1. Tin chiến sự
Liên tục các báo cáo ngày 8-9-10 và 11/03 chỉ ra số “kiện hàng 200” của Nga ở mức “thấp” hơn các ngày liền trước đó: 880-850-900-920.
• Ngoài ra, liền hai ngày 11 và 10/3 trước đó, báo cáo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đều viết: “Kẻ thù đã không thực hiện các hoạt động tấn công trong khu vực trách nhiệm của Cụm tác chiến chiến lược “Khortytsia” theo hướng Kupyansk.”
Bình loạn : Tại sao lại như vậy?
Tôi xin gửi kèm theo đây bản đồ số 1 từ nguồn của ISW. Trong báo cáo của mình, think-tank này viết “Các cuộc giao tranh theo vị trí tiếp tục diễn ra ở phía đông bắc Kupyansk và gần Kreminna vào ngày 10 tháng Ba, nhưng không có thay đổi nào được xác nhận đối với tiền tuyến. Các cuộc giao tranh định vị tiếp tục diễn ra ở phía đông bắc Kupyansk gần Synkivka…”
Lần ngược lại báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine một ngày nữa, thì điều này có được thể hiện trong báo cáo ngày 09/03: “Trong khu vực trách nhiệm của Cụm tác chiến chiến lược “Khortytsia” theo hướng Kupyansk, địch đã 3 lần tấn công vào vị trí của quân trú phòng của chúng ta tại các khu định cư Sinkivka và Kyslivka của vùng Kharkiv, cố gắng cải thiện tình thế chiến thuật của chúng.”
Đây rồi! Hóa ra đây chính là tin của một số kênh bình luận quân sự nói về một trận phản công của cụm “Khortytsia”. Cụ thể là, bọn Nga dự định tổ chức một trận đánh ngoạn mục bằng hai đòn vu hồi vào Kyslivka, một từ Orlyanske và một từ Tabaivka– xin quý vị xem bản đồ số 2. Nhưng, không hiểu vì lý do nào đó mà cuộc tấn công này chúng không tổ chức được từ hướng bắc xuống còn hướng nam thì bị đánh thiệt hại nặng với mũi vu hồi từ Tabaivka. Quân Ukraine sử dụng một lực lượng xe tăng chưa xác định phản công đánh vào sườn mũi vu hồi của Nga và không chỉ đẩy chúng về vị trí xuất phát mà còn chiếm được một diện tích ở phía bắc làng này (bản đồ số 3).
Khi xem lại bản đồ địa hình của khu vực, thì chúng ta sẽ thấy quân Ukraine lợi dụng địa hình dốc từ các điểm cao 202, 207 mét ở phía tây của Tabaivka để phản công. Theo bản đồ của ISW (số 1) làng Kotlyarivka bọn Nga vẫn tuyên bố làm chủ (tô màu vàng) nhưng thực tế như thế nào chúng ta không rõ, có một điều chắc chắn là Kyslivka thì vẫn do quân Ukraine làm chủ.
• Báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết tiếp: “Trong vùng trách nhiệm của Cụm tác chiến – chiến lược “Tavria” theo hướng Avdiivka, binh sĩ Ukraine đã đẩy lùi 17 cuộc tấn công của kẻ thù tại các khu định cư Berdychi, Orlivka, Tonenke, Pervomaiske và Nevelske của vùng Donetsk.”
Theo đánh giá của ISW thì chiến tuyến ở Avdiivka đã ổn định – nghĩa là quân Nga có cố cũng sẽ không tiến được nữa.
• Bây giờ đến hướng mặt trận miền nam cũng rất “thú vị” – báo cáo của Bộ Tổng tham mưu viết: “Trong khu vực trách nhiệm của Cụm tác chiến – chiến lược “Odesa” theo hướng Kherson, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi 4 cuộc tấn công bất thành của quân xâm lược Nga.”
Điều này trên các kênh của mình, anh phi công Denys Davydov cũng mô tả là cái bẫy ở Robotyne vẫn tiếp tục: có mỗi hai con đường để vào làng, mà cứ đều đặn quân Nga tiến hành tấn công đi tấn công lại ở đó, tổn thất không biết bao nhiêu mà kể.
