jeudi 22 décembre 2022

Tân tướng Nga trấn áp không run tay, Ukraina chờ đợi lá chắn tên lửa


Đăng ngày:

Matxcơva muốn gieo kinh hoàng, nhưng vô ích

Libération cho biết « Sau các vụ oanh tạc của Nga, Kiev vẫn kiên cường, nhưng không có điện ». Ít nhất 19 người đã thiệt mạng, nhưng càng làm tăng sức kháng cự và sự giận dữ của cư dân.

Quyết tâm kháng chiến bộc lộ không chỉ trên truyền hình mà cả mạng xã hội và trên đường phố. Blogger Yarema Dukh cho rằng khung cảnh hôm thứ Hai « cũng giống như ngày 24/02, nhưng thời tiết đẹp hơn và chúng tôi không còn sợ nữa ». Dưới trận mưa hỏa tiễn, nhà hoạt động Serhiy Prytula đưa ra chiến dịch đóng góp mang tên « Các vị đã làm người Ukraina phẫn nộ ! », để mua các drone tự sát « made in Ukraine ». Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, sáng kiến này đã thu được 9,5 triệu euro.

Hố sâu do hỏa tiễn tạo ra trên đại lộ Taras Shevtchenko đã nhanh chóng được lấp ngay hôm sau, đường dây điện được nối lại. Đường phố ít xe hơi hơn, nhiều đèn giao thông không còn hoạt động, máy phát điện diesel được nhiều người tìm mua. Khu trung tâm thành phố vẫn có điện, điện thoại và internet, nhưng bước qua phía tả ngạn và ngoại ô tình hình khó khăn hơn. Hai nhà máy điện gần Dniepr và khu công nghiệp Darnytsia bị trúng tên lửa hai khu phố lớn bị mất điện nước trong nhiều giờ, mạng 4G chập chờn, đèn cầy bán chạy. Một người dân nói rằng luôn chuẩn bị nhiều pin dự phòng cho điện thoại, việc lo xa rõ ràng hữu ích.


Đêm đen trong tự nguyện

Trên toàn quốc, 30 % cơ sở hạ tầng ngành điện bị phá hủy, người dân được kêu gọi tiết kiệm. Đêm đen hơn, những căn phòng tối lấp lánh ánh sáng xanh màn hình điện thoại. Nhưng không hề có dấu hiệu hoảng loạn, mà ngược lại. Nhà báo Tetiana Ogarkova nói : « Có một sự tương phản hoàn toàn giữa ngày 24/02 và 10/10 ». Sau bảy tháng rưỡi, người Ukraina đã thích ứng, biết phải làm gì khi gặp nguy hiểm, học được cách kiểm soát phản ứng và cảm xúc. Phía sau bề ngoài bình thản này là sự ngoan cường. « Chúng tôi hiểu rằng đang chứng kiến sự hấp hối của chế độ Nga ».

Tại Lviv, hầu như toàn thành phố bị cúp điện nhiều tiếng đồng hồ, những người chạy loạn từ Donetsk sang lại phải chịu đựng bom đạn. Le Monde gặp Stanislav Lutskovych, 38 tuổi, doanh nhân có tiếng trong ngành công nghệ mới. Anh Lutskovych đã thành lập tổ chức từ thiện Leo States, dùng tiền túi mở hai trung tâm đón tiếp người tị nạn ở Khorosno. Trung tâm này có các module nhà ở theo dạng container, mỗi căn ở được bốn người và có nhà tắm riêng. Nhà từ thiện gặp khó khăn vì những căn hộ này chỉ có thể dùng điện để sưởi.

Bộ trưởng Năng lượng Herman Halushchenko hoan nghênh người dân đã chủ động tiết kiệm được 10 % lượng điện tiêu thụ, tránh cho nhà máy khỏi quá tải. Nhưng chỉ riêng sự hy sinh của công dân không thể đủ, Matxcơva có thể tiếp tục tấn công để gây khó khăn trong mùa đông sắp tới, vì vậy lưới lửa phòng không vô cùng cần thiết.


