lundi 7 février 2022

Thái Hạo - Giải thiêng bánh chưng


Giải hoặc hay giải thiêng, giải ảo, đó là một trong những cách để trả đối tượng về đúng chỗ của nó, đặng thoát khỏi những ràng buộc ghê gớm của quá khứ, của các giáo điều và lớp sương khói huyễn ảo. Và nhà văn Phạm Thị Hoài đã cố làm điều đó với bánh chưng bằng bài viết đang gây nhiều tranh cãi của mình.

Câu hỏi đặt ra là, bánh chưng có còn "thiêng", còn "ảo", còn "hoặc" nữa không để mà "giải". Trong quan sát của tôi thì câu trả lời là "không".

Ngày nay, tính chất nghi lễ, thần bí, huyễn hoặc ở cội nguồn và mong cầu của người dân từ chiếc bánh chưng đã phôi phai gần hết. Không cần phải đợi đến tết để được ăn bánh chưng như xưa, từ hàng chục năm nay, bánh đã được bán như một món đồ ăn sáng, ăn vặt. Có cả bánh chưng nấu lẫn bánh chưng chiên từ chợ quê ra tới thành thị.

Trước đây, quá trình làm ra một chiếc bánh chưng cho đến khi đặt lên bàn thờ gia tiên là vô cùng trang nghiêm thành kính, nhưng bây giờ thì giản dị và bình dân hơn nhiều. Bánh chín, nhà nào cẩn thận thì đặt riêng vài cặp sang bên để thờ và lập tức “ăn ngay cho nóng”, chứ không cần đợi “cúng trước ăn sau” như xưa nữa. Sự “suồng sã", giản dị, gần gũi đã trở nên một lối ứng xử phổ biến đối với món bánh “cúng cụ” này.

Tôi đồ rằng, sự tích bánh chưng chỉ tồn tại trong giới có học/đọc sách, còn người bình dân – những người đã giữ bánh chưng một cách bền bỉ và trung thành nhất lại không mấy ai hay biết gì về vũ trụ quan hoặc triết lý này nọ ở chiếc bánh hình vuông ấy. Thực ra, họ không thèm để ý đến nó, với họ chuyện ấy không quan trọng. Bằng chứng là người miền Nam chủ yếu làm bánh tét hình trụ tròn, và chuộng bánh tét, chứ không phải bánh chưng vuông. Miền Bắc thì luôn gói cả hai loại tròn và vuông này.

Để kiểm chứng sự quan sát và suy luận của mình, hai hôm nay tôi đã đi hỏi những người nông dân quanh mình, từ bậc cha chú đến các cụ già, rằng bánh chưng có ý nghĩa gì/ có câu chuyện gì về nguồn gốc của nó… Câu trả lời mà tôi nhận được là những sự ngạc nhiên và những nụ cười. Họ nói không, không biết, tết thì nấu bánh chưng mới phải là tết, mới vui và cho bọn trẻ con thích. Không nấu bánh gần như không thấy không khí tết và ngôi nhà thì lạnh lẽo; chứ họ không biết gì về cái “sự tích” kia cả.

Nhưng con trai tôi thì biết, bọn trẻ con đi học và xem YouTube, chúng biết cái sự tích và những thứ triết lý lăng nhăng mơ hồ gì đó xung quanh chiếc bánh. Truyện bánh chưng mới được ghi trong sách Lĩnh Nam chích quái từ thế kỷ 15, và đến thời hiện đại thì đưa vào sách giáo khoa.

Việc “nâng cấp” và phổ biến để phủ lên bánh chưng một lớp sơn để thỏa mãn “niềm tự hào dân tộc” vốn luôn là ý đồ của các tầng lớp cai trị ở Việt Nam xưa nay là một hành xử hậu kỳ; và nhất là dù sao cũng vẫn không có mấy ý nghĩa đối với những người Việt bình dân, cái đại bộ phận vốn thủy chung nhất với món bánh này. Và tôi cũng đoan chắc rằng, cái bọn trẻ con đang biết những bài học đó, như con tôi, sẽ không phải là những người sẽ giữ tục nấu bánh chưng ngày Tết cho dân ta.

Tóm lại, bánh chưng không cần cố giải ảo làm gì, vì nó vốn chẳng ảo chút nào đối với những người yêu và gắn bó nhất với nó. Và, những gì có vẻ hệ trọng, linh thiêng xung quanh chiếc bánh ấy cũng đã không còn. Bánh chưng, hiện chỉ còn là một món bánh gần gũi, món bánh của sự đầm ấm, của sum vầy, của những tình cảm hết sức con người.

Và cũng chính vì thế, việc cố đạp đổ nó là một việc vừa không sát thực tế vừa phí công vô ích và dễ làm tổn thương nhau một cách không cần thiết.

P/S: Tôi vào trang chị Hoài và giật mình vì đọc thấy rất nhiều còm chửi rủa, mạt sát thô lỗ. Điều đó thật tệ hại...

THÁIHẠO 05.02.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.