Tôi có việc một tuần cho gia tộc. Im lặng lo chuyện trọng đại của nhà chồng, có thể đã chịu mang tiếng là Hèn trên cõi phây. Không sao cả. Điều tiếng (hoặc hiểu lầm) là chuyện thường ngày của thời nay.
Vừa về đến Sài Gòn, tôi quyết định viết một chút gì, như cái tính thẳng thớm cởi mở mà vẫn hồn hậu vốn dĩ của mình.
+ Học xong Viết văn Nguyễn Du khóa 5, tháng 3/1998, tôi được tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Khoa Điềm ký quyết định nhận về Hội, và cũng chính nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chỉ định cho tổng biên tập Hữu Thỉnh nhận tôi về báo Văn Nghệ, (khi ấy nhà văn Nguyên Ngọc đã bị mất chức và rời đi, người thay thế chính là nhà thơ Hữu Thỉnh).
Có tới 4 phó tổng biên tập gồm: Võ Văn Trực (sắp hưu), Hữu Nhuận phụ trách Ban Thư ký, Nguyễn Khắc Trường phụ trách tờ Văn Nghệ Dân tộc & Miền núi và một phó rất quan trọng là ông Trương Vĩnh Tuấn (cũng là nhà thơ) - tôi xin để trong ngoặc đơn như vậy.
Gần 3 năm về báo cho dù Dạ Ngân từng có Con Chó Và Vụ Ly Hôn (in Văn Nghệ năm 1986) nhưng tôi là tép riu ở cái đất nhà văn nhà thơ dày đặc nghênh ngang. Tôi làm phóng viên viết Ký cho Ban Văn mà trưởng Ban là nhà văn Trần Huy Quang (đã đường hoàng bên Hữu Thỉnh sau vụ Linh Nghiệm). Mãi tháng 7/2003, tôi mới được ngồi ghế phó Ban Văn chuẩn bị để anh Trần Huy Quang đến tuổi hưu, và tháng 12/2005 chính thức thay thế anh ấy làm trưởng Ban Văn.
Tôi mới ngồi 2 năm thì Hữu Thỉnh cấp tốc nhận Trung Trung Đỉnh về làm phó tổng biên tập kiêm trưởng Ban Văn để tôi chuẩn bị 2008 về hưu. Năm ấy người ký quyết định cho tôi nghỉ hưu là tổng biên tập Nguyễn Trí Huân (để Hữu Thỉnh thôi kiêm nhiệm mà toàn chức với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (ông ấy là tổng thư ký 3 khóa, sau này gọi là Chủ tịch).
+ Tôi dạo đầu hơi dài và kỹ về mình để sẽ nói rằng đôi Hữu Thỉnh – Trương Vĩnh Tuấn (tôi đã viết trong bài năm 2022) như cặp vợ chồng mà cũng là cặp sóng thần. Một người toàn uy và một người còn trên cả cái uy ấy vì nhân danh cơm – áo - gạo - tiền cho “cái đám" báo Văn Nghệ “chỉ có anh em chúng ta nuôi nhau”. Phải, cứ cái câu ấy mỗi tuần trong họp giao ban thì người nhiều khệnh khạng cũng thấy mình ăn hại, biết đang bị thao túng nhưng ho he thì mất lòng nhau và rối.
Không khí cơ quan nếu có chống đối, lập tức ngài Trương Vĩnh Tuấn (vợ) dỗi và to tiếng, lập tức (ông chồng) Hữu Thỉnh lo chống đỡ tứ bề, vừa nghiến răng với đám yếu bóng vía vừa khều thêm thương cảm ở những người có máu mặt. Lứa chúng tôi như Võ Thanh An, Trần Quốc Thực (Ban Thơ), Hồng Phi, Phạm Đình Ân (Ban Lý luận Phê bình), Hữu Nhuận, Nguyễn Khắc Trường, Thành Chương, Bế Kiến Quốc… (Ban Thư ký) đều tặc lưỡi hoặc cười phớ lớ với nhau, chấp làm gì, lũ chúng ta sắp hưu rồi, chiều tà cả cái tờ Văn Nghệ này chứ đâu chỉ chúng ta!
