mercredi 24 juillet 2024

Kim Hạnh - Một “đám tang nghĩa” vui và ấm áp


Đám tang nghèo mà vui và ấm áp. Sao là “đám tang nghĩa" ?

Tôi học được từ “nghĩa” sau mấy tuần qua, đọc các bài cụ Đồ Chiểu viết về hào khí của nông dân Nam Bộ. Cụ gọi các trận đánh hào hùng của dân Nam Bộ tay không vũ khí, chỉ có tấm lòng nghĩa khí chống Pháp là những “trận nghĩa”. Nên khi ngồi dưới cơn mưa thật to, giữa những người nghèo và bạn bè anh Vân, tôi bỗng muốn gọi, đây là một đám tang nghĩa.

Sao đám tang mà vui? Đám tang mà nhiều nụ cười và đầy ắp tiếng hòa ca. Một nhóm “ca sĩ” cộng đồng đang hát các bài du ca thời cũ. Tôi thắp nhang mà bỗng nhép theo bài ca quen thuộc. Anh Hiệp, anh sinh đôi của anh Vân nói nhỏ, chị thắp nhang xong vô hát luôn với tụi tôi. Tôi quay ra, lúng túng không biết ngồi đâu vì các bạn ngồi kín cầu thang hẹp rồi. Tiếng hát thật thân tình, ấm áp. Quen thuộc lắm những bài ca cộng đồng này hồi tôi đi sinh hoạt hướng đạo trước đây.

Và thật là ấm áp vì tôi gặp không biết bao nhiêu bạn quý: Đồng nghiệp cũ, các bạn tình nguyện viên của các dự án công tác xã hội và lối xom nghèo của anh Vân, họ xúm xít cùng lo cho cuộc chia tay anh.

Nhóm đang hát ngồi kín cầu thang hẹp là nhóm du ca, anh Hiệp giới thiệu. Còn một nhóm chờ bên ngoài là nhóm hướng đạo. Đều là những “đồng đạo” của anh Vân, đạo… công tác xã hội.

Tôi biết anh học nghề này từ 1966, với những người thầy như cô Phạm thị Tự, thầy Lý Chánh Trung…Rồi qua năm 1967, anh vào nghề với danh xưng “cán bộ giáo hóa” của Trung tâm Giáo hóa thiếu nhi Thủ Đức, nơi nuôi dạy trẻ “du đãng” chưa trưởng thành. Sau đó anh đi làm báo, khởi đầu là báo Tin Sáng và khi Tin Sáng “hoàn thành nhiệm vụ” thì anh xin vào Tuổi Trẻ năm 1881.

Mười năm làm việc chung với anh ở báo Tuổi Trẻ, anh là phóng viên xông xáo, hào hứng với mọi sàn diễn trong một cộng đồng trẻ của Tuổi Trẻ mê nghề, ồn ào, luôn sôi động. Tôi nhớ những bản thảo anh viết tay, viết nhanh như nói nên chữ nhảy đủ kiểu, bạn Nguyễn Đông Thức làm trưởng ban văn xã nhiều khi than, đọc chữ anh Vân phải có “nghề”. Mà lạ, chữ viết của anh Phạm Thanh Hiệp, anh sinh đôi của anh sao cũng na ná vậy (tôi cười thầm khi đọc chữ anh Hiệp vừa thay anh Vân ký tặng sách anh Vân cho tôi).

Cảm động nhất là tôi được gặp lại hai cô gái trẻ, là cháu ngoại của một gia đình chắc…nghèo nhất xóm Lách của tôi. Rồi một thời gian nghe nói nghèo quá, họ chuyển nhà về vùng ven rồi mất dạng luôn. Hôm nay đi đám tang, hai cô gái chạy tới ôm lấy tôi, nói nho nhỏ, bác Vân là người ơn của nhà con, hồi dọn về đây cơ cực lắm, bác Vân giúp tụi con nhiều. Ngoại con mất lâu rồi, má con mới mất hôm dịch Covid, nhà có chuyện gì khó là bác Vân đều giúp tận tình như hồi đó mấy dì nhà dì Dịu giúp đó (trong xóm cũ quen gọi tôi bằng tên Dịu, tên ở nhà, lâu ơi là lâu mà mấy cô gái này còn nhớ tên đó).

Trong hai cô bé, tôi nhận ra cô mặc áo đen, còn không nhớ cô áo ca rô. Nghe tên họ, là thấy những cái tên đặc biệt…nghèo: ngoại nó là bà Xì, mẹ nó là Xương, còn hai đứa cháu ngoại bà Xì tôi gặp đây, tôi chỉ nhớ tên cô áo đen là Lặc…Nhưng ngồi cạnh Lặc là một anh chàng rất hiện đại, Nguyễn Tiến Huy của công ty xây dựng thương hiệu tên Pencli, Huy lại cũng là tình nguyên viên một tổ chức xã hội khác chung với…con trai anh Vân, Facebooker quen tên, Son Pham, dân Fulbright.

Tôi đứng dậy chào về khi trời ngớt mưa và áo tôi cũng bớt sũng ướt, kịp bắt tay một bạn chạy tới muốn chụp hình chung, nay là thầu xây dựng, xuất thân từ…Thảo Đàn. Tôi chào Bằng, hẹn hôm nao café nghe chuyện Thảo Đàn mà lòng tràn ngập niềm thán phục anh Vân.

Anh là một “dân chơi thứ thiệt” cả đời miệt mài với công tác xã hội, một người dân Sài Gòn-Bình Hòa đúng nghĩa là luôn làm việc nghĩa.

KIM HẠNH 20.07.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.