Ngay sau Thế chiến thứ Hai, tổng thống Charles de Gaulle muốn Pháp là một cường quốc cân bằng giữa các khối trong Chiến tranh lạnh.
Khi đó chưa xuất hiện nguy cơ Trung Quốc mà chỉ có nguy cơ đối đầu Mỹ- Liên Xô.
Tổng thống Pháp Macron hiện tại đã không giấu ý tưởng của mình trên tinh thần của Charles de Gaulle - thay vì riêng nước Pháp mà cả châu Âu - khi chứng kiến cuộc leo thang đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc: “Người châu Âu sẽ không có thời gian hoặc nguồn lực để tài trợ cho quyền tự chủ chiến lược của chúng tôi và sẽ trở thành chư hầu, trong khi chúng tôi có thể xây dựng một cực thứ ba nếu có thêm vài năm".
Macron đã phải chấp nhận một thực tế mà châu Âu văn minh không mong muốn, đó là thế giới đã phân hai cực Mỹ và Trung Quốc. Có một làn sóng ngay trong nội bộ châu Âu mà Macron là đại diện, đó là châu Âu không muốn là chư hầu của bất cứ cực nào và muốn chính mình phải là cực thứ ba.
Không thể phủ nhận được Trung Quốc với 1,4 tỉ dân, tổng sản lượng kinh tế 14.000 tỉ đô la (gấp 4 lần Nhật, gần gấp 2 lần cả châu Âu), chi phí quân sự hàng năm hơn 250 tỉ đô la(bằng tổng sản lượng cả nền kinh tế Việt Nam) là một thực thể đủ sức tạo thành một cực của thế giới. Châu Âu không thể không tính đến thực thể này. Khôn ngoan nhất là châu Âu sẽ hưởng lợi từ sự níu kéo của cả hai cực khi đóng vai trò là cực thứ ba ở giữa.
Một khi châu Âu là cực thứ ba ở giữa, thì Trung Quốc không dại gì nghiêng về phía Nga một khi Nga gây hấn với châu Âu. Và đương nhiên Mỹ lại càng bảo vệ châu Âu mà không phải vì Hiệp ước liên minh quân sự nào.
Nếu tư tưởng một châu Âu là cực thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc thành hiện thực thì NATO sẽ không có Mỹ nữa. Bàn cờ thế giới sẽ có thể đi đến những nước cờ chiến lược toàn cầu như thế.
Vấn đề còn lại sẽ là Biển Đông và những tranh chấp các quốc gia liên quan đến cực Trung Quốc mà Việt Nam phải tính đến, nếu muốn yên ổn để tồn tại và phát triển. Hàn Quốc, Nhật, Philippines không e sợ Trung Quốc vì đã là đồng minh của Mỹ. Đài Loan sẽ nan giải khi châu Âu coi đó không phải việc của mình, chỉ còn phụ thuộc vai trò của Mỹ và Nhật có thể răn đe bảo vệ Đài Loan một khi bị Trung Quốc tấn công.
Ấn Độ đủ mạnh để có thể đương đầu với Trung Quốc. Và một khi chiến tranh biên giới Trung-Ấn xảy ra, Nga sẽ không thể đứng về phe nào, nhưng chắc chắn Ấn Độ sẽ đẩy cao hơn mối quan hệ với Mỹ, Anh, Úc thông qua Hiệp ước Tứ giác Kim cương. Điều này chỉ có hại cho Trung Quốc vì đẩy xa đất nước trong tương lai sẽ là đông dân nhất thế giới trở thành kẻ thù của mình. Trung Quốc rõ ràng sẽ e ngại khi muốn đòi đất của Ấn Độ mà Trung Quốc từ lâu coi là của mình.
Vấn để còn lại và thực chất nhiều nguy cơ nhất lại là Biển Đông của Việt Nam.
Hãy nhận thức rõ những điều sau đây:
1. Trung Quốc chưa bao giờ ngưng tham vọng chiếm các hòn đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng Biển Đông của Việt Nam.
2. Trung Quốc bất cứ lúc nào cũng có thể dùng quân đội hùng mạnh và nền kinh tế chi phối đè bẹp của mình để xâm lược hải đảo và lãnh thổ Việt Nam như Nga xâm lược Ukraine.
3. Việt Nam bằng mọi giá phải ngăn chặn và tránh chiến tranh với Trung Quốc, và đó là chiến lược hàng đầu vì quyền lợi của quốc gia và sự bình yên của Đất nước.
Nhưng cách nào?
Dứt khoát chỉ theo một cách là có đường lối minh bạch đường hoàng, độc lập tự chủ với Trung Quốc, theo tinh thần cả hai cùng có lợi. Muốn vậy Việt Nam phải mạnh, phải tự cường.
Mạnh cách nào? Tự cường cách nào?
