Khi rời ký túc xá trường đại học cách đây nhiều năm, tôi đã lang thang, vạ vật ở khắp nơi, chủ yếu là nhà cấp 4. Có lần phải tá túc mấy tháng trong căn nhà ngay cạnh chuồng lợn, ăn ở cùng với lợn theo đúng nghĩa, cứ gần sáng là chúng nó réo ầm lên.
Hồi đó không hề có chung cư mini, loại hình nhà ở do dân xây dựng nhiều trong vòng 20 năm trở lại đây. Mà chung cư mini thì bằng vạn lần cái nhà đó và tất cả các nhà khác mà tôi từng ở hồi đó.
“An cư, lạc nghiệp”, ông bà đã dạy. Không ai muốn ở những khu nhà trọ tồi tàn, chung cư mini cả nếu có điều kiện tốt hơn.
Sau vụ cháy, nhiều ý kiến đang phản đối loại hình nhà ở này. Dư luận thì có thể cực đoan, nhưng quản lý thì không nên như vậy.
Xin lấy ví dụ ở Hà Nội.
Hà Nội là thủ đô, nơi mà gần như ai có điều kiện cũng muốn và cố gắng có một căn nhà, mảnh đất để giữ tài sản, cho con cái. Có tính toán là một người phải cày cuốc, không ăn gì, tới 170 năm mới mua được căn nhà đất, hay hơn 20 năm để mua căn hộ chung cư. Một tỉ phú nói với tôi, một người phải làm và tích lũy từ thời nhà Lý may ra mới có nhà Hà Nội.
Thời bao cấp, Nhà nước còn lo nhà cho cán bộ công nhân viên. Nay thì thôi, nay thì gạt trách nhiệm này sang cho chủ đầu tư bằng quy định dành 20 % quỹ đất xây nhà ở xã hội, còn Hà Nội nâng lên 25 % do đặc thù.
Hà Nội có hơn 2,2 triệu hộ gia đình (GSO 2019), nhưng thử hỏi có bao nhiêu người mua được nhà ở xã hội? Dòng người dài dằng dặc xếp hàng mua nhà ở xã hội ở đường Tố Hữu cách đây mấy tháng là ví dụ.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến hơn 12.000 căn hộ. Có 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ.
So với số hộ như trên, so với dòng người nhập cư để làm ăn, sinh sống, đóng góp cho sự phát triển của thủ đô, thì những con số nhà ở xã hội nêu trên chả thấm vào đâu.
Hà Nội hiện có 2.000 chung cư mini, mà tôi đồ rằng là còn nhiều hơn trên thực tế.
Đừng tẩy chay nó. Nhà nước đã không lo cho dân, nay dân lo cho dân thì Nhà nước nên đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, xây dựng để dân theo, và Nhà nước quản cái đó, chứ không nên cấm tiệt. Bên cạnh đó, là nâng cao ý thức, kỹ năng phòng cháy cho người dân. Một cách nữa là yêu cầu chủ nhà (có bao nhiêu phòng thì phải tính thêm) lập doanh nghiệp, hợp tác xã để tuân thủ luật tốt hơn.
Trong nhiều câu chuyện với cánh lái xe Grab, phu hồ, chạy chợ và các bạn sinh viên… mà tôi gặp ngoài phố, tất cả đều kể họ đang ở những khu như vậy. Thậm chí ở những khu thấp cấp hơn y như tôi năm nào.
Luật ở trên trời nhưng cuộc đời dưới đất là vậy.
HOÀNG TƯ GIANG 20.09.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.