vendredi 13 mai 2022

Zero Covid và chiến tranh Ukraina làm nổi bật giá trị thế giới dân chủ


Đăng ngày:

 

Cách đây sáu năm, chiến thắng của ông Donald Trump tại Hoa Kỳ và Brexit gây chấn động lớn. Đến 2017, Đức phải mất sáu tháng mới lập được chính phủ liên minh, khiến cả châu Âu lo lắng chờ đợi. Tại Ý, các đảng chống hệ thống ca khúc khải hoàn và Matteo Salvini đe dọa lập một liên minh cực hữu ở châu lục. Tại Pháp, Marine Le Pen đối đầu với Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống, và sau đó cuộc khủng hoảng Áo Vàng gây sóng gió trên toàn quốc.

Phương Tây tự hỏi phải chăng bầu cử đã trở thành một bộ máy gây chia rẽ xã hội, các mạng xã hội đang giết đi mọi dạng thức ôn hòa ? Cực đoan đã lên ngôi, chung sống hòa bình bị khai tử, thế giới tự do nghiêng ngả khi tả khi hữu theo những xung động cử tri ? Chừng như cai trị bằng bàn tay sắt như Tập Cận Bình và Vladimir Putin mới hiệu quả ? Nhưng đầu năm 2022 đã diễn ra một bước ngoặt. Cuộc xâm lăng Ukraina và cuộc khủng hoảng Covid bất tận ở Trung Quốc bất ngờ mang lại cho các nước dân chủ sự tự tin. 

Matxcơva gieo rắc cái chết, Bắc Kinh hạn chế ngặt nghèo các quyền tự do, làm kinh tế khốn đốn. Cả hai cùng gây nguy hiểm cho thế giới, đồng thời phô bày những khiếm khuyết trong hệ thống chính trị. Trong cả hai trường hợp, là một chính phủ hoàn toàn do một con người khống chế, tiến hành một chính sách mà rốt cuộc người lãnh đạo này lại trở thành tù nhân của chính sách đó. Hoàn toàn không có lực lượng đối lập hay phản biện, nhồi sọ và sự sợ hãi làm không ai dám lên tiếng, nên dù chính sách sai lầm vẫn không có đường lui. Những chính khách ngày hôm qua còn ca ngợi Vladimir Putin và hệ thống được cho là hiệu quả của ông ta, nay đều im tiếng. Và những lời tố cáo phương Tây là độc tài về y tế trở nên vô nghĩa, khi Trung Quốc nhốt kín hàng triệu người trong những điều kiện đôi khi vô nhân đạo, làm cả một vùng đất rộng lớn bị tê liệt.

Bỗng dưng người ta nhận ra rằng chính vì cho phép thay đổi mà các chế độ dân chủ có thể điều chỉnh mục tiêu, nhận ra những sai lầm. Khi không có khả năng này, chế độ tìm mọi cách tạo chính danh cho sự duy trì quyền lực, dù ngày càng lún sâu. Việc đột ngột liên kết lại vào đầu cuộc xâm lăng Ukraina chứng tỏ phương Tây đã ý thức được điều này, không chỉ nhằm tái lập tương quan lực lượng với các cường quốc khác, mà cùng bảo vệ một hệ thống chính trị vừa mong manh vừa quý giá. Một hệ thống dù có những sai lầm nhưng luôn có thể tự kiểm điểm, giúp tránh được điều tệ hại nhất.


« 
David » Ukraina chống lại « Goliah » Nga bằng sự sáng tạo

Trang nhất các báo hôm nay dành cho thời sự nước Pháp nhưng ở những trang trong, tình hình Ukraina vẫn được chú ý nhiều nhất. Le Monde khen ngợi tính sáng tạo của quân đội Kiev để chống lại hỏa lực mạnh hơn gấp nhiều lần của Nga. Chẳng hạn Ukraina đã khiến Nga phải thất bại nhục nhã qua việc phá hủy hơn một chục thiết bị quân sự trên đảo Rắn ở Hắc Hải.  Ngay ngày đầu cuộc xâm lăng, hòn đảo chỉ có 0,17 km2 đã trở thành biểu tượng kháng chiến của cả nước. Hôm 24/02, soái hạm Moskva và tuần dương hạm Vassili Bykov đã bắc loa kêu gọi các quân nhân Ukraina trên đảo đầu hàng, nếu không sẽ oanh kích. Roman Gribov, chỉ huy trưởng lực lượng tuần duyên Ukraina khẳng khái đáp lại « Chiến hạm Nga, hãy cút đi ! » - câu nói nay trở thành nổi tiếng.

