Xe chở chúng tui đến một cái “hangar” làm thủ tục “xuất ngoại” một cách quái dị. Xạ thủ mang thông hành của Bộ Quốc Phòng Mỹ nhưng chẳng ai thèm coi, mà chỉ đòi coi “sự vụ lịnh” (travel order) dài lê thê nói mình sẽ đi đâu.
Mình biết trước là hành lý sẽ bị soi quang tuyến nên mấy con dao găm đẹp mua ở PX cất kỹ trong hành lý, sẽ được bọc lưới cột trong kiện hàng để trên mấy tấm nhôm pallet. Nhưng khi nhân viên rọi quang tuyến thấy đồ chơi lạ nên bắt xạ thủ mở mấy bao hành lý để kiểm tra. Họ thấy mấy con dao găm sáng ngời hào quang. Đám sĩ quan xếp hàng đứng sau lưng mình trố mắt ngạc nhiên vì thấy cha nội Á Châu lù khù lại chơi toàn dao găm có răng cưa.
Mấy anh lính kiểm tra cười toe toét thú vị. Một anh cười cười giải thích: Sir, ông không được cất dao trong hành lý gởi trên pallet mà phải mang trong người. Chèn đét ơi sao lọa rứa nè. Ảnh giải thích thêm là trách nhiệm giữ lấy đồ chơi của mỗi người, vì nếu có thằng nào chán đời nó sẽ chôm dao găm của ông để quyên sinh thì sao. Ờ nghe cũng có lý.
Chiếc C130 chỉ chở có mười mấy hành khách, toàn sĩ quan tá, úy, và hạ sĩ quan, không có lính. Có lẽ họ đi phép xong giờ ra tuyến đầu hay nhận nhiệm sở mới. Họ ngồi im lặng ít nói, vài người nhìn vào điện thoại coi phim và cười cười.
Người đồng môn đi chung với xạ thủ là một cô Đại úy 26 tuổi tốt nghiệp trường Võ Bị West Point. Cô gợi chuyện: Sir, ông có cảm thấy hưng phấn hong? Mình thành thật trả lời mấy tuần trước thì có, nhưng bi giờ thì ưu tư vì hỏng biết sẽ thực hiện công tác như thế nào nữa, khó chớ hỏng phải dễ. Còn cô thì sao? Cô Đại úy tự tin “Tôi cảm thấy háo hức”. Ừa ngựa non háu đá là đây. Lần đầu đi đến nơi có chiến tranh mà. Cô chỉ làm công tác bình thường, còn mình đảm trách công việc khó khăn bí mật hơn.
Máy bay C130 chúi mũi trong đêm tối rồi rú ga rung lên bần bật. Xạ thủ choàng tỉnh. Thì ra ngủ ngồi được khoảng một tiếng vì đêm trước thức khuya thu xếp hành lý. Máy bay chạm bánh trên phi đạo rồi bồng lên rớt xuống lại. Hỏng ai chú ý nhưng xạ thủ biết ngay anh phi công này đáp hỏng giỏi. Máy bay “taxi” một chặp và cửa đuôi kéo lên làm hơi nóng gần 50 độ C ùa vào khoang máy bay.
Anh cơ phi hét lớn trong tiếng gầm thét của 4 động cơ cánh quạt bán phản lực. Ai đi @@@ thì ngồi lại còn những người khác xuống đây. Mười hành khách lục đục mặc lại áo giáp, đội nón chống đạn, rồi ba lô lên vai nhanh nhẹn bước xuống cửa hông máy bay.
Mọi người chạy lúp xúp hàng một tránh xa máy bay. Hơi gió từ bốn động cơ cánh quạt nóng hừng hực trong đêm khuya làm mình lảo đảo. Nếu không nhờ cái áo giáp nón chống đạn và ba lô tổng cộng nặng gần 50 kg thì đã bị gió thổi té rồi. Hàng một người với súng đạn ba lô được thủ lịnh đứng lại đợi.
Một xe forklift rà tới đít chiếc C130 nhanh chóng kéo tấm nhôm pallet ra. Các bao hành lý rớt xuống rải rác hàng dài. Thủ lịnh ban ra, hàng một người chạy tới vác hành lý của mình rồi biến mất trong đêm tối. Chiếc C130 quay mũi ra phi đạo tiếng động cơ gầm rú lên. Không có đèn lập lòe nơi cánh máy bay. Tất cả đều không đèn chìm trong bóng tối để tránh pháo kích.
