Đến hẹn lại lên, năm nào ngày 27/7; các cơ quan, đoàn thể cũng chộn rộn; lãnh đao tất bật với những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” như viếng nghĩa trang liệt sĩ (NTLS), thăm hỏi và tăng quà các gia đình chính sách.
Việc làm này đã trở thành truyền thống, thể hiện đạo đức cách mạng, giáo dục ý thức “Uống nước nhớ nguồn” và đạo lý người Việt.
Tuy nhiên, không ít người cứ mãi lăn tăn. Bởi các ba mẹ liệt sĩ, người có công, quanh năm vò võ, cô đơn không chỉ cần mỗi ngày 27/7. Sau những chuyến thăm viếng, tặng quà, sự quạnh quẽ và nỗi nhớ quay quắt người thân đã ngã xuống vì tổ quốc càng tăng lên của những Anh hùng Thầm lặng (AHTL). Thầm lặng hiến dâng những người thân yêu nhất hoặc một phần thân thể cho đất nước. Thầm lặng chịu đựng những sang chấn tâm lý, không chỉ sống đẹp mà còn gương mẫu.
Có người ao ước, không thể chăm sóc những AHTL quanh năm nhưng có thể mỗi tháng tổ chức một ngày “Chủ nhật tri ân” vào cuối mỗi tháng. Không cần quà cáp lớn lao, chỉ cần tình cảm chân thành và những việc làm thiết thực. Dọn dẹp nhà, nấu cơm, giặt giũ, nghe kể chuyện xưa… Những AHTL chưa bao giờ đòi hỏi gì và chỉ mong có thế. Việc nhỏ, có tác dụng to lớn cho cả hai bên, ai cũng có thể làm được.
Có người đề nghị mỗi cán bộ, viên chức nhà nước, ít nhất mỗi tháng dành một “Giờ nghĩa tình” thăm hỏi gia đình chính sách, người có công và đưa vào tiêu chuẩn như quy định tiếp công dân, bởi đó là những công dân đặc biệt, cần quan tâm riêng. Việc làm này không chỉ làm ấm lòng những AHTL mà còn giúp cán bộ viên chức suy gẫm, nhìn lại mình, biết ơn những người đã ngã xuống và sống tốt hơn.
Có chuyện cũ, nghe kể lại, hơn 10 năm trước. Sau khi đến thăm và tặng quà, trước khi ra về, có cán bộ hỏi “Má ao ước gì để con thưa với lãnh đạo?” Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam bỏm bẻm nhai trầu, trả lời nhẹ tênh “Tao chỉ ước Mỹ trở lại, để tui bây dễ thương như hồi xưa!” Cả đoàn lặng thinh, đứng hình vì cuộc sống quá bon chen, quay cuồng nên lắm lúc vô tâm và hành xử hời hợt..
Lịch sử Việt Nam luôn gắn liền với các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chống xâm lược, thống nhất đất nước. Mảnh đất nào cũng thấm đẫm xương máu cha ông. Xin hãy hành xử công bằng, đúng mực, thiết thực; thể hiện đạo lý dân tộc, nghĩa tình với những người đã nằm xuống, đã hy sinh một phần thân thể và người thân của họ. Nghĩ về những điều đó, người bình thường không ai dám làm bậy.
Rất nhiều Nghĩa trang liệt sĩ và đền thờ khắp ba miền. NTLS Đồi 82 Tây Ninh hiện có hơn 14.000 phần mộ liêt sĩ trước 1975, bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tương tự là NTLS Dốc Bà Đắc (An Giang) hơn 9.000 phần mộ. NTLS Vị Xuyên (Hà Giang) chỉ mới quy tập được hơn 2.000 liệt sĩ trong tổng số trên 4.000 liệt sĩ hy sinh chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979…
Các đền Hang Tám Cô thờ 8 liệt sĩ hy sinh ngày 14/11/1972 và Hang Lèn Hà thờ 13 liệt sĩ hy sinh ngày 02/07/1972 (cùng ở Quảng Bình). Đền Truông Bồn (Nghệ An) thờ 13 liệt sĩ hy sinh ngày 03/10/1968. Khu di tích Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TPHCM) thờ 32 dân công hỏa tuyến hy sinh ngày 15/06/1968. Cả 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14/03/1988 ở Gạc Ma, Trường Sa (đang bị Trung Quốc chiếm đoạt) vẫn chưa thể quy tập…
147 liệt sĩ E 96 và các đơn vị liên khu V, hy sinh ngày 24/06/1954 ở Dak Pơ (Gia Lai) vẫn chưa tìm thấy xương cốt.. Di tích Nhà mồ Ba Chúc (An Giang) thờ 3.157 người dân thị trấn Ba Chúc bị Pon Pot thảm sát đêm 30/4/1977. Di tích Mộ tâp thể (Bình Long, Bình Phước) thờ hơn 3.000 bộ đội, du kích, thanh niên xung phong… hy sinh từ 13/04 – 15/05/1972. Di tích thờ cả người dân và lính Việt Nam Cộng Hòa với các liệt sĩ.
Cạnh tượng đài Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (BÌnh Phước, 1972) hoành tráng là Miếu Tàu Ô. Miếu thờ chung Anh hùng Liệt sĩ, Chiến sĩ Trận vong và Chư đẳng Chúng Cô hồn (dân oan). Các di tích ở Bình Phước đều có Bia Dẫn Tích (dẫn chứng tích chuyện), kể lai sự kiện một cách khách quan, trung thực. Một cách làm nhân văn, hòa giải và hòa hợp, chưa nơi nào làm được.
Không ít người khó chịu vì những mái di động trước các nghĩa trang liệt sĩ, các đền thờ để che mưa nắng cho người đến viếng. Hàng trăm ngàn anh hùng liệt sĩ, không tiếc cả đời mình, bao năm vẫn nằm lặng lẽ phơi mưa nắng. Rất nhiều người chưa tìm được tên, thậm chí chưa tìm được cốt xương, chỉ có mộ gió và đền thờ. Nỡ nào người chịu ơn đến viếng mà sợ mưa, ngại nắng dù chỉ dăm ba phút.
Ước gì, mỗi tháng, các tâp thể có ít nhất một ngày “Chủ nhật tri ân” và mỗi cá nhân có it nhất một “Giờ nghĩa tình” bằng những việc làm thiết thực. Được vậy, vong linh các anh hùng liệt sĩ sẽ mãn nguyện, phù hộ đất nước Hưng Thịnh và con cháu An Khang.
VI VĂN VIỆT 27.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.