ông nói rằng Nga sẽ giúp, rằng sau khi mất Aleppo phải bảo vệ những thành phố khác, và ngày 04/12 họp các lãnh đạo tình báo khẳng định sẽ chiến đấu. Nhưng quân đội lại chẳng động thủ, nhiều nguồn tin cho rằng có sự phản bội. Không ai tìm thấy dấu vết của bộ trưởng Quốc phòng Ali Abbas lẫn tổng tham mưu trưởng quân đội, và cả tư lệnh lực lượng đặc biệt Suhail Al-Hassan. Phải chăng họ nhận tiền để « phản thùng », hay đang trốn đâu đó trên rừng núi ?
Đến cuối giờ chiều thứ Bảy ở Doha (Qatar) diễn ra cuộc họp giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về số phận của Bachar Al Assad. Buổi tối, cuộc gọi cuối cùng từ Nga ra lệnh cho Assad rời Damas đến Hmeimim, để không phải kết thúc như Kadhafi hay Saddam Hussein.
Người dân Syria vẫn trong cú sốc
Về phía người dân Syria, Le Monde mô tả « Tại Damas, hy vọng của một dân tộc vẫn đang còn trong cú sốc ». Thương gia, công nhân, sinh viên, nhà báo...,với những người đã nhiều năm lưu vong hoặc sống trong sợ hãi, sự kiện quân nổi dậy lật đổ Assad đã làm thay đổi cuộc đời họ. Đơn cử trường hợp Mohammed Kwara, 35 tuổi, thợ sửa ống nước, sống tại khu phố Jobar ở Damas. Từ năm 2011, anh xuống đường cùng với vợ và con gái mới 1 tuổi.
Cứ mỗi lần người biểu tình bị sát hại, người dân lại đến nghĩa trang tiễn đưa và đám đông sau đó lại nhiều người hơn gấp năm lần. Chế độ trở nên điên cuồng. Mohammed kể, đầu 2012, cách đó vài con đường, chính mắt anh trông thấy một người bị tình báo quân đội và dân quân Hezbollah thiêu sống. Cùng ngày, 10 thanh niên bị buộc đứng dọc theo một bức tường và bị bắn chết. Mohammed bị trùm túi xách lên đầu lúc đang ngoài đường và bị bắt, các cai ngục buộc phải xưng tụng « Thượng đế mới Al-Assad ».
Ra tù, hai vợ chồng chạy sang Liban bằng đường hầm, chỉ lén trở lại năm 2020 để chăm sóc người cha bị bệnh. Ngày 08/12, khi tin tức nhà độc tài bị lật đổ lan ra, thấy những người lính của chế độ cởi bỏ quân phục, vứt súng chạy trốn, Mohammed ràn rụa nước mắt trước cảnh tượng khó tin. Người dân Jobar sẽ xây dựng lại khu phố đã bị Assad xóa sổ trên bản đồ bằng nhiều tấn chất nổ và cả vũ khí hóa học.
Trên La Croix, nhà nghiên cứu Bernard Heyberger cảnh báo nguy cơ đối đầu giữa người Hồi giáo và Công giáo tại Syria. Tuy chỉ là một cộng đồng nhỏ không có ảnh hưởng chính trị và quân sự, nhưng thái độ của chính quyền mới đối với người Công giáo Syria sẽ là trắc nghiệm về sự tôn trọng quyền của người thiểu số, là tiêu chí cho việc quốc tế xem xét giúp đỡ tái thiết đất nước.
Afghanistan : Đất nước của những kẻ điên rồ
Những nghi ngại không phải là không có lý khi nhìn sang Afghanistan, mà xã luận của Le Figaro gọi là « Đất nước của những kẻ điên ». Những ông chủ mới của Syria tự giới thiệu là những người đã từ bỏ « thánh chiến toàn cầu », đi theo con đường giải phóng dân tộc. Vẫn là Hồi giáo, nhưng được cho là thực dụng, họ hứa hẹn sự ổn định cho một dân tộc đã kiệt quệ sau nửa thế kỷ phản kháng, và 13 năm nội chiến. Họ nói về một chính phủ « hội nhập » gồm nhiều thiểu số sắc tộc và tín ngưỡng - Ả Rập, Kurdistan, Druze, Sunni, Shia, Alaouite, Công giáo.