Vì vậy, thiệt hại của quân Nga ngày hôm qua ngoài số “kiện hàng 200” có nhích lên so với cả 3 ngày trước (nhưng không đáng kể) thì các mục khác như sau: 8 xe tăng, 24 xe chiến đấu bọc thép, 33 hệ thống pháo binh, một hệ thống pháo phản lực phóng loạt, 2 hệ thống phòng không, 59 máy bay không người lái tác chiến chiến thuật, 74 ô tô và xe bồn, 14 đơn vị thiết bị đặc biệt.
Vì vậy, báo cáo kết luận: “Binh sĩ Ukraine tiếp tục tích cực gây tổn thất về nhân lực và trang thiết bị cho quân chiếm đóng, làm địch kiệt sức trên toàn chiến tuyến.”
2. Cỗ máy chiến tranh của Nga “đang chạy hết ga”
Nga dường như đang trên đà sản xuất số lượng đạn pháo gần gấp ba lần so với Mỹ và châu Âu, một lợi thế quan trọng trước những gì được cho là sẽ là một cuộc tấn công khác của Nga vào Ukraine vào cuối năm nay.
Nga đang sản xuất khoảng 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng, tương đương khoảng 3 triệu quả mỗi năm, theo ước tính tình báo của NATO về sản lượng quốc phòng của Nga chia sẻ với CNN, cũng như các nguồn tin quen thuộc với các nỗ lực của phương Tây nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine. Nói chung, Mỹ và châu Âu chỉ có khả năng sản xuất khoảng 1,2 triệu quả đạn mỗi năm để gửi tới Kyiv, một quan chức tình báo cấp cao của châu Âu nói với CNN.
Quân đội Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 100.000 viên đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025 – chưa bằng một nửa sản lượng hàng tháng của Nga – và thậm chí con số đó hiện nằm ngoài tầm với khi khoản tài trợ 60 tỉ USD cho Ukraine bị đình trệ tại Quốc hội, một quan chức cấp cao cho biết. Quan chức quân đội nói với các phóng viên tuần trước.
Một quan chức cấp cao của NATO nói với CNN: “Những gì chúng ta đang gặp phải hiện nay là một cuộc chiến (giữa các nền) sản xuất. Chiến quả ở Ukraine phụ thuộc vào việc mỗi bên được trang bị như thế nào để tiến hành cuộc chiến này.”
Các quan chức cho biết Nga hiện đang bắn khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày, so với chỉ 2.000 quả mỗi ngày từ phía Ukraine. Theo một quan chức tình báo châu Âu, tỉ lệ này còn tệ hơn ở một số nơi dọc theo mặt trận dài 1.000 ki-lô-mét.
Sự thiếu hụt có lẽ đang xảy ra vào thời điểm nguy hiểm nhất đối với nỗ lực chiến tranh của Ukraine kể từ khi Nga lần đầu tiên tiến quân vào Kyiv vào tháng Hai năm 2022. Tiền của Mỹ để trang bị vũ khí cho Ukraine đã cạn kiệt và phe đối lập của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã ngừng chi thêm tiền.
Trong khi đó, Nga gần đây đã chiếm được thành phố Avdiivka của Ukraine và được nhiều người đánh giá là có thế chủ động trên chiến trường. Ukraine đang gặp khó khăn ngày càng tăng không chỉ về đạn dược mà còn thiếu nhân lực ở tiền tuyến.
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine một số hệ thống rất tinh vi, bao gồm xe tăng M-1 Abrams và sắp tới là máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng cuộc chiến có thể thắng hay thua tùy thuộc vào việc ai bắn nhiều đạn pháo nhất.
Quan chức NATO cho biết: “Vấn đề số một mà chúng tôi đang theo dõi hiện nay là đạn dược”. “Chính là những quả đạn pháo đó, bởi vì đó là nơi Nga thực sự [đang] có được lợi thế sản xuất đáng kể và có được lợi thế đáng kể trên chiến trường.”
Quan chức NATO cho biết Nga đang vận hành các nhà máy pháo binh “24/7” theo ca luân phiên 12 giờ. Khoảng 3,5 triệu người Nga hiện đang làm việc trong lĩnh vực quốc phòng, tăng từ khoảng 2 đến 2,5 triệu trước chiến tranh. Nga cũng đang nhập khẩu đạn dược: Iran đã gửi ít nhất 300.000 quả đạn pháo vào năm ngoái – “có thể còn hơn thế nữa,” quan chức này cho biết – và Triều Tiên đã cung cấp ít nhất 6.700 container đạn dược, nghĩa là hàng triệu quả đạn.