Xạ thủ nhào đến trước hai bao hành lý và một cái va li của mình. Chết mịa rồi làm sao vác hết ba cái một lần đây nè. Thôi kéo đại cái va li đi trước 50 mét rồi quay lại kéo tiếp hai cái kia. Trong đêm khuya nóng hừng hực 50 độ, mồ hôi toát ra như tắm. Bỗng giây phút ấy mình cảm thấy chùn bước và nhớ nhà. Nhớ giây phút bình yên mỗi buổi chiều đi làm dìa cho chim ăn, châm thêm nước cho chim uống, rồi nằm trên ghế sa lông coi tin tức thời sự trên TV... Những ngày êm đềm mới đó mà nay sao xa xôi cách trở quá.
Rất may một chiếc pick up trờ tới một bà Trung sĩ cao niên MSG nhảy ra, súng ngắn M17 đeo bên hông. Bà nói lớn Welcome Sir. Một anh lính trẻ ngồi phía sau nhảy xuống giúp đẩy mấy bao hành lý lên xe. Em Đại úy West Point đã ngồi sẵn trong xe như một người máy robot.
Theo bà Trung sĩ đi làm thủ tục nhập trại rồi đi lãnh mền gối. Sau đó đi nhận phòng. Xạ thủ được ở phòng riêng. Trong phòng có 2 giường. Một giường để ngủ còn giường kia mình dùng để đồ vật linh tinh lấy từ trong hành lý ra.
Sau khi mọi người ra về rồi, mình ngồi một mình bấm nút máy lạnh thì mới biết máy lạnh bị hư. Nhiệt độ trong phòng khoảng 45 độ C. Gọi bà Trung sĩ báo bả biết là máy lạnh bị hư. Bả hốt hoảng nói sẽ tới ngay để làm thủ đổi qua phòng khác. Xạ thủ nói thôi khuya rồi bà đừng đi nữa cứ ở đó kêu thợ tới sửa giùm tui là OK mà.
Mấy người thợ sửa máy lạnh là quốc tịch Ấn Độ rất chuyên nghiệp và mau lẹ. Trong vòng một tiếng là họ làm máy lạnh hoạt động tạm thời nhưng phải trở lại ngày hôm sau ráp cái máy lạnh mới. Ba giờ sáng máy lạnh chạy rì rì tỏa hơi lạnh mát rượi. Mình mang dép mặc quần short ở trần cổ quấn khăn đi tới nhà tắm cách nơi ngủ khoảng 80 mét. Mỗi bước chân mang dép đi trên đá sỏi và bụi sa mạc là khói bụi bốc lên dơ cả cẳng.
Ban đêm phải dậy mặc quần short mang giày đi bộ 80 mét để đến phòng vệ sinh. Những lần sau thấy phiền quá nên đi bộ đến mấy cái lô cốt hầm chống pháo kích cách phòng ngủ khoảng 20 mét. Đêm khuya nhìn lên trời đêm lấp lánh ánh sao, thấy lù lù cái khinh khí cầu trinh sát trên đó có gắn radar và máy nhìn hồng ngoại tuyến. Chắc nhân ziên trực màn hình báo cáo có thằng ông nội đái bậy nè đồng chí thủ trưởng.
Buổi sáng đi ăn sáng thấy toàn lính tráng mang súng có băng đạn nạp vào sẵn sàng. Có hai loại pháo kích là drone không người lái và hỏa tiễn liên lục địa ICBM. Drone đến thì chui vào hầm nổi. ICBM thì chui xuống hầm đào sâu dưới mặt đất. Đi trên đường nếu nghe loa thông báo hỏa tiễn sắp đến và chuẩn bị ứng phó thì phải nằm xuống bất cứ ở đâu. Đã có nhiều người bị thương và chết ở đây khi phiến quân thân Iran tấn công nhiều tháng trước.
Mình đi bộ trên đường luôn luôn nhìn chung quanh tìm kiếm những ngõ ngách của các khối chướng ngại vật đúc bằng bê tông để sẵn sàng chui vào núp khi nghe báo động. Căn cứ này bao phủ toàn lô cốt có gắn súng máy, ăng ten radar tua tủa. Chiều chiều mấy ổ phòng không đại bác 6 nòng tồ tồ rú lên bắn thực tập rồi khói đen bốc lên bên kia đồi.
Có những lúc mềm yếu nhớ nhà chớ hỏng phải không. Thèm bữa cơm đạm bạc có cá kho tộ, có tô mì Hảo Hảo, và đêm ngủ bình yên hỏng phải thức dậy đi bộ 80 mét làm bụi sa mạc bốc lên bám đầy vào hai chưn...
BÔNG LAU 12.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.