vendredi 26 juillet 2024

Nguyễn Đắc Kiên - Ý tưởng của ông Trọng

 

Mấy ngày qua, tôi đã đọc hết một lượt các bài viết cả khen ngợi (tụng ca) lẫn phê phán (đả kích) ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, người viết đều dường như chưa hiểu hết các ý tưởng cốt lõi của ông trước khi đưa ra những nhận định, đánh giá về ông.

Mấy ngày qua, tôi cũng dành thời gian tìm đọc một số bài nói, viết của ông về hai vấn đề chính: xây dựng đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tôi cho rằng đây là hai mối quan tâm lớn nhất, xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn Phú Trọng.

May mắn, tôi tìm được một bài viết của ông trên Tạp chí Cộng sản (TCCS) năm 1992, thời điểm ông còn làm Tổng biên tập tờ Tạp chí này, bài: “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” (Các trích dẫn trong bài nếu không có chú thích gì thêm đều lấy từ bài viết này).

Trong bài viết, ông đã chỉ ra và phân tích năm nguyên nhân khiến Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) tan rã, và chính từ đây, tôi tìm thấy những manh mối về các ý tưởng căn bản có thể đã xác lập nên quan điểm cũng như nguyên tắc hành động của ông suốt những năm tháng về sau, nhất là giai đoạn ông ở đỉnh cao quyền lực trong nhiệm kỳ tổng bí thư thứ hai và thứ ba.

Khi đọc bài viết này, tôi khá ngạc nhiên về văn phong sáng sủa cũng như cách lập luận rành mạch của ông, khác hẳn với văn phong tối mù và cách nói rề rà quen thuộc của ông ở giai đoạn sau. Một điểm bất ngờ nữa, khi đối chiếu các bài nói, viết và cả hành động của ông ở các thời kỳ khác nhau thì có thể nhận thấy ông không hẳn là người giáo điều, thủ cựu.

Trái lại ông tỏ ra là người có tư duy thực tiễn, sẵn sàng thay đổi, tiếp nhận những cái mới, sẵn sàng phá bỏ những rào cản, bó buộc để thay đổi theo yêu cầu thực tiễn chứ không phải lúc nào lúc khư khư giữ lấy những ý tưởng, giáo điều xưa cũ. Tuy nhiên, với phong cách điềm tĩnh và chậm rãi vốn có, ông đã vô tình hay cố ý không làm cho những người xung quanh dễ dàng nhận thấy những sự chuyển biến nội tại của bản thân mình.

Năm nguyên nhân khiến ĐCSLX tan rã theo phân tích của ông Nguyễn Phú Trọng là: 1 – Không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của đảng, buông lơi công tác xây dựng đảng; 2 – Xa rời, phủ nhận nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin; 3 – Coi nhẹ hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ; 4 – Xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân; 5 – Từ bỏ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thổi lên ngọn lửa kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi.

Tôi sẽ lần lượt điểm lại và phân tích cụ thể năm nguyên nhân này, để từ đó rút ra ý tưởng căn bản ngõ hầu có thể hiểu được quan điểm và hành động của ông, cũng như phần nào dự đoán xu hướng quan điểm cũng như hành động của những người kế nhiệm ông trong tương lai.

1. Không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của đảng, buông lơi công tác xây dựng đảng

Về sự lãnh đạo của đảng, ông Trọng phê phán Liên Xô đã sai lầm ở hai phương diện. Một mặt, lúc trước ĐCSLX đã bao biện công việc Nhà nước đến mức gần như biến thành Nhà nước, thậm chí tự biến mình thành một cơ quan siêu quyền lực vượt trên Nhà nước, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Một mặc khác, sau đó, đến khi cải tổ thì ĐCSLX lại đi đến cực đoan khác là xóa Điều 6 trong Hiến pháp Liên Xô (là điều khẳng định sự lãnh đạo của đảng), khuyến khích lập các đảng phái, tổ chức đối lập.

