dimanche 1 décembre 2024

Phúc Lai - Viết ngắn về cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày 01/12/2024

 

1. Hôm qua là ngày tôi quá bận, nhưng vẫn được tiếp chuyện dăm bảy bác, tất cả đều quanh một sự kiện, mà nó còn được RFI đưa lại và như thế là xác thực rồi.

Trích: “Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Anh Sky News, nguyên thủ Ukraina (ông Zelenskyy) tuyên bố : “Nếu muốn chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc chiến, chúng ta cần đặt các vùng lãnh thổ của Ukraina mà chúng ta (Ukraina) kiểm soát dưới sự bảo trợ của NATO. Đây là điều chúng ta cần làm nhanh chóng, và sau đó Ukraina có thể giành lại phần còn lại của lãnh thổ thông qua các con đường ngoại giao”.”

Thật là ngại quá, vì những người bạn Facebook nhắn tin cho tôi đang cảm thấy rất bối rối vì dường như tất cả mọi nỗ lực ủng hộ của họ với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đã đổ xuống sông xuống biển. Thậm chí BMZ, nói thẳng ra là “bọn mất dạy” tức nhà báo pro-Putox xứ phía đông nước Lào còn hoắng huýt: “Ukraine chịu nhường đất.”

Tôi cũng không đủ thời gian để phân tích nhẽ phải trái thiệt hơn, nhưng bây giờ tất cả chúng ta hãy cùng đọc kỹ: “Nếu muốn chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc chiến…” vậy cái “NẾU” ấy nó hướng đến ai? Hướng đến ai muốn chấm dứt giai đoạn nóng chứ ai, và cứ để cho cuộc chiến đóng băng đi. Nhưng khi trả lời những người bạn, tôi có viết một ý: Khi nào, và điều kiện như thế nào mới là quan trọng. Chẳng ai người ta chấp nhận chuyện đó vô điều kiện cả. Vậy điều kiện đó là gì? “, chúng ta cần đặt các vùng lãnh thổ của Ukraina mà chúng ta (Ukraina) kiểm soát dưới sự bảo trợ của NATO.”

Ồ, hay chưa. Nếu đặt các vùng của Ukraine dưới sự bảo trợ của NATO, thì khác gì Ukraine gia nhập NATO, thậm chí còn sướng hơn. Ukraine gia nhập NATO thì còn có yếu tố nghĩa vụ của nước này với các thành viên khác của Minh ước, còn được đặt dưới sự bảo trợ, thì chẳng phải nghĩa vụ gì cả, Nga mà tấn công tiếp sẽ bị NATO tẩn cho ra bã… Ngon thế nhỉ. Rồi những vùng đất bị Nga chiếm sẽ đòi lại bằng con đường ngoại giao, khi mà Nga bê xê lết, kinh tế xuống đến đáy chưa tan rã là may, những vùng hiện có còn chắc gì đã giữ được nữa là những vùng vừa chiếm? Những khu vực đó khéo lại xin vội về với Ukraine thì vừa.

Về ý thứ hai: Khi nào? NATO dưới thời ông Trump là một thực thể chỉ chực… tan rã với sự đe dọa rời khỏi của nước Mỹ. Chúng ta hãy cùng nhìn kỹ: NATO bản chất là một minh ước đặt châu Âu vào sự bảo vệ của nước Mỹ, nếu không có Mỹ thì châu Âu tự bảo vệ mình còn khó, nói gì đến bảo vệ ai. Vì vậy một NATO có Mỹ hay không có Mỹ, thì cũng còn lâu mới quyết được việc bảo vệ Ukraine trước hiểm họa là Nga. Nhất là, với cái con lợn Orban thì còn khó khăn nữa.

Tuyên bố này của Zelenskyy hóa ra là một hành động rất cao mưu: OK, nếu quý vị có ý tưởng yêu cầu Ukraine nhường đất để có hòa bình, thì đấy, bảo vệ chúng tôi đi. Chừng nào mà quý vị chưa quyết định được chuyện đó, thì tiếp tục hỗ trợ để chúng tôi đánh nhau tiếp.

