dimanche 5 février 2023

Chu Mộng Long - Ngày rằm nói chuyện tín ngưỡng của người Việt

 

Thay vì đi chùa hay tụng kinh, trước đức Phật và vong linh tổ tiên, tôi viết bài này. Nội dung cơ bản thì tôi đã từng viết nhiều lần.

Có lẽ bắt đầu từ chuyện nhà tôi thực hiện phong tục cúng ông Táo. Hăm hai, tôi vâng lời vợ dặn ra chợ sắm đồ cúng đưa ông Táo. Thấy có chị bán sẵn chè xôi, tôi hỏi mua để vợ khỏi mất công nấu. Tôi chỉ hỏi mua mỗi thứ một ít, không cần tính toán.

Chị bán chè xôi chỉ dẫn: "Chú phải mua làm sao chia đều làm ba. Bởi vì có đến ba ông, mỗi ông một phần bằng nhau. Nếu không thì ba ông sẽ đánh nhau và gia đình lục đục!" Tôi phải bật cười: "Thần thánh mà tranh ăn đánh nhau thì tôn thờ làm gì?" Nói đoạn, tôi chợt nhớ chuyện dân gian đã kể, rằng không phải ba ông mà hai ông một bà, họ ghen tuông, đánh nhau và nhảy vào lửa tự thiêu. Ấy đấy, không chỉ tranh ăn mà còn tranh cả gái hay tình dục.

Khổ thân người Việt. Tín ngưỡng là đức tin trong sáng, vào điều lành. Đức tin ở trái tim. Trái tim lành mạnh, trong sáng thì tinh thần an nhiên, hướng thiện. Trong khi dân Việt ta chứa trong tim toàn chuyện tranh chấp, ghen tị, tham lam, đa số không sống ác mới lạ.

Không phải chỉ các tôn giáo chính tông chủ trương bài trừ mê tín dị đoan (như Phật giáo, Thiên Chúa giáo) để hướng con người vào đức tin lành mạnh thuần khiết, triết gia Plato trong Cộng hòa, khi ghi lại lời của bậc hiền minh Socrates, từng dạy, rằng thánh thần chỉ làm điều tốt, mọi ý nghĩ xấu về thánh thần, như tham ăn tục uống, gây chiến tranh, xung đột đều là sự báng bổ.

Homer được xem là kẻ báng bổ, xuyên tạc, khi viết Iliad và Odyssey đã miêu tả thánh thần mang dục vọng như con người. Điều đó ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách con người. Đa phần cái xấu, cái ác là do thiếu hiểu biết, bắt đầu từ tín ngưỡng. Tín ngưỡng bệnh hoạn tạo nên nhân cách bệnh hoạn. Các tổ sư của tôn giáo chính tông cũng dạy vậy!

Chuyện Táo quân chỉ là một trong vô số ý nghĩ bệnh hoạn hay tà niệm trong tín ngưỡng của người Việt. Hình như trong mọi tín ngưỡng, từ thờ cúng ông bà cha mẹ đến danh nhân, từ tôn thờ các nhân vật anh hùng đến thánh thần, thậm chí thờ Phật, người Việt luôn có ý nghĩ phải cúng nhiều đồ ăn, nhiều lễ vật, nhiều tiền thì mới được thần thánh độ trì, ban phát lại cho nhiều lợi lộc.

Đến mức cúng vua Hùng thì cúng bánh chưng hàng tấn, cúng Phật thì cúng trăm triệu để được giàu lên ngàn tỉ. Tệ nhất là cứ tham lam, gieo cái ác xong thì đi cúng Phật để trục vong, giải nghiệp. Tệ hơn nữa là cứ chà đạp lên nhau để tranh ghế tranh quyền rồi nhân danh Thánh Trần buôn bán ấn để được thăng quan tiến chức tiếp. Trời Phật, Thánh Thần đất Việt đều tham lam vô độ, ăn hối lộ, tranh quyền đoạt vị, mua quan bán chức có đủ.

