Tháng Ba, tháng Tư cao điểm mùa khô Sài Gòn: 35, 36, 37 độ. Người đi đường nào cũng khủng hoảng với cái nắng cháy da khét thịt. Ai cũng thèm một bóng cây để thấy "nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát" (thơ Nguyên Sa).
Hàng cây kèn hồng trồng lỗ chỗ trên đường Điện Biên Phủ, đoạn gần cầu Điện Biên Phủ năm nay lác đác trổ hoa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 16-3-2024, ông Lê Công Sơn - trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM - cho biết nguyên nhân: do năm nay nắng nóng dài, các đợt thời tiết mát mẻ trước Tết Nguyên đán cũng không xuất hiện nhiều, mưa cũng ít hơn. Dù là giống cây thích hợp khí hậu miền Nam nhưng cây vẫn cần điều kiện nắng và mưa đủ để cho năng suất tốt nhất.
"Điển hình như ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cây nở rất đẹp vì thời tiết nắng, mưa có đủ. Bên cạnh đó năm ngoái cây ở TP.HCM nở rất rộ nên năm nay có thể cây sẽ suy hơn và cần thời gian phục hồi. Không phải năng suất năm nào cũng giống nhau", ông Sơn lý giải.
Nghĩa là ông Sơn đã ít nhiều nói lên một thực tế: loại cây này có vẻ không phù hợp với khí hậu, thời tiết ngún ngoảy “mưa rồi chợt nắng” của Sài Gòn. Tuy nhiên, ông lý giải thêm: “Do thời tiết nên không chỉ hoa kèn hồng mà nhiều cây khác ở TP.HCM cũng không đạt năng suất tốt nhất. Có thể kể đến cây sao dầu năm nay hoa cũng kém hơn mọi năm”.
Có thể như vậy đi. Nhưng ngay cả những năm hoa nở nhiều, lãng mạn quá nhưng đi trong cơn nắng Sài Gòn nổi tiếng xưa nay, có lẽ không ai muốn ngước mắt lên ngắm hàng cây và những cánh hoa kèn hồng tơi tả, cây mọc cong quẹo, xấu xí trong nắng hạ chói chang.
Khác với phượng và điệp, nở hoa (tháng Năm) vẫn còn tràn ngập lá tạo bóng mát, kèn hồng có một đặc điểm đáng sợ trong cao điểm mùa khô Sài Gòn: nở hoa (tháng Ba, Tư) là lá rụng hết. Không một đốm nhỏ bóng mát dưới cây. Thật sự khủng hoảng!
Ai có nhà bên cạnh những tàng cây kèn hồng, bằng lăng tím, bò cạp vàng… đều biết và ngán ngẩm việc quét lá, quét hoa rụng ồ ạt của nó dưới nắng hè Sài Gòn. Truyền thông, báo chí xin bớt đi qua ngắm nghía, ca ngợi mà hãy sống với nó để “thấm đòn”.
Và đó không phải là chuyện cá biệt, khi hiện nay trên vô số con đường Sài Gòn như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, Trần Não, Đồng Văn Cống..., cứ trống chỗ nào là người ta trồng lung tung hàng loạt cây bằng lăng tím- một loại cây cành yếu, lá rũ khá thảm và mọc lung tung, cành dễ tét, thân dễ gãy. Và dù lá nhiều hơn kèn hồng nhưng bóng mát nó tạo ra là thảm hại. Dáng cây cũng cong quẹo, xấu xí như kén hồng.
Người Sài Gòn cũng như bao nhiêu người các nơi cũng lãng mạn, cũng yêu hoa, nhưng lãng mạn một cách thực tế: trong nắng Sài Gòn quanh năm, người Sài Gòn yêu thương đến say đắm những hàng cây tạo bóng mát đẹp mê hồn.
Và đó là quan điểm trồng cây đô thị của người Pháp, của cơ quan quản lý Đô thành Sài Gòn trước 75: Ưu tiên cây có bóng mát chứ không phải cây có hoa - vốn phù hợp với xứ ôn đới, với Đà Lạt - nơi có người bảo: cắm một cây củi xuống có khi cũng nở hoa.
Và họ chọn me, sao dầu, xà cừ... đổ bóng thơ, nhạc mát rượi trưa hè Sài Gòn bao thế hệ. Cũng có một vài loại cây có hoa nhưng với điều kiện: lá vẫn tràn ngập như phượng, điệp.
"Có tự bao giờ hàng me xanh ngắt mà nay đứng đó cho em làm thơ" (Nguyễn Nhật Ánh). Những "hàng cây thắp nến lên hai hàng" trong mắt Trịnh Công Sơn đã thành thơ, thành nhạc, thành "tình yêu và nỗi nhớ" (Nguyễn Nhật Ánh); thành khung trời đại học với "Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát" (Phạm Duy) và "Cánh hoa dầu xoay tít bay bay" (Giáp Văn Thạch) ...
Công viên Thống Nhất trước dinh Độc Lập chỉ có cây cao bóng mát và thảm cỏ xanh, không cần một cành hoa nào cho tới giờ vẫn là một công viên huyền thoại của bao thế hệ người Sài Gòn.
Những hàng cây ngập tràn bóng mát xưa nay vẫn là nơi tìm đến của người Sài Gòn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ (đoạn xung quanh công viên Lê Văn Tám) ... Người Sài Gòn lãng mạn một cách thực tế!
Còn bây giờ người ta lãng mạn, xin nói thẳng là vô duyên, thậm chí tàn nhẫn khi đưa kèn hồng, đưa bằng lăng tím... không chỉ vô Sài Gòn mà còn cả ở Cần Thơ, Bình Định, Hà Nội. Bắc Trung Nam đâu đâu cũng có mấy loại hoa này.
Người ta phân tích có vẻ kỹ lưỡng về tiêu chí trồng cây nào phù hợp với đô thị như rễ (nổi, chìm), lá (thọ, không gây tắc cống, ít quét dọn...), hoa... Để cuối cùng đẻ ra những hàng cây tuổi thọ không cao, cành lá yếu ớt và tơi tả trong mưa nắng Sài Gòn như vậy đó.
Phân tích lung tung rồi trồng cũng lung tung. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thái Tổ… chẳng hạn, lỗ chỗ những hàng cây bằng lăng tím xen kẽ với viết, điệp, me... Hình như cứ cây nào chết, chỗ nào trống là người ta trồng vô một cây bằng lăng tím, mọc ngổn ngang, cao thấp lung tung, xấu xí một cách thảm hại.
Sáu, bảy năm thử nghiệm kèn hồng, bằng lăng tím… ra sao, kết quả đã rõ và ai cũng thấy rồi. Vô duyên một cách tàn nhẫn này do trình độ, học đòi hay ý đồ lợi ích?
Tội nghiệp quá, thương quá mùa hè Sài Gòn cần bóng mát của chúng ta, của tôi!
CÙ MAI CÔNG 16.03.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.