jeudi 4 mai 2023

Lê Học Lãnh Vân - Vị trí Việt Nam trên mức thang tự do báo chí

 

QUAN NIỆM TỰ DO BÁO CHÍ CỦA VIỆT NAM

Để chứng minh Việt Nam là nước rất có Tự Do Báo Chí đồng thời phản bác việc một số tổ chức nhân quyền thế giới cho rằng Việt Nam không có Tự Do Báo Chí.

Các nhà lãnh đạo ngành Báo chí hay Thông tin – Truyền thông thường đưa ra lập luận rằng “hiếm có nước nào có nhiều tờ báo và truyền hình như Việt Nam hiện nay với hơn 300 kênh phát thanh và truyền hình, 7 đài truyền hình, hơn 800 tờ báo, tạp chí”. Để từ đó kết luận: “Thực tế thì Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác”.

Để hiểu hơn lập luận trên, trước hết xin cùng nhau đọc coi người các nước phát triển nghĩ gì về Tự Do Báo Chí. Nếu không có thì giờ tìm hiểu sâu, xin mời các anh chị đọc tóm tắt dưới đây.

TỰ DO BÁO CHÍ LÀ GÌ?

Theo từ điển Merriam-Webster, Press Freedom (Tự Do Báo Chí) là quyền các tờ báo, tạp chí… báo cáo tin tức mà không bị kiểm soát bởi chính quyền (the right of newspapers, magazines, etc., to report news without being controlled by the government).

Tự Do Báo Chí nghĩa là quyền tự do nói lên ý nghĩ của mình và trao đổi các ý nghĩ đó trên phương tiện truyền thông như sách, báo, video… Tự Do Báo Chí là quyền đương nhiên của công dân, không phải do chính quyền ban phát. Trái lại chính quyền có trách nhiệm bảo vệ quyền này cho người dân.

AI CÓ QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ?

Tất cả mọi người dân. Tự do báo chí không phải là quyền của riêng nhà báo, mà nhà báo là những người thực thi quyền này cho người dân đang làm nghề khác trong xã hội. Bất kỳ người dân nào muốn, họ cũng có quyền đăng ý kiến, nhận xét của mình trên các phương tiện truyền thông.

TẠI SAO TỰ DO BÁO CHÍ CẦN THIẾT?

Bởi vì Tự Do Báo Chí tìm ra và trình bày Sự Thật cho công chúng. Nhà báo được học hỏi, rèn luyện cách nhìn ra vấn đề, nhận xét vấn đề, điều tra vấn đề để tìm ra Sự Thật. Nhà báo có năng lực kiểm chứng thông tin. Không có nhà báo, người dân bình thường ít có cơ hội biết Sự Thật, dễ bị che mắt hay ru ngủ bởi các lời dối trá!

Bởi vì Tự Do Báo Chí Khiến Người Có Quyền Phải Có Trách Nhiệm. Các pháp nhân trong xã hội, nhất là những pháp nhân quyền lực, bao gồm cả pháp nhân chính trị và/hay pháp nhân kinh tế, có lợi ích trên thể nhân (cá nhân) nếu Sự Thật được che giấu.

Một trách nhiệm rất quan trọng của Báo Chí là quan sát, nhận xét, phê bình giới cầm quyền. Đây chính là trách nhiệm đưa dân chúng tới gần chính quyền, cung cấp cho dân chúng Sự Thật về các hoạt động và thành quả của giới cầm quyền khiến dân chúng có thể Biết, Bàn và Kiểm Tra chính quyền.

Bởi vì Tự Do Báo Chí bảo đảm nền Dân Chủ, tức quyền làm chủ của người dân. Báo Chí theo dõi, kiểm tra thông tin, trình bày Sự Thật cho người dân biết ai là người tốt nhất đại diện cho mình. Báo chí phân tích tình hình, thúc đẩy và tổ chức tranh luận giúp người dân hiểu biết hơn, do đó chính xác hơn khi bỏ phiếu. Một quốc gia tự hào Dân Chủ gấp ngàn lần các nước tư bản, quốc gia đó càng phải cần có Tự Do Báo Chí!

Trở lại lập luận nêu ở đầu bài viết, ta thấy:

1) Lập luận ấy không đề cập tới Tự Do Báo Chí ở Việt Nam là Tự Do Báo Chí như thế nào, có phù hợp với định nghĩa, khái niệm phổ quát trên thế giới về Tự Do Báo Chí không!

2) Lập luận ấy chỉ cho biết Việt Nam có nhiều tờ báo, tạp chí, kênh, đài truyền hình. Điều này vô nghĩa với Tự Do Báo Chí nếu xét theo từ điển Merriam-Webster nêu trên. Điều quan trọng có ý nghĩa là Ai có quyền ra những tờ báo đó. Trong một xứ phong kiến xưa, ông vua có quyền nói điều mình nghĩ còn thần dân không có quyền đó thì đâu gọi là có Tự Do Ngôn Luận được! Tương tự, không xác định được người dân có quyền ra báo thì sao có thể tuyên bố được xã hội đó có Tự Do Báo Chí?

SUY NGHĨ VỀ VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRÊN BẢNG XẾP HẠNG

Như vậy, nếu so sánh quan niệm của Việt Nam về Tự do Báo chí với quan niệm Tự do Báo chí phổ quát trên thế giới, ta thấy sự khác nhau rất lớn. Sự khác biệt ấy không nằm ở bề ngoài mà nằm ở cốt lõi sâu nhất của quan niệm.

Phải chăng sự khác biệt ấy được thể hiện ở việc tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp, xếp Việt Nam nằm ở vị trí 178 trên 180 nước “theo bảng đánh giá Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới lần thứ 21” công bố ngày 03/5/2023? Trong bảng xếp hạng này, các nước Bắc Âu được xếp cao nhất gồm Na Uy (1), Irland (2), Đan Mạch (3), còn ba nước Việt Nam (178), Trung Quốc (179), Bắc Hàn (180) ở cực thấp nhất.

Bảng xếp hạng ấy được đánh giá theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới, một tiêu chuẩn được chấp nhận bởi các nước phát triển. Nếu lấy tiêu chuẩn của Việt Nam để xếp hạng, chắc thứ tự xếp hạng đổi chiều, các nước Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam có thể được xếp hạng rất cao? Vậy thì, thứ tự cao hay thấp là tùy theo tiêu chuẩn cho nên điều quan trọng chưa phải là thứ hạng. Điều quan trọng phải chăng là dù theo tiêu chuẩn nào, dù được xếp hạng cao hay thấp thì Việt Nam cũng luôn rất gần với Trung Quốc và Bắc Hàn?

Nói cho tui biết bạn anh là ai, tui sẽ nói anh là ai. Thường nghe rằng văn minh không nằm ở cơ sở hạ tầng hoành tráng, dự trữ ngoại tệ nhiều, vũ khí tối tân giết người hàng loạt mà nằm ở tôn trọng các quyền căn bản của con người, ở mức độ Tự do Dân chủ của xã hội, ở lòng Nhân đạo và tính Trung thực trong xã hội. Mong ước được có bạn văn minh có là mong ước của rất nhiều người Việt?

LÊ HỌC LÃNH VÂN 03.05.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.