(Nhân việc Chùa Cầu “trùng tu hạ giải” nhìn như mới)
Trước hết, tôi chưa dám nhận định việc trùng tu Chùa Cầu ở Hội An - đang tạo dư luận trái chiều hiện nay - đúng/sai, hay/dở ra sao. Lý do: Tôi chưa hề chứng kiến việc trùng tu này và thực trạng sau trùng tu như thế nào.
Làm báo gần 40 năm, tôi có thói quen: Khi nào chính mình chứng kiến một sự kiện/sự việc này nọ mới dám mạo muội nói.
Đó là chưa nói Chùa Cầu sau 400 năm đã nhiều lần trùng tu (với các hình ảnh phiên bản có phần hơi khác nhau). Tôi không rõ việc trùng tu lần này theo phiên bản Chùa Cầu nào (có lẽ theo phiên bản gần đây nhất - vì hình ảnh này gần gũi với mắt nhìn của người dân lẫn khách du lịch hiện nay nhất).
Tuy nhiên, không chỉ Chùa Cầu, việc trùng tu di tích, công trình xưa ở Việt Nam thường gặp hai luồng dư luận trái chiều: 1. Phải rêu phong, cũ kỹ, thậm chí dơ dơ, bụi bụi… mới là chuẩn; 2. Di tích phải được phục hồi nguyên trạng, thời “hoàng kim” lộng lẫy của nó mới cảm nhận rõ hình ảnh thuở xa xưa.
Về góc nhìn chủ quan cá nhân, khi thăm viếng một số đình chùa, miếu mạo, cổng đình… ở Việt Nam, nhất là miền Bắc, tôi thường thấy nhiều nơi có vẻ muốn để nguyên trạng như hiện nay - dù có thể nguyên trạng ấy vốn đã thay đổi so với nguyên bản. Không cần trám, vá những chỗ nứt nẻ, bể vỡ. Không cần cạo rêu, nhổ cây cỏ mọc ngay trên đó; thậm chí cứ để thời gian phủ bụi. Thú thật là có nơi, tôi có ngại sờ vô cổng đình, tường vách… nơi đó.
Phong cách bảo tồn này nó khác hoàn toàn với phong cách bảo tồn ở hầu hết các nước và ngay ở Sài Gòn/TPHCM hiện nay: di tích, công trình luôn được giữ gìn sạch sẽ, cạo rêu, quét bụi, lau chùi… để mới mẻ như thế nào. Ai đi Trung Quốc, Nhật, Singapore, Thái Lan… và ngay ở Sài Gòn/TPHCM, đều thấy rõ điều này.
Ai chơi đồ cổ, như xe cổ chẳng hạn, một xe cổ càng có giá trị là nhìn phải như xe mới, chạy được. Nhà thờ Đức Bà đang trùng tu, gạch ngói đúng kiểu gạch ngói cũ nhưng mới toanh.
"Phải có dấu vết thời gian" ít nhiều đồng nghĩa cũ kỹ, rêu phong, bụi bặm, dơ dơ…, tức… xuống cấp.
Vấn đề là trùng tu có dùng vật liệu như cũ hay không thôi vì rõ ràng vật liệu cũ (như vữa vôi - mật mía chẳng hạn) bền hơn và ít thấm dột hơn xi măng. Ở Chùa Cầu, như đã nói ở trên, tôi không dám nhận định gì lớn lao. Chỉ thấy qua hình ảnh trên truyền thông và mạng xã hội là hồ vữa gắn ngói có vẻ lem nhem và không rõ là hồ vữa vôi (như ngày xưa) hay xi măng?
Hình ảnh vôi vữa quá mới cũng lệch màu với những thanh lan can gỗ cũ, phủ bóng thời gian. Rồi hình như người ta không chú ý cạo bỏ lớp vôi cũ mà quét vôi mới chồng lên nên các mảng phù điêu, hoa văn… thiếu độ sắc nét. Về bảo quản, lớp quét chồng này rơi rụng rất nhanh.
Và những phù điêu trên đỉnh mái ngói ngày xưa có màu men xanh thiên thanh như sau trùng tu hiện nay?
(Nói thêm: Trụ sở UBND TPHCM hiện nay, mỗi lần quét vôi hay sơn nước lại, tôi nhiều lần đứng coi, thấy anh em thợ ngồi cả tháng trên giàn giáo, cần mẫn cạo bỏ lớp vôi cũ rất kỹ. Nên khi phủ lớp vôi hay lớp sơn nước gì đó, các góc cạnh, phù điêu, tượng ở mặt tiền trụ sở này đều khá sắc gọn. Ở đây, không thể không có lời khen UBND TPHCM trong việc bảo quản hàng ngày và trùng tu di sản 115 năm tuổi này (1909 - 2024) để nó vẫn sống và hoạt động như thuở nào).
Tuy nhiên, việc dùng vôi (có độ nhám nhất định) như ngàn năm trước, chứ không dùng sơn nước (có phần trơ trơ, vô cảm); tận dụng những mảnh ngói, thanh đà gỗ cũ… này nọ có lẽ cũng nói lên việc trùng tu này rõ ràng có ý thức tôn trọng, phục hồi nguyên trạng. Nó khác với việc trùng tu, thực chất là xây mới, rất đau lòng, thậm chí phẫn nộ, ở một số di tích, công trình xưa cũ vừa qua và hiện nay - mà ai cũng biết.
Không di tích, công trình xưa cũ nào sau trùng tu không chịu khen chê, hứng búa rìu dư luận. Ở một khía cạnh xã hội, đó là điều rất hay khi thể hiện sự phản biện dân chủ cần thiết của người dân, của xã hội. Trụ sở Bưu điện TPHCM có một lần trùng tu, sơn màu mới khác với màu cũ đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, phải sơn lại ngay là vậy.
Về cá nhân chủ quan, tôi theo cách bảo quản, trùng tu di tích, công trình xưa cũ của hầu hết các nước như Âu Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... lâu nay: di tích, công trình xưa cũ ấy phải sạch - mới, như thuở “hoàng kim” của nó - với nguyên vật liệu và cách làm như ngày nào.
Gạch ngói nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là loại không đóng rêu. Chưa ai thấy rêu phong nơi này, nhưng ai dám nói ngôi thánh đường này không cổ kính?
CÙ MAI CÔNG 30.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.