Đăng ngày:
Trang nhất Libération hôm nay được dành cho « Trí thông minh nhân tạo : Nói chuyện với một robot ». ChatGPT, robot có thể trò chuyện bằng nhiều thứ tiếng được trình làng từ một tuần qua đã thu hút hơn một triệu ngựời. Les Echos quan tâm đến « Thuế, gánh nặng của doanh nghiệp Pháp », La Croix cho biết « Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được đặt trong tầm ngắm ».Về thời sự quốc tế, Le Monde nhận định « Covid : Trung Quốc đành phải thay đổi chính sách », còn Le Figaro nhìn sang Trung Đông, chạy tựa « Iran : Chế độ của các giáo sĩ bất lực trước phong trào nổi dậy ». Ở các trang trong, việc Ukraina tấn công vào nội địa Nga ; còn Trung Quốc phải giảm nhẹ phong tỏa, thực chất là từ bỏ zero Covid do loạt biểu tình vừa qua, được các báo rất chú ý.
Tấn công cơ sở quân sự trên đất Nga : Tự vệ chính đáng và là đòn tâm lý
La Croix và Le Monde cho biết việc Ukraina dùng drone oanh kích hai căn cứ không quân và một sân bay quân sự Nga ở cách biên giới khoảng 500 kilomet đã gây ngạc nhiên cho giới quân sự. Hai oanh tạc cơ hạng nặng của Nga đã bị hư hại, ba quân nhân thiệt mạng. Cho dù Kiev không chính thức nhận trách nhiệm, đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina phản đòn sâu vào nội địa Nga.
Để so sánh, thủ đô Matxcơva nằm cách biên giới Ukraina chưa đầy 500 kilomet, hoàn toàn trong tầm tấn công. Một chiến thắng mang tính biểu tượng, chứng tỏ khả năng trả đũa chiến dịch phá hoại cơ sở hạ tầng của Ukraina. Cựu tướng Úc Mick Ryan nhận xét : « Đây là một đòn tâm lý. Dân Nga cứ ngỡ rằng hoàn toàn không bị tác động từ chiến tranh ».
Căn cứ Diagilyevo ở vùng Riazan ở cách điểm kiểm soát gần nhất của quân đội Ukraina khoảng 500 kilomet, và căn cứ Engels ở vùng Saratov cách Kharkiv trên 600 kilomet, cả hai bị oanh kích cùng ngày thứ Hai 05/12. Còn sân bay Khalino bị nhắm đến hôm sau, cách biên giới Ukraina 100 kilomet.
Theo các nguồn phương Tây và Nga, Ukraina tấn công bằng Tupolev Tu-141 Strizh, drone trinh sát do Liên Xô sản xuất trong thập niên 70 có thể bay nhanh và thấp khiến khó phát hiện. Sau khi độc lập, Ukraina còn giữ lại nhiều chiếc Tu-141 có tầm hoạt động 1.000 kilomet, một số có thể đã được lắp đặt thêm hệ thống định vị GPS và chất nổ để biến thành drone tự sát. Một giả thiết khác là tập đoàn Ukroboronprom chế tạo thành công drone bay xa 1.000 kilomet và mang được 75 ký chất nổ.
Các căn cứ Nga từ nay không còn an toàn
Nhà nghiên cứu Jean-Christophe Noel của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nhấn mạnh, đây là « sự trả đũa chừng mực », cho thấy tính sáng tạo của Kiev. « Ukraina đã quyết định không còn khoanh tay đứng nhìn, chứng tỏ quyết tâm đối phó ». Và họ chỉ tấn công nơi xuất phát chiến dịch phá hoại, chứ không đánh vào mục tiêu dân sự hay cơ sở hạ tầng Nga. Tiến sĩ Rob Lee của King's College (Anh) nhận định : « Nếu các radar và đơn vị phòng không Nga không thể ngăn cản một chiếc Tu-141 bay xa mấy trăm cây số, đánh vào căn cứ chính của các oanh tạc cơ chiến lược trong thời chiến, không có gì sáng sủa cho khả năng ngăn chận một cuộc tấn công ồ ạt bằng hỏa tiễn hành trình ».
Được biết căn cứ Engels là nơi xuất phát các oanh tạc cơ Nga để phá hoại hệ thống năng lượng Ukraina, căn cứ Diagilyevo có các phi cơ tiếp liệu, oanh tạc cơ, trung tâm huấn luyện phi công. Còn sân bay Khalino từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng được dành cho các chiến đấu cơ. Sau ba vụ tấn công trên, ít nhất sáu oanh tạc cơ đã phải dời sang nơi khác.