Quan chức tình báo này cho biết Nga đã “đưa mọi thứ họ có vào cuộc chơi”. “Cỗ máy chiến tranh của họ hoạt động hết công suất.”
Một quan chức Mỹ cho biết, sẽ có một tình thế gần tương đương ở Mỹ nếu Tổng thống Joe Biden kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, đạo luật này trao cho tổng thống quyền ra lệnh cho các công ty nhanh chóng sản xuất thiết bị để hỗ trợ quốc phòng quốc gia.
Các quan chức Mỹ và phương Tây cho biết, tuy thế sự tăng cường của Nga vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của nước này, đồng thời các quan chức tình báo phương Tây không kỳ vọng Nga sẽ đạt được những lợi ích lớn trên chiến trường trong thời gian ngắn. Các quan chức cho biết năng lực sản xuất của Nga cũng có giới hạn: Các nhà máy của Nga có thể sẽ đạt đỉnh điểm vào năm tới, nhưng nó vẫn vượt xa những gì Mỹ và châu Âu đang sản xuất cho Ukraine – đặc biệt là khi không có thêm nguồn tài trợ của Mỹ.
Cạnh tranh với nền kinh tế do Putox quản lý
Các quốc gia châu Âu đang cố gắng bù đắp sự thiếu hụt. Một công ty quốc phòng của Đức hồi tháng trước thông báo rằng họ có kế hoạch mở một nhà máy sản xuất đạn dược ở Ukraine và cho biết sẽ sản xuất hàng trăm nghìn viên đạn cỡ 155 mm mỗi năm. Tại Đức, công ty này cũng đã khởi công một nhà máy mới dự kiến sẽ sản xuất khoảng 200.000 quả đạn pháo mỗi năm.
Các quan chức Mỹ và phương Tây nhấn mạnh rằng mặc dù Nga đã có thể khởi động lại các dây chuyền sản xuất của mình, một phần vì nước này có lợi thế là một nền kinh tế được quản lý dưới sự kiểm soát của một nhà độc tài, nhưng các quốc gia tư bản phương Tây cuối cùng sẽ bắt kịp và sản xuất sản phẩm tốt hơn.
Trung tướng Steven Basham, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Âu của Hoa Kỳ, nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước: “Nếu ai đó đang thực sự thao túng nền kinh tế, thì họ có thể di chuyển nhanh hơn một chút so với các quốc gia khác. Tuy nhiên phương Tây sẽ có sức mạnh bền vững hơn”. Ông nói tiếp: “Phương Tây chỉ mới bắt đầu tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng để bổ sung khả năng đạn dược cần thiết.”
Khi tiền vẫn đang còn, Quân đội Mỹ đã mở rộng sản xuất đạn pháo ở Pennsylvania, Iowa và Texas.
“Sản xuất của Nga là 24/7. Ý tôi là, rất lớn, khổng lồ!” một vị dân biểu châu Âu nói. “Chúng ta không nên đánh giá thấp ý chí của họ để tồn tại lâu hơn chúng ta bằng sự kiên nhẫn và khả năng phục hồi.”
Các quan chức tình báo tin rằng cả hai bên đều không sẵn sàng đạt được bất kỳ lợi ích lớn nào ngay lập tức. Nhưng tính toán tổng thể có lợi cho Mục-tư-khoa về lâu dài – đặc biệt nếu viện trợ bổ sung của Mỹ không thành hiện thực. Một nguồn tin quen thuộc với tình báo phương Tây cho biết: “Mọi chuyện không suông sẻ, nhưng tất cả còn tùy. Nếu viện trợ khởi động lại và đến nhanh chóng, sẽ không bị mất tất cả.”
Nhắm mục tiêu vào cơ sở sản xuất vũ khí của Ukraine
Nga gần đây cũng đã nhắm vào mục tiêu vào hoạt động sản xuất quốc phòng trong nước của Ukraine bằng vũ khí tầm xa.
Quan chức NATO cho biết: “Nếu chúng ta nói về điều này vào mùa thu năm ngoái, chúng ta sẽ nói về cách họ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Bây giờ những gì chúng tôi thấy là một số mục tiêu là nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, nhưng cũng có rất nhiều lần là nhắm mục tiêu vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine.”
