Hôm nay tiếp tục là một ngày lịch sử, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam và hai nước đã chính thức trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
Nếu tính từ năm 1975, ông là vị Tổng thống thứ 5 thăm Việt Nam, gồm William Jefferson Clinton, George Walker Bush, Barack Hussein Obama, Donald John Trump, Joseph Robinette Biden. Nhưng nếu tính cả trước năm 1975, thì Việt Nam đã đón tiếp tới 7 Tổng thống Mỹ, khi ông Lyndon Baines Johnson sang thăm Việt Nam Cộng Hòa năm 1966, 1967 và Richard Milhous Nixon thăm năm 1969.
Các chương sử quan hệ Mỹ - Việt đã trầm thăng suốt 4 thế kỷ. Từ năm 1787, đại sứ Mỹ Thomas Jefferson (sau đắc cử tổng thống) tại Pháp đã quan tâm đến giống lúa tốt của Cochin China (tên gọi tiếng Pháp về Việt Nam thời ấy). Ông đã tiếp cận hoàng tử Cảnh để xin các giống lúa này và thử gieo trồng chúng ở Pháp.
Sang thế kỷ 19, chính người Mỹ đã nhiều lần vượt đại dương trên thương thuyền lẫn chiến thuyền để sang xin thông thương với triều đình Huế nhưng đều bất thành. Năm 1845, chiến thuyền Constitution lại cập bến Đà Nẵng cùng thuyền trưởng John Percival. Nhưng thay vì mục đích xin giao hảo, vị thuyền trưởng này lại nã pháo hạm để bênh vực giám mục người Pháp Dominique Lefèbvre. Hành trình bang giao Việt-Mỹ đi vào ngõ cụt.
Đến năm 1873 và 1875, lần này đến lượt triều đình Huế lại chủ động xin giao hảo với Mỹ để hỗ trợ kháng Pháp xâm lược. Nhưng tiếp tục trục trặc khi ông Bùi Viện hai lần đi Mỹ để kiên trì xin gặp Tổng thống Ulysses S. Grant mà không gặp hái được kết quả vì thiếu các thủ tục ngoại giao, như không có quốc thư vua Tự Đức.
Tuy nhiên, thế kỷ 20 mới chính là chương sử có nhiều vấn đề đặc biệt nhất trong mối quan hệ Mỹ - Việt. Chính phái bộ tình báo Mỹ đóng ở Trung Quốc đã hỗ trợ vũ khí và huấn luyện cho đội quân buổi đầu của tướng Võ Nguyên Giáp kháng Nhật trong Thế chiến thứ hai.
Ngày Quốc khánh đầu tiên 02.09.1945 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, các sĩ quan tình báo Mỹ vẫn chính thức còn đại diện ở Hà Nội để tìm hiểu đường lối chính trị và cơ hội hợp tác hai nước. Nhưng rồi sau đó, quân đội Mỹ đã hỗ trợ Pháp tái chiếm Việt Nam, còn chính phủ Hà Nội thì lựa chọn các đồng minh chiến lược là Trung Quốc và Liên Xô. Đặc biệt, sang cuộc chiến 20 năm đẫm máu 1955-1975, người Mỹ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu với quân đội Bắc Việt và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1975, Mỹ siết chặt cấm vận toàn diện Việt Nam. Lịch sử bang giao hai nước chỉ tiến tới bước ngoặt bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Riêng việc xóa bỏ cấm vận đã được thực hiện trước đó vào năm 1994. Hình ảnh ông Bill Clinton tươi cười đến Việt Nam và được rất nhiều người dân Việt, nhất là giới trẻ ùa ra vẫy chào, xin được bắt tay đã đi vào lịch sử hai nước.
Cũng nên lưu ý, một số người đã cho rằng việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt này có thể diễn ra sớm hơn vài năm dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, nhưng bị đình trệ vì những vấn đề địa chính trị mới với Trung Quốc. Đặc biệt là cuộc chiến của quân đội Việt Nam chống Khmer đỏ ở Campuchia.
Nhiều người nói rằng chính cựu Tổng thống của đảng dân chủ Mỹ Bill Clinton đã mở ra chương sử quan hệ Việt – Mỹ cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Còn đúc kết câu ý nghĩa ngắn gọn, việc bắt tay được với Mỹ để hàng hóa Việt vào được thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới này chính là chiếc chìa khóa quan trọng nhất giúp Việt Nam đổi mới và phát triển. Không bắt tay được với Mỹ, Việt Nam không thể nào đổi mới kinh tế được.
Và nói một cách cụ thể như các doanh nhân là chứng nhân thời kỳ đó, khi những con tôm Việt Nam đầu tiên bán ở siêu thị Mỹ có giá 30 đô la, còn trước đó bán ở “các nước anh em” có giá 3 đô la. Nhưng quan trọng, 30 đô la bán ở Mỹ là tiền tươi thóc thật trao tay. Còn 3 đô la bán ở các nước kia là hàng đổi hàng hoặc trừ nợ, chẳng có đồng bạc thực tế nào, trong khi Việt Nam ngày ấy đang vô cùng cần ngoại tệ mạnh như đô la Mỹ.
Và còn một điều vô cùng quan trọng nữa, hàng Việt Nam vào được thị trường Mỹ cũng coi như đã được bảo chứng để vào các thị trường lắm tiền mà khó tính như phương Tây, Nhật Bản.
Một chương sử mới cho hàng hóa Made in Vietnam.
NGUYỄN QUỐC VIỆT 10.09.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.