Phương Tây không có chọn lựa nào khác, đề nghị giúp đỡ với điều kiện tôn trọng nhân quyền tối thiểu. Nhưng chưa có gì là chắc chắn, không phải ngẫu nhiên mà hôm thứ Năm có cuộc biểu tình ở Damas để bảo vệ nữ quyền và từ chối một nhà nước thần quyền. Những tuyên bố ôn hòa từ các chiến binh Hồi giáo đã từng nghe được, và nay chỉ cần nhìn sang Afghanistan.
Phe « Talibans 2.0 » từng hứa hẹn hòa dịu, vì rất cần viện trợ quốc tế để nuôi 40 triệu miệng ăn. Nhưng giờ đây Taliban treo cổ các kẻ thù trên cây, dùng hình phạt ném đá công khai. Sự tàn bạo được dành cho phụ nữ: Không được đi học tiếp khi đã hoàn thành bậc tiểu học, bị cấm đọc hay cầu nguyện lớn tiếng ở bên ngoài nhà mình, sắp tới phụ nữ còn không được chăm sóc y tế. Đó là vì một logic vô cùng phi lý : Chỉ có nữ mới được đụng chạm vào một phụ nữ khác, nhưng việc đào tạo nữ bác sĩ, nữ y tá và nữ hộ sinh sắp bị đóng cửa. Đất nước của những kỵ sĩ đã trở thành đất nước của những tên điên.
Bị đuổi khỏi Syria, quân Nga rút sang Libya
Cũng liên quan đến Syria, La Croix cho biết « Sau khi chế độ Assad sụp đổ, lính Nga rút sang Libya ». Không ai biết các chiến hạm Nga phải nhổ neo khỏi Syria sẽ đi về đâu, nhưng tất cả vệ tinh dọ thám đều nhận thấy Libya có thể là bến đỗ sắp tới. Vẫn có khả năng Matxcơva giữ lại được căn cứ hải quân Tartous và căn cứ không quân Hmeimim, nhưng nhà chính trị học Jalel Harchaoui của Royal United Services Institute (RUSI) nhận xét, dù vậy sẽ không bao giờ còn như trước. Kremlin sẽ mất đi những điều kiện lý tưởng trong nhiều năm qua, không còn tin tình báo, không được cung cấp điện nước...nên phải bù trừ bằng cách chuyển sang Libya.
Tại đất nước chưa đầy 7 triệu dân này, Nga đã có bốn căn cứ quân sự : Al-Khadim, Al-Joufra, Ghardabiya và Brak Al-Shati. Theo trang tin chuyên ngành Itamilradar, những chuyến bay dồn dập đang diễn ra giữa Nga và miền đông Libya, nơi phe thống chế Haftar quản lý. Hai phi cơ vận tải quân sự Yuchine-76TD và các trực thăng Alligator phụ trách cầu không vận đến căn cứ Al-Khadim ở phía đông Benghazi. The Wall Street Journal dẫn nguồn từ Lầu Năm Góc cho biết bên cạnh đó còn có các phi cơ vận tải cất cánh từ căn cứ Hmeimim để chuyển quân và thiết bị phòng không, nhất là các radar dành cho hỏa tiễn S-400 và S-300.
Ông Harchaoui nói : « Đó là Rolls-Royce của vũ khí Nga, hiện đại hơn nhiều so với hệ thống Pantsir S-1 của phe Haftar hiện nay ». Rất có thể Benghazi nhân đó đòi hỏi một số vũ khí loại này, theo tố cáo của chính quyền đối địch ở Tripoli. Địa Trung Hải là một trong những cột trụ của chính sách quân sự Vladimir Putin. Theo Jalel Harchaoui, Matxcơva đã nhận ra rằng Libya rất quan trọng để triển khai sang Niger, Mali, Sudan, Tchad ; là sườn phía nam đối mặt với NATO. Với quan hệ đã có giữa chính quyền Haftar với lực lượng Wagner trước đây, Libya trở nên cần thiết với Nga hơn bao giờ hết.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.