Theo quan chức cấp cao của NATO, Nga đang sản xuất từ 115 đến 130 tên lửa tầm xa và 300 đến 350 máy bay không người lái tấn công một chiều, dựa trên mẫu Iran do Tehran cung cấp mỗi tháng. Quan chức này cho biết, mặc dù trước chiến tranh, Nga có kho dự trữ hàng nghìn tên lửa tầm xa trong kho vũ khí của mình nhưng ngày nay con số này chỉ ở mức khoảng 700 tên lửa.
Người Nga gần đây đã bảo quản những vũ khí đó để sử dụng với số lượng lớn nhằm cố gắng áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Ukraine. Và họ đã bù đắp bằng cách tăng cường sử dụng máy bay không người lái, gửi đi số lượng máy bay không người lái trung bình mỗi tháng nhiều gấp 4 lần so với mùa đông năm ngoái.
Có lẽ thách thức lớn nhất của Nga là sản xuất xe tăng và các loại xe bọc thép khác. Họ đang sản xuất khoảng 125 xe tăng mỗi tháng, nhưng phần lớn là những mẫu xe cũ đã được tân trang lại. Quan chức NATO cho biết khoảng 86 % số xe tăng chiến đấu chủ lực mà Nga sản xuất vào năm 2023 là xe được tân trang lại. Và mặc dù Nga có khoảng 5.000 xe tăng trong kho, “có lẽ một tỉ lệ lớn trong số đó không thể tân trang lại và chỉ dùng tốt cho việc tận dụng các bộ phận”, quan chức này cho biết.
Mục-tư-khoa đã mất ít nhất 2.700 xe tăng, nhiều hơn gấp đôi tổng số xe tăng mà họ triển khai ban đầu tới Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khi cuộc xâm lược bắt đầu.
“Nền kinh tế chuyển đổi” của Nga
Các quan chức cũng đang theo dõi chặt chẽ nền kinh tế Nga để tìm các dấu hiệu cho thấy sự tương tác giữa khu vực quốc phòng tăng trưởng mạnh, các lệnh trừng phạt của phương Tây và nỗ lực của Putox nhằm củng cố nền kinh tế của mình để phục vụ cho chiến tranh ảnh hưởng đến khả năng duy trì xung đột của Nga như thế nào.
Quan chức NATO cho biết, cuộc chiến đã “chuyển đổi” hoàn toàn nền kinh tế Nga từ thời hậu Xô-viết khi dầu mỏ là lĩnh vực dẫn đầu. Giờ đây, quốc phòng là lĩnh vực lớn nhất của nền kinh tế Nga và dầu mỏ đang trả tiền cho điều đó.
Điều đó tạo ra một số mất cân bằng lâu dài có thể sẽ gây rắc rối cho Nga, nhưng hiện tại, nó đang tỏ ra hiệu quả, quan chức NATO và Basham, quan chức Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ, đều cho biết.
Quan chức NATO cho biết: “Trong ngắn hạn – chẳng hạn như khoảng 18 tháng tới – nó có thể không phức tạp, mà còn là một nền kinh tế bền vững”.
Lầu Năm Góc đang cân nhắc xem có nên khai thác nguồn tài trợ cuối cùng còn lại mà họ có hay không – nhưng trước đây họ đã miễn cưỡng chi bất kỳ số tiền còn lại nào mà không có sự đảm bảo rằng nó sẽ được Quốc hội hoàn trả, bởi vì lấy từ kho dự trữ của Bộ quốc phòng mà không có kế hoạch bổ sung số tiền đó. CNN trước đó đã đưa tin quyết định này có thể ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
“Nếu không có viện trợ của Mỹ nữa, liệu người Ukraine có thay đổi cách họ nhìn nhận về việc đàm phán không?” nguồn tin quen thuộc với tình báo phương Tây cho biết.
(Bài tôi chôm trên mạng và dịch ra cho vào đây chứ không phải tự viết)
3. Nhận xét và kết luận
3.1. Về vụ sản xuất đạn pháo
Nếu như quý vị độc giả nào còn nhớ, trong năm đầu tiên của chiến tranh có vài lần tôi tính toán năng lực sản xuất đạn pháo của Nga, và dẫn một con số do một thằng Dư Luận Viên pro-Putox nào đó tuyên bố Nga có thể sản xuất được 5.000 các loại đạn pháo và súng cối trong 1 ngày và làm việc 1 ca. Hồi đó tôi tính toán trên cơ sở khả năng sản xuất của Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, giảm đi một số % của thời bình, một số của thời hỗn loạn hậu Xô-viết… và cho rằng con số 5.000 là có lý. Từ đó tính nếu sản xuất 3 ca và 7 ngày 1 tuần, thì năng lực sản xuất của Nga là 450.000 đạn pháo và súng cối một tháng.
