Người Rus (Русь) là tộc người hơi cổ sinh sống ở vùng Đông Âu từ Baltic đến Hắc Hải, là cộng đồng có quan hệ huyết thống - di truyền khá lỏng lẻo của người Đông Slave, Baltic và Phần Lan.
Nơi họ sinh sống thiết lập nên quốc gia cổ là Kyivan-Rus hay Роусь, tiếng Nga Киевская Русь. Phần trung tâm của quốc gia là Kyiv hiện nay cũng chính là nguồn gốc của nước Ukraine hiện đại.
Nghiên cứu lịch sử quốc gia cổ này một cách sâu sắc có nhà sử học Ukraine Mykhailo Hrushevsky (1866-1934) cho kết luận người Ukraine hiện nay là tộc người cấu thành chính trong cơ cấu dân tộc cùa Kyivan-Rus.
Sau khi nhà nước này bị tiêu diệt bởi Đế quốc Mông Cổ, đến thời kỳ xuất hiện của Đại công quốc Moskva (Moskovia), nó xóa sổ những dấu tích của nhà nước Kyiv cổ của người Rus cả trên thực tế lẫn ghi chép lịch sử.
Sau Cách mạng tháng Mười, quá trình này còn được thúc đẩy mạnh mẽ và tinh vi hơn, điển hình là hệ thống nghiên cứu đồ sộ của viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Boris Grekov (1882-1953). Đỉnh cao của hệ thống này là tác phẩm “Киевская Русь” (ảnh 2). Nội dung chính của nó cố gắng chứng minh các tộc người Nga, Belarus và Ukraine hiện nay chia sẻ bình đẳng quốc gia cổ Kyiv và việc sau này trung tâm đất nước ở Moskva là sự dịch chuyển trung tâm vẫn của quốc gia ấy. Grekov là người có tư tưởng theo quan điểm Marxism-Leninism, đối lập với Mykhailo Hrushevsky bị cho là đại diện của “dân tộc chủ nghĩa.”
Đến nay đã có nhiều công bố về nguồn gốc lâu đời và gắn bó bền vững của người Ukraine với quốc gia Kyivan-Rus. Quan niệm này không phù hợp với giải thích của Nga hiện nay, nếu coi người Nga là dân tộc thiểu số hơn người Ukraine trong Kyivan-Rus và sau đó lập quốc muộn hơn, nghe không thích thú cho lắm. Vì thế, quan điểm của Grekov vẫn là quan điểm chính thống của Nga cho đến lúc này. Mặt khác những nghiên cứu của ông, nhất là về người Tartar, Hãn quốc Crimea.... rất giá trị nên uy tín của ông rất lớn.
Gần đây có nhiều công bố “Rus không phải là Nga” rất hay và khách quan, nếu được đọc chúng sẽ giúp tiếp cận các khái niệm chưa rõ. Ví dụ “Rus” và “Russia” trong tiếng Anh dễ gây nhầm lẫn là một, nhưng “Русь / Россия” thì chắc chắn không phải là một. Vậy câu chuyện cụ thể thế nào về cái “lý thuyết thần thoại:”
***
PHẢI CHĂNG “RUS” VÀ “NGA” LÀ MỘT VÀ GIỐNG NHAU?
“Rus” và “Nga” là hai hiện tượng lịch sử khác nhau. “Rus” theo nghĩa rộng là tất cả những gì chính thức thuộc về các “rurikovich” trước khi bị Mông Cổ xâm lược vào thế kỷ XIII, theo nghĩa hẹp – khu vực Trung Dnipro sau này. Nhưng điều đáng nói, Nga đã là tên của Nhà nước Mátxcơva (Moscovia) từ năm 1721 (tức là từ khi hình thành Đế quốc Nga).
“Rus” trong mọi trường hợp và theo cách hiểu rộng nhất là các công quốc nằm dưới sự cai trị của triều đại Rurik trước cuộc xâm lược của người Mông Cổ năm 1237 – 1241. Triều đại Rurik (trong tiếng Belarus còn được gọi là triều đại Rurikid hoặc Rurikids, là một dòng dõi quý tộc được thành lập bởi hoàng tử Varangian Rurik, người đã tự lập ở Novgorod vào khoảng năm 862 sau Công nguyên.
Rurikids là triều đại cai trị của Kyivan Rus (sau cuộc chinh phục Kyiv của Oleg “của Novgorod” năm 882) trước khi nó tan rã vào giữa thế kỷ 13, cũng như các công quốc Rus kế vị và các nước cộng hòa hoàng tử Rus Novgorod, Pskov, Vladimir – Suzdal, Ryazan, Smolensk, Galicia – Volhynia (sau năm 1199), Chernigov, và Đại công quốc Mátxcơva (từ năm 1263).
Sau đó là “Các vị vua của “Rus”” người Galicia là Daniil của Galicia (1253–1264) và cháu trai của ông ta là Yuri I Lvovich (1301–1308). Nhưng “Nga” là một quốc gia phát sinh vào đầu thế kỷ XVIII trên cơ sở Đại công quốc Mátxcơva giành được độc lập từ Khan Tatar vào năm 1480.
Đông Bắc “Rus” (khu vực Mátxcơva hiện đại) lần đầu tiên được gọi là “Rus” trong một nguồn cổ sử liên quan đến giai đoạn 1237 – 1238 trong tác phẩm “Kể về sự hủy diệt của vùng đất Nga” ca ngợi cuộc xâm lăng của người Mông Cổ.
