(Kể tiếp về Đài Loan)
Giáo sư, nhà thơ Tưởng Vi Văn, người cực kỳ yêu quý Việt Nam, tổ chức cho chúng tôi tới thăm bảo tàng văn học Đài Nam. Một không gian thực sự ấn tượng về mặt kiến trúc.
Nhưng ấn tượng nhất với tôi có lẽ là bức ảnh một nhà văn ngồi bên cửa sổ sáng tác. Bên ngoài là bầu trời cao rộng, mây trắng thanh thản bay, tượng trưng cho tự do. Nhưng ngồi phía bên trong cửa sổ, bóng ông nhà văn nhìn từ phía sau thì như muốn thu người lại, vì ý thức rất rõ xung quanh ông có vô số những cặp mắt đang bí mật theo dõi. Ông có thể bị tố cáo, bị tống vào tù bất cứ lúc nào, bởi những điều mình viết.
Hóa ra trước khi bất cứ ai ở Đài Loan cũng có quyền sáng tác và xuất bản, như một quyền tự do không thể bàn cãi và bất khả xâm phạm như những gì tôi đã viết, quốc gia này từng có một quá khứ kiểm duyệt đáng hổ thẹn.
Chế độ độc đảng của Tưởng Giới Thạch và sau đó là Tưởng Kinh Quốc luôn run sợ trước tiếng nói của sự thật, cảnh giác với những ám chỉ về cái ác, những tư tưởng hướng đến tự do. Vì thế họ kiểm soát văn nghệ sĩ và kiểm duyệt tác phẩm của họ rất gắt gao và tạo ra không ít bi hài. Một từ, một câu thơ, một hình tượng, thậm chí một cái tên đồng âm với vấn đề nhạy cảm, cũng bị quy cho tội "Bôi xấu chế độ".
Giờ đây cái quá khứ ấy được trưng ra trước thanh thiên bạch nhật theo một cách sắp đặt mang tính tố cáo, và có giá trị như tư liệu lịch sử. Xung quanh mỗi cuốn sách, mỗi không gian sáng tạo đều luôn được bao bọc bởi những bóng đen hắc ám đầy tính khủng bố. Người viết không chỉ bị theo dõi, mà còn bị vấy bẩn, bị đe dọa tinh thần, bị hành hung bằng bạo lực.
Ai trực tiếp thực hiện điều đó?
Chúng là lũ cảnh sát tư tưởng (lời của George Orwell), mật thám văn hóa. Chúng là lũ hậu kiểm đốn mạt có amidan và thùy não ở hậu môn. Chúng là bầy chỉ điểm hèn hạ. Chúng là vô số cộng tác viên tại các nhà xuất bản, nhà in, tòa soạn báo, quán bar nơi các văn nghệ sĩ hay tụ tập. Và bao trùm lên tất cả là cái chế độ coi các quyền cơ bản của người dân như tự do ngôn luận, tự do phổ biến quan điểm, tự do sáng tác và hưởng thụ nghệ thuật...là những thứ nguy hiểm cho quyền cai trị bất chính của họ.
Tuy người Đài Loan đã tha thứ cho quá khứ, nhưng họ sẽ không quên. Việc họ trưng bày những hiện vật, hình ảnh về thời cấm đoán, đàn áp sáng tạo, không phải để trả thù, mà để truyền đi thông điệp: Quốc gia này dứt khoát đoạn tuyệt với phần quá khứ ô nhục ấy.
P/S: Khi tôi đang viết những dòng này, thì nghe tin hàng triệu người dân Cuba đang xuống đường, điều cũng suýt xảy ra ở Đài Loan bốn thập kỷ trước, không phải do đói khát, mà vì bị tước đoạt tự do.
Ngày đó, ở vào phút chót, Tưởng Kinh Quốc (người mà ông Lý Quang Diệu ca ngợi hết lời), thay vì đàn áp khốc liệt với lực lượng hùng hậu được chuẩn bị, đã nghe thấy tiếng gọi của lịch sử, nên dừng tay đúng lúc. Và đảng Dân Tiến, đảng hiện đang cầm quyền ra đời, cùng với một đất nước Đài Loan thịnh vượng, tự do, đầy lòng vị tha như ngày nay chúng ta chứng kiến.
Không biết những người Cuba đang đòi điều gì trước: Cơm áo hay tự do? Có lẽ cả hai.
TẠ DUY ANH 19.03.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.