Kết luận về chuyện này, tôi nói với mấy bác kia: Có mà Ukraine đang bảo vệ châu Âu, chứ châu Âu nào bảo vệ Ukraine.

2. Diễn biến trên chiến trường

Tôi vừa viết tháng 11 chúng đạt kỷ lục 1.950 “kiện hàng 200” thì kỷ lục bị phá ngay với con số 2.030 và sau đó liền 2 ngày hơn 1.700. Điều đáng chú ý là xe tăng và xe bọc thép liên tục ở mức thấp.

Các nguồn tin của tôi thì cho biết trên chiến trường, Nga đã rất đuối về pháo binh: Đạn không quá thiếu nhưng pháo thì cực kỳ thiếu, vẫn là câu chuyện không có nòng pháo… Có người hỏi tôi: Liệu Kim-phì-lũ có cung cấp nòng pháo cho Nga không? Tôi không biết trả lời như thế nào nhưng với Nga, chúng cần hàng nghnì cỗ pháo một lúc, nghĩa là cần hàng nghìn cái nòng pháo. Vì thế nếu chuyện này xảy ra thì Kim phải vét cạn cả kho nòng pháo mất.

Theo tôi, nếu như vậy thì Nga sẽ phải dựa trên các giàn pháo tự hành phóng loạt, chủ yếu M-31 vì dễ chế tạo hơn. Vấn đề của chúng sẽ trở thành như thế này: Dùng MLRS thì tốn kém gấp mấy lần, thiếu chính xác và đồng thời không duy trì được một tần suất bắn liên tục như pháo có nòng.

Nếu suy tính của chúng ta là đúng: Nga Putox vẫn buộc phải tiếp tục tổ chức tấn công để (1) Duy trì động lực chiến tranh (dừng lại là bị tấn công bằng nhiều hình thức) và (2) Cố chứng minh với thế giới rằng “chúng tao còn rất mạnh”. Thì hắn vẫn cứ phải lao theo dòng nước xiết này và không có khả năng dừng lại. Đây là một bi kịch của hắn và cũng phải nói rằng, hắn chưa rõ bằng cách nào có thể dừng lại được.

Giả định cho rằng ông Trump lên nắm quyền sẽ cắt viện trợ cho Ukraine và yêu cầu Ukraine ngừng bắn, không chỉ là không chắc chắn nữa mà đã trở nên có vẻ xa vời. Còn chưa nói đến khả năng là chính quyền của ông Trump còn hỗ trợ Ukraine mạnh hơn nữa. Điều này chúng ta đã nhận định rồi: Xấu nhất là ngừng viện trợ, chứ không thể có chuyện yêu cầu ngừng bắn. Vì lý lẽ thường sẽ là “nếu không ngừng bắn thì chúng tao sẽ ngừng viện trợ”. Vậy thế “nếu chúng tôi không ngừng bắn chấp nhận không có viện trợ nữa!” thì ông Trump sẽ hành xử ra sao?

Có một ý phỏng đoán rằng: Phải chăng chúng đang để dành lực lượng, ém xe tăng xe bọc thép… để chờ tuyết rơi dày, đất đóng băng cứng thì sẽ tổ chức những chiến dịch tấn công mới? Cũng không thể không có khả năng này, nhưng phải đảm bảo được hậu cần, mà điều đó thì phụ thuộc vào việc người Ukraine có đồng ý hay không đã. Nhưng với những tính toán và nhận định của chúng ta cho đến thời điểm này thì tôi không cho rằng chúng còn nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo binh cho những kế hoạch kiểu đó.

3. Giá đô-la Mỹ lên so với rúp

Với dân Nga, điều đó không quan trọng đâu, vì họ cần gì tiêu đến… đô-la Mỹ. Câu chuyện nằm ở chỗ khác. Như tôi chat với anh Tran Duy Long nói rằng: Bây giờ đang cuối năm, mùa thanh toán nên các doanh nghiệp nhập khẩu Nga phải đi mua ngoại tệ. Dẫn đến không chỉ giá đô-la Mỹ tăng, mà cái gì cũng tăng và nhất là… nhân dân tệ thì càng tăng ác liệt.

