mardi 21 mai 2024

Dương Quốc Chính - Một đít hai ghế

Anh Huy Đức viết không rõ ràng về trường hợp chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm chức bộ trưởng ngoại giao, nên mình bổ sung cho rõ vấn đề lịch sử và pháp lý này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có kiêm nhiệm bộ trưởng ngoại giao vào hai thời điểm trong giai đoạn nhiễu nhương 45-46. Giai đoạn này Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tới 4 chính phủ, tên cụ thể xem ảnh đính kèm. Hai chính phủ đầu là trước khi có Hiến pháp, nên gọi là chính phủ lâm thời. Chưa có Hiến pháp tức là chưa có định nghĩa về chức danh cụ thể.

Ở hai chính phủ lâm thời, thì chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ tịch chính phủ (không phải chủ tịch nước), không phải nguyên thủ quốc gia, lúc đó ông Hồ kiêm bộ trưởng ngoại giao. Ở chính phủ thứ ba, nó thực sự đa thành phần, vì có sự tham gia của Việt Quốc và Việt Cách, chức bộ trưởng ngoại giao rơi vào Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) của Việt Quốc. Chính phủ này thành lập sau khi có Hiến pháp 1946, đã có Quốc hội rồi. Ở chính phủ thứ tư, Việt Quốc, Việt Cách bị thanh trừng và bỏ trốn nên phải cải tổ chính phủ, ông Hồ lại làm bộ trưởng ngoại giao thêm một năm.

Tức là có bốn chính phủ thì ông Hồ làm bộ trưởng ngoại giao ở ba chính phủ. Nhưng không đúng như anh Osin viết, chính phủ ở đây không hoàn toàn giống chính phủ bây giờ!

Ở hai chính phủ đầu tiên, tạm hiểu nó là "hội đồng bộ trưởng" như hiện tại, vì chưa có định nghĩa. Nên chủ tịch chính phủ coi như thủ tướng.

Hai chính phủ sau là đã có Hiến pháp, và Hiến pháp định nghĩa khái niệm chủ tịch chính phủ. Nó tương đương chủ tịch nước bây giờ. Trong chính phủ lại có Nội các, đứng đầu Nội các là thủ tướng. Thì cái Nội các đó mới giống chính phủ hiện tại. Thủ tướng do chủ tịch chính phủ chọn. Tức là có thể hiểu chủ tịch chính phủ lúc đó khá giống với tổng thống Pháp và tổng thống Nga hiện tại, gọi là hành pháp lưỡng đầu. Mình nhớ là nhóm soạn thảo Hiến pháp đầu tiên có tham khảo Hiến pháp của Pháp (lúc đó cũng chưa ổn định và chưa như giờ - đệ ngũ cộng hòa).

Nhưng có sự kỳ lạ của lịch sử, mà không thấy các sử gia chính thống lên tiếng. Đó là không thấy có ông thủ tướng chính thức nào của cái Nội các đó! Cũng không thấy (hoặc mình không biết) là ông Hồ chỉ định ai đó làm thủ tướng Nội các mà trên thực tế ông tự kiêm nhiệm thủ tướng luôn. Có vẻ như đã vi hiến?

Có nghĩa là thực tế ông Hồ đã trở thành giống như tổng thống Mỹ, tức là mô hình tổng thống chế, tổng thống ôm luôn vai trò của thủ tướng. Nhưng cũng không có văn bản nào ông bổ nhiệm chính ông làm thủ tướng!

Tuy nhiên, với vai trò đứng đầu Nội các, nên ông Hồ kiêm bộ trưởng ngoại giao cũng không vấn đề gì vì đều trong hệ thống hành pháp. Còn bây giờ, chủ tịch nước đã tách khỏi việc hành pháp của chính phủ (chính là Nội các hồi đó), thì chủ tịch nước kiêm bộ trưởng nó sẽ gây nên sự mâu thuẫn về quyền lực như đã viết ở bài trước.

Sự mâu thuẫn nữa là Bộ Công an vốn là nơi có quyền truy tố, điều tra (đại khái là bắt tội) công dân. Nhưng chủ tịch nước lại có quyền đặc xá, tha tù trước thời hạn. Tức là một ông vừa bắt người, vừa tha người, kể cũng buồn cười!

Thế nên mình dự đoán là tình trạng một đít hai ghế này chỉ mang tính cấp bách trong thời gian rất ngắn để các bên đàm phán. Có lẽ không quá ba tháng. Vì để lâu thì sẽ bị quốc tế cười chê (chứ dân cười thì chả quan trọng!). Mình chưa thấy nước nào có sự kiêm nhiệm vậy. Nguyên thủ thì chỉ làm một việc thôi, dù việc đó quá nhàn hạ, như nguyên thủ các nước nghị viện chế (kiểu Anh, Đức, Nhật...).

P/S: Đính chính là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thứ tư cũng là trước khi có Hiến pháp. Vì Hiến pháp được thông qua ngày 09/11/1946 mà chính phủ thứ tư lập ra vào 03/11/1946, thực tế Hiến pháp đã thành hình rồi. Nhưng với chức danh chủ tịch chính phủ, ông Hồ lúc đó đảm nhận cả vai trò chủ tịch nước lẫn thủ tướng (điều hành các bộ trưởng) giống tổng thống Mỹ bây giờ.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 21.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.