Từ phê phán này, bài học có thể đã được ông rút ra là: Thứ nhất, phải kiên trì nhất quán sự lãnh đạo của ĐCSVN (không bỏ Điều 4). Có lẽ chính vì lý do này nên ông luôn tỏ ra dị ứng, thậm chí phản ứng gay gắt với với các đòi hỏi đa nguyên, đa đảng. Thứ hai, đảng không bao biện làm thay Nhà nước mà để Nhà nước được tự chủ, tự quyết trong các công việc của mình. Tức là, đảng chỉ lãnh đạo qua việc xác định hệ thống quan điểm lý luận, xây dựng cương lĩnh, đường lối, đào tạo bố trí cán bộ và kiểm tra giám sát thông qua đảng đoàn, ban cán sự hoặc các đảng viên chứ không trực tiếp điều hành hay làm thay các công việc điều hành cụ thể của Nhà nước.

Thứ ba, không biến đảng thành cơ quan siêu quyền lực đứng trên Nhà nước, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Việc một loạt các quan chức đến cấp Bộ Chính trị phải xộ khám trong chiến dịch “đốt lò” thời gian qua có thể là minh chứng thực tế cho quan điểm đảng “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” này.

Về công tác xây dựng đảng, ông phê phán Liên Xô đã xem nhẹ vấn đề lãnh đạo Nhà nước thông qua các tổ chức đảng, “làm cho hệ thống tổ chức của đảng rệu rã, kỷ luật lỏng lẻo, tổ chức đảng không kiểm tra, giám sát đảng viên”. Đặc biệt, khi cải tổ thì “Tổng Bí thư chuyển trọng tâm công tác sang cương vị tổng thống, mọi việc về đảng giao cho Phó tổng bí thư”.

Từ bài học này, khi lên nắm quyền tổng bí thư, ông đã lập tức củng cố lại bộ máy tổ chức của đảng bằng một loạt biện pháp: Đưa bộ phận chống tham nhũng từ Chính phủ về đảng, thiết lập lại ban Nội chính và ban Kinh tế Trung ương, đặc biệt là một loạt các văn bản, nghị quyết (lên đến con số hàng trăm) để luật lệ hóa tổ chức, kỷ cương, lề lối của đảng.

2. Xa rời, tiến tới phủ nhận “nền tảng tư tưởng của đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin”

Ông phê phán Liên Xô đã cải tổ quá đà khi vội vã rời xa nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin, từ chỗ nhắc đến một cách sơ sài trong các văn kiện của đảng đến không nhắc đến và cuối cùng là phủ nhận nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin. Ông cho rằng đó chính là nguyên nhân làm tan rã đảng về mặt tư tưởng chính trị.

Bài học có thể được ông rút ra ở đây là phải luôn luôn kiên định nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Giữ vững nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là giữ vững cái gì?

Chính ở đây, chúng ta có thể nhận thấy một sự chuyển biến trong tư tưởng của ông. Trong bài viết năm 1992 nói trên, ông vẫn nhấn mạnh các vấn đề như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản… thì ở các bài viết sau này, ông càng ngày càng ít khi nhắc đến các yếu tố này mà nhấn mạnh nhiều hơn đến “nhà nước pháp quyền” và “thị trường tự do”, cũng như tính mềm dẻo và tinh thần sẵn sàng tiếp thu các học thuyết, chủ nghĩa mới để phù hợp với hơi thở của thời đại. (Xem thêm: Nguyễn Phú Trọng – “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đăng trên TCCS năm 2021).

Có thể ông và các đồng chí của ông đã nhận thức lại, và nhận thức đúng rằng “đấu tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản” không phải là nền tảng tư tưởng của Marx-Lenin, nó chỉ là phương tiện. Nền tảng tư tưởng đích thực của Marx là “tự do-bình đẳng”. Nó được ông Hồ diễn giải thành “Dân tộc độc lập – Dân quyền tự do – Dân sinh hạnh phúc” (“Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”), và sau này được cụ thể hóa thành mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Để giữ vững nền tảng đó, để đạt được mục tiêu đó, khi các phương tiện “đấu tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản”… đã tỏ ra lỗi thời, không còn hiệu quả thì phải tìm kiếm tiếp những cách tiếp cận mới, những phương tiện mới. Đó thực tế đã diễn ra ở nước ta, nó bắt đầu từ quá trình đổi mới của đảng năm 1986, trước thách thức của thời đại, khi “hình mẫu Liên Xô” sụp đổ, kể từ đó, những phương tiện mới hiệu quả hơn đã được ĐCSVN tìm ra và vẫn đang ngày càng cố gắng hoàn thiện đó là “thị trường tự do”, là “nhà nước pháp quyền”, là “dân chủ đại diện”.