Câu chuyện không nằm ở chỗ đó, mà ở chỗ hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu của Nga không thanh toán được cho chủ hàng Trung Quốc. Hiện nay không có kênh nào hiệu quả để thanh toán vì các ngân hàng đều sợ dính cấm vận, trong khi mua nhân dân tệ để thanh toán thì lúc nào cũng khan hàng. Hóa ra là quá trình chúng ta vẫn tưởng tượng ra: Hàng đổi hàng không diễn ra, hoặc có diễn ra cũng chỉ trong thời gian ngắn, hoặc không suôn sẻ… Nên cuối cùng thì vẫn phải bỏ “trao đổi ngang giá” quay lại với phương thức vật trung gian là… vỏ sò. Thời “một tấm da cừu đổi được hai cái ngà voi” chưa diễn ra được bao lâu đã chấm dứt.

Tôi có một người quen làm dịch vụ “ngân hàng ngầm” ở biên giới hai nước Trung Quốc- Nga nói rằng, hiện tại cơ hội làm ăn là cực lớn nhưng khó khăn cũng lớn hơn rất nhiều. “Vỏ sò” có thể là nhân dân tệ, đô-la Mỹ hoặc Euro, bảng Anh cũng được… nhưng tất cả đều phụ thuộc nguồn “hàng.” Giá nhân dân tệ ở bên phía Khabarovsk lên xuống trồi sụt biên độ rất lớn, chỉ cần vào thời điểm đầu tuần hay cuối tuần đã khác nhau rất nhiều, phụ thuộc vào nhu cầu thanh toán giữa hai bên. Có thời điểm các phòng giao dịch của ngân hàng hai nước hai bên biên giới đã áp dụng phương pháp lệnh chuyển tiền. Nhưng càng ngày cán cân thương mại giữa hai bên càng lệch nên phương pháp nào thì cũng sẽ gặp khó khăn.

Nghe chuyện này, tôi thốt lên: Thật không khác gì thanh toán biên mậu giữa Việt Nam với Trung Quốc. Giá nhân dân tệ ở Lò Sũ, Ngõ Gạch cũng lên xuống ầm ầm phụ thuộc ngày thanh toán của khách hàng với cho chủ hàng Trung Quốc. Ông người quen kia trả lời: Đúng là như vậy. Nhu cầu mua hàng của Nga là rất lớn nhưng thứ họ sẵn nhất là… rúp. Trong khi đó thì đầu phía Trung Quốc càng ngày càng ứ đọng nhiều rúp mà không có nhu cầu mua hàng của Nga. Nếu cứ tiếp tục đà này, các hoạt động buôn bán giữa hai bên cũng sẽ… ứ đọng theo. Vì hiện tại các nguồn bán nhân dân tệ lấy rúp cũng không muốn bán nữa, rúp mất giá quá nhanh khiến họ thua lỗ.

Quay lại với giá đô-la Mỹ so với rúp, giá chợ đen còn cao hơn nhiều và nó ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng. Ví dụ người Việt Nam làm ăn ở Nga nhưng vẫn giữ cơ sở gốc rễ chính của mình ở quê nhà. Đó là những người phải mua đô-la Mỹ để chuyển về thông qua hình thức… gọi điện thoại. Họ gặp một người cung cấp dịch vụ, chuyển cho họ 1 triệu rúp chẳng hạn, và ở Việt Nam người nhà của họ đến gặp đại diện của bên cung cấp dịch vụ, nhận về số tiền bao nhiêu đô-la Mỹ đó. Giá đô-la Mỹ dạng “chợ đen” như thế này có thể cao hơn nhiều con số hơn 107,06 rúp/1 đô-la của ngày hôm nay.