Tôi tâm niệm như đã từng phát ngôn và sống: Đời viên chức từ cán bộ kháng chiến ra – học Viết văn Nguyễn Du để ra Hà Nội với Nguyễn Quang Thân và việc làm báo (quốc doanh) là viên chức ăn lương – rồi về hưu, xong. Nửa con người của mình là sáng tác, viết cho mình, cố gắng nống cái trần lên được chút nào hay chút ấy.
+ Ban Văn nghệ Trẻ chỗ các bạn Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thành Phong (làm hợp đồng thời vụ) và Nguyễn Quang Thiều, Lương Ngọc An – Dạ Thảo Phương… làm việc ở tầng ba, trên phòng của Ban Thư ký. Chuyện ầm bung dạo đó (sau khi các bạn hợp đồng bị cắt và Nguyễn Quang Thiều về Ban Thơ), tôi có nghe qua nhưng đã có phó tổng Trương Vĩnh Tuấn phụ trách nội vụ (trong quá trình tóm quyền) xoay sở kiểu nào đó.
Chúng tôi ai cũng việc nhiều người ít trôi đi, trong tâm trạng gắn bó một cách cầm chừng với cái nơi từng vang bóng Nguyễn Văn Bổng – Nguyên Ngọc – Ngô Ngọc Bội (người trực Ban Văn rất dài trước khi tôi được in Con Chó Và Vụ Ly Hôn cho đến sau này là Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài). Phải, những người ấy để lại cho chúng tôi một tờ Văn Nghệ hào quang. Nó chấm dứt tức tưởi, cùng với sự “đảo chính” có hệ thống Trần Độ - Nguyễn Văn Hạnh và Nguyên Ngọc…
Các bạn có thể phán xét, nhưng sự ngột ngạt ấy có thật và như đã nói, sắp về hưu rồi, kệ. Chống bằng cây gì cho cái trần “Trên” ấy cao lên trong giai đoạn Đổi Mới thoái trào và người khí khái bị diệt đủ kiểu? Lại nữa, một khi tiêu chí của báo mấy chục năm vẫn là “Vì Tổ Quốc – Vì Chủ Nghĩa Xã Hội” đập ngay vào mắt ở trang bìa thì… thì Hữu Thỉnh – Trương Vĩnh Tuấn hay Nguyễn Trí Huân sau này và cả Nguyễn Quang Thiều hậu sinh có dám hất những chữ ấy đi, cái mà chúng tôi gọi là “vòng kim cô tự giác cao”? Có tờ báo nào dù là tờ Nhân Dân đi nữa mà giữ lâu, gần như mãi mãi tiêu chí ấy không?
+ Mười năm ấy cũng là mười năm tôi cùng cơ quan báo Văn Nghệ với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – được dư luận và chính tôi đánh giá là “Nhà thơ nỗ lực vượt bậc vì tài năng xuất sắc đã tiên phong chuyển đổi lớn thi pháp thơ từ thập niên 90s”. Chúng tôi khá thân nhau, hay nói hẹp với nhau việc cơ quan ngày một tệ, và cả khi nói thật khẽ để đề phòng tai mắt. Bề ngoài Hữu Thỉnh nói cười làm như người trọng thị số một ở cơ quan là Nguyễn Quang Thiều nhưng khi chỉ có một nhúm nhỏ rượu thịt trong những ngày cơ quan du lịch với nhau, Hữu Thỉnh đã cao hứng khi say “đồng chí Dạ Ngân đừng có mà vun vén cho Thiều nhé, không bao giờ không bao giờ có chuyện Thiều sẽ làm tổng biên tập báo Văn Nghệ nhé”.
Thỉnh tính không bằng thời gian tính. Thiều đã “mai phục” bền đến mức Hữu Thỉnh phải nghỉ hẳn dù đã quá tuổi hàng chục năm hơn. Và như ta thấy, Thiều trẻ, Thiều cách tân thơ, Thiều làm báo giỏi (cùng với trung tướng Hữu Ước), Thiều muốn một thời đại mới từ Ban chấp hành khác Thỉnh.
Và chưa chi, năm 2022, Ban chấp hành trẻ đã phải đương đầu với vụ kiện của Dạ Thảo Phương (nhà thơ trẻ mà chủ tịch Nguyễn Quang Thiều và nhiều người nữa trong Ban chấp hành không xa lạ). Có sự thật đau lòng, rằng Ban biên tập Văn Nghệ thời Hữu Thỉnh và cả sau này thời của Nguyễn Trí Huân đã khiến không phải nhà văn hội viên nào cũng tâm phục khẩu phục khi gởi bài. Chuyện tài năng là một lẽ, việc các biên tập chưa sạch nước cản cũng là một lẽ nữa.
