Hiện nay quân Ukraine không cố đánh chiếm lại các vùng đất bị mất mà chỉ sử dụng đại bác hoặc hỏa tiễn tấn công những nhà máy lọc dầu và kho đạn bên trong nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử với 87 phần trăm số phiếu. Năm 2018, có 67 % cử tri Nga đi bỏ phiếu. Năm nay ở Chechnya, ông Putin nâng tỉ số lên 75 %. Ông Putin thắng dễ dàng vì chỉ có ba ứng cử viên khác, không được dân Nga biết đến. Trong đó chỉ có một người, Vladislav Davankov, dám đưa ra chủ trương chấm dứt chiến tranh Ukraine bằng thương thuyết hòa bình. Hai nhà chính trị đối lập Boris Nadezhdin và Yekaterina Duntsova, bị cấm không được tranh cử, vì họ chống cuộc xâm lăng Ukraine.
Khi ông Putin lên nắm quyền, ngày 31 tháng 12 năm 1999, hiến pháp Nga cho phép chức tổng thống chỉ được làm hai nhiệm kỳ. Năm 2008, Putin đổi chỗ với Dmitry Medvedev, người ông chọn cho làm thủ tướng được đưa lên làm tổng thống, rồi bốn năm sau đổi ngược lại. Putin đã sai quốc hội tu chính hiến pháp để ông có thể làm tổng thống ít nhất đến năm 2036 – nếu ông còn sống.
Trong hơn 20 năm ông Putin đã loại trừ tất cả những người đối lập: bắt giam, thủ tiêu hay cưỡng bách ra nước ngoài. Alexey Navalny, nhân vật đối lập từng ứng cử tổng thống năm 2018 nhưng bị bỏ tù, đã qua đời một cách bí ẩn trong tháng trước.
Trước khi qua đời, Alexey Navalny đã đề nghị dân Nga phản đối chế độ độc tài của Putin bằng cách chỉ đi tới phòng phiếu vào 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật, 17 tháng 3. Và nhiều người Nga đã hưởng ứng, bày tỏ bằng các cuộc “Bỏ phiếu Buổi Trưa” chống Putin. Họ kéo nhau đến bỏ phiếu đúng 12 giờ trưa – mặc dù chính quyền đã đe dọa.
Nhiều người đã đưa lên mạng xã hội hình ảnh những lá phiếu với các hàng chữ “Navalny là tổng thống của tôi,” “Không Chiến tranh, Không Putin,” hoặc “Putin sát nhân!” Nhiều người đã chạy trốn ra nước ngoài cũng đến bỏ phiếu vào buổi trưa tại các sứ quán Nga ở Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Portugal, Anh Quốc, vân vân. Bà Yulia Navalnaya, quả phụ của ông Navalny đã tới bỏ phiếu ở sứ quán Nga ở Berlin, thủ đô Đức, lúc 12 giờ trưa.
Trong nước Nga, báo chí loan tin hai phụ nữ ở ngoại ô Moscow bị bắt vì đổ phẩm màu xanh vào trong thùng phiếu. Hãng thông tấn Tass cho biết 8 phòng phiếu đã bị đốt, với 214 lá phiếu bị hủy. Tổ chức nhân quyền OVD-Info loan tin một nhân viên làm việc tại địa điểm bỏ phiếu trong thủ đô Nga bị bắt giam vì mặc chiếc áo thun T-shirt viết tên “Navalny.”
Những người ủng hộ Navalny đã đưa lên mạng trực tuyến (live stream) cảnh dân Nga bày tỏ thái độ chống Vladimir Putin. Người điều khiển chương trình là Leonid Volkov, một cộng tác viên lâu đời của Navalny, gần đây đã bị hành hung bằng búa trước cửa nhà mình tại Vilnius, thủ đô Litva. Ông xuất hiện trên trang YouTube của mình, với cánh tay được băng bó treo lên vai.
Ông Vladimir Putin đã bất ngờ nhắc đến tên Navalny trong cuộc họp báo khi thắng cử. Một nhà báo đặt câu hỏi về cái chết của nhà đối lập đã bị cấm tranh cử tổng thống năm 2018, Putin tuyên bố, “Về phần ông Navalny, ông đã qua đời, thật là một “biến cố đáng buồn.” Putin nói tiếp, “Có nhiều người cũng từng chết trong tù. Ở Mỹ có ai chết trong tù hay không? Có, mà không phải chỉ có một người.”
Ông Putin còn tiết lộ trước khi ông Navalny chết, có người đề nghị trao đổi, cho Navalny ra nước ngoài để các nước Tây phương thả một số tù nhân Nga. Putin nói, “Tôi đồng ý ngay lập tức. Tôi chỉ đặt điều kiện, không cho ông ta trở về lại nước Nga.” Ông quên rằng Navalny đã từng qua Đức chữa bệnh vì bị đầu độc rồi nhất quyết trở về nước.
Putin nói Navalny chết là một “biến cố đáng buồn.” Nhưng không biết ông có thấy buồn không khi một nhân vật quan trọng khác, Vitaly Robertus, phó chủ tịch công ty Lukoil mới chết bất ngờ. Đã làm việc cho Lukoil 30 năm, mới 54 tuổi mà chết “bất đắc kỳ tử” ngay trong phòng làm việc, Robertus là người lãnh đạo thứ tư của công ty đã chết như vậy.