Những tin tức về kinh tế Nga, chẳng hạn như tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng trung ương Nga về tình trạng thâm thủng ngân khố quốc gia, nó cũng thể hiện đúng quá trình móc ngoại tệ trong kho dự trữ ra tiêu. Vì ngay cả “đồng minh” thân cận nhất là lão Tập, cũng hoặc chỉ nhận nhân dân tệ, hoặc đô-la Mỹ chứ không có nhận rúp. Đúng là có ngày rúp như giấy lộn. Đau nhất là bọn lính đánh thuê Nga (đánh thuê cho ngay Putox) hy sinh xương máu để nhận được mớ tiền càng ngày càng mua được ít đi, trước được 4 bánh xe LADA bây giờ được 3 cái.

4. Lại nói đến Syria

Tình hình như thế nào, quý vị rõ hơn tôi nhiều. Nhưng có nhiều bác bạn Facebook nhận ra một điều: Nhiều khi tôi viết một ý gì đó theo cảm giác, hay trực giác hay gì đó tương tự… tôi cũng không rõ. Nhưng như tôi đã viết, ngay từ đầu cuộc chiến tôi đã được ai đó mách bảo: Putox tới số rồi. Sau đó có những điều tương tự nó vẫn cứ diễn ra. Sự kiện tháng Tám 2024 với chiến dịch Kursk chẳng hạn, tôi cứ đinh ninh là có chuyện gì đó sẽ diễn ra. Nhớ lần cầu Kerch bị tấn công lần thứ hai cũng vậy, tôi vừa nhắc đến nó thì nó bị “bùm.”

Và lần này là Syria. Syria diễn ra như một phái sinh của Chiến dịch Kursk của người Ukraine và lớn hơn, là từ thất bại của Putox trong việc để mất sạch nguồn lực vào cuộc chiến tranh… Vì vậy những diễn biến ở Syria chắc chắn sẽ xảy ra và bây giờ mới chỉ bắt đầu. Về lộ trình của nó, Chính phủ Bashar Al-Assad chắc chắn sẽ không có đủ nguồn lực, năng lực để khắc phục tình hình và chiều hướng chỉ có là đi xuống đối với họ.

Điều tương tự cũng có thể diễn ra với Georgia (Gruzia). Chúng ta cũng cần theo dõi sát tình tình Tbilisi.

Theo đánh giá của tôi, các diễn biến này hết sức quan trọng. Dù nó không diễn ra trên nước Nga, nhưng nó liên quan đến uy tín của Putox, đến chính sách của chính quyền của hắn và quan trọng nhất là chiến lược địa chính trị của hắn bị lung lay nghiêm trọng. Quá trình thống nhất nước Đức là diễn ra vào năm 1990, và trước đó là sự xuất hiện, vụt sáng của Công đoàn đoàn kết với ông Lech Walesa… cũng là những dấu hiệu của lung lay chiến lược địa chính trị của Liên Xô. Và chỉ thời gian ngắn sau, Liên Xô sụp đổ.

Càng ngày linh cảm của tôi về đoạn đầu đài cho Putox càng rõ, bảo sao tôi cứ viết lải nhải về chuyện này mãi. Hôm qua có người bạn còn cố nói với tôi rằng chưa thấy phong trào quần chúng vùng lên theo ngọn cờ nào đó trong nước Nga... Ấy, năm 1991 có phong trào quần chúng nào đâu. Kể cả cuộc Đảo chính tháng Tám (1991), có thấy phong trào quần chúng nhưng là để…chống Đảo chính, và bảo vệ Gorbachev. Nhưng sau đó Liên Xô vẫn sụp đổ như trong phim.  

Quá trình đó với Liên Xô diễn ra trong vòng 1 năm. Nhưng lần này do cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine cũng đã có nhiều điều kiện đã chín muồi, tôi tin rằng mọi diễn biến sẽ xảy ra nhanh hơn nhiều. Từ thời điểm này, chắc là chỉ khoảng nửa năm nữa thì khối chuyện hay để xem.

Tik tak, tik tak…

PHÚC LAI 01.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.