Những gì diễn ra hai ngày vừa qua có vẻ như không đáng lo ngại như những gì được mường tượng trước đó. Việt Nam rốt cuộc cũng có một cuộc phòng thủ có thể đánh giá là thành công trước đợt pressing từ Trung Quốc, điều ắt phải đến sau màn đột phá quan hệ với Mỹ trước đó.
Có thể thấy Việt Nam chấp nhận có sự nhượng bộ về mặt hình thức để kiên quyết giữ lại những vấn đề nguyên tắc và thực chất.
Nhượng bộ về hình thức thể hiện qua màn đón tiếp trọng thị có thể nói ở mức cao nhất trong nhiều thập niên qua. Có lẽ chỉ có thể quay trở về thời anh em xã hội chủ nghĩa của thế kỷ trước mới có thể tìm thấy những hình ảnh thủ tướng đón và chủ tịch quốc hội tiễn tận sân bay. Ngoài ra, truyền thông nhà nước cũng đưa tin đậm và trang trọng, chắc là do có chỉ đạo sâu sát!
Sự trọng thị cao độ này theo kiểu thích thì chiều, và cũng không hại gì khi giữ vững được sự kiên quyết ở những vấn đề thực chất khác. Bởi “giới quan sát” bên ngoài sẽ không quá chú trọng vào hình thức đón tiếp thế nào, mà quan trọng là Việt Nam chấp nhận ký kết những thỏa thuận nào.
Về “cộng đồng chung vận mệnh” hay “cộng đồng chia sẻ tương lai”, đầu tiên cách dịch khác nhau đã làm giảm nhẹ đi mức độ biểu tượng của vấn đề này. Thứ hai là “chia sẻ tương lai” này vẫn còn rất nhiều chỗ cho sự mơ hồ mà không gắn chặt với cam kết cụ thể nào. Những tuyên bố đều được kèm theo “Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình”.
Về các thỏa thuận được ký kết, có 36 thỏa thuận, giảm rất nhiều so với số lượng gần gấp đôi được đề xuất và bàn thảo trước đó. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận về đất hiếm, một thứ “của để dành” sống còn đã bị gác lại.
Lướt qua tuyên bố chung có thể tóm tắt những cam kết là “Sáu hơn”. Trong đó, có hai cái "hơn" mới và quan trọng là “Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn” và “Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn”.
Như tên gọi “hơn” của nó, những hợp tác chẳng hạn về quốc phòng – an ninh hầu hết đều là những hợp tác có nền tảng và được thực hành từ trước. Những cái hơn này cũng không có gì quá đáng lo ngại.
Về “Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn”, Việt Nam đều hoan nghênh và ủng hộ ba sáng kiến của Trung Quốc gồm Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu, nhưng mỗi sáng kiến này lại được tiếp cận khác nhau.
Sáng kiến Phát triển toàn cầu thì Việt Nam “sẵn sàng chủ động tham gia các dự án hợp tác cụ thể”. Tương tự đối với Sáng kiến Văn minh toàn cầu, Việt Nam “sẵn sàng nghiên cứu triển khai hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến này”. Hai cái này rốt cuộc cũng không hại gì. Riêng Sáng kiến An ninh toàn cầu, thì chỉ dừng ở mức “sẽ nghiên cứu triển khai hợp tác phù hợp”, tức là còn giữ lại dư địa.
Cái cái “hơn” đáng chú ý nữa là “hợp tác thực chất sâu sắc hơn”, trong đó có hai lĩnh vực nổi bật là kết nối đường sắt và “khu hợp tác kinh tế - thương mại”. Cái chỗ “khu hợp tác kinh tế - thương mại” này nó có hình thức thế nào thì cũng còn hơi mơ hồ, nhưng chắc chắn không nằm ở mức “đặc khu kinh tế”.
Nhìn chung sức ép từ Trung Quốc là chuyện hiển nhiên và Việt Nam cũng không thể tránh khỏi được. Chấp nhận cho họ một thắng lợi tinh thần để đổi lại việc bảo vệ những vấn đề khác thực chất hơn âu cũng là tốt rồi.
Những điều đáng lo ngại nhất không diễn ra và Việt Nam có lẽ cũng sẽ không đánh mất đi quá nhiều “niềm tin chiến lược” từ các đối tác khác qua chuyến thăm này. Cây tre đợt này gió phương Đông thổi có nghiêng sang một bên một tí nhưng vẫn còn có thể bật lại được.
Một chi tiết không liên quan, phu nhân tổng bí thư nhận được nhiều khen ngợi và đánh giá cao trong lần xuất hiện hiếm hoi này. Có lẽ bà nên xuất hiện thường xuyên "hơn" nữa!
ĐẶNG SƠN DUÂN 14.12.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.