3. Coi nhẹ hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ

Ông phê phán ĐCSLX có thời kỳ thì “nhấn mạnh một chiều vấn đề tập trung và kỷ luật, không chú trọng phát huy dân chủ, dẫn đến độc đoán, quan liêu”. Đến khi cải tổ thì lại “dân chủ quá đà” dẫn đến “phân hóa, chia rẽ, thậm chí thành nhiều bè cánh đối chọi nhau”. Và như thế, đảng đã “tự hủy hoại” mình khi mất đi tính thống nhất, ở sự đoàn kết nhất trí của đội ngũ đảng viên.

Ông nhắc lại và nhấn mạnh lời của Lenin rằng: Một mặt, kỷ luật và tập trung không phải chỉ ở cương lĩnh, sách lược, mà còn ở cả tổ chức; mặt khác, kỷ luật, tập trung phải đi liền với dân chủ, tập trung mà không có dân chủ ắt sẽ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền.

Trong bài viết mới đây TS Lê Hồng Giang có nói rằng sau khi tiễn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về làm “người tử tế” thì ông Trọng cũng phá vỡ luôn nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Tôi không biết TS Giang hiểu “tập trung dân chủ” theo nghĩa nào, còn như quan sát của tôi và căn cứ vào Điều 9 Điều lệ ĐCSVN (xem chi tiết dưới phần Chú thích) thì ĐCSVN vẫn được tổ chức theo nguyên tắc này và cũng không thể nói ông Trọng đã phá vỡ nó.

Tuy nhiên, có một thực tế là trước đây có thể đã có một sự đối trọng ngầm ẩn và cân bằng giữa hai phe “phe Đảng” và “phe Chính phủ” trong nội bộ Bộ Chính trị (ở Trung Quốc là Ban Thường vụ Bộ Chính trị). Nhưng, kể từ khi khi ông Tập lên nắm quyền ở Trung Quốc và ông Trọng “đánh bại” ông Dũng thì cả hai ông đã thâu tóm và tập trung quyền lực về “phe đảng”, lấn át hoàn toàn “phe Chính phủ”. Có thể TS Giang nói ông Trọng đã phá vỡ nguyên tắc “tập trung dân chủ” là với hàm ý này.

Thực tế, ở Việt Nam, sau khi ông Trọng tham gia vào Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương năm 2016 thì coi như ông đã nắm trọn quyền kiểm soát năm ngành quan trọng là công tác đảng, chống tham nhũng, công an, quân đội và ngoại giao. Nhìn ở góc độ tiêu cực thì đây là một sự thâu tóm quyền lực, nhưng nhìn ở góc độ tích cực thì đây là một sự phân công phân nhiệm không hẳn là không tốt.

Trong khi vị trí tổng bí thư nắm giữ năm ngành quan trọng kia thì ông cũng đã để cho Thủ tướng và nội các một không gian tự chủ lớn hơn, cũng như “rảnh tay” để tập trung điều hành nền kinh tế. Đây có thể tiếp tục là xu hướng “phân nhiệm” mà người kế nhiệm ông sẽ kế thừa dù có nhất thể hóa với chức danh Chủ tịch nước hay không. (Theo tôi là nên, vì với thực tế này thì chức danh Chủ tịch nước vốn đã mờ nhạt sẽ càng mờ nhạt, trong khi nhất thể hóa sẽ giúp giản tiện hơn rất nhiều trong các nghi thức ngoại giao và cũng có thể coi là một sự hội nhập với thế giới về thể chế vậy).

4. Xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân

Ông phê phán ĐCSLX trong khi tiến hành cải tổ, mạnh tay cắt bỏ những “khối u ác tính” là những đảng viên thoái hóa, biến chất, quan liêu tham nhũng, nhưng đã có những bước đi thiếu chắc chắn, dẫn đến hiệu ứng ngược, càng làm bôi đen, càng làm mất niềm tin, càng phủ nhận quá khứ, vai trò lịch sử của đảng.

Đây có thể là nguyên nhân khiến cho ông và các đồng chí của ông, song song với việc chống tham nhũng đã siết chặt hệ thống thông tin, không khoan nhượng với tự do ngôn luận và xã hội dân sự theo một cách “chưa từng có” kể từ sau thời kỳ Đổi mới, theo nhiều nhà quan sát (ít nhất là gắt gao hơn rất nhiều so với thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng).

Ở đây, tôi sẽ không bình luận về hiệu quả của việc chống tham nhũng cũng như các hệ lụy của nó mà sẽ đưa ra một góc nhìn khác, vượt ra ngoài khuôn khổ bài viết đang nói tới, hướng đến một viễn kiến xa hơn (nếu có) của ông.

Trong nhiều bài viết và nói khác sau này, ông Trọng hay nhắc đến châm ngôn: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt”. Tôi coi đây là chỉ dấu cho viễn kiến của ông. Một chỉ dấu cho thấy ông không chỉ quan tâm đến việc xây dựng một đảng mạnh, mà có thể còn quan tâm sâu sắc đến tính chính danh của nó.

Ở sự kiện gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, bằng sự “thật thà” hoặc “thực dụng” của mình, ông đã đòi hỏi Tổng thống Mỹ phải tiếp ông ở phòng Bầu Dục trên cương vị một nguyên thủ. Khi anh nói tôn trọng thể chế của chúng tôi thì anh phải thể hiện nó bằng hành động đúng không? Tiếp tôi ở phòng Bầu Dục như một nguyên thủ quốc gia là một hành động chứng thực cho lời tuyên bố tôn trọng sự khác biệt vậy. Có thể ông đã lý luận và hành động như thế. Đây rõ ràng là một chiến thắng ngoại giao của ông cũng như đảng của ông trên trường quốc tế, nhưng nó cũng là một sự khẳng định về tính chính danh của ĐCSVN ở quốc nội.

Tuy nhiên, có lẽ ông hiểu một đảng muốn chính danh, muốn có được sự tín nhiệm của người dân thì không thể chỉ dựa vào những bước đi ngoại giao hay những cơn lên đồng tập thể trong chốc lát. Mà nó phải thuyết phục được người dân một cách lâu dài và bền vững bằng năng lực dẫn dắt, lãnh đạo, điều hành và đổi mới không ngừng của mình (thông qua hiệu quả hoạt động của Nhà nước), mà ở đó thành tích kinh tế là chỉ dấu đầu tiên và dễ định lượng nhất. Tức là đảng phải tuyển mộ được những thành phần ưu tú thực sự vào đội ngũ của mình, nhưng với phương thức tổ chức và vận hành hiện nay, điều này gần như là bất khả.

Chính ông Trọng trong nhiều bài viết của mình cũng thừa nhận, số lượng đảng viên không phải là vấn đề, cũng chưa bao giờ là chỉ dấu cho một đảng mạnh. Hàng chục triệu đảng viên Liên Xô cũng có thể tan đàn xẻ nghé, có thể bị giải tán chỉ sau một đêm. Một đảng mạnh phải là một đảng quy tụ được những thành phần tinh hoa, ưu tú nhất của dân tộc.

Như thế cũng có nghĩa là ông đã để lại một tiến trình dang dở, một bài toán cực khó cho những người kế nhiệm mình: Xây dựng một đảng mạnh và chính danh, mà ở đó, “đốt lò” chống tham nhũng chỉ là bước hết sức sơ khởi để có một đảng sạch hơn mà thôi, chưa thể nói gì đến mạnh hay chính danh được.

5. Từ bỏ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thổi lên ngọn lửa kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi

Trong phần này ông chủ yếu phê phán Liên Xô và các nước khác ở hai thái cực, hoặc là tư tưởng nước lớn ban ơn, hoặc là tư tưởng nước nhỏ ỷ lại, thụ động. Kế đó là sự phản bội tinh thần quốc tế vô sản, đề cao chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của một số nước trong một số hoàn cảnh.