Chưa thể thiết lập ngay lá chắn trên không

Về vấn đề này, Les Echos cho biết « NATO muốn tăng cường phòng không của Ukraina ». Ba mươi bộ trưởng quốc phòng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương họp tại Bruxelles coi đây là « ưu tiên hàng đầu », nhưng lại không có sẵn những hệ thống này. Libération cũng nói về « Lá chắn phòng không được chậm triển khai tại Ukraina ».

Trên bộ quân đội Ukraina liên tiếp giành được thắng lợi, hôm qua đã tái chiếm năm ngôi làng (Novovasylivka, Novogrygorivka, Nova Kamianka, Tryfonivka, Chervoné) ở Kherson, nhưng bầu trời lại tiếp tục bị Nga tấn công. Hỏa tiễn, rốc-kết, drone tự sát...đánh vào nhiều địa điểm trên toàn quốc. Tối thứ Ba, giàn phòng không Iris-T đầu tiên của Đức đã được chuyển giao, Washington hứa sẽ đẩy nhanh việc giao hệ thống Nasams. Bộ trưởng quốc phòng Ukraina hoan nghênh khởi đầu « một kỷ nguyên mới ».

Hiện nay Kiev chỉ có chủ yếu loại S-300 thời Liên Xô, nhưng không thể sử dụng mãi mãi. Chuyên gia François Heisbourg của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược giải thích : « Vấn đề là đạn, mỗi khi dùng hết không thể đặt mua trên Amazon vì sản xuất tại Nga ». Ukraina cũng không thể bảo vệ từng centimet vuông đất, mà tập trung vào những địa điểm quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, những vùng đông dân cư.


Các giàn hỏa tiễn hiện đại không dễ sử dụng

Các hệ thống phòng không bên cạnh việc bảo vệ vùng trời còn giúp làm cạn nhanh kho vũ khí của địch - bị quốc tế trừng phạt, cứ mỗi hỏa tiễn được bắn đi, Nga khó thể thay thế bằng hỏa tiễn khác. Kiev có những đề nghị rất cụ thể. Đối với Mỹ là Nasams, Patriot, với Đức là Iris-T, Israel là Vòm Sắt...mỗi loại có đặc tính riêng.

Hỏa tiễn Patriot bắn tương đối xa, hiện châu Âu đang có nên dễ đưa qua hơn, nhưng việc sử dụng lại phức tạp. « Vòm Sắt » nổi tiếng, một trong những hệ thống hiệu quả nhất thế giới được gợi ý từ nhiều tháng qua để ngăn rốc-kết, nhưng không chận được hỏa tiễn tầm xa, vả lại Israel không muốn ảnh hưởng đến quan hệ với Matxcơva nhất là trên mặt trận Syria. Nasams của Mỹ và Na Uy chỉ mất 15 giây có thể phá hủy 70 mục tiêu trong vòng 180 kilomet. Sở dĩ khó thể nhanh chóng chuyển giao vì thời gian sản xuất và cần phải đào tạo cho Ukraina.

Những hệ thống hiện đại gồm có nhiều thành phần - bệ phóng, radar, trung tâm điều khiển - rất khó sử dụng và khó sửa chữa, bảo trì. Madrid thông báo đang huấn luyện 19 quân nhân Ukraina ở Saragosse để nắm vững cách sử dụng giàn hỏa tiễn Spada Aspide sắp tới sẽ được giao. Nhưng dù các đồng minh của Ukraina cố gắng, còn phải mất nhiều tháng nữa mới tăng cường được phòng không. Có thể đành quay lại với những vũ khí cũ, như hỏa tiễn Hawk của Mỹ, ra đời từ năm…1962.


Tân tướng Nga «sẵn sàng thực hiện tất cả những nhiệm vụ được giao»

Ở phía Nga, Serguei Sourovikine, một tướng lãnh tàn bạo đang chỉ huy việc tấn công vào Ukraina. Le Monde cho biết có ba cái tên gắn liền với ông ta trong ký ức người Nga, là Dimitri Komar, Ilia Kritchevski và Vladimir Oussov. Đêm 20 rạng sáng 21/08/1991, Sourovikine lúc đó 24 tuổi, chỉ huy một đoàn xe tăng lao vào hàng rào của những người biểu tình chống vụ đảo chánh của phe cộng sản. Ba nạn nhân trên, một người bị xe tăng cán nát, hai người khác bị bắn chết ; sau này được truy phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Còn đại úy Sourovikine ngồi tù sáu tháng rồi được thả.