Đảo Rắn bị dội pháo, tất cả chiến sĩ Ukraina đều bị bắt, nhưng những diễn biến sau đó là thảm hại cho hải quân Nga. Hôm 14/04 soái hạm Moskva bị hai hỏa tiễn Ukraina đánh chìm nhờ dùng một drone Bayraktar đánh lạc hướng. Cũng loại drone này từ 30/04 đã phá hủy được năm giàn pháo phòng không và chống hạm do Nga bố trí trên đảo Rắn. Tiếp theo, bốn tàu đổ bộ Raptor và một tàu lớp Serna bị tiêu hủy. Ngày 07/05, nhờ Nga không còn phòng không, hai chiến đấu cơ Su-27 của Ukraina đã không kích vào một tòa nhà nơi lính Nga đóng, và hôm sau một chiếc Bayraktar hủy diệt một trực thăng vận chuyển Mi-8 lúc hạ cánh xuống đảo, có lẽ nhằm chuyển quân đi.


Dù Ukraina chưa tái chiếm, đảo Rắn giờ đây trở nên vô dụng đối với hạm đội Nga trong chiến lược phong tỏa đường biển Ukraina. Thực tế đã cho thấy rõ Nga không còn cản được phi cơ Ukraina ở miền nam nước này, và không quân Ukraina vẫn hoạt động được. Tuy nhỏ hơn đến 10 lần nhưng không quân Ukraina rất táo bạo : sáng sớm 01/04 hai trực thăng Mi-24 bay rà sát mặt đất đã phá hủy được một kho xăng cách biên giới 40 km và bay về vô sự.

Một trong những sáng tạo của Ukraina là phần mềm « GIS Art for Artillery » phối hợp được nhiều loại vũ khí như đại bác, rốc-kết, drone đang ở gần nhất để tập trung hỏa lực vào một mục tiêu, do chuyên gia Yaroslav Sherstyuk lập ra. Trong khi Nga luôn tập trung nã pháo vào một địa điểm định trước, phần mềm này giúp lực lượng Ukraina bố trí đại bác tại nhiều vị trí khác nhau, tăng tính cơ động và khó bị bắn trả.

Hiệu quả của một quân đội còn từ thiệt hại gây cho quân địch. Trang web Businessinsider.com đăng tên 7 tướng Nga và 17 sĩ quan cao cấp khác đã tử trận từ 24/02, con số quá cao này cho thấy quân đội có những thông tin rất chi tiết có thể từ Mỹ, giúp tấn công đúng lúc và đúng chỗ.


NATO, bước ngoặt lịch sử của Thụy Điển và Phần Lan

Về phía những nước láng giềng đang bị Matxcơva đe dọa, chuyên gia Guillaume Lagane trên Le Figaro nhận thấy « Gia nhập NATO : Bước ngoặt lịch sử của Thụy Điển và Phần Lan ». Nhắc đến câu ngạn ngữ Phần Lan « Chẳng có gì tốt đẹp đến từ phương Đông, trừ ánh mặt trời », tác giả mỉa mai, nếu Vladimir Putin không hủy diệt được sự độc lập của Ukraina, thì cũng đã thuyết phục được hai nước Bắc Âu từ bỏ tư cách trung lập.

