mardi 21 mai 2024

Lưu Trọng Văn - Thử góp nhời bàn chuyện cung đình

Theo khoản 2 điều 88 Hiến pháp, Chủ tịch nước có quyền: “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ”.

Theo Điều 90 : ”Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”. Và cũng theo Hiến pháp chủ tịch nước là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang.

Nhưng tréo ngoe thay trong Hiến pháp lại còn có Điều 4 “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội“.

Chiếu theo điều 4 Hiến pháp này thì: các quyền tưởng như tối cao trên của chủ tịch nước lại chỉ được thực thi khi được phép và dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư. Bởi Tổng bí thư mới là nhà lãnh đạo cao nhất và là người có thực quyền nhất nếu nắm đa số thành viên Bộ Chính trị.

Ở Việt Nam nhiều suy diễn phong phú đầy cảm hứng tưởng tượng dẫn đến hiện lên một bức tranh toàn cảnh về sự bất ổn, xáo trộn cung đình nào đó. Nhưng nếu thật bình tĩnh xem xét thực chất quyền lực trong tay ai và sự chủ động kiểm soát của quyền lực đó, lại có thể có góc nhìn khác, đó là tình hình vào thế ổn định có thể là tạm thời nào đó.

Quyền lực phân tán không kiểm soát được sẽ là thước đo bất ổn định. Nhưng Quyền lực chưa bao giờ tập trung một mối như hiện nay thì có thể là thước đo ngược lại.

Qua một số thay đổi “thượng tầng”vai trò tứ trụ mang tính hình thức như bấy lâu đã không còn nữa mà đã và đang dần tập trung một mối có tên là nhất trụ.

Cho đến giờ phút này thì quyền lực nhất trụ ấy chưa suy chuyển mà càng được củng cố. Bởi vừa bổ sung bốn ủy viên Bộ Chính trị người của đảng, làm tăng thêm sự ủng hộ nhất trụ kia của đa số áp đảo các thành viên trong Bộ Chính trị.

Và Quyền lực nhất trụ ấy sẽ càng được củng cố đến vô đối khi Chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp tục điều hành an ninh và trừng phạt, răn đe tham nhũng.

Và đây có thể là mô hình cầm quyền mới mang tính thực chất thay cho mô hình Tứ trụ trước đây - ở đó chủ tịch nước chỉ là vai diễn hình thức, chủ tịch Quốc hội chỉ là vai diễn quân xanh, và bản thân bộ trưởng Công an vẫn bị giới hạn nào đó theo thứ tự hệ thống.

Những bình luận này được gã mạo muội suy đoán dựa trên thực tế hiện nay chủ tịch Nước Tô Lâm vẫn nắm chức bộ trưởng Bộ Công an. Không phải vì ông đòi được như thế mà theo chính sự sắp xếp, tính toán của tổng bí thư và có thể nắm chức đó cho đến đại hội 14.

Còn, nếu trong khóa họp trung ương bất thường kèm khóa họp Quốc hội bất thường theo tính toán khác, theo sự sắp đặt khác của tổng bí thư. Mà đích cuối vẫn là nắm chắc quyền lực để thực hiện chiến dịch đốt lò ngày một chính danh và sáng hơn, chủ tịch Tô Lâm vì một lý do nào đó không còn kiêm bộ trưởng Công an và các thứ trưởng thân thiết của ông không được bổ sung vào Bộ Chính trị để làm bộ trưởng Công an. Thì cuộc vận cung đình nhiều khả năng lại biến đổi bất ngờ.

Cái thú vị của thời buổi này ở đó là: không gì là không thể.

LƯU TRỌNG VĂN 20.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.