Phật mà bảo kê cho kẻ gian tham, Thánh Trần sinh thời mà có làm cái việc buôn quan bán chức, thì có đáng tôn thờ không? Không phải cố tình báng bổ Phật, Thánh thì chỉ có thể là một thứ tín ngưỡng bệnh hoạn, tà ác.

Trời Phật, Thánh Thần mà tham lam, bảo kê cho tội lỗi thì chỉ có thể là ma quỷ đội lốt. Tín ngưỡng như vậy thì tâm chỉ có bất an và con người trở thành vô đạo. Đó là thứ tín ngưỡng sinh ra từ tội ác của cuộc sống phàm tục - sự nhu nhược và sợ hãi trước quyền lực độc tài, tàn bạo đã dịch chuyển thành niềm tin, tín ngưỡng, học tập và làm theo gương cái xấu. Các triết gia duy vật gọi đó là thứ quyền lực ma quỷ của trần thế tự tôn vinh hoặc được tôn vinh thành thánh thần. Những người có trách nhiệm, bao gồm chính quyền và giới thầy tu để đất nước phô bày thứ tín ngưỡng như vậy thì biết bao giờ quốc thái dân an?

Chỉ có thể nói, dân Việt đang bị "ma đưa lối, quỷ dẫn đường" (Nguyễn Du), đông đến mức không ai đủ mạnh để cứu vãn.

Tôn thờ "thần thánh" theo cách đó, chẳng khác tôn thờ tướng cướp, quan tham, làm cho tướng cướp, quan tham nhầm tưởng mình là thần thánh thật, ắt chúng tự do lộng hành và sinh con đàn cháu đống. Xem ra có mở cái lò to bằng cái hố đen của vũ trụ cũng không thiêu hủy nổi con đàn cháu đống của loại  "thánh thần" ấy.

Tín ngưỡng hay sự tôn thờ thần tượng mang ý nghĩa đơn giản là để noi gương hay học tập và làm theo thần tượng. Tức tín ngưỡng hình thành nên đạo đức, nhân cách, lối sống cho con người. Xét đến cùng, tín ngưỡng có sức mạnh hơn mọi thứ tuyên truyền giáo dục khác. Khi quyền lực buông thả hoặc định hướng vào một thứ tín ngưỡng ma quỷ như vậy, ắt thứ tín ngưỡng ấy hình thành nên một hệ tư tưởng thống trị toàn dân.

Những tuyên truyền, giáo dục về một hệ tư tưởng nào khác, dù tốt đẹp mấy cũng thành sáo rỗng, giả tạo, nếu không nói là bị méo mó một cách thảm hại. Kể cả khoa học được giáo dục trong nhà trường cũng trở nên vô nghĩa. Khi một hệ tư tưởng tồi tệ hình thành sâu rộng như vậy, thần Phật, kể cả tấm gương vĩ đại của các anh hùng, lãnh tụ cũng phải chết để cho ma quỷ, yêu tinh được sống và hoành hành.

Xin nói thẳng: sự thả cửa hay định hướng người dân vào thứ tín ngưỡng như hiện nay là mắc tội lớn với đất nước, dân tộc. Tội báng bổ hồn thiêng sông núi. Tội hủy hoại đạo đức, văn hóa, lối sống của con người hiện tại. Tội gieo rắc nọc độc đầu độc cả thế hệ tương lai. Tội biến đất nước ngàn năm văn hiến thành địa ngục của ma quỷ...

Trong bộ Luật hình sự có quy định Tội lợi dụng tự do tín ngưỡng để tuyên truyền và hoạt động mê tín dị đoan, tại sao điều luật này chưa bao giờ được thực thi? Hay là điều luật này đang mắc phải cái "vùng cấm" khi bảo kê, thậm chí trực tiếp tổ chức, là các quan chức to vật hơn cả thánh?chu

CHU MỘNG LONG 05.02.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.