Tại trụ sở NATO, việc Ukraina đánh vào các mục tiêu quân sự ở Nga được coi là hành động tự vệ hợp pháp, vào lúc Matxcơva tìm cách kìm lại cuộc chiến trong mùa đông để chuẩn bị đợt tấn công mới vào mùa xuân. Lo ngại leo thang chiến sự, phương Tây hạn chế cung cấp hỏa tiễn tầm xa, chiến đấu cơ hiện đại, hỏa tiễn Patriot. Phía Mỹ cho biết tuy không khuyến khích nhưng cũng không ngăn chận Ukraina. Theo tạp chí Vortex, Matxcơva nay đành phải co cụm lại ở một số địa điểm, và các cơ sở quân sự Nga nay không còn an toàn, dù có cả một mạng lưới phòng không xung quanh Ukraina.
Zelensky, nhân vật năm 2022 : Chọn lựa « chưa bao giờ rõ ràng đến thế » của Time
Về việc tổng thống Volodymyr Zelensky và « tinh thần Ukraina » được tạp chí Time chọn là nhân vật trong năm, Libération trích dẫn lý do được tuần báo uy tín của Mỹ đưa ra. « Vì đã chứng tỏ rằng lòng can đảm cũng có thể lan tỏa như sự sợ hãi, đã thúc đẩy những con người và các quốc gia đoàn kết lại để bảo vệ tự do, đã nhắc nhở cho thế giới sự mong manh của dân chủ và hòa bình ».
Đôi mắt xanh nhìn thẳng về phía trước, khuôn mặt râu ria, chiếc áo màu kaki đã trở thành nổi tiếng, bao quanh ông Zelensky là những khuôn mặt tranh đấu, những lá cờ xanh vàng, hoa hướng dương...chiếm trang bìa tờ Time xuất bản hôm qua. Tổng biên tập Edward Felsenthal nhấn mạnh : « Volodymyr Zelensky đã gây phấn khích cho cả thế giới bằng cách mà chúng ta chưa từng thấy từ nhiều thập niên qua ». Đối với Time, sự chọn lựa nhân vật cho năm nay « chưa bao giờ rõ ràng như thế ».
Ông Felsenthal nói thêm : « Trong những tuần lễ tiếp theo các cuộc oanh tạc của Nga hôm 24/02, quyết định của ông Zelensky không di tản khỏi Kiev mà ở lại và tập hợp được sự ủng hộ, là rất quan trọng. Từ thông điệp đầu tiên dài 40 giây trên Instagram hôm 25/02 - cho thấy văn phòng tổng thống và xã hội dân sự không suy suyển và vẫn trụ lại - cho đến những bài diễn văn trực tuyến hàng ngày trước các định chế như Quốc hội nhiều nước, Ngân hàng Thế giới, Grammy Awards, tổng thống Ukraina có mặt khắp nơi ».
Sau đợt phản kháng, Trung Quốc bỏ zero Covid
Tại châu Á, Les Echos nhận thấy « Trung Quốc bắt đầu một sự thay đổi dứt khoát và đầy rủi ro trong việc quản lý Covid », Le Monde cũng ghi nhận « Bắc Kinh từ bỏ những biện pháp dịch tễ quá cứng rắn », « Trung Quốc nới lỏng gọng kềm zero Covid » (Le Figaro). Tuy không chính thức tuyên bố chấm dứt chính sách khắt khe này, nhưng Trung Quốc giờ đây đành sống chung với con virus.
Chẳng hạn việc giảm xét nghiệm PCR gắn liền với mã QR y tế, « vũ khí » chính của Trung Quốc từ nhiều tháng qua. Cho đến nay, người dân phải đi xét nghiệm nhiều lần trong tuần để có thể đến những nơi công cộng. Tại các nhà ga, sân bay, hành khách khi đến nơi phải chịu thử PCR cho dù lúc đi đã xét nghiệm rồi. Nay thì có thể đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Một biện pháp quan trọng khác áp dụng suốt ba năm qua, nay cũng được từ bỏ là không còn buộc cách ly tập trung. Những ai không có triệu chứng hay chỉ có những dấu hiệu nhẹ, có thể tự cách ly tại nhà.
Dan Macklin, nhà phân tích ở Thượng Hải nhận thấy Bắc Kinh muốn tỏ ra chủ động thay đổi chính sách chứ không phải do làn sóng biểu tình. Thế nên dù số lây nhiễm lên cao, nhà cầm quyền vẫn có những phát biểu trấn an. Vấn đề còn lại là liệu chính quyền địa phương có thi hành trên thực tế hay không, vì sự nghiệp của quan chức liên quan đến công trạng chống Covid. Ngoài ra, cơ quan tư vấn Wigram Capital Advisors dự báo một làn sóng lây nhiễm sẽ tràn ngập trong mùa đông này. Nếu Bắc Kinh không kiểm soát nổi, trên 1 triệu người có nguy cơ tử vong do tỉ lệ chích ngừa nơi người lớn tuổi ít và vac-xin made in China kém hiệu quả. Financial Times dự báo đến giữa tháng Ba mỗi ngày có khoảng 20.000 người chết, nhu cầu hồi sức tăng gấp 10, đặc biệt là đợt về quê ồ ạt trong dịp Tết.