Có thể rút ra ở đây bài học về sự độc lập dân tộc và đa phương hóa ngoại giao, nhưng tôi thấy như vậy là gượng ép, bởi triết lý “ngoại giao cây tre” như tôi hiểu nó được hun đúc, bổ trợ từ nhiều phương diện khác có tính quyết định trực tiếp và cốt yếu hơn là bài học rút ra từ đây.

Thay lời kết:

Cách đây gần 10 năm, trong những năm cuối nhiệm kỳ tổng bí thư đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng, đã nổi lên những tiếng nói kêu gọi Đổi mới lần 2 – đổi mới về thể chế, khi những dư địa của Đổi mới lần 1 – đổi mới về kinh tế, giải phóng sức sản xuất đã hết. Trong điều kiện độc đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, thì đổi mới thể chế, đầu tiên và căn cơ nhất là gì khác hơn chính là đổi mới đảng hay nói cách khác là cải tổ đảng.

Dù có thể ông Nguyễn Phú Trọng không hề có ý định này khi bắt đầu công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng thì thực tế ông đã khởi động một tiến trình thay đổi. ĐCSVN trước ông và sau ông đã là hai đảng khác. Nền chính trị Việt Nam trước ông và sau ông đã là hai nền chính trị khác với những “tiền lệ”, “luật chơi”, khác hẳn nhau. Như thế, ông, chính ông chứ không phải ai khác đã là “người thay đổi cuộc chơi” (game changer) đích thực.

Khi ông nhậm chức tổng bí thư nhiệm kỳ đầu tiên, và có thể là cả khi ông mới nhậm chức nhiệm kỳ 2, ít ai có thể ngờ rằng, một vị thư sinh, nho nhã như ông lại là người đã thay đổi lịch sử Việt Nam đương đại nhiều đến như thế. Cũng như ít ai ngờ được đằng sau cái vẻ ngoài rề rà, bảo thủ như một ông giáo làng của ông lại là con người khi cần có thể cương quyết và thực dụng đến như thế.

Nhưng đó là thực tế đã diễn ra.

Ông chứng tỏ được sự cương quyết của mình trong “cuộc chiến” với Thủ tướng Dũng, cũng như khi chấp nhận ngồi lại vị trí tổng bí thư ở nhiệm kỳ 3. Còn về sự thực dụng, ông có thể cực kỳ bảo thủ với các vấn đề mang tính cá nhân (như giữ lối sống liêm khiết, thanh bần – nhiều người ca ngợi chuyện này nhưng nếu xét theo tiêu chí những người cộng sản thế hệ ông thì cũng là “bình thường”). Thì với các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc ông lại tỏ ra cởi mở, cấp tiến hay nói cách khác là rất “thực dụng” khi sẵn sàng phá bỏ quy tắc dù từng được xem là bất di bất dịch bấy lâu để vào Nhà Trắng với tư cách tổng bí thư ĐCSVN năm 2015 hay thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ năm 2023.

Đây có lẽ cũng là một bài học hay một gợi ý nữa cho những người kế nhiệm ông, đó là khi cần thiết vì lợi ích của quốc gia, dân tộc (hoặc tệ hơn là vì lợi ích, vì sự tồn vong của đảng thôi cũng được) sẵn sàng vượt qua những tín điều xưa cũ để thay đổi thích ứng với thời đại, đúng như nguyên tắc mà ông Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo ĐCSVN tiền bối thời kỳ đổi mới đã xác lập và đi theo trên thực tế (dù họ chưa bao giờ nói ra một cách minh nhiên) đó là nguyên tắc mà tôi tạm gọi là “sinh tồn thực dụng” (pragmatic survival), “thực dụng để sinh tồn – muốn sinh tồn phải thực dụng”.

NGUYỄN ĐẮC KIÊN 24.07.2024

Chú thích:

(*) Theo Điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:

1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở một cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).

3. Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa sẽ thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.