+ Vậy nên Lương Ngọc An có được lên phó tổng biên tập báo Văn Nghệ (của nhiệm kỳ 2020 – 2024) cũng trong tình trạng “người đâu hết rồi”? Nhưng, thiển nghĩ, khi đã có vụ kiện thì nên xử lý kiểu “nghi can”, “hạ cánh” chờ pháp luật đi đã. Nhưng (lại nhưng), có lẽ 2 năm rồi, thấy im im và nể nhau, vướng mặt nhau nên cho Lương Ngọc An tái xuất (cái bệnh nể mặt này ở Hà Nội rất trầm kha và ở cái giới, ở cái đất văn chương thì càng trầm trọng). Ấy là nói chuyện thường tình trong xử lý nhau, có nương thì là có tình, chắc các vị Ban chấp hành trẻ nghĩ vậy.
Mạng xã hội làm cho nhận thức của con người trưởng thành nhanh chóng. Nhưng với cơ quan cũ, tôi quan niệm rằng, nói hết được không và nói vậy thì tổn thương những ai? Cái cơ quan mà tôi không bao giờ ghé qua kiểu đáo lại chơi ấy, còn có các cháu là con của những người như Ngô Ngọc Bội, Võ Thanh An, Trần Huy Quang…nơi là nồi cơm của các cháu mà họ thì có lỗi gì? Và, tôi đã ra khỏi Hội nhà văn năm 2013, dù tôi không là hội viên của cái Hội ấy thì đó vẫn còn nhiều bạn hữu tài năng và thân tình, họ vẫn đang là hội viên và họ quyết im lặng thì tôi có thể lên án họ ư?
Số người dám đấu tranh nhiều lên, số nhà văn có uy tín với mạng xã hội cũng nhiều lên nhưng, nhưng như thiết chế này, sự vướng víu và phức tạp là có thật và không phải ai cũng có gan rời bỏ cái Hội ấy. Và không phải ai cũng dám đành lòng xô đổ nó một cách thẳng tay. Như tôi đã đơn cử, đời ta xong nhưng đời con của ta đang nước mắt trong guồng, ta nghĩ sao? Cũng bởi vì có không ít người vẫn là hội viên không quyền hành gì nhưng nhờ họ mà có sách hay và thế giới biết đến Việt Nam cũng có một nền văn học thiệt thòi nhưng không quá nhỏ bé, yếu nhược.
+ Riêng việc Lương Ngọc An, là từ xử lý của Ban chấp hành và Chủ tịch Hội. Tôi nghĩ, đừng có họp hẹp thì nói kiểu họp kín, còn với dư luận đang nóng nảy thì xoa bằng những lời hoa mỹ.
Đây là đoạn trích ngắn trong bài tôi viết năm 2022 về báo Văn Nghệ sau tố cáo của Dạ Thảo Phương:
“Một lần, một cán bộ An ninh trẻ đến nhà tôi ở Sài Gòn làm việc với tôi. Hỏi “Vì sao cô ra khỏi Hội nhà văn?” Đáp “Vì cái hội ấy là hội của Hữu Thỉnh lâu rồi”. Lại hỏi “Vì sao cô vào Văn Đoàn Độc Lập rồi cô ra?” Đáp “ Vì phải chuẩn bị tình thế người ở ngoài mang cơm nuôi người ở trong lao chứ”. Lại hỏi “Cô không nghĩ mình đã quên truyền thống máu xương của gia đình sao?" Tôi mất bình tĩnh “Đừng nói chuyện máu xương với tôi, nhà này máu xương đủ rồi, nếu không thay đổi thì coi chừng chúng ta cắp cặp mà đi học Hun Sen, nhé”.
Khi Dạ Thảo Phương lên tiếng, tôi nghĩ, luật pháp sẽ đồng hành với em ấy nếu luật pháp của chợ chiều này còn chút le lói sáng. Đã lâu vắng bóng em, tôi vừa kết Facebook với em mấy tháng nay, mừng cho em đang hạnh phúc ở trời Tây. Mọi thứ hãy chờ xem đã”.
DẠ NGÂN (đêm 23/12/2024)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.