Cái lạnh của nhà Dr.Thanh trước tiếng khóc gọi cha của đứa trẻ tại phiên tòa năm ấy: sự không - cảm - xúc bẩm sinh thật đáng sợ!
Phiên tòa đó diễn ra vào tháng 12/2015, cũng đã gần 8 năm. Đó là một phiên tòa hình sự, gây nhiều tranh cãi. Bị cáo Võ Văn Minh, quê Tiền Giang, một đại lý của Tân Hiệp Phát, bị tuyên án 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Nếu anh Minh thụ án tù 7 năm thì giờ này chắc chắn anh đã ra và đã hoàn toàn có một cuộc sống mới. Tôi chưa có nhiều thông tin về anh ta. Chỉ biết rằng, dù 7 năm đã đi qua, thì suy nghĩ của người dân về vụ việc của anh Minh và Tân Hiệp Phát vẫn ít thay đổi: Không hẳn anh Minh cưỡng đoạt tài sản, có chăng thì là tham lam thôi, và Tân Hiệp Phát là kẻ gài bẫy khách hàng của mình để tống họ vào tù.
Chuyện đó, không chỉ anh Minh mà nhiều người cũng từng bị, với các chai nước của Tân Hiệp Phát. Cụ thể:
- Năm 2011 một người ở Gò Vấp bị bắt vì phát hiện sản phẩm lỗi của Tân Hiệp Phát khi đòi 70 triệu đồng và Tân Hiệp Phát đồng ý trả 1/3, lúc trao tiền, bị bắt luôn.
- Năm 2013, anh T. cũng thương lượng, lúc nhận tiền bị bắt.
- Chị H. ở Đồng Nai, cũng giao tiền thì bị bắt.
Với anh Minh, Tân Hiệp Phát mặc cả từ 1 tỉ xuống 500 triệu, bắt anh Minh viết giấy. Khi đến điểm giao tiền, đã có xe chờ sẵn, có truyền hình đến quay. Anh Minh cũng giống như 3 người trước đó, lên xe và…vào tù.
Thế đấy.
********
Thời đó, tôi đang phụ trách trang tin Soha ở khu vực phía Nam, là người theo từ đầu đến cuối vụ án này.
Ngày cuối cùng của phiên tòa, lúc anh Minh bị dẫn ra xe, có một đứa bé con tầm 4 tuổi chạy theo gọi cha. Nhiều người dự phiên tòa rất xót xa, khi nghĩ đến đứa trẻ 7 năm sẽ không được gặp cha nó, không biết nó lớn lên như thế nào.
Trước đó vài bước, bà Trần Uyên Phương, đại diện của “người bị hại” trong trang phục sang trọng, mặt lạnh như tiền, bước đi.
Chắc chắn một điều, bà Phương đã chứng kiến tiếng gọi cha của đứa trẻ. Trước đó, bà Phương cũng nhìn thấy đứa trẻ được mẹ bế đến tại phiên tòa, sợ sệt úp mặt vào vai mẹ.
Tôi sợ cái lạnh lùng, trong hoàn cảnh ấy, của bà Phương.
Sau này, nghe đâu nhà bà Phương ra sách, truyền thông gọi bà là “cô gái thép”. Nghe chữ ấy, tôi lại càng sợ, và cứ liên tưởng đến khuôn mặt của bà sau tiếng kêu của đứa trẻ tại phiên tòa năm nào.
********
Đại gia đình Dr. Thanh nổi tiếng về sự “lạnh”. Cái lạnh của thép, nhưng là thép mũi tên, thép lưỡi kiếm. Lạnh không còn tình người.
Thế nên tôi cũng chẳng ngạc nhiên về cái lạnh lùng quay lưng đi, khi một bà doanh nhân khóc lóc quỳ lạy bà Uyên Phương thương tình mà cho bà chuộc dự án, mới đây.
Với họ, thân phận con người đi qua, không cảm xúc. Nước mắt và nỗi đau của người đời nếu dính dáng đến họ, không cảm xúc. Tình yêu thương nào đó cho những người cạnh họ, không cảm xúc nốt. Đại gia đình Dr. Không cảm xúc.
Sau vụ anh Minh, một người đồng hương có nhờ tôi tư vấn xử lý hậu khủng hoảng vụ con ruồi, tôi đã từ chối. Tôi chẳng bao giờ hy vọng bất cứ sự cầu thị và hướng thiện nào ở những người không cảm xúc cả.
Bởi nếu có cảm xúc, họ đã không ngang nhiên thách thức người tiêu dùng nếu tìm thấy ruồi sẽ cho 500 triệu – cái con số bằng số tiền họ mặc cả để anh Võ Văn Minh vào tù.
Nếu họ có cảm xúc, họ sẽ không đuổi cùng diệt tận khách hàng của mình bằng đủ mãnh lực của chính họ như vậy.
Tôi rất ghê sợ, khi phải làm việc cho những người Không - cảm – xúc!
********
Không phải tự dưng ba cha con nhà ông Thanh vướng vào lao lý, người ta lại hả hê như thế. Những người không có trắc ẩn với cuộc đời này, thì sao cuộc đời có thể trắc ẩn với họ, khi họ sa cơ lỡ vận?
Đừng nói chuyện họ đã kinh doanh và đóng thuế nhiều thế nào, đó là nghĩa vụ. Nghe giả tạo lắm.
Đừng nói chuyện họ đã tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu lao động, đó là có qua có lại, chính những người lao động ấy, và trên hết, cộng đồng người tiêu dùng đã làm giàu cho gia đình ấy. Sòng phẳng mà, đừng đưa ân huệ ra đây, rất ngụy quân tử và sai bản chất sự việc.
Cũng đừng nói họ xây bao cây cầu, làm từ thiện bao nhiêu. Đó là lựa chọn thôi. Cây cầu đó ghi tên họ, từ thiện đó cũng truyền thông ra, cũng là cách tô vẽ thương hiệu, chứ chẳng trắc ẩn gì.
Nó còn trên cả sự không cảm xúc. Nó là thứ đạo đức dùng tiền để mua, còn đáng sợ hơn đạo đức giả.
Người sống không có đạo đức không chóng thì chầy, cũng sẽ nhận lại tất cả những gì anh đã ném vào cuộc đời.
Ai rồi cũng phải sống tiếp đời mình, hy vọng, rất hy vọng, ở một môi trường không tiền bạc, không có cơ hội toan tính, không ức hiếp ai những ngày tới của cha con ông Thanh, họ sẽ về cuộc đời sau này, với một ít cảm xúc.
Chỉ hy vọng thôi, chứ không cảm xúc là một dạng bẩm sinh. Và cảm xúc nhân ái không thể là từ không mà thành có được!
HOÀNG NGUYÊN VŨ 11.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.