Công an truy bức các thanh niên biểu tình
Người biểu tình đã chiến thắng, nhưng không phải là không trả giá. Thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải kể lại việc « bóp nghẹt làn sóng phẫn nộ chống zero Covid ». Theo lời chứng của các thanh niên tham gia biểu tình, họ bị còng tay bắt vào đồn công an, bị buộc cởi hết quần áo, bị lăng nhục, bắt đứng dựa vào tường nhiều tiếng đồng hồ, hát quốc ca, chép đi chép lại điều lệ đảng…thậm chí bị tra tấn.
Một thanh niên nói rằng không sợ hậu quả, chỉ e ngại sự thô bạo của các công an viên kể cả với nữ, chẳng hạn một công an mặc thường phục liên tục nhục mạ, ném chai lọ, tàn thuốc vào mặt họ. Sau đó là thẩm vấn riêng từng người, buộc khai mật mã điện thoại, thông báo cho công an địa phương và nhà trường, gọi thân nhân đến bảo lãnh… Có những người biểu tình bị « bắt nguội » tại nhà hay nơi làm việc do công an định vị điện thoại. Nhưng những người được hỏi chuyện đều cho biết không hề hối hận đã tham gia.
Iran : Chế độ thần quyền đàn áp để tồn tại
Tại một quốc gia độc tài khác là Iran, Le Figaro nhận thấy « Nhà cầm quyền cứng rắn, phong trào phản kháng vẫn không bị yếu đi ». Trên 400 người đã thiệt mạng, 15.000 người bị bắt và ít nhất 11 bản án treo cổ đã được tuyên : sau gần ba tháng biểu tình, nhà cầm quyền vẫn bám vào chủ trương đàn áp tàn bạo để có thể sống sót. Về phía người biểu tình vẫn không từ bỏ cuộc đấu tranh đòi tự do, thay đổi chế độ. Bất tuân dân sự, đình công toàn quốc, biểu tình đông đảo…Rất nhiều phụ nữ thách thức bằng cách để đầu trần không choàng khăn xuống đường, dù theo luật năm 1983 có thể bị đánh 72 gậy.
Trong ngắn hạn, chưa có gì thay đổi. Nhà nghiên cứu Ali Alfoneh của Viện các Nhà nước Vùng Vịnh đặt tại Washington khẳng định : « Chế độ không dập tắt nổi sự phẫn nộ của đường phố, nhưng người biểu tình cũng không lật đổ được vì không có ban lãnh đạo, không được tổ chức và không có nguồn tài trợ ». Ngay cả tình báo Israel, kẻ thù không đội trời chung của bộ máy thần quyền Shia Iran, cũng cho rằng « chế độ này không bị nguy hiểm trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những năm sắp tới ».
Bị Bắc Kinh chèn ép, châu Âu kiện lên WTO
Về quan hệ châu Âu-Trung Quốc, Les Echos cho biết căng thẳng đang lên cao giữa Bruxelles và Bắc Kinh về thương mại. Do không tìm được thỏa thuận, Liên hiệp Châu Âu (EU) đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề sở hữu trí tuệ và việc chèn ép Litva. Theo ủy viên thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis, EU đã hết sức kiên nhẫn, dành nhiều thời gian để mong giải quyết thông qua tiến trình tham vấn nhưng vô vọng. EU nay không có chọn lựa nào khác là phải yêu cầu lập hai nhóm đặc biệt của WTO để xử lý hai hồ sơ.
Trước hết là về việc Bắc Kinh cưỡng ép các công ty châu Âu phải từ bỏ quyền bảo vệ bằng sáng chế của mình. Chẳng hạn những doanh nghiệp nào kiện ra các tòa án châu Âu vì bất đồng trước một bằng sáng chế Trung Quốc có thể bị phạt đến 130.000 euro một ngày. Hồ sơ thứ hai liên quan đến việc Trung Quốc ngăn chận hàng xuất khẩu của Litva, thành viên EU. Do năm ngoái cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện thương mại, Bắc Kinh đã nổi trận lôi đình, cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Litva. Bên cạnh đó còn bất ngờ lấy cớ vệ sinh dịch tễ để cấm nhập rượu, thịt bò, sữa, trái cây từ Litva đưa sang. Hậu quả là xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc sụt mất 80 %. Vụ này còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Liên hiệp Châu Âu, gây thiệt hại cho các công ty Thụy Điển và Đức.
Tuy nhiên châu Âu sẽ phải kiên nhẫn thêm rất nhiều, vì Trung Quốc có thể chống lại việc lập các nhóm đặc biệt. Thời gian xem xét kéo dài có khi đến một năm rưỡi, và nếu bị bất lợi, Bắc Kinh kháng cáo thì cơ quan phúc thẩm của WTO không hoạt động được vì Hoa Kỳ ngăn cản việc thay thế các thẩm phán. Một giải pháp khác là dùng các công cụ chống cưỡng bức mà Ủy ban Châu Âu đang chuẩn bị. Cuộc leo thang chỉ mới bắt đầu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.