Tôi không biết vì đâu và từ khi nào tôi kết bạn với ông Mạc Văn Trang; chỉ biết là trước đây tôi có thi thoảng đọc một số bài viết của ông, và có lẽ ông cũng vậy.
Chắc ông cũng có biết chút ít về tôi. Dù chưa từng gặp gỡ, nói chuyện riêng nhưng sự tôn trọng của tôi dành cho cá nhân ông luôn có. Tuy nhiên, trong một bài mới đây của ông mà tôi vô tình đọc được, do không đồng tình với quan điểm, tôi đã comment vào trang cá nhân của ông.
Thế nhưng, đáp lại nội dung ấy, không một lời phản biện mà điệp khúc “xóa còm” lại ngân lên. Khi trang cá nhân của tôi nhắc nhở là có người thả cảm xúc vào comment của mình, tôi bấm vào xem thì thấy nội dung đã biến mất và chúng tôi cũng không còn là bạn.
Tôi nghĩ rằng, là người tri thức, không ai thiếu chữ để giao tiếp. Chửi cũng là cách để giao tiếp, một khi bất lực về ngôn từ, người ta có thể dùng tới nó. Một khi người ta không thể cất nên lời, thậm chí là một câu chửi thôi thì đó là sự bất lực tận cùng của ngôn từ hoặc cũng là sự khinh bỉ lớn lao dành cho người đối diện. Khả năng cao, tôi được liệt vào diện nằm trong vế sau, là người không đáng để họ phải cất lời.
Trước đây, tôi đã từng viết một bài tương tự về một luật sư đồng nghiệp. Tôi đã không hài lòng về hành vi của anh ấy khi không phản biện, không nhắn tin, không gọi điện mà chọn giải pháp cực đoan là xóa còm, chặn Facebook. Sau này, chúng tôi đã gặp nhau uống rượu, giảng hòa nhưng không kết bạn lại trên mạng xã hội nữa.
Qua câu chuyện này, một thực trạng vô cùng buồn cho giới tri thức, cho giới phản biện xã hội là nhiều người chỉ thích nghe lời tung hô chứ không chịu đựng nổi quan điểm trái chiều. Tôi không có gì để tự hào, nhưng riêng khoản cho mọi người tự do tranh luận “có văn hóa” là thứ tôi giữ gìn và duy trì được nó kể từ khi biết dùng Facebook tới nay.
P/s: Tôi viết cách đây mấy ngày nhưng không đăng, vì không muốn góp phần khiến mọi người hướng mũi dùi về một người. Nhưng tôi nghĩ đây không còn là chuyện riêng ai nữa, nên cần thiết nhìn nhận thẳng vào thực tế để có những điều chỉnh phù hợp. Nếu không, dân chủ, tiến bộ xã hội chỉ còn tồn tại trên giấy.
NGÔ ANH TUẤN 05.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.