Một điều thật thú vị khi chỉ cần đi xa vài trăm cây số là chúng ta có thể khám phá một đất nước, một ngôn ngữ mới, một xã hội khác lạ với những truyền thống và văn hóa vô cùng đa dạng.
Thật vậy, Châu Âu bé nhỏ nhưng thật diệu kỳ với muôn vàn bản sắc làm đắm say lòng người.
Chẳng hạn, Prague chỉ cách Lausanne, Thụy Sĩ hơn 900 cây số, nhưng cũng đủ làm cho con tim người lữ khách dừng chân thổn thức trước cái đẹp lạ thường của những con đường và góc phố nơi đây. Ngoài kia, mưa rào cả đêm, đưa Prague lung linh trong ánh đèn vàng mờ ảo, bên dòng sông Vltava với cả tiếng nước chảy và tiếng xe tram chạy chầm chậm, trở nên đẹp và lãng mạn hơn trong trí tưởng tượng nhỏ bé.
Từ cửa sổ phòng ngủ trên con phố Janáčkovo nábřeží, ngắm nhìn Vltava chảy qua Prague phía bên kia đường và chẳng xa bao nhiêu Dancing House - Tòa nhà nhảy múa, như một biểu tượng lãng mạn cho tinh thần quật khởi của người dân xứ này sau cuộc Cách mạng Nhung - Mùa Xuân Prague năm xưa.
Mà có lẽ, cái khung cảnh này, ngay trong khoảnh khắc này, chắc cũng không thay đổi bao nhiêu so với Prague của những năm cuối thế kỷ 19, đầu 20. Cái diệu kỳ của Châu Âu nói chung và Prague nói riêng, là cái hồn của kiến trúc cổ kính phố phường không đổi thay theo sóng gió thăng trầm của thời cuộc hay khói lửa và bom đạn chiến tranh.
Ngắm nhìn Prague qua khung cửa sổ của buổi sáng tinh mơ, thả hồn mường tượng nơi đây từng là chốn hội tụ, nơi giao thoa của những tài năng kiệt xuất về âm nhạc, hội họa, khoa học và văn chương đầu thế kỷ 20. Chính họ, đã làm mê hoặc Prague với những tác phẩm văn học đi sâu vào tâm hồn của người đọc.
Mỗi bước chân của kẻ lữ khách trên những con đường hay góc phố tại đây như thể có hơi thở, ánh mắt đăm chiêu và bóng dáng năm xưa của những Franz Werfel, Leo Perrutz, Johannes Urzidil, Egon Erwin Kisch, Max Brod hay Franz Kafka.
Cũng không xa căn phòng trọ này, bên dòng sông Vltava, đối diện với Nhà hát Dân tộc là quán cà phê Slavia nổi tiếng nhất thủ đô Prague. Nơi đây, từ cuối thế kỷ 19, đã trở nên quen thuộc với bao tên tuổi gắn liền với lịch sử văn học, xã hội và chính trị của Cộng hoà Séc. Ba tên tuổi nổi bậc, Jaroslav Seifert, Nobel Văn chương; Milan Kundera và Václav Havel. Havel, dĩ nhiên phải là ông, từng ngồi nơi đây theo những biến chuyển bi hùng của thời cuộc, của lịch sử đất nước này.
Cũng như Slavia, và cách đó không bao xa, là quán cà phê Louvre, một điểm hẹn của giới trí thức Châu Âu trong giai đoạn từ 1790 đến 1914, những năm tháng được mệnh danh là La Belle Époque (Thời kỳ Tươi đẹp).
La Belle Époque ngay trên những cái ghế gỗ của quán cà phê cổ kính này khi những Franz Kafka, Karel Čapek, Otto Pick, Franz Werfel hay Albert Einstein,… vẫn thường ngồi nơi đây để trò chuyện hoặc làm việc, cứ như thể họ chưa bao giờ rời xa chốn này!
Nếu như Louvre từng được xem là tiệm cà phê lớn nhất Đế quốc Áo-Hung thì Slavia lại là điểm hẹn của tinh thần phản kháng Tiệp Khắc.
Hai địa điểm, hai cột mốc lịch sử và hai giấc mơ của Prague.
Đại lộ Národní trída, nối liền hai quán cà phê trên đã đi vào lịch sử của dân tộc này vào ngày 17/11/1989 khi Cách mạng Nhung bùng nổ. Hãy hình dung hàng chục ngàn người, phần lớn là sinh viên, đã kéo nhau đi từ Vyšehrad đến Quảng trường Venceslas để bày tỏ sự bất bình và kêu gọi những giá trị tự do và dân chủ trong một đất nước chư hầu của Liên bang Xô Viết. Một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử thành phố này dưới thời cộng sản.
Cũng chính trên đại lộ này, đã diễn ra sự chạm trán của người biểu tình và cảnh sát. Cách mạng Nhung và sự kiện tại Quảng trường Thiên An Môn chỉ cách nhau vài tháng nhưng đã nói lên ý chí và khát vọng Tự do của tuổi trẻ trong các xã hội độc tài toàn trị.
Có một Prague nên thơ, lãng mạn và không kém phần “bí hiểm” như cái ánh mắt thật lạ lùng, khó hiểu, đượm buồn của Franz Kafka. Khuôn mặt của tác giả Der Process và Die Verwandlung luôn gắn liền với Prague. Mọi nơi, tại đây, với những tâm hồn lãng mạn, luôn bắt gặp hình ảnh của Kafka.
Từ ngôi nhà nhỏ năm xưa, những vỉa hè lát gạch đổ dốc, quanh co những con hẻm nhỏ đến cả những cái băng ghế bên Vltava thơ mộng,… đều ẩn chứa ánh mắt của người từng mang cái hiện thực và hiện sinh vào văn chương cận đại. Của một Kafka luôn tự dằn vặt, băn khoăn về sự tồn tại của chính mình hay của một cảm giác vô lý của đời người mà ông, là hiện thân hoàn hảo cho tất cả!
Đến với Prague như quay về với một thời hoàng kim rực rỡ của thế giới, của đêm trước sự hủy diệt, tàn bạo của chiến tranh. Đó còn là sự bất khuất của một dân tộc khi dám đối đầu với những cỗ xe tăng to lớn và ngạo nghễ trong hơi thở của Tự do và tranh đấu.
Cũng có chút may mắn từng được đi đây đó, nhưng có lẽ, Prague là nơi mang lại sự thổn thức, rung động với bao đợi chờ và khám phá thú vị nhất cho người viết.
Mưa chợt tạnh như chợt tới. Ánh nắng mùa hè lại quay về bên cây cầu nối liền căn phòng trọ và Tòa nhà nhảy múa, với tiếng nước chảy của dòng sông Vltava. Tất cả như một bức tranh thơ mộng trong tâm hồn người viết.
Chỉ còn một ngày nữa thôi tại đây trước khi tiếp tục rong đuổi về những miền đất lạ nơi “lục địa già” của một thời Đế quốc Áo-Hung.
Chợt đói. Cái nhỏ nhặt và tầm thường đã chiến thắng sự lãng mạn và thi vị để đưa người viết về lại với hiện thực, khi chuẩn bị về với…Sapa của cộng động người Việt tại thủ đô Prague. Đó lại là một chủ đề khác, một chuyến đi khác, ít mộng mơ và ít trữ tình hơn trong tâm hồn người lữ khách.
LÂM BÌNH DUY NHIÊN
Prague, rạng sáng 28/07/2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.