Từ “Nga” (“Rosia”) là từ có nguồn gốc Hy Lạp cổ (Hellenism), là tên mở rộng của “Rus.” Từ sau cuộc tấn công của người Varangian từ Biển Đen vào Constantinople năm 860, người Byzantine gọi “Rus” nghĩa là “người đã lớn.”
Từ cuối thế kỷ XV Mátxcơva bắt đầu khẳng định vị thế của “Đệ tam La Mã” và “tập hợp các vùng đất của Nga,” mà vào năm 1533, dưới thời Ivan IV Bạo chúa, đã đổi tên nước thành “vương quốc Nga”. Tuy nhiên, tất cả các nước láng giềng, đặc biệt là Đại công quốc Litva, tiếp tục gọi vương quốc này là “Muscovy.”
Cho đến đầu thế kỷ XVIII cái tên “Nga” vẫn không có hàm ý chỉ định rõ ràng đến một lãnh thổ cụ thể, biểu thị “Rus nói chung” hoặc một phần của nó trong các văn bản của giới giáo hội khai sáng (những người biết tiếng Hy Lạp). Đặc biệt, vào giữa thế kỷ XVII khái niệm “Nga” cũng có thể được gọi là “Trung Ukraine” (“Rus” gốc). Có thể thấy điều này qua bài thơ của các sinh viên trường Cao đẳng Mohyla Kyiv và khoảng năm 1648-1649, dành tặng Bogdan Khmelnitsky: “Với ngài, nước Nga đã đứng vững trên đôi chân của mình” («С тобою Россия на ноги встала») . Rõ ràng ở địa vị những người có học thức mà viết như vậy, chắc chắn họ không có ý nói đến nhà nước Muscovy.
Năm 1721, theo đề nghị của Feofan Prokopovich, một cư dân của Kyiv, một trong những nhà tư tưởng cải cách của Piotr Đại đế, “vương quốc Nga” (“Русское царство”) được đổi tên thành “Đế quốc Nga” (“Российскую империю”). Vậy là, chính thức mà nói nước Nga ngày nay là “Nga” kể từ năm 1721. Sau đó, những cái tên có thành phần “Nga” là kết quả của sự thống nhất đế quốc đối với các vùng đất rộng lớn của St. Petersburg – chẳng hạn “Novorossiya” (Tân Nga – “Новороссия”), đồng thời cái tên “Ukraine” được thay thế bằng “Tiểu Nga.”
Từ quan điểm về tên của các vùng lãnh thổ, không ai “chính thức đổi tên Rus” thành “Ukraine”. Trung tâm của Ukraine hiện đại xung quanh Kyiv là “Rus nguyên thủy.” Và do đó, tên của Ukraine “Ukraine-Rus” sẽ khá hợp lý về mặt lịch sử.
Đáng tiếc là từ trước đến nay, tác phẩm “Киевская Русь” của Grekov ngay tiêu đề vẫn được dịch sang tiếng Việt là “Nước Nga Ki-ép.” Điều đó làm cho tất cả chúng ta luôn luôn nghĩ rằng người Nga, nước Nga hiện đại là gốc đầu tiên, “nước Nga Ki-ép” và là nguồn gốc của tất cả những thứ sau này, trong đó dân tộc và văn hóa Ukraine chỉ là một bộ phận phái sinh. Đây là một trong những sai lầm nhất về mặt lịch sử, mà nó được đem lại do một quá trình tuyên truyền lâu dài có chủ đích, và người Việt Nam là một trong những nạn nhân của quá trình đó.
***
Như vậy tình hình cụ thể trong lịch sử như thế nào, là việc của các nhà sử học còn chúng ta thì có quyền dựa trên những điều chắc chắn chúng ta biết: (1) Lịch sử Xô-viết đã ghi chép về Nhà nước cổ Kyivan-Rus theo quan điểm Marxism-Leninism của Grekov theo tư duy “duy nhất đúng” và (2) Đến nay ngay cả trên nước Nga cũng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng xem xét lại những thứ “duy nhất đúng” đó.
Từ hai điểm trên, chúng ta có quyền đặt lại câu hỏi rằng phải chăng Grekov đã phiến diện, chủ quan, thậm chí dựa trên tư tưởng Đại Nga để phủ nhận nguồn gốc lâu đời hơn của người Ukraine trong giai đoạn lịch sử “Nhà nước cổ Kyivan- Rus?”
Cá nhân tôi thì rất mong trong tương lai sẽ có những tác phẩm của Mykhailo Hrushevsky được dịch sang tiếng Việt, đặc biệt là những nghiên cứu của ông về vai trò của dân tộc Ukraine trong sự hình thành, tồn tại và cả diệt vong của Nhà nước cổ Kyivan-Rus. Có như vậy những người Việt Nam chúng ta mới có thể hiểu được rõ ràng vai trò lịch sử của các dân tộc trong quan hệ với các dân tộc khác.
Để kết thúc đề mục này, tôi xin dẫn câu nói của một học giả người Việt Nam, bác Kim Văn Chính: “Lịch sử của Nhà nước cổ Kyivan- Rus trong cả những gì đã diễn ra và cả những gì đã được ghi nhận đến nay, cho thấy người Nga thì bị mất quê (ở Kyiv) còn người Ukraine thì bị mất tên.”
Còn cá nhân tôi thì nếu nhắc đến nước Ukraine trong lịch sử sẽ cố gắng gọi là “Ukraine- Rus.”
PHÚC LAI 27.12.2022
Các tài liệu tham khảo:
• Греков Б.Д. «Киевская Русь» – Госполитиздат, Москва 1953.
• Кирило Галушко. «Русь» и «Россия» – это одно и то же? 24/8/2014
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.