Và hôm nay thì có bài báo trên đây, tôi nghĩ báo cáo của NATO thì chắc là chuẩn: chạy hết ga 24/7 thì được 250.000, như vậy thằng Dư Luận Viên này có phóng đại nhưng không nhiều, vào cỡ khoảng 40 %. Cũng theo bài báo trên thì năng lực sản xuất của Nga sẽ còn tăng, nhưng sẽ đạt giới hạn trong thời gian tới. Tuy nhiên theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, thì việc tăng năng suất của cả nền sản xuất lúc này chỉ còn cách xây thêm nhà máy, mà việc đó bây giờ nếu nhập khẩu cả dây chuyền của Trung Quốc về thì hoàn toàn không khó.
Dự báo trong năm nay chúng có thể đạt mức 450.000 đạn pháo / tháng như tiêu chuẩn của thằng Dư Luận Viên đưa ra.
Điều tôi muốn nói rằng, trước đây chúng ta đã tính toán trên cơ sở 450.000 đạn rồi, nên bây giờ đã có số liệu chính xác là 250.000 thì… đỡ sợ hơn nhiều. Chúng ta cần phải nhìn lại rằng, bọn Nga này để đánh chiếm hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk trong 70 ngày, mỗi ngày chúng bắn trung bình 55.000 đạn pháo, tiêu tốn khoảng 4 triệu đạn moi trong kho của Liên Xô cũ ra – như vậy là từ giờ đến cuối năm chúng có sản xuất thục mạng cũng chỉ đủ để chiếm được 1 thành phố.
Vấn đề là, Mỹ biết rồi, Tây biết rồi, người Ukraine biết rồi. Chúng ta cũng biết rồi. Vậy bây giờ hành động như thế nào?
3.2. Về tin những thứ khí tài của Ukraine bị tiêu diệt trong thời gian qua
Hôm nay VOA tiếng Việt có bản tin: “Nga tăng cường tung tin giả về việc Ukraine dùng vũ khí hóa học của Mỹ” tại đây:
Theo tôi thì không chỉ có tin này mà chúng ta đang sống trong một cơn bão tin giả của Nga được tung ra với số lượng lớn, và có hệ thống. Sau đó chính báo chí xứ phía đông nước Lào cũng hồ hởi ôm lấy, vì chúng ô tô ma tích coi nguồn Nga là chính thống:
Làm cho người ta tin rằng, viện trợ của phương Tây đã chấm dứt. Ukraine bị bỏ rơi.
Làm cho người ta tin rằng, phương Tây đang bị chia rẽ trong việc có ủng hộ Ukraine nữa hay không.
Làm cho người ta tin rằng quân đội Ukraine đang kiệt quệ và trên đà tan rã.
Làm cho người ta tin rằng, khả năng tác chiến của quân đội Ukraine ngày càng kém, thể hiện ra lượng khí tài quý báu của Tây giao cho, bị tiêu diệt liên tục.
Nhưng thực tế, chúng ta cũng đã rất quen với việc, cứ hễ bị HIMARS bắn tiêu diệt số lượng lớn nhân sự, thì chúng đưa tin diệt giàn HIMARS. Và bây giờ bị bắn rơi nhiều máy bay quá thì diệt giàn PATRIOT.
Cá nhân tôi không thấy những vấn đề đó là quan trọng, thực sự nếu có bị mất 1 – 2 giàn thì cũng có thể bổ sung được, nó không phải là chuyện bắn hạ A-50 năm chục triệu đô-la Mỹ, mà bắn xong thì không quân Nga mù điếc luôn – không những thế mà tên lửa Nga cũng không xác định được mục tiêu mà bắn. Một người bạn ở Kyiv vừa nhắn về lúc 20 giờ giờ Hà Nội: Hạ cái máy bay đó bầu trời yên ắng hẳn.
