dimanche 11 décembre 2022

Bông Lau - Thành phố cảng

 

Hải Phòng không những là một địa danh có nhiều di tích lịch sử của thời Pháp thuộc, và ba trận Bạch Đằng Giang chống ngoại xâm lừng lẫy. Hải Phòng còn là một địa điểm chiến lược quân sự từ Thế Chiến Thứ Hai cho đến chiến tranh Việt Nam.

Theo tài liệu của quân sử Mỹ, từ ngày 8 tháng Tám năm 1942 đến ngày 29 tháng Bảy năm 1945 khi quân Nhật chiếm Việt Nam, Hoa Kỳ đã oanh tạc Hải Phòng khoảng 40 lần. Mỗi lần có khoảng mấy chục chiếc khu trục và oanh tạc cơ các loại như P-38, P-40, P-51, B-17, B-25, B-24 v.v.

Đặc biệt ngày 29 tháng Bảy năm 1945, trước một tuần Hoa Kỳ thả bom nguyên tử ở Nhật Bản, có khoảng 100 chiếc khu trục P-38, P-51, P-61 oanh kích Hải Phòng. Các mục tiêu là cơ sở hạ tầng được quân đội Nhật sử dụng như hải cảng, xưởng sửa chửa tàu, xưởng hỏa xa, phi trường, đài phát thanh, nhà máy xi măng, kho hàng, trại lính v.v...


 

Trong chiến tranh Việt Nam, sau một thời gian đầu e ngại cố vấn Liên Xô và Trung Cộng đang làm việc ở Hải Phòng và Hà Nội bị thương vong và điều đó sẽ khiến hai quốc gia Cộng Sản này trực tiếp nhập cuộc. Ngày 20 tháng Tư năm 1967 Hoa Kỳ lần đầu tiên ồ ạt oanh tạc Hải Phòng. Có 86 máy bay phản lực chiến đấu từ hàng không mẫu hạm bay vào đánh bom các căn cứ quân sự chung quanh Hải Phòng.


Chiến tranh “giải phóng” càng ngày càng leo thang. Vào Mùa hè đỏ lửa 1972 khi cộng sản Bắc Việt tràn qua biên giới tấn công 3 mặt trận ở miền Nam là Trị-Thiên, Tây Nguyên và Bồng Sơn-Tam Quan- Sa Huỳnh, Bình Long. Chính quyền Nixon trả đũa để giải tỏa áp lực quân sự của Cộng quân ở miền Nam, và cũng để áp lực đối phương ký kết ngưng bắn để Hoa Kỳ rút quân “trong danh dự”. Hải Phòng lại bị dội bom tơi bời hoa lá, và bị phong tỏa mìn ở các sông và cửa biển.


Từ ngày 9 tháng Năm đến ngày 23 tháng Mười năm 1972, Không Đoàn 7 và Lực Lượng Đặc Nhiệm 77 của Hải Quân Hoa Kỳ khai diễn Chiến dịch Linebacker (Phòng Vệ). Ngày 28 tháng Tám năm 1972, Hải Phòng được coi như bị oanh kích nặng nề nhứt trong chiến tranh Việt Nam và phòng không của Bắc Việt cũng dữ dội nhứt từ trước đến giờ. Các mục tiêu quân sự của các cuộc đánh bom trong ngày này gồm có 2 xưởng đóng tàu, một cơ sở sửa chữa xà lan, phi trường Cát Bi, và phi trường Kiên An của máy bay Mig.


Bom đạn đã ngừng rơi cách đây nửa thế kỷ. Mùa Xuân 2022 người viết đi lang thang tìm kiếm những di tích lịch sử của thành phố cảng. Đêm đầu tiên được một bác xe ôm dễ thương và tốt bụng chở đi coi Nhà Hát Lớn và Ga xe lửa Hải Phòng. Đêm mùa xuân lành lạnh, thành phố đi ngủ sớm nhưng sân trước của Nhà Hát Lớn là bãi đậu xe tối hù, có vài tốp thanh niên nam nữ lái xế hộp xịn đến đó tụ tập trò chuyện. Giống những ngôi làng nhỏ ở Mỹ cũng thường có đám trẻ tập họp “giao lưu”.

Nhà Hát Lớn Hải Phòng là một công trình kiến trúc rất đẹp của Người Pháp hoàn tất vào năm 1912. Không biết màu nguyên thủy là gì nhưng chắc là màu cà phê sữa nhạt. Giờ đây họ sơn lại màu vàng khè nặng nề như Ty Bưu Điện Sài Gòn.


Ban đêm tòa nhà hỏng có đèn đuốc gì ráo nên tối mù mù, chắc sợ tốn điện chăng. Hình bác Minh bự chần dần lù lù trong bóng tối thiệt quái dị. Chắc người ta sợ con dân quên hình bóng cha già dân tộc nên phải làm hình thiệt bự để nhắc nhở đừng có quên người. Đây là đặc điểm sùng bái lãnh tụ của những nước độc tài chuyên chính.

Trên nóc nhà hát treo một lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ quá khổ. Ông nào ra lịnh treo lá cờ này chắc chắn hỏng có kiến thức gì về mỹ thuật cả và hắn nghĩ rằng cờ càng to thì lòng yêu nước càng ngùn ngụt lên nóc nhà.

