vendredi 8 décembre 2023

Nguyễn Thông - Tên đường (6)

 

Cần phải coi đường, đường sá, phố xá, đường giao thông là tài sản chung của nhân dân, chứ không phải của riêng một tổ chức chính trị, đảng phái, đoàn thể nào.

Nó cũng không phải của riêng nhà nước, chính quyền, bởi chính quyền chỉ thay mặt dân quản lý nó thôi. Vì vậy, đặt tên cho mỗi con đường, tiêu chuẩn tiên quyết phải là “dân”.

Từ lâu lắm rồi, ở xứ này, việc đặt tên đường bị chính trị chi phối. Lẽ dĩ nhiên đó không phải là sự áp đặt tuyệt đối nhưng gần gần như vậy. Phe nắm quyền, bên thắng cuộc, cụ thể là người cộng sản, cứ lấy những ai, những gì họ thích, họ đề cao, ca ngợi, có lợi cho họ để đặt tên đường. Mỗi con đường đều “làm nhiệm vụ chính trị”. Vì thế, dù tên cũ đã rất ổn rồi, ăn sâu bắt rễ vào đời sống rồi, được dân chúng tán đồng rồi, vẫn bị đổi thay.

Những tên đường Điện Biên, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, 3 Tháng 2, Ấp Bắc, Chiến Thắng B52, 29 Tháng 3, 30 Tháng 4, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng 8… ra đời từ nguyên tắc đặt ấy. Rồi danh nhân, trước hết cũng cứ xét lý lịch có phải cán bộ đảng viên, anh hùng, liệt sĩ, lãnh đạo của bộ máy từ trước tới nay thì đặt. Chứ nếu “người ngoài” dù lừng lẫy, nổi tiếng bao nhiêu chăng nữa, dân chúng biết kỹ mấy chăng nữa, cũng bị lờ đi.

Chính vì thế, hầu hết những cái tên, nếu hỏi dân thì dân cũng chả biết, chẳng hạn Hồ Hảo Hớn, Trần Đình Xu, Nguyễn Thị Nhỏ, Hồ Thị Kỷ, Đoàn Văn Bơ, Huỳnh Văn Bánh, Kha Vạng Cân, Võ Văn Tần, Lý Chính Thắng... Đành rằng dân chúng không thể biết hết lai lịch mọi “danh nhân”, nhân vật lịch sử, nhưng ít ra người được đặt tên đường phải được số đông tỏ tường. Tôi dám cam đoan có những tên đường, nếu hỏi người tại chỗ rằng “danh nhân” đó là ai, phần lớn đều ú ớ tắc tị, bởi nào có biết.

Đổi tên đường, đặt tên đường theo cảm quan chính trị thường dẫn tới hành vi vô văn hóa, phi lịch sử, lúng túng, quẩn quanh. Do ghét phong kiến, căm thù nhà Nguyễn nên họ dẹp hết cả Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Nguyễn Hoàng, Ngô Tùng Châu, Võ Tánh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản… đã đi một nhẽ, dù đó là những nhân vật lịch sử, công lao thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, sống trong lòng dân.

Đằng này, những Trần Quốc Toản, Cường Để, Duy Tân, rồi Trần Quý Cáp, Yên Đổ, Phan Đình Phùng (tên người), Chi Lăng (tên đất) … tội tình gì mà phải thay bằng: 3 Tháng 2, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần, Lý Chính Thắng, Hai Bà Trưng, Phan Đăng Lưu… Không nói tới sự tốn kém, hành chính phiền hà, làm khổ dân. Chỉ riêng chuyện vô văn hóa, ngu dốt lịch sử dân tộc, thiếu sự kính trọng tiền nhân có công đã rất đáng lên án rồi. Tôi chỉ nêu một ví dụ: Hà cớ gì mà phải xóa bỏ Trần Quý Cáp để thay bằng Võ Văn Tần?

