vendredi 6 décembre 2024

Nguyễn Văn Mỹ - Thói khoa trương trong đám cưới Việt

Cuối năm là mùa đám cưới ở Việt Nam, có nhiều chuyện để nói. Mấy tuần trước, sự kiện “Con gái phó chủ tịch huyện Giang Thành, Kiên Giang được cha mẹ tặng nhiều nữ trang giá trị và cho 600 công đất (60 hecta, tương đương 90 tỉ đồng); dậy sóng hơn bão số 8 (Toraji) đang càn quét biển Đông.

Dư luận xôn xao, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc, chỉ đạo huyện Giang Thành xác minh vụ việc, dù chủ hôn thanh minh là do vợ bị bệnh nên nói nhầm.

Đây không phải là vụ cưới hỏi đầu tiên dậy sóng. Trước đó, tại đám cưới ở huyện Bàu Bàng (Bình Dương), cô dâu chú rể được ba mẹ tặng 230 cây vàng, 30 mảnh đất, 2 căn nhà. Ở An Giang, ba mẹ cô dâu trao của hồi môn 1 triệu USD và một tòa nhà trị giá khoảng 70 tỉ đồng. Ở Đồng Tháp, tại đám hỏi, của hồi môn cô dâu là 9,9 tỉ đồng tiền mặt, 50 lượng vàng và hứa tặng thêm 1.000 lượng vàng...

Truyền thống người Việt xem cưới hỏi là một trong ba sự kiện quan trọng của đời người. Đó là "Tậu trâu - Cưới vợ (bao gồm cả gả chồng) - Làm nhà.". Việt Nam là một trong những nước có thủ tục cưới xin rườm rà nhất. Có bạn nước ngoài nói, đám cưới Việt quá phức tạp và tốn kém nên người Việt ít dám ly hôn?

Cưới hỏi là chuyện hệ trong cả đời. Luật pháp Việt Nam tôn trọng quyền tự do mỗi người nhưng khuyến khích thực hiện “Quy chế nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi”. Các thủ tục có tính phong tục, tập quán như chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu cần được tổ chức đơn giản và gọn nhẹ. Việc cưới cần được tổ chức trang trọng vui tươi, lành mạnh phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc".

Thời chiến tranh và bao cấp, việc tổ chức cưới hỏi giản lược tối đa vì điều kiện không cho phép. Có giàu cũng không dám tổ chức rình rang vì nhiều lẽ. Ngày nay, kinh tế phát triển, cuộc đua khoe mẽ và thói khoa trương của người Việt ngày càng quyết liệt, không ai chịu thua ai. Không chỉ đám cưới mà còn nhiều thứ vật dụng, phương tiện, sự kiện liên quan đến cuộc sống.

Đám cưới trở thành sự kiện lớn để khẳng định vị thế, củng cố và gia tăng quan hệ xã hội; dịp kinh doanh đặc biệt nên phải tận thu. Có đám cưới đãi cả tuần. Có đám cưới mời gần chục ngàn khách. Với những người làm công ăn lương, thiệp mời đám cưới, nhiều khi là nỗi ám ảnh như “thiệp đòi nợ”. Đám cưới cưới con lãnh đạo, nhiều người giành nhau, xin có mặt nhưng cũng có người, viện đủ lý do, xin phép vắng...

Trong văn hóa Việt Nam, việc trao của hồi môn cho cô dâu, tặng quà chú rể, thể hiện sự trân trọng của gia đình và họ hàng dành cho con cháu, kèm lời chúc phúc gia đình mới. Tuy nhiên, tặng làm sao để mọi người đồng cảm; người cho, người nhận và cả dư luận không bị phiền hà. Người Việt có câu “Của cho không bằng cách cho” là vậy.

Ai dám đảm bảo, những cám cưới khoe khoang như vậy; hạnh phúc và bền chặt hơn những đám cưới giản dị, chừng mực, ấm cúng, tình nghĩa của rất nhiều cặp đôi khác; nhất là trong những đám cưới tập thể của các bạn trẻ công nhân. Ở đó, nhà tổ chức phải xoay sở, chạy xin hỗ trợ, từ địa điểm, quà cưới đến trang phục, ăn uống...để hàng chục cô dâu chú rể và gia đình ngời ngời hạnh phúc, chân thực và xúc động.

