Ông bà ta có câu "học ăn, học nói, học gói, học mở" là để dạy cho con cháu cách ứng xử trong những sinh hoạt hàng ngày sao cho tao nhã, lịch sự. Mở rộng hơn, đó là văn hóa trong ứng xử giữa người và người, là nét văn minh của con người.
Người Nhật, họ có văn hóa ẩm thực đặc trưng. Không bàn về thức ăn thế nào, nét đặc trưng của họ là tất cả các thành viên trong gia đình đều có phần ăn riêng. Mỗi món, cho dù là chút ít nước chấm, cũng phải chia riêng thành mỗi phần ăn riêng biệt cho mỗi người. Dù là cùng ngồi ăn với nhau trong một bàn, nhưng phần ai nấy ăn, không đụng chạm với nhau.
Người Việt và đa phần các quốc gia châu Á khác, có thói quen ăn chung với nhau những đĩa thức ăn trên bàn. Mỗi thói quen khác nhau có ưu khuyết điểm khác nhau.
Với người Nhật, đặc trưng ăn uống như vậy thể hiện sự độc lập của mỗi cá nhân từ khi còn bé, bên cạnh đó là giữ được vệ sinh trong ăn uống, ngăn ngừa những loại bệnh có thể lây qua đường tiêu hóa. Với người Việt Nam và những quốc gia có thói quen gắp chung thức ăn cùng một đĩa thì quan niệm rằng đó là sự chia sẻ tình cảm, thân thiết với nhau trong buổi ăn, giúp bữa ăn trọn vẹn tình cảm hơn.
Nhưng nói gì thì nói, cho dù có ăn chung một đĩa thức ăn, cũng không nên dùng đũa muỗng của mình để gắp thức ăn, mà nên dùng đũa muỗng riêng gắp phần thức ăn đó để đảm bảo vệ sinh cho các thành viên trong gia đình. Đó cũng là văn minh trong ăn uống.
Nói sơ lược qua vài đặc trưng về phong cách ẩm thực để thấy rằng, nhìn lại trẻ con Việt Nam bây giờ, nhất là trẻ con vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện thiếu thốn, ăn không đủ no lấy đâu còn hiểu biết về thế nào là văn hóa.
Xem clip về bữa ăn của học sinh tiểu học trường Hoàng Thu Phố 1, Lào Cai, ngoài sự phẫn nộ với việc ăn chặn tiền ăn của nhà trường đối với học sinh như báo đài đã lên tiếng, người viết còn có cái nhìn về cách ăn uống của các bé. Hầu như chúng không được dạy về cách lịch sự trong ăn uống. Những "thau" thức ăn được bày ra, mặc cho các bé tranh nhau múc vào chén mình, ăn một cách hỗn tạp. Thức ăn thì chỉ có mì gói và rau, hoàn toàn không có một chút chất lượng nào cho bữa ăn cả về dinh dưỡng lẫn hình thức.
Ăn uống, thứ nhất phải đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu, thứ hai không kém phần quan trọng là dạy cho trẻ con văn hóa trong ăn uống. Thế nhưng, chính người lớn còn không hiểu văn hóa đó như thế nào thì làm sao dạy chúng.
Nhìn những đứa trẻ ngồi trước những thau thức ăn, ăn hỗn tạp như vậy, khác nào cho heo ăn, rất xót xa khi những đứa trẻ ngây thơ đã phải chịu khổ như vậy. Sau này lớn lên, các cháu sẽ duy trì lối ăn uống hỗn tạp đó, không có khái niệm gì về văn hóa, văn minh. Con người không hiểu về văn hóa thì lại làm ra những việc mất văn hóa, lỗi là do người lớn đã không biết và không dạy chúng.
Chính vì văn hóa trong ăn uống không có, nên con người ta ăn không chừa thứ gì. Ông bà ta cũng có câu "miếng ăn là miếng tồi tàn", để răn dạy con cháu, ăn phải có văn hóa, lễ nghĩa.
Câu này đối với người có lòng tự trọng, sẽ có ý nghĩa rất nặng nề, nó đánh vào lòng tham của con người, miếng ăn sẽ có thể thành nỗi nhục cho người đời bêu rếu. Việc ăn chặn tiền ăn của học sinh nghèo khó, nó trở thành miếng ăn tồi tàn, cũng tương tự như những quan chức, tham nhũng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân, nó cũng là miếng ăn rất tồi tàn và tội lỗi vì cướp công sức của dân nghèo.
Lòng tự trọng, văn hóa trong cách ứng xử không được giáo dục đúng mực, nên việc họ cướp công sức của người khác được họ xem như bình thường, làm mọi thủ đoạn để đút túi riêng, bất chấp đạo lý.
Chừng nào con người hiểu được miếng ăn là miếng tồi tàn thì mới thể tự giác giảm bớt lòng tham, mới có thể đối xử nhân tình thế thái có đạo đức và văn hóa. Nhìn cách ăn uống, biết tính cách con người. Cho nên việc dạy cho lớp người trẻ về văn hóa ăn uống là trách nhiệm quan trọng, nó là một trong những khía cạnh giáo dục nhân cách con người.
Pháp luật không công minh, nền giáo dục lụn bại, văn hóa suy tàn thì con người ngày càng mất dần nhận thức đúng đắn, sa vào nhiều tội lỗi.
Ăn cướp công sức của dân nghèo, tranh ăn với cả trẻ con thì quả thực nhục lắm!
HUỲNH THỊ TỐ NGA 20.12.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.