Đối với Stockholm, chọn lựa này đã có từ hơn hai thế kỷ, còn Helsinki thì mới mẻ hơn, để tránh bị Liên Xô của Stalin sáp nhập như các nước Baltic. Khác với Thụy Sĩ - trung lập được ghi vào Hiến pháp - hai nước Bắc Âu chọn thái độ trung lập không bị ràng buộc bằng luật pháp. Trên thực tế, tư cách này mang lại lợi ích cho cả Thụy Điển lẫn Phần Lan. Đứng ngoài những căng thẳng thời chiến tranh lạnh, cả hai trở nên thịnh vượng và có ảnh hưởng ngoại giao rộng lớn so với trọng lượng thực sự, đóng vai trò hòa giải trong một số cuộc xung đột.

Chính thái độ hung hăng của Matxcơva đã làm thay đổi. Sau khi Nga chiếm Crimée, Thụy Điển ký hiệp định hợp tác với Hoa Kỳ và Phần Lan mua F-35 của Mỹ. Việc xâm lược Ukraina khiến Stockholm lẫn Helsinki hiểu rằng sẽ không an toàn nếu không được bảo vệ bằng điều 5 của Hiệp ước NATO. Tổng thống và thủ tướng Phần Lan hôm nay 12/05/2022 đã trịnh trọng tuyên bố ủng hộ việc gia nhập NATO, một bước ngoặt rất lớn : NATO sẽ có thêm 280.000 binh sĩ và 300.000 quân dự bị được huấn luyện đầy đủ, biên giới với Nga kéo dài thêm 1.300 kilomet. Quan điểm của Thụy Điển sẽ được biết vào Chủ nhật, có phức tạp hơn vì từng là tiếng nói độc lập trong suốt 200 năm, nhưng tỉ lệ ủng hộ của dân chúng từ 29 % trước chiến tranh Ukraina nay đã vọt lên 60%.


Tập Cận Bình rất cần một chiến thắng trước Covid

Nhìn sang châu Á, Le Monde trong bài « Những lỗ hổng trong chiến lược zero Covid » cho rằng tương lai của Tập Cận Bình trong đảng Cộng sản Trung Quốc tùy thuộc một phần vào tình hình Thượng Hải.

Trong khi thành phố lớn nhất nước bị tê liệt từ hai tháng qua, gây bất mãn ngày càng cao trong dân chúng, thường trực Bộ Chính trị vẫn khẳng định tiếp tục zero Covid. Chỉ vài hôm sau, ngày 10/05, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng chính sách này không thể kéo dài. Thực ra sự ngoan cố của Bắc Kinh che giấu một thực tế phũ phàng : do vaccin Trung Quốc kém hiệu quả và số người trên 60 tuổi ít được chích ngừa, nếu từ bỏ chính sách này có thể 1,55 triệu người sẽ chết - theo nghiên cứu của trường đại học Phục Đán (Fudan).

Nếu Tập Cận Bình trình bày được trước đại hội đảng lần thứ 20 thành công trong việc chống Covid, ông ta sẽ lập được một ban lãnh đạo gồm toàn người của mình. Nếu thất bại, Tập sẽ phải nhượng bộ. Theo ông Lý Thành (Li Cheng), giám đốc John L.Thorton China Center, « Vài nhân vật không phải là người được ông Tập bảo trợ có thể nhận được những vị trí quan trọng ». Nhà Trung Quốc học Alex Payette nhận xét cho đến nay, thành quả của Tập Cận Bình không đáng kể. Chống tham nhũng chưa kết thúc, xóa đói giảm nghèo cũng vậy, kinh tế chậm lại, việc ủng hộ Putin mang lại đầy rủi ro. « Tập hoàn toàn cần đến một chiến thắng trước Covid ».

Trong đại hội, 2.300 đại biểu sẽ bầu ra 376 ủy viên trung ương đảng, sau đó các ủy viên này sẽ chỉ định 25 ủy viên Bộ Chính trị, và rồi Bộ Chính trị đề cử 7 ủy viên thường trực và tổng bí thư. Nhưng thực ra trước đó là cả một quá trình lâu dài chọn lựa các ứng cử viên từ cấp cao, « trò chơi đã bị gian lận từ đầu », theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan.