Hồi đầu chiến tranh, cùng một câu “xe cộ vũ khí bơm hơi cả” được cả tôi lẫn ông đại tá Mẫu dùng với đoàn xe 64 ki-lô-mét. Khi chúng tràn vào Kyiv, mình nhìn cũng hoảng quý vị ạ, và phán: “Khéo xe bơm hơi các ông ạ!” Đến khi chúng biến mất như tan vào không khí, hóa ra bị người Ukraine tiêu diệt thì đến lượt Mẫu bảo các cháu Dư Luận Viên fan cuồng: “Đồ bơm hơi cả các cháu ạ!”
Vậy ai sẽ dùng nhiều đồ bơm hơi?
Theo tôi bên nào ít vũ khí hơn thì phải dùng, còn bên có quá nhiều, kéo đầy ra mặt trận thì sợ không có đủ đạn để mà bắn. Để bảo vệ những vũ khí ít ỏi của mình (39 giàn HIMARS chẳng hạn) đương nhiên là người Ukraine phải dùng phương án này, từ đó tiêu hao tên lửa của Nga. Từ năm ngoái Nga bắn khoảng 100 giàn HIMARS bằng gỗ dán của Ukraine rồi còn gì.
Nhưng HIMARS dùng để bắn vào kho tàng và doanh trại của Nga thì các mục tiêu đó không làm giả được.
Nga cũng là bậc thầy về nghi binh, nhưng với mật độ cũng như số lượng quá nhiều của các thứ khí tài của họ, cũng như quy mô quân đội quá lớn trên mặt trận Ukraine bây giờ, tôi cho rằng việc sử dụng đồ nghi binh cũng hạn chế thôi.
3.3. Hiện nay cách đánh giá của chúng ta dựa trên các con số, chẳng hạn “kiện hàng 200” thấp và cho rằng tính chất ác liệt của các trận đánh cũng là thấp. Tưởng chừng như khá phi logic và theo kiểu thiên vị Ukraine, chúng ta mong họ chiến thắng thì cứ đánh giá như vậy. Tuy nhiên cách đánh giá này có một điểm tựa vững chắc bởi cách thi hành chiến tranh của người Nga, càng ngày càng tỏ ra quái gở và hoàn toàn không xứng đáng với một cường quốc quân sự “thứ hai thế giới” một tí nào.
Cách tấn công bằng các làn sóng người của họ – một kiểu phát triển mới của chiến thuật biển người của Chí nguyện quân trong Chiến tranh Triều Tiên. Tình trạng này diễn ra đến nay đã là cả năm – hồi đánh chiếm hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk chúng còn dùng chiến thuật “mưa pháo” hoặc “bão pháo” thì bây giờ – mỗi ngày bắn 10.000 quả đạn pháo – bằng 1/7 đến 1/5 trước đây.
Đó là căn cứ để chúng ta đoán được về tính chất hung hãn của bọn chỉ huy Nga khi tung quân vào trận đánh của ngày hôm trước. Còn có một yếu tố nữa cho phép chúng ta có thể đưa ra nhận xét, là khả năng của Lực lượng vũ trang Ukraine đã khác hẳn so với hồi đầu chiến tranh.
Hồi đó, tôi còn viết “quan trọng nhất với hệ thống phòng ngự của quân đội Ukraine là khả năng phòng thủ chống tăng” – vì tôi cho rằng quân đội Nga với học thuyết quân sự kế thừa Xô-viết, chắc chắn sẽ sử dụng những mũi tấn công thọc sâu bằng xe tăng rất mạnh. Và hồi đó, chúng ta đặt hy vọng lên Javelin. Ngay sau đó một thời gian, người Ukraine cho chúng ta thấy năng lực chống tăng của mình rất tốt, và cuộc chiến tranh này đã làm cho tất cả cùng nhận thức lại về vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại.
Ấy vậy mà, Nga vẫn kẹt trong số lượng xe tăng. Thiếu pháo đã chết, thiếu xe tăng còn chết hơn.
Trong khi đó, cũng cùng cách tấn công vào hạ tầng của nhau mà người Ukraine đang tác động lên kinh tế Nga nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì bọn Nga đã và vẫn đang làm cho họ – mà đất Ukraine hẹp hơn nhiều, khó chống đỡ hơn nhiều. Như thế đủ thấy năng lực của Nga kém cỏi như thế nào.
Có lẽ bây giờ hy vọng duy nhất của Putox vẫn là số lượng người và để phục vụ chúng, là số lượng đạn pháo. Chấm hết.
Còn 4 ngày nữa là bầu cử Cuội.
PHÚC LAI 11.03.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.