Duy nhất: Đoàn kết dân tộc, cả dân tộc đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Muốn vậy chỉ con đường cũng duy nhất: Bộ phận tinh hoa của dân tộc thực sự làm chủ và dẫn dắt dân tộc.
4. Nhưng bất chấp Việt Nam mạnh, tự cường, độc lập, tự chủ, Trung Quốc vì tham vọng của mình vẫn gây chiến xâm lược thì sao? Ai sẽ đứng ra góp phần bảo vệ Việt Nam đây?
Nga - đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - chắc chắn là không. Ấn Độ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - cũng khó mà có hành động đủ mạnh nào. ASEAN chỉ là một thực thể lỏng lẻo tính cơ hội luôn ngấp nghé đó đây, khó mà cùng chiến tuyến với Việt Nam để đương đầu với Trung Quốc.
Chỉ duy nhất Mỹ và Nhật, vì chiến lược toàn cầu và lợi ích kinh tế của mình không chấp nhận Trung Quốc chiếm Biển Đông huyết mạch của thế giới, mới thực sự quan tâm tới việc ngăn chặn Trung Quốc.
Việt Nam phải ngay từ bây giờ minh bạch đường lối chiến lược của mình để đe dọa Trung Quốc nếu Trung Quốc vượt làn ranh đỏ ở Biển Đông. Sự minh bạch đó chính là Việt Nam phải đưa ra Tối hậu thư về Con bài chiến lược của mình. Khi giải thích về Sách trắng Quốc phòng, tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từng nói tới sự linh hoạt của Việt Nam khi buộc phải chọn phe, mặc dù đường lối là không chọn phe.
Mặc dù tướng Vịnh, chiến lược gia đối ngoại quốc phòng, chỉ nói lấp lửng, nhưng những ai am hiểu thực tế Việt Nam đều hiểu thông điệp với Trung Quốc rằng: Nếu các ông vượt làn ranh đỏ ở Biển Đông thì Việt Nam sẽ nâng quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện” thực chất chứ không phải “đối tác chiến lược toàn diện” mơ hồ nặng về hữu nghị như với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ hiện nay. Việt Nam sẽ buộc phải chọn phe bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Chọn cách nào?
Việt Nam trong cuộc chơi liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông luôn có con bài chiến lược, đó là Căn cứ Cam Ranh.
Chính vì lo sợ Việt Nam trao con bài chiến lược Cam Ranh này cho Mỹ, mà Trung Quốc bằng mọi giá, bằng mọi cách dụ dỗ, khống chế trước yêu cầu của Việt Nam “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc“, với điều kiện thâm độc: loại bỏ bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người đại diện chủ trương ký kết hiệp định cho Mỹ thuê Cam Ranh làm căn cứ quân sự để ngăn chặn âm mưu chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Hãy tưởng tượng nếu cách đây hơn 30 năm đường lối sáng suốt của ông Nguyễn Cơ Thạch thắng thế, Cam Ranh là căn cứ quân sự hùng mạnh của Mỹ như sự đã rồi của lịch sử, thì không có chuyện Trung Quốc tác oai tác quái ở Biển Đông và đe dọa an ninh sống còn của Việt Nam như hiện nay.
Và đương nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng không quá bị trói, bị lệ thuộc kinh tế Trung Quốc, dẫn đến cái thế chính trị yếu kém trước Trung Quốc như hiện nay.
Lãnh đạo Việt Nam đã đến lúc cần tin vào Dân, dựa vào sức mạnh của Dân mà minh bạch với Dân đường lối chiến lược đối ngoại của mình: Việt Nam sẽ làm gì để giữ quan hệ bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc, và có thể ngăn chặn chiến tranh với Trung Quốc hiệu quả nhất nếu chiến tranh xảy ra.
Đây là đòi hỏi vô cùng chính đáng mang tinh thần công dân, làm chủ của mỗi người Việt mà các nhà lãnh đạo Việt Nam cần đáp ứng.
Hãy nhớ, thế giới đang khủng hoảng và chuyển dịch mau lẹ. Chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là một minh chứng.
Cuộc chiến Nga- Ukraine là một minh chứng.
Trung Quốc hùng mạnh trở thành một thực thể đe dọa toàn cầu là một minh chứng.
Và có thể châu Âu thành cực thứ ba trong tương lai là một minh chứng.
Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí anh em thân thiết, nhưng Việt Nam đã có lúc ghi vào Hiến pháp “Trung Quốc là kẻ thù vĩnh viễn” cũng là một minh chứng.
Vậy thì chuyện Trung Quốc tấn công Đài Loan, tiếp tục xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam không thể là một ngoại lệ của sự bất ngờ nào cả.
Fucik viết dưới giá treo cổ của Hitler: Loài người hãy cảnh giác!
Vâng.
Việt Nam hãy cảnh giác!
LƯU TRỌNG VĂN 10.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.