Lá cờ đỏ sao vàng khủng chưa đủ, họ còn cho treo thêm hai hàng cờ đỏ hai bên làm tăng độ lòe loẹt, biến một công trình kiến trúc Tây phương đơn giản sang trọng thành cái am lên đồng. Có lẽ bị ảnh hưởng văn hóa màu mè của người Tàu, vì nét văn hóa Nhật thì không lòe loẹt.


Được một ưu điểm là Hải Phòng rất sạch sẽ. Hè phố không thấy rác. Buổi chiều hình như có xe đi phun nước ngoài đường cho sạch và ít bụi. Vệ sinh hơn Sài Gòn và Hà Nội nhiều lần.

Về ẩm thực thì khách phương xa sẽ lúng túng, nếu không rành ngõ ngách mà đi lang thang một mình sẽ đói meo vì Hải Phòng không có nhiều quán xá như Sài Gòn. Có vài quán cóc hai bên lề đường có bàn ghế thấp lè tè vài chục centimet thì ngồi ăn sao thoải mái hả chời.

Đi bộ lòng vòng gần cả tiếng đồng hồ ban đêm trên đường Lạch Trây mới tìm được quán “Bánh Đa Cua Bà Cụ”. Lần đầu tiên mới được hân hạnh ăn món bánh Đa đặc sản của người Bắc mà hỏng biết ăn như thế nào cho đúng cách. Gọi món bánh Đa thập cẩm tả pí lù đủ thứ thì họ bưng ra một tô khô hỏng có nước. Mình hỏi có phải đổ nước súp vào như phở hong ta. Giống cán ngố dìa làng. Thôi cũng tạm cho qua cơn đói. Chắc chắn họ có những món bánh đa ngon khác mà khách viễn du còn mù tịt.

Đến phần trả tiền thì muốn độn thổ luôn. Ông quản lý có vẻ hỏng thân thiện cho lắm. Giá phải trả là sáu chục ngàn gì đó, hỏng nhớ chi tiết cho lắm. Kẻ hèn móc ra tờ 100 ngàn và dặn dò thêm rất là hào sảng: “Ông cứ giữ tiền lẻ nhé”. Ổng tưởng mình giỡn nên gằn giọng: “Anh phải đưa thêm 5 tờ như zậy nữa”. Rồi chả nói tiếng Anh làm như mình hỏng hiểu tiếng Ziệt Nôm zậy: “five – one thousand”. Đang hoang mang hỏng biết sao cha này chặt chém dữ thần. Thì ra á đù, mình đưa chả tờ 10.000 mà cứ tưởng là 100.000. Số zero sao mà nhiều quá zậy nè, làm người ta đếm lộn.


Đến thăm Bạch Đằng Giang mới là mục đích chính của cuộc viếng thăm. Không đủ ngôn ngữ để diễn tả tâm tư khi nhìn thấy giòng nước đục ngầu lững lờ trôi. Nơi đây máu của quân thù đã từng nhuộm đỏ. Lịch sử của cha ông sao uy nghiêm và hùng anh. Rất khác với thời đại ngày hôm nay.


Trên đường ra phi trường kẻ hèn được một chú taxi đưa đi cũng rất dễ thương và thân tình. Mới đầu chú ấy cứ hỏi dồn “Bác ở đâu tới” làm mình hơi khó chịu vì bản tính không thích khai báo chi tiết cá nhân cho người lạ, nhứt là đang đi trên đất Bắc thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Nhưng cũng ráng ừ è cho qua chuyện để chả hỏng hỏi nữa.

“Ừa, tui ở Mỹ”. Nghe ở Mỹ chú ấy càng tăng vận tốc thẩm vấn: “Anh ở Cali hả”. Nghe đến chữ Cali là cảm thấy rất ngứa tai khó chịu liền. “Không”. “Vậy anh ở đâu?”. “Ở miền đông”. “Miền đông là ở đâu?”. Cha này nhiều chiện quá sức... Sau đó chả xưng “em” rất ngọt ngào và bắt đầu mở máy nói liên tục hơn lúc nãy nữa.

Chú ấy bắt đầu chửi bới dữ dội. Khi đi ngang một đại lộ lớn, chú taxi chỉ các ngôi biệt thự lớn như những tòa lâu đài nhỏ chạm trỗ công phu. “Đây nhá, đó là biệt phủ của “thằng” (quên mất tên). Nó mới bị bắt”. “Cái kia là biệt phủ của thằng.... Bác làm cả đời bên Mỹ chưa chắc có đủ tiền xây được một góc cái biệt phủ này”.

Khi đến phi trường, chú taxi đẩy giùm cái vali đến tận cổng ra vào như thân nhân đưa đón rồi thân tình bắt tay từ giã. Ổng nói lớn oang oang làm mấy người chung quanh ngoái cổ nhìn tò mò. “Bác hãy ở bên đó sống hạnh phúc và đừng về cái đất nước này làm gì nữa”.

Giọng nói oán hờn nghe thiệt buồn. Làm người ra đi cũng ngậm ngùi nhớ những người bạn khí khái dám nói và dám sống. Chiến tranh đã chấm dứt lâu rồi và không còn dấu tích của sự tàn phá. Nhưng cuộc chiến mới đang âm ỉ trong lòng rất nhiều người.

BÔNG LAU 11.12.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.