Ngu dốt, chính trị thô thiển thì không thể bền. Đã xảy ra những loanh quanh đèn cù, phải trả lại hoặc phục hồi những tên đường có giá trị bền vững. Ví dụ đường Lê Văn Duyệt, đường Thành Thái, Duy Tân, mà cũng chả thấy xin lỗi, rút kinh nghiệm gì. Bộ máy cai trị này là vậy, kinh tế tập trung quan liêu bao cấp là họ, đổi mới phá bỏ bao cấp cũng là họ, chả hề xin lỗi ai, thậm chí còn tự nhận có công. Họ đặt tên đường theo chủ quan của nhà cai trị chứ không theo ý dân. Đó là thói phán xét một chiều, thiên kiến, thù dai, thiếu văn hóa, bất cần lịch sử, bất cần dân, thậm chí độc tài, chỉ cho mình là đúng.

Đã tới lúc cần phải khách quan, văn hóa, khoa học, tôn trọng nhân dân trong chuyện đặt tên đường. Có những nhân vật lịch sử đã được đánh giá lại công bằng, vượt ngoài thiên kiến hủ lậu của quan điểm cách mạng vô sản, như Gia Long, Nguyễn Hoàng, Phan Thanh Giản… phải được tôn vinh bằng tên đường.

Có những con người kiêm đủ tài đức, đóng góp rất nhiều cho đất nước, nhân dân, ghi dấu ấn không phai trong lịch sử nước nhà, như Trần Trọng Kim, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Hoàng Xuân Hãn, Trương Tửu, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh… phải có những con đường mang tên họ. Và ngay cả những danh nhân mà tên tuổi chỉ thoạt nhắc tới đã có đông đảo dân chúng hiểu biết tường tận như Bùi Giáng, Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyễn Hiến Lê, cả Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Khái Hưng, Phạm Duy, Thích Tuệ Sỹ… hà cớ gì bộ máy cầm quyền này không chịu tôn vinh họ.

Tôi cho rằng ngay cả cái nguyên tắc máy móc người đã khuất cứ phải sau 10 năm mới được xét đặt tên đường là rất vớ vẩn, duy lý. Để đánh giá người nào đó tốt hay xấu, có công hay không có công, xứng đáng hay không xứng đáng, khi người ta còn sống đã tương đối rõ rồi, tới khi “cái quan định luận” thì cơ bản xong, không còn gì phải lăn tăn nữa.

Chẳng hạn, hai ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, cứ hỏi dân Hà Tĩnh, Bến Tre, Quảng Bình xem có biết là ai không, có xứng đáng đặt tên đường không, thì rõ ngay. Cần chi phải 10 năm trôi. Tới giờ mà thành phố Hà Tĩnh, thành phố Bến Tre vẫn chưa có tên đường/phố Nguyễn văn Tý, thành phố Đồng Hới chưa có đường Hoàng Vân là khí muộn, vô tâm, vô tình.

Có những danh nhân gắn với vùng đất, địa phương nhất định bởi quê quán, nơi sinh sống nên đã có tên đường tại nơi ấy, là chuyện thường tình. Nhưng thủ đô Hà Nội thì không thể hà tiện thái độ văn hóa được, cần phải gương mẫu trong đặt tên đường. Chẳng hạn cụ Nguyễn Hữu Đang dù quê Thái Bình nhưng tên cụ xứng đáng đặt cho một đại lộ gần quảng trường Ba Đình. Sài Gòn cũng vậy, con đường nào nên thơ nhất hãy cho nó mang tên Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn. Dân chúng lại chả vỗ tay rầm rầm. Đó mới thực đường trong lòng dân.

Tôi nói thật, nếu các vị thấy khó quá, phức tạp quá thì nên bắt chước nhiều nước trên thế giới. Chả cần tên tiếc, danh nhân danh nhiếc, địa danh địa diếc gì sất, cứ đặt đại tên theo số 1, 2, 3, 4, 40, 41, 51, 52… là xong. Khỏi ý kiến ý cò.

NGUYỄN THÔNG 08.12.2023

Nguyễn Thông - Tên đường (5)

Nguyễn Thông - Tên đường (4)

Nguyễn Thông - Tên đường (3)

Nguyễn Thông - Tên đường (2)

Nguyễn Thông - Tên đường (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.