Thượng Hải, hàn thử biểu cho quyền lực ông Tập và « băng Chiết Giang »

Trong 10 năm trị vì, Tập Cận Bình có thời gian giám sát vô số vụ bổ nhiệm, đặt những người chống đối ra ngoài lề nhờ chiến dịch chống tham nhũng - 46 ủy viên trung ương đã bị thanh trừng.

Nay không còn là sự đối mặt truyền thống giữa hai phe thái tử đảng và Đoàn Thanh niên Cộng sản, mà quyền lực của ông Tập dựa trên « băng đảng Chiết Giang » gồm các quan chức đã khởi nghiệp khi Tập Cận Bình còn là bí thư tỉnh ủy (2002-2007). Ông Lý Thành dự báo khoảng tám, chín trong số này sẽ vào Bộ Chính trị và hai hoặc ba thành ủy viên thường trực. Ở cấp tỉnh, Tập cho thay người liên tục : trước đây bí thư tỉnh ủy thường tại vị khoảng 5 năm, nay chưa đến hai năm rưỡi, khó thể tạo dựng mạng lưới ảnh hưởng. Alex Payette so sánh mạng lưới của Tập Cận Bình với « một vùng nước trải rộng nhưng không có độ sâu ». 

Tương lai của Lý Cường (Li Qiang), bí thư Thượng Hải sẽ là hàn thử biểu cho mức độ khống chế đảng cộng sản của Tập Cận Bình. Xử lý tệ hại dịch Covid, lẽ ra phải bị kỷ luật nhưng « đệ tử ruột » của ông Tập vẫn dự kiến lên làm ủy viên thường trực. Cho đến nay, Tập Cận Bình chưa hề chỉ trích cung cách của Thượng Hải. Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cây bút xã luận dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng của Hoàn cầu Thời báo, do phê phán Lý Cường nên đã bị khóa miệng; cũng như khoảng hai mươi giảng viên đại học đã dám cho rằng một số biện pháp chống Covid là bất hợp pháp.

Nếu lâu nay Tập Cận Bình vẫn nói về « chiến thắng » trước Covid, giờ đây chỉ dùng từ ngữ « cuộc chiến ». Một dấu hiệu được Le Monde chú ý : tỉnh Quảng Tây ngỡ rằng làm đẹp lòng ông chủ khi xuất bản một cuốn Sách Đỏ với tư tưởng Tập Cận Bình, nhưng tập sách này đã bị thu hồi. Chừng như trong lúc này, tôn sùng cá nhân có thể phản tác dụng.


Phe Marcos quay lại : Dân túy ở Philippines được mạng xã hội tiếp sức

Tại Đông Nam Á, Le Monde nói về « Sự quay lại của phe Marcos ở Philippines mang dư vị cay đắng ». Ba mươi sáu năm sau khi chế độ độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ, chiến thắng của con trai ông, không chỉ là sự trả thù của gia tộc này, mà còn cho thấy những khó khăn của dân chủ trước xu hướng dân túy.

Ferdinand Marcos Jr tức « Bongbong » hay « BBM » không phải là khuôn mặt xa lạ trên chính trường. Nhưng những câu chuyện trên mạng YouTube, Facebook, TikTok đã biến giai đoạn trị vì khắc nghiệt của Marcos thành một thời kỳ vàng son dưới mắt nhiều người Philippines, bất chấp những tội ác, lạm dụng lệnh thiết quân luật, và kinh tế hầu như phá sản năm 1984-1985. Ở một nền dân chủ yếu kém như Philippines, tân tổng thống có thể lợi dụng để chấm dứt nỗ lực thu hồi số tiền khổng lồ mà gia tộc ông ta đã cướp đoạt.

Việc con trai nhà độc tài đắc cử tổng thống phần lớn còn do đứng chung liên danh với Sara Duterte, con gái của tổng thống mãn nhiệm Rodrigo Duterte - nay trở thành phó tổng thống. Nhà báo Philippines, giải Nobel hòa bình Maria Ressa tố cáo « sự đô hộ kỹ thuật số » của các mạng xã hội lớn, « biến dối trá thành sự thật ». Và sự quay lại nắm quyền của nhà Marcos ở Philippines có giá trị cảnh báo.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.