Cách khoe của trong đám cưới, nhiều khi lợi bất cập hại, có khi hại mình như ở Giang Thành, Kiên Giang. Nếu vợ nói sai (chồng đã thanh minh như giải trình), sao “phe ta” còn đưa clip lên mạng. Phát hiện sai, phải lập tức thu hồi clip và đính chính, không để cơ quan quản lý vào cuộc mới chống chế. Và dù vợ nói nhầm thì với 1/10 số tiền nói nhầm (chưa kể trang sức) cũng để Huyện Ủy kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản cán bộ. Cầm chắc, lành ít, dữ nhiều.

Giàu, nghèo và cho con bao nhiêu tùy thuộc cách dạy con và chuyện riêng từng gia đình. Hà cớ gì đem khoe với bàn dân thiên hạ, trong sự kiện gia đình, lại còn tung clip lên mạng cho cả thế giới biết. Người dân còn bị chê cười, huống chi cán bộ

Việc con cái lập gia đình, thường vẫn ở chung cha mẹ, được hưởng ngay tài sản kếch sù, dễ tạo tâm lý ỷ lại, không cần và không thể vươn lên như cha mẹ. Một kiểu thương con (thật ra là thương mình, khoe của, lấy oai với thiên hạ) không đúng cách. Nhìn cha mẹ, biết con cái và ngược lại. Tôi biết, một số bạn trẻ, nhà cũng khá giả nhưng đám cưới giản dị, chỉ hai bên gia đình và bạn bè thân thiết. Còn lại là thiệp “báo hỉ”, vì không muốn “mắc nợ nhau”, tiền làm đám cưới rình rang để kinh doanh hoặc làm từ thiện.

Việc khoe của, cụ thể trong cưới hỏi là giết chết ý chí tự lập, cổ vũ lối sống thực dụng, phân biệt giàu – nghèo; làm khó người tham dự vì không biết mừng bao nhiêu thì vừa. Thói khoe khoang kệch cỡm là những nội dung xấu, độc; xâm lấn các giá trị đạo đức truyền thống, mong muốn có tiền bằng mọi cách. Báo chí đưa tin kiểu câu view, một chiều cũng cần được phê phán hoặc xử lý, tùy mức độ.

Đám cưới phương Tây ngược lại, đơn giản mà trang trọng. Thanh niên phương Tây coi trọng ý thức tự lập, xem đó là giá trị cốt lõi, tối kỵ việc ỷ lại vào cha mẹ. Cũng không cha mẹ nào thương con kiểu mấy đám cưới khoe của ở Việt Nam. Chưa trưởng thành đã ngồi trên đống của, làm sao hiểu giá trị đồng tiền, nói chi khả năng quản trị và nối nghiệp.

Đám cưới ở miền Bắc thường đãi trưa nên phải đúng giờ và không dám dùng nhiều bia rượu vì buổi chiều vẫn làm việc. Đám cưới phía Nam thường đãi tối, một số khách mời nữ, sửa soạn và trang điểm hơn cô dâu. Tha hồ bia rượu, không sợ đo nồng độ cồn vì đã có Grab hoặc thuê lái xe. Khó chịu nhất là cảnh chờ đợi mấy giờ và sự ồn ào quá lố. Mong sao nhưng việc này được chấn chỉnh để đám cưới là dịp mừng vui thật sự của xã hội.

Cũng đề nghị, báo chí, thay vì đưa tin giật gân, săm soi đời tư của một số diễn viên, cầu thủ, người mẫu... sang chảnh; nên dành nhiều nội dung hơn cho những việc làm cụ thể, thiết thực vì cộng đồng của rẩt rất nhiều người Việt, đang diễn ra mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống.

Muốn bớt cỏ dại, hãy trồng thêm hoa.

NGUYỄN VĂN MỸ

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.