Phố cổ Hội An là di sản. Người Hội An có quyền tự hào về di sản đó, có trách nhiệm giữ gìn và khai thác những di sản đó để phát triển du lịch văn hóa.
Nhưng muốn khai thác, tạo ra nguồn thu, ngành du lịch cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch tương xứng, có sức hấp dẫn, gắn liền với các giá trị di sản. Còn tận thu kiểu "cấm cửa", bán vé vào Hội An với những ai "không phải là người Hội An" thì không thể, không được phép.
Tôi không bàn chuyện giá vé cao hay thấp. Tận thu bằng cách bán vé là cách nhanh nhất đế bóp chết kinh tế du lịch Hội An, ngăn khách du lịch đến với phố cổ di sản. Cao hơn hết, địa phương tự đặt ra quy định đó là vi hiến. Di sản Hội An là di sản chung, không phải của riêng Hội An để địa phương tùy nghi khai thác, tùy tiện bán và mua.
Thử hình dung, mai đây không chỉ Hội An mà Mỹ Sơn (Quảng Nam); Phong Nha (Quảng Bình); khu vực đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Một số khu vực ở Hà Nội có Gò Đống Đa, thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quảng trường Ba Đình với lăng Hồ Chủ Tịch. Khu vực Tháp Bà (Nha Trang); khu vực bờ Bắc Sông Hương có Hoàng thành Huế...Hay rộng hơn là toàn cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) cũng lấy lý do "vùng đất, khu vực di sản có dân sở tại sinh sống", ai lại qua đều phải được cho phép, hoặc phải mua vé.
Thì cả nước này bị cát cứ, đất nước bị hoành hành bởi loạn sứ quân hay sao? Chính quyền Hội An không phải là chính quyền của một sứ quân, tất không có quyền đẻ ra luật để có thể đưa ra một chính sách vi hiến như vậy. Dường như, về hành chính, Hội An đang học cách cai trị từ Liberia hay Nigeria - những đất nước bị cát cứ đang chìm trong ly loạn.
Về mặt kỹ thuật, việc "dùng người Hội An nhận diện người Hội An" hay "phủ kín camera, tăng cường kỹ thuật cao để nhận diện người ngoài địa phương, không phải người Hội An" để buộc mua vé hoặc mời ra cũng là biện pháp vi phạm quyền công dân trắng trợn. Nó sẽ biến khu vực phố cổ Hội An thành một "đô thị cảnh sát", biến người phố cổ trở thành mật vụ. Đây vừa là biện pháp vi hiến, không có cơ sở áp dụng, vừa tạo ra một Hội An xấu xí, méo mó; vừa làm khó, làm khổ thêm chính người dân Hội An.
Quyết định có vẻ được đưa ra quá vội mà chưa hề hỏi qua ý kiến của người dân. Người dân Hội An chắc chắn không hề muốn thế. So với những cái mất, nguồn lợi cỏn con thu được nhờ bán vé cho khách vãng lai sẽ trở nên quá bọt bèo. Chính sách "bán vé", do đó không có cơ sở hiến định hay pháp định. Nó không thể tồn tại, chỉ chứng tỏ tư duy tủn mủn, tham vặt ngu xuẩn của người tham mưu và người ban hành chính sách.
Tôi tin chắc, chính sách này sẽ bị thu hồi hoặc bãi bỏ ngay trước khi chính thức có hiệu lực và được đưa ra áp dụng. Vì thế không cần bàn cãi thêm. Đây sẽ là status nghiêm túc cuối cùng (cũng là duy nhất) của tôi về câu chuyện và vấn đề này.
P/S: Nhiều bạn đọc vẫn hiểu sai. Vào cửa Đại Nội (Huế), Quốc Tử Giám (Hà Nội) hay Đền Hùng (Phú Thọ)... phải mua vé là đúng. Đó là những di tích, di sản cụ thể, khu vực khép kín không phải địa bàn có cư dân sinh sống.
Còn Phố cổ Hội An, cũng như Phố cổ Hà Nội là khu vực mở, có cư dân đang sinh sống, sinh hoạt bình thường, có đường giao thông đi qua, không thể thu vé được. Muốn thu, toàn bộ khu vực phải khép kín, chỉ phục vụ tham quan, du lịch, không có cư dân sinh sống bình thường ở trong khu vực đó, toàn bộ không phải khu dân cư - dân sinh.
NGUYỄN HỒNG LAM 05.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.