Công ty dầu khí lớn thứ nhì nước Nga không ủng hộ cuộc chiến tranh Ukraine. Putin đánh Ukraine, tháng 2 năm 2022. Ngay tháng sau, hội đồng quản trị Công ty Lukoil đã công khai lên tiếng phê bình là cuộc chiến không cần thiết. Qua tháng 5 người ta tìm thấy Alexander Subbotin, mới 44 tuổi, một người lãnh đạo công ty, nằm chết dưới căn hầm nhà mình. Ngày 1 tháng 9, chủ tịch Lukoil, Ravil Maganov rớt từ cửa sổ một bệnh viện ở Moscow xuống đất chết luôn. Tháng 10 năm 2023, Vladimir Nekrasov, chủ tịch hội đồng quản trị công ty chết bất thình lình, nhà nước nói vì bệnh tim. Đó chỉ kể tên những vụ chết bí ẩn của giới lãnh đạo một công ty dầu khí. Còn hàng trăm “biến cố đáng buồn” khác, mà người ta nghi do cùng một bàn tay gây ra.
Vladimir Putin vốn là một sĩ quan KGB với bộ máy ám sát tinh vi từng gửi người đi khắp thế giới thanh toán những người bị tình nghi là phản đối chiến tranh Ukraine. Ông muốn đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ năm để chứng tỏ dân Nga ủng hộ cuộc xâm lăng do tham vọng tái lập một thứ “Liên bang Xô Viết” hay đế quốc của các Nga hoàng trước năm 2017.
Bài diễn văn của ông sau khi đắc thắng nói với dân chúng Nga: “Tôi tin tưởng quý vị đất nước chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Nhân dân Nga là một đại gia đình!” Nhưng dân Nga đang muốn chấm dứt cuộc chiến giữa hai dân tộc cùng một gốc “Slavic” (người Việt gọi là Tư Lạp Phu, theo phiên âm chữ Hán). Thứ Bảy vừa qua, ngày thứ nhì dân đi bỏ phiếu, các bà có chồng bị động viên gửi qua chiến trường Ukraine, đã biểu tình đòi trả chồng về. Họ đến đặt hoa bên ngoài Điện Kremlin, bị mật vụ giải tán và bắt bớ.
Để làm dịu làn sóng phản chiến, Putin mới đưa ra một đề nghị lập một “vùng trái độn” trong nước Ukraine, giữa quân đội hai nước. Quân Nga đã chiếm một phần năm lãnh thổ Ukraine và Putin muốn biến vùng đất đó thành của nước Nga. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy chống âm mưu này, tuyên bố cần đưa Putin ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Den Haag (The Hague), Hòa Lan. Năm ngoái, tòa án ICC đã ra lệnh tầm nã Putin về “Tội ác Chiến tranh.”
Nhưng Putin đang thắng thế; quân Nga đã chiếm được hai thành phố quan trọng, Bakhmut và Avdiivka. Trên chiến tuyến kéo dài 1.000 cây số, Nga đã xây dựng các công sự phòng thủ kiên cố. Quân Ukraine đang thiếu khí giới, súng đạn.
Các nước Anh, Pháp và Đức tăng cường sản xuất vũ khí để giúp Ukraine. Liên hiệp Âu châu (EU) quyết định sẽ dùng số tiền của Nga gửi trong các ngân hàng ở Âu châu đang bị “cấm dùng” để mua vũ khí cho Ukraine. Tổng thống Emmanuel Macron đã nói chính phủ Pháp không loại bỏ ý kiến đưa quân đội sang giúp Ukraine. Putin phản ứng, dọa nếu các nước NATO gửi quân giúp Ukraine thì sẽ xảy ra “Đại Chiến Thứ Ba” và có thể dùng bom nguyên tử.
Hạ viện trong quốc hội Mỹ chưa đem ra bàn dự luật về ngân khoản viện trợ nhưng chính phủ Mỹ đã dùng quyền hành pháp gửi vũ khí cho Ukraine dù dự luật chưa được thông qua. Ngày 19 tháng 3, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin đã gặp các đồng sự Âu châu ở căn cứ không quân Ramstein, nước Đức và tuyên bố sẽ gia tăng viện trợ.
Hiện nay quân Ukraine không cố đánh chiếm lại các vùng đất bị mất mà chỉ sử dụng đại bác hoặc hỏa tiễn tấn công những nhà máy lọc dầu và kho đạn bên trong nước Nga. Nhiều nhóm quân người gốc Nga sống ở Ukraine đã mở các cuộc đột kích qua biên giới đánh vào một số thị xã. Nhưng Ukraine đang ở thế bất lợi. Nước Nga đông người hơn, các nhà máy sản xuất vũ khí tăng hoạt động trong lúc công nghiệp quốc phòng các nước Âu châu và Mỹ chưa khởi động như tình trạng đang lâm chiến.
Nếu dân Ukraine được Mỹ và Âu châu giúp vừa đủ để cầm cự thật lâu dài thì họ vẫn hy vọng sẽ chuyển ngược thế cờ. Cuộc chiến quá tốn người, hại của trong lúc kinh tế Nga bị cấm vận sẽ yếu dần sẽ khiến dân Nga ngày càng chán ghét. Đó có thể là lý do vừa mới thắng cử xong ông Vladimir Putin đã đề nghị thương thuyết. Chính Putin cũng không biết sẽ sống đến nhiệm kỳ thứ sáu hay không!
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 21.03.2024 )
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.