Từ Tadjikistan sang Chechnya rồi Syria, ông ta liên tục thăng tiến. Bị kết án buôn lậu vũ khí, hà hiếp khiến một thuộc cấp phải tự tử, Sourovikine vẫn thoát tội. Ba mươi mốt năm sau vụ cho xe tăng cán người biểu tình, tính tàn ác của ông ta không hề thay đổi. Nhưng đó là một sĩ quan mẫn cán. Tên Sourovikine bị Human Rights Watch (HRW) nêu ra trong các vụ tấn công bằng bom chùm, bom lân tinh làm ít nhất 1.600 người chết tại Idlib (Syria).

Ngày 28/12/2017, khi được Vladimir Putin trao huy chương anh hùng Liên bang Nga, Serguei Sourovikine khẳng định « sẵn sàng thực hiện tất cả những nhiệm vụ được giao phó ». Sự trung thành này khiến ông chủ điện Kremlin hài lòng. Hôm 08/10, khi Sourovikine được phong làm tư lệnh « chiến dịch quân sự đặc biệt », trang web của người Nga lưu vong Meduza dẫn nguồn tin nội bộ quân đội cho biết ông ta chủ trương cho phóng hỏa tiễn ồ ạt vào cơ sở hạ tầng Ukraina kể cả dân sự. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, thông tin này đã được chứng minh là chính xác.


Không thể nhờ Trung Quốc làm trung gian hòa giải Nga-Ukraina

Về quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, chuyên gia Jean-Pierre Cabestan trên Le Monde cho rằng « Trục Bắc Kinh-Matxcơva hầu như là một liên minh ». Tuy có những hạn chế, nhưng lợi ích chung vẫn nhiều hơn. Đành rằng Trung Quốc không công nhận việc sáp nhập Crimée, Donbass và các vùng vừa được Putin cho « trưng cầu dân ý ». Tại Trung Á, Tập Cận Bình siết chặt quan hệ với Kazakhstan, đất nước có đông đảo cộng đồng người Nga. Thương mại giữa Trung Quốc và các nước thuộc Liên Xô cũ từ lâu đã vượt quá Nga, và Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ với Kiev.

Tuy nhiên cặp Nga-Trung Quốc lại sát cánh hơn bao giờ hết, trong bối cảnh Hoa Kỳ can dự vào Ukraina lẫn Đài Loan. Chính quyền Bắc Kinh từ chối nhìn nhận cuộc chiến tranh ở Ukraina là « xâm lược », không lên án Matxcơva, phản đối việc trừng phạt. Trung Quốc coi NATO cũng như các liên minh khác của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương là « nhân tố gây bất ổn », và việc Nga coi Đài Loan thuộc về Trung Quốc là đèn xanh để Bắc Kinh có thể hành động tùy ý. Nhìn rộng hơn, mỗi bên đều muốn ngự trị trong vùng ảnh hưởng của mình và khống chế kiều dân.

Trung Quốc làm mọi cách để tránh cho Nga không bị cô lập trên trường quốc tế, ảnh hưởng lớn của Bắc Kinh khiến các nước phương nam tỏ ra thận trọng. Nhà Trung Quốc học Cabestan đặt vấn đề, liệu với thái độ này có thể để cho Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraina hay không ? Ông cho rằng hoàn toàn bất hợp lý, nhất là châu Âu đã có quá nhiều bất đồng với Bắc Kinh, trong khi Ấn Độ có vẻ thích hợp hơn.


Bắc Kinh chấm dứt « ngoại giao chiến lang » ?

Ngược lại cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd tỏ ra lạc quan, nhận định « Có thể sưởi ấm ngoại giao giữa Trung Quốc và phương Tây » trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình. Bắc Kinh có nhiều lý do để cải thiện quan hệ. Kinh tế Trung Quốc gặp những khó khăn chưa từng thấy kể từ nhiều thập niên qua – do chính sách kinh tế mang màu sắc mác-xít, dân số giảm dần và zero Covid – nên rất cần buôn bán, đầu tư nhằm duy trì tăng trưởng. Và châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất, tiếp theo là Hoa Kỳ.

Quan hệ giữa Liên hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc bị xấu đi vì sự thân cận giữa Bắc Kinh và Matxcơva. Trước đó, khi EU lên án việc vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương, Trung Quốc không ngần ngại « trừng phạt » nhiều chính khách châu Âu, làm ảnh hưởng đến hiệp định đầu tư. Chưa kể việc Bắc Kinh đe dọa Litva vì chính sách về Đài Loan, cũng như đội ngũ « chiến lang » hung hăng. Bắc Kinh cũng thường xuyên gây khó dễ doanh nghiệp nước ngoài.

Giờ đây Trung Quốc tỏ ra hòa dịu hơn, có thể nhằm chia rẽ phương Tây trong cuộc chiến tranh ở Ukraina. Washington và Bruxelles nghi ngại, những vết sẹo từ ngoại giao « chiến binh sói » vẫn chưa lành. Tuy vậy, Bắc Kinh chừng như bắt đầu chiến dịch quyến rũ. Chẳng hạn nhà ngoại giao thân Nga, Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), tác giả công thức « đối tác chiến lược không giới hạn » với Matxcơva, vốn nhiều hy vọng trở thành ngoại trưởng, đã bất ngờ bị gạt sang một bên không lời giải thích. Những ứng cử viên khác chừng mực hơn.

Sau 10 tháng bỏ trống chiếc ghế đại diện ngoại giao ở EU, Phó Thông (Fu Cong), một nhân vật có mối quan hệ chặt chẽ với châu Âu được bổ nhiệm. Đây có thể là dấu hiệu Bắc Kinh muốn ưu tiên cho quan hệ ngoại giao và kinh tế, chính sách hăm dọa bị lật sang trang. Nhưng ổn định không có nghĩa là bình thường hóa, Trung Quốc nhất thiết sẽ tiếp tục chiến lược soán ngôi Hoa Kỳ, lật đổ trật tự thế giới hiện nay, trở thành đại cường số một thế giới từ nay cho đến giữa thế kỷ này.


Zero Covid, dấu ấn của Tập Cận Bình

Tiếp tục loạt bài « hướng tới » đại hội đảng Trung Quốc, Le Monde cho rằng Tập Cận Bình coi mô hình chống dịch khắt khe là biểu tượng cho sức mạnh của người khổng lồ châu Á. Một trong những điều được chờ đợi nhất trong Đại hội 20 sẽ khai mạc ngày 16/10, là 2.296 đại biểu có mang khẩu trang hay không ? Một ngàn ngày sau khi Vũ Hán bắt đầu bị phong tỏa hôm 23/01/2020, chính sách zero Covid do Tập Cận Bình quyết định vẫn là dấu ấn chính trong nhiệm kỳ thứ hai, trở thành biểu tượng của một Trung Quốc tự thu mình lại, một Nhà nước độc tài không ngần ngại biến các đại đô thị thành nhà tù.

Trong thời gian phong tỏa, người dân Hoa lục không hề biết về viện trợ của phương Tây, thông qua những chiếc phi cơ hạ cánh vào ban đêm – đảng muốn giữ thể diện. Ngược lại khi đến lượt các nước bị con virus từ Vũ Hán tấn công, Bắc Kinh cho tuyên truyền ầm ĩ, dùng « ngoại giao khẩu trang » để đặt điều kiện. Tập Cận Bình hôm 08/09/2020 khoe khoang « chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trước virus corona », nhờ « lợi thế đặc thù của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Nhưng vac-xin ARN của phương Tây và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã đảo ngược thế trận. Ông Tập vẫn muốn zero Covid bằng mọi giá, bất chấp sự bất bình của người dân và ngay trong giới tinh hoa.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.