dimanche 3 décembre 2023

Nguyễn Thông - Nhân văn giai phẩm bis (1)

 

Hai hôm nay, dư luận xã hội, nhất là giới văn nghệ sĩ, văn hóa văn nghệ, dậy sóng vụ Phạm Xuân Trường và “án treo”.

Xã hội nóng vậy nhưng tịnh không thấy một tờ báo mậu dịch quốc doanh nào hó hé nửa lời. Chắc còn chờ chỉ đạo. Làm thân phận “chim trong lồng” nó khổ thế đấy. Đó là thực chất của tự do báo chí ở xứ này.

Phạm Xuân Trường là ai? Bác ấy - nhà điêu khắc, nhà văn nhà thơ, cũng thuộc hàng danh sĩ ở đất Hải Phòng. Nhắc tới đất Phòng thời hiện đại đừng quên những Bùi Ngọc Tấn, Đào Trọng Khánh, Thi Hoàng, Nguyễn Thụy Kha…, dĩ nhiên có cả Phạm Xuân Trường. Tôi chỉ vinh dự là đồng hương bác Trường chứ chưa được gặp, trò chuyện bao giờ, còn các “cụ” kia thì mình từng hầu chuyện.

Là người ngoại đạo điêu khắc-hội họa, tôi không dám bàn sâu về tác phẩm của bác Trường, nhưng rất nể phục. Trên đời có những họa sĩ, chỉ vẽ bằng bút bằng cọ vào giấy vào vải cái chân dung-mặt người cho giống cũng không vẽ được. Đằng này bác Trường hị hụi gò mặt người ta lên mảnh kim loại đồng mà cứ như chụp lại bằng búa bằng đe, toát ra cả thần thái “đương sự” thì quá tài. Hình như trong giới làm nghệ chưa ai đạt được điều này. Tôi cũng chơi với họa sĩ Đỗ Đức, một bậc thầy về tranh khắc gỗ. Lão này chỉ cần vài ba nét quệt là thiên hạ nhận ra ngay khắc họa về ai. Coi cứ phục lăn.

Có người trên phây búc chê cái triển lãm chân dung đồng (đồng mà trị giá hơn cả vàng) ấy của bác Trường hơi tạp nham, rằng ai lại lôi cả những vô danh tiểu tốt lên ngự cùng đấng bậc. Nghĩ thế cũng chưa đúng.

Đây là nghệ thuật, là sáng tạo, gửi hồn mình vào tác phẩm, chứ không phải buổi duyệt đội ngũ người nổi tiếng. Bác í có thể gò đồng chân dung bà cụ hàng xóm, người chạy xe ôm, hoặc đứa cháu… cũng được cơ mà. Xưa cụ Trần Văn Cẩn chả từng lừng lẫy với bức tranh “Em Thúy” vẽ đứa cháu vô danh tiểu tốt đó sao.

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 03.12.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.