Không phải Trung Quốc mà là Việt Nam. Không phải chính chị chính em mà là thời tiết. Đừng mới đọc qua cái tít vội nghĩ xằng nghĩ bậy, xớn xác hy vọng. Ở xứ này, có khi chỉ nghĩ lệch cũng bị công an bắt.
Ông em rể tôi gọi điện vào. Không sẵn tiền đi lại thăm nhau nhưng cũng còn may ở chỗ điện thoại dễ. Bọn hàng không VN e lai lẫn bọn "giá rẻ" lúc nào cũng than thở gào lên lỗ lỗ đòi nhà nước bù lỗ nhưng vé lại tăng vọt liên tục, sắc hơn lưỡi dao cạo cứa đứt cổ hành khách. Kinh tế kiểu thị trường có đuôi xứ ta nó tởm vậy. Lúc ngon lành thì như ông hoàng bà chúa, lương tháng cả trăm triệu, khi khó khăn lại kêu rên đòi hỏi, rằng ối làng nước ôi, thì là mà...
Bù lại, dùng điện thoại thời ni sướng. Gọi suốt buổi sáng, nhìn thấy nhau, không chỉ thấy người mà rõ cả con chó mực đang vẫy đuôi ngoài sân, buôn tới hết pin thì thôi, chả tốn một xu. Công nghệ đã đem hạnh phúc cho con người chứ chả phải đảng bác nào cả. Câu cửa miệng "ơn đảng ơn chính phủ" xưa rồi, mà bây giờ là ơn cụ công nghệ.
Ông em khoe ngoài quê đã vào mùa đông, "dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng", đất Phòng đã xuống dưới 20 độ. Lại hỏi trong ấy bao nhiêu. Tôi bật cái ô thời tiết trên máy lên, Sài Gòn 35 độ. Khiếp. Chênh nhau 15 độ. Y đang cuốn cái chăn đơn, còn mình cởi trần. Chả một nước hai chế độ là gì.
Sáng nay, đọc bản tin thời tiết của Đài khí tượng thủy văn trung ương thấy bảo gió mùa đông bắc đã về. Hồi tôi còn bé, gió ấy người nhớn gọi là gió bấc. Rét lắm. Bấc có nhẽ bị nói trại từ bắc. Càng ngược bắc càng lạnh càng rét.
Một năm gồm 24 tiết khí. Lập đông (bắt đầu mùa đông) thường vào đầu tháng 11 tây, rồi tới tiểu tuyết (tuyết mỏng), đại tuyết (tuyết dày), đông chí (giữa đông), tiểu hàn (rét nhẹ), và cuối cùng của mùa đông là đại hàn (rét đậm). Khi nào hết đại hàn thì sẽ sang lập xuân (bắt đầu mùa xuân). Xứ ta chỉ rét chứ không có tuyết nhưng lịch Tàu nó định vậy, ta theo lịch nó nên đành để thế. Chả riêng gì thời tiết, những thứ khác nó cũng bắt theo. Hôm qua, tay ngoại trưởng Vương Nghị còn mò qua "làm việc" đấy thây.
Nói đến tiết đại hàn thì sợ lắm. Rét kinh người. Chỉ muốn thu lu cuộn tròn trong nhà. Chả muốn làm gì, ra đồng hoặc lội xuống nước lại càng ngại. Rét cắt da cắt thịt. Rét như lưỡi dao lạnh cứ phăng từng mảng vào cơ thể vốn ít ăn và thiếu quần áo chống rét. Tôi đã chịu hơn 20 mùa đông như thế tới khi vào miền Nam nhận công tác.
Đời sống nghèo khổ, thiếu thốn, quần áo không đủ, chăn mền hiếm hoi, ăn uống ít, bụng đói cật rét, làm việc vất vả… nên mỗi mùa đông để lại cho tôi những ấn tượng nặng nề. Cứ nghĩ tới là rùng mình. Vậy mà sau này triền miên hơn 46 năm không có mùa đông giữa cái nắng nóng Sài Gòn, tự dưng đôi lúc thèm một chút co ro. Nhớ mùa đông, như nhớ chút ấm nóng của bàn tay ai trong một đêm lạnh năm nào xa lơ xa lắc.
Suốt thời thơ ấu, kể cả lúc thanh niên, đám trai nông thôn chúng tôi đánh vật với mùa đông. Nhà nông dân nghèo, giường chiếu chả đủ, tôi thường ngủ ổ rơm. Đại loại khoanh một chỗ trong nhà, trải rơm dày vài lớp rồi phủ chiếu lên. Cây lúa cho hạt gạo nuôi người, lại hào phóng cho thêm cọng rạ cọng rơm để đun nấu, làm thức ăn cho trâu, và chống rét. Ổ rơm trông rườm rà xấu xí vậy nhưng rất ấm. Chỉ có điều ngứa. Phải thú thật lòng, nhờ có ổ rơm mà đám nhà nghèo chốn quê mới qua được những mùa đông khắc nghiệt.
Ổ rơm là một kiểu nệm. Nhưng ông anh họ tôi, ông Trác, khéo tay còn chọn rơm thật kỹ, đan thành những chiếc nệm rơm dày dặn, êm ái, vuông vức đặt gọn lên giường. Vừa “sang trọng”, vừa ấm áp.
Suốt gần ba tháng mùa đông, nhất là lúc tiết đại hàn, những đêm gió bấc, tôi thường xuống bếp ngủ trong… thùng trấu. Đó là chiếc thùng xây bằng gạch trong nhà bếp, rộng khoảng nửa mét vuông để đựng trấu, rơm rạ đun nấu hằng ngày. Tuy bếp đầy bồ hóng, tro bụi, nằm co ro nhưng bù lại được cái nhà bếp luôn có lửa, ấm áp. Nhất là thày tôi vừa đun nồi cám lợn xong, tro vẫn hồng, tỏa hơi ấm đuổi cái giá lạnh mùa đông ra ngoài. Ngủ một mạch tới sáng, quên cả mùa đông đáng ghét. Có hôm thày nấu xong cũng ngồi tựa vào thùng trấu ngủ luôn. Hai bố con ôm nhau như không biết gió bấc đang gào thét bên ngoài.
Với đám trẻ con, và cả người nhớn nữa, mùa đông đáng sợ ở chỗ bị chân bị cổ trâu, nứt nẻ. Hằng ngày đi làm đồng, chân trần, rét quá da cứ nứt toác thành từng vệt, máu phun ra ngoài khô dần, quết với bùn đất bụi bặm thành từng lớp vỏ xám xịt. Dưới bàn chân thì nứt nẻ, đi mỗi bước như đạp phải mảnh chai mảnh sành, buốt tựa kim châm. Còn cổ chân, mu bàn chân từng lớp máu-bụi đóng dày, gọi là cổ trâu.
Suốt mùa đông phải đi làm đồng nên cứ kệ nó, tới gần tết ta mới bỏ một buổi để kỳ cổ trâu. Lấy tro bếp trộn nước nóng, thêm tí vôi, đắp lên chỗ cổ trâu, chờ một lúc nó bở thì ra bờ ao bờ cừ, cuộn búi rơm kỳ cọ. Chà đến đâu xót đến đó, người muốn nhảy dựng lên. Cổ trâu bợt rơi từng mảng, da rướm máu. Lau khô, bôi thuốc nẻ vào, vài hôm da mịn dần trở lại, có cái chân sạch sẽ đón tết.
Không chỉ chân bị cổ trâu, tay và môi cũng chịu cảnh giời đày. Mu bàn tay đầy những đường ngang dọc, càng bôi thuốc nẻ càng dính bụi. Môi thì rộp, thâm sì, nứt thành từng vệt, máu rỉ ra, cứ để cho khô nó sẽ quết lại chứ nếu chùi lại rỉ tiếp. Càng sưởi, càng ngồi gần lửa (cho ấm) càng chết, môi càng nứt toác khi trời lạnh. Mấy anh chị nhớn đùa nhau rằng môi ấy có cho hôn cũng chịu, chỉ tổ làm đau nhau chứ báu gì.
Lại nhớ, hồi những năm 80, đất nước quá nghèo, đời sống xơ xác, không chỉ dân chúng khổ sở mà ngay cả đám lãnh đạo cũng bị mùa đông nó hành. Thời đó làm gì có máy lạnh máy nóng máy sưởi, điều hòa nhiệt độ như bây giờ. Cứ tới tiết đại hàn, nhất là lúc gần Tết, các ông bà ấy lại lũ lượt bay vào TP.HCM "làm việc", thực ra là trốn rét, ở cái nhà khách T78 (thuộc ban tài chính quản trị trung ương đảng), ăn tết và tránh rét ở Sài Gòn.
Giờ thì sướng rồi, chả cần trốn đi đâu. Liệu có còn nhớ thuở hàn vi để sống cho tử tế.
